THANH TOÁN QUỐC TẾ (PHẦN 1) - VILAS

Thanh toán quốc tế là mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền hoạt động kinh tế quốc dân.Thanh toán quốc tế là khâu quan trọng của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức thuộc các quốc gia khác nhau. Thanh toán quốc tế góp phần giải quyết mối quan hệ hàng hoá tiền tệ, tạo nên sự liên tục của quá trình sản xuất và đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hoá trên phạm vi quốc tế. Nếu hoạt động thanh toán quốc tế được tiến hành nhanh chóng, an toàn sẽ khiến cho quan hệ lưu thông hàng hoá tiền tệ giữa người mua và người bán diễn ra trôi chảy, hiệu quả hơn.

 

I. Phương thức thanh toán nhờ thu

Phương thức thanh toán nhờ thu là phương thức thanh toán mà người bán sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ giao hàng thì lập hối phiếu gửi đến ngân hàng nhờ thu hộ tiền ghi trên hối phiếu.

1.Các bên tham gia giao dịch thanh toán

  • Người nhờ thu (Principal): là bên ủy thác nhờ thu cho ngân hàng (người xuất khẩu, người cung ứng dịch vụ,…) gọi chung là người bán.
  • Ngân hàng chuyển (Remitting bank): là ngân hàng mà người nhờ thu đã giao ủy thác nhờ thu.
  • Ngân hàng thu (Collecting bank): là ngân hàng thực hiện hành động thu tiền, thường là các ngân hàng đại lý của ngân hàng chuyển tại nước của người mua.
  • Người trả tiền (người mua, người nhập khẩu) : là người mà chứng từ xuất trình đòi tiền anh ta theo quy định của chỉ thị nhờ thu.

 

2. Các hình thức nhờ thu

2.1 Nhờ thu trơn

Người bán nhờ ngân hàng thu hộ tiền hối phiếu ở ngân hàng mua nhưng không kèm theo điều kiện gì cả.

Phương thức nhờ thu trơn ít được sử dụng trong thanh toán quốc tế vì:

+ Không đảm bảo quyền lợi của bên bán vì việc nhận hàng và thanh toán không ràng buộc nhau. Người mua có thể nhận hàng rồi nhưng không trả tiền hoặc chậm trễ trong thanh toán.

+ Ngân hàng chỉ là trung gian đơn thuần thu tiền hay không nhưng ngân hàng cũng thu phí và không chịu trách nhiệm nếu bên nhập khẩu không thanh toán.

Vì vậy nếu là người xuất khẩu ta chỉ nên sử dụng phương thức ngày trong những trường hợp tín nhiệm hoàn toàn bên nhập khẩu, giá trị hàng hóa nhỏ, thăm dò thị trường, hàng tồn kho quá nhiều.

 

Quy trình nhờ thu trơn:

(1) Người xuất khẩu giao hàng và bộ chứng từ hàng hóa cho người nhập khẩu.

(2) Người nhập khẩu lập hối phiếu và gửi đến ngân hàng phục vụ mình, ủy thác ngân hàng thu hộ tiền người nhập khẩu.

(3) Ngân hàng nhận ủy thác gửi kèm theo hối phiếu cho ngân hàng phụ vụ mình, ủy thác cho ngân hàng đại lý thông báo cho người nhập khẩu biết.

(4) Ngân hàng đại lý gửi hối phiếu đến cho người nhập khẩu để yêu cầu chấp nhận hoặc thanh toán.

(5) Người nhập khẩu sau khi kiểm tra, tiến hành trả tiền/ký chấp nhận trả tiền hoặc từ chối trả tiền và gửi cho ngân hàng.

(6) Ngân hàng đại lý chuyển tiền hoặc hối phiếu cho ngân hàng ủy thác.

(7) Ngân hàng ủy thác sau khi ghi có thì báo có cho người xuất khẩu hoặc thông báo gửi hối phiếu lại cho người xuất khẩu.

 

2.2 Nhờ thu kèm chứng từ

Nhờ thu kèm chứng từ là sau khi người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng thì lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hối phiếu) và nhờ ngân hàng thu hộ tiền tờ hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền thì ngân hàng mới giao bộ chứng từ cho người mua.

Có 2 loại thanh toán nhờ thu kèm chứng từ: nhờ thu trả ngay (Documents against payment, D/P) và nhờ thu trả chậm (Documents against acceptance, D/A):

+ Nhờ thu trả ngay: Phương thức này quy định người nhập khẩu phải thanh toán tiền ngay khi nhận bộ chứng từ.

+ Nhờ thu trả chậm: Phương thức này cho phép người mua không phải thanh toán ngay nhưng phải ký chấp nhận thanh toán trên hối phiếu có kỳ hạn được ký phát bởi người xuất khẩu. Thông thường hối phiếu đã được chấp nhận sẽ được giữ tại ngân hàng nhờ thu (ngân hàng người nhập khâu cho đến ngày đáo hạn. Tới ngày này, người mua phải thực hiện thanh toán như đã chấp nhận.

 

Quy trình nhờ thu kèm chứng từ:

(1) Người xuất khẩu giao hàng.

(2) Người xuất khẩu lập bộ chứng từ thanh toán (chứng từ giao hàng và hối phiếu gửi ngân hàng nhờ thu tiền).

(3) Ngân hàng xuất khẩu chuyển bộ chứng từ thanh toán cho ngân hàng đại lý, nhờ thu hộ số tiền.

(4) Ngân hàng đại lý sau khi kiểm tra, giữ bộ chứng từ hàng hóa và gửi hối phiếu đến người nhập khẩu để yêu cầu thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán (kèm theo bản sao hóa đơn thương mại ) tùy theo các loại nhờ thu kèm chứng từ.

(5) Người nhập khẩu sau khi kiểm tra tùy theo thời hạn thanh toán là trả ngay hay trả sau mà tiến hành trả tiền hay trả sau mà tiến hành trả tiền hay ký chấp nhận trả tiền hoặc từ chối trả tiền và gửi ngân hàng.

(6) Ngân hàng đại lý chuyển giao bộ chứng từ hàng hóa cho người nhập khẩu để nhận hàng (khi ngân hàng đã nhận được sự đồng ý thanh toán của ngân người nhập khẩu).

(7) Ngân hàng đại lý chuyển tiền gửi giấy báo có hoặc hối phiếu đã chấp nhận về ngân hàng nhờ thu bên xuất khẩu, hoặc thông báo về sự từ chối và gửi lại phối phiếu bị từ chối và bộ chứng từ.

(8) Ngân hàng ủy thác tiến hành thanh toán cho người xuất khẩu hoặc chuyển hối phiếu đã chấp nhận hoặc thông báo về sự từ chối thanh toán của người nhập khẩu và trả lại hối phiếu và bộ chứng từ hàng hóa cho người xuất khẩu.

 

Nhận xét

Nhìn chung, hình thức nhờ thu kèm chứng từ người bán ngoài việc ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền còn ủy thác cho ngân hàng khống chế bộ chứng từ hàng hóa đối với người mua. Đây là sự khác biệt với nhờ thu trơn, với cách khống chế này, quyền lợi của người bán được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, nhờ thu kèm chứng từ vẫn còn những hạn chế cơ bản sau: Tuy đã khống chế được quyền định đoạt đối với hàng hóa của người mua nhưng chưa khống chế được người mua có trả tiền hay không. Người mua có thể chậm trễ hoặc không thanh toán bằng cách trì hoãn việc nhận chứng từ hàng hóa hoặc không nhận hàng nữa.

  • Việc thanh toán diễn ra chậm chạp;
  • Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian là người thu hộ tiền, không chịu trách nhiệm đối với việc trả tiền của người nhập khẩu.

Tổng hợp và Biên soạn: Thanh Thúy

   

Từ khóa » Da Là Gì Trong Thanh Toán Quốc Tế