Thành Viên:Dohoangnam182/Phiên Chuyển Tên Riêng Và Thuật Ngữ ...

Các cuộc tranh luận ở nước ta quanh vấn đề viết tên người, tên đất của nước ngoài trong tiếng Việt đã diễn ra từ lâu, nay lại đang sôi nổi và vẫn chưa thể đi đến một kết luận thống nhất. Vì thế, các văn bản pháp quy về vấn đề này do các cơ quan hữu trách ban hành đã đưa ra những quy tắc không nhất quán, thiếu tính khả thi và đôi lúc trái ngược nhau. Đối chiếu cách giải quyết vấn đề này ở các nước trên thế giới với thực trạng hiện hành tại Việt Nam, cần tìm một giải pháp nhất quán khả dĩ chấp nhận được. [1]

Tranh luận về việc giữ nguyên ngữ hay phiên âm tên tiếng nước ngoài trong tiếng Việt

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều ý kiến cho rằng việc phiên âm/phiên chuyển tên tiếng nước ngoài sang tiếng Việt gây bất tiện trong giao tiếp và trong khoa học nên ủng hộ cách để nguyên dạng, hoặc phiên tự Latin nếu ngôn ngữ gốc không dùng bộ chữ cái Latin. Ví dụ Moskva, Washington, Montesquieu, Leonardo da Vinci, Nikita Sergeyevich Khrutchev…

Tuy nhiên nó làm nảy sinh vấn đề: viết theo “nguyên hình” của nguyên ngữ (tức là từ gốc hay “bản ngữ”) nào. Đa số người biết tiếng Anh đã coi cách viết của người Anh chính là từ gốc, nên hiện nay báo chí và các phương tiện truyền thông thường viết và đọc tên nước ngoài theo tiếng Anh: Moscow, Warsaw. Những người am hiểu tiếng Pháp lại có xu hướng coi cách viết của người Pháp là từ gốc: Moscou, Varsovie. Những người du học ở Nga về coi Moskva và Varszawa mới là từ gốc. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm nước có những ngôn ngữ khác mà người Việt chưa biết tới thì sẽ viết theo nguyên ngữ hay “từ gốc” nào.[1]

Khó khăn ở việc không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng. Ví dụ, tên nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan là tên tiếng Anh, nguyên dạng tiếng Bồ Đào Nha là Fernão de Magalhães và nếu theo tiếng Tây Ban Nha, nơi nhà thám hiểm này là công dân và phục vụ lâu nhất là Fernando de Magallanes. Một ví dụ khác, Brazil là tên tiếng Anh, đúng nguyên ngữ (tiếng Bồ Đào Nha) là Brasil, vì thế ta có từ phiên âm theo nguyên ngữ là Bra-xin.

Rất nhiều ngôn ngữ hiện nay dùng chữ cái Latin nhưng ghi tên riêng khác với tiếng Anh. Nếu theo quan điểm giữ nguyên dạng ngôn ngữ gốc thì Hung-ga-ry phải viết là Magyarország (theo tiếng Anh: Hungary), Ba Lan là Polska (tiếng Anh: Poland), Đức là Deutschland (tiếng Anh: Germany), CH Czech là Ceská Republika (tiếng Anh: Czech Republic). Các thành phố và bang của Đức như Munich, Cologne, Bavaria viết nguyên dạng là München, Köln, Bayern.

Thủ đô của Ba Lan nguyên ngữ là Warszawa, chuyển thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha), phiên âm tiếng Việt là Vac-sa-va. Vì vậy không có cách viết thống nhất hay giữ nguyên dạng giữa những ngôn ngữ cùng hệ Latin.

Thêm vào đó, trong các ngôn ngữ không dùng mẫu tự Latin thì sự không thống nhất nguyên dạng càng lớn hơn. Ví dụ, họ tên cố lãnh đạo Libya Mu-am-ma Ca-đa-phi bằng tiếng Anh: có một bài báo trên tờ The Christian Science Monitor luận về cách viết nên theo: Gaddafi, Kadafi, Qaddafi, Qadhafi hoặc Kaddafi; còn tên của ông ấy là Muammar, Moammar, Mu'ammar hoặc Moamar.

Bangkok quen thuộc với chúng ta qua tiếng Anh nhưng tiếng Thái gọi thành phố này là Krung Thep. Tên nước Ai Cập gọi theo tiếng Anh là Egypt, nhưng nguyên ngữ Ả Rập lại là Misr (phiên tự), còn thủ đô Cairo nguyên ngữ là Al-Qa--hirah.

Bên cạnh đó, một nhược điểm của tiếng Anh là khi đọc hay nói tên họ của một người Anh người ta thường phải hỏi lại cách viết. Ví dụ Lee, Li hay Leigh đều đọc/nói là “Li”, Green hay Greene đều đọc là “Grin”.

Một ví dụ khác là tiếng Anh thiếu âm “ư”, do đó âm này hoặc bị phiên thành “y” (như trường hợp đối với tiếng Nga, trong khi “y” cũng dùng để phiên chữ/âm i ngắn), hoặc thành “u” (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn-ze-nit-xưn thành Solzhenitsyn; Kô-i-zư-mi thành Koizumi.

Phiên âm tiếng Việt có ưu điểm hơn tiếng Anh khi dùng cho những ngôn ngữ có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Thái.[2]

Quy tắc nhất quán cho việc viết tên nước ngoài trong tiếng Việt: phiên chuyển (phiên âm kết hợp chuyển tự)

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước hết, có thể nghĩ đến việc phiên âm tất cả các danh từ riêng Latin hoặc Latin hóa thành các từ Hán - Việt như ông cha ta đã làm xưa kia. Khi ấy, ta sẽ có một nguyên tắc nhất quán như Trung Quốc đang áp dụng hiện nay, nghĩa là bỏ Singapore hoặc Xin-ga-po hay Xingapo để trở về với Tân Gia Ba, bỏ Philippines hoặc Phi-líp-pin hay Phili-pin để viết Phi Luật Tân, bỏ Canada hoặc Ca-na-đa hay Canađa để trở về Gia Nã Đại, bỏ Montesquieu hay Môngtexkiơ hoặc Mông-te-xki-ơ để viết Mạnh Đức Tư Cưu… Nhưng phương án này không thể thực hiện được, vì chẳng còn mấy ai biết chữ Hán để viết như các cụ xưa, dù là viết lại bằng chữ quốc ngữ. Hơn nữa, đây là một giải pháp phản tiến hóa đối với thế giới hiện đại (ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần có thêm hệ thống phiên âm Latin để trợ giúp cho chữ Hán tượng hình của họ).

Một số người ủng hộ giải pháp dùng chữ cái Latin để viết đúng các từ gốc nguyên dạng bản ngữ. Nhưng đó cũng là một giải pháp bất khả thi, vì không ai biết hết hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới để viết đúng tiếng bản ngữ, và bảng chữ cái Latin cũng không đủ khả năng thể hiện được tất cả các ngôn ngữ đó. Nhiều người ủng hộ giải pháp này do lầm tưởng tiếng Anh chính là dạng nguyên gốc của ngôn ngữ các nước, trong khi chính các nước là quê hương của chữ cái Latin cũng không thể áp dụng giải pháp này.[1]

Vậy, một đề xuất khác là phiên chuyển (phiên âm kết hợp chuyển tự) tên nước ngoài bằng chữ quốc ngữ Latin dưới dạng dùng dấu gạch nối (-) để chia tách những từ đa âm thành nhiều âm tiết đơn.

Phiên âm

[sửa | sửa mã nguồn]

Phiên âm là ghi đúng hoặc gần đúng âm của từ nước ngoài bằng các âm, vần của bản ngữ.

Những tên phiên âm (transcription) được thực hiện theo 2 cách: trực tiếpgián tiếp qua tiếng Hán:

  • Phiên âm trực tiếp: I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a, Viên, Pa-ri,…
  • Phiên âm gián tiếp nguyên tên: Ấn Độ, Phần Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…
  • Phiên âm gián tiếp viết tắt tên: các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga,… các châu Úc, Phi, Á, Âu,…

Phiên âm trực tiếp là một công việc khó khăn nhất, vì ngữ âm của các ngôn ngữ trên thế giới rất đa dạng và rất khác với tiếng Việt. Muốn làm được việc này cần hiểu biết sâu sắc ngữ âm nhiều ngoại ngữ và cả ngữ âm tiếng Việt. [3]

Chuyển tự

[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyển tự chuyển từ mẫu tự này sang con chữ tương đương ở mẫu tự khác, thường là theo bảng chữ cái Latin.

Những tên chuyển tự (transliteration) có 2 loại:

Chuyển tự từ các văn tự không phải Latinh sang chữ Latinh còn gọi là Latinh hoá (Latinization hay Romanization), như từ các bộ chữ khối vuông gốc Hán, các bộ chữ gốc Ấn Độ, gốc Ảrập, gốc Hi Lạp,… Những địa danh với các loại văn tự này hầu hết đã được Latinh hoá và chuẩn hoá thông qua UNGEGN. Chúng ta thường tiếp cận dưới dạng này: Peking/Beijing, Bāgdhād, Irāq, Yahamoto,…

Chuyển tự từ các bộ chữ Latinh khác nhau ra chữ Việt có nghĩa là thay thế một số con chữ. Vì bộ chữ Việt hạn chế hơn bộ chữ Latinh và có nhiều nét khác biệt, ví dụ: chữ “x” Việt, vốn là chữ ghi âm [ks] trong tiếng Latinh và các ngôn ngữ Pháp, Anh,… (như examen, oxygen, example), tương ứng với “s” Latinh và IPA; “s” Việt tương ứng với “sh” [∫]; “d” Việt tương ứng “z”,… cho nên cần phải chuyển tự và cũng cần bổ sung một số con chữ trong bảng chữ quốc ngữ (chúng tôi sẽ nói đến vấn đề này trong bài sau). Kiểu chuyển tự này vẫn thấy trong ĐDNN các nước khác. Trong tiếng Đức, chữ “v” đọc là [f], “w” – [v] nên địa danh có “v” đều chuyển tự thành “w”, như: Moskwa, Warzsawa,…[3]

Phiên chuyển

[sửa | sửa mã nguồn]

Chúng ta sử dụng kết hợp biện pháp vừa phiên âm vừa chuyển tự và gọi chung là phiên chuyển tiếng nước ngoài. Công việc chính trong việc phiên chuyển (thuật ngữ này chỉ có riêng trong tiếng Việt) tên riêng từ các ngôn ngữ có văn tự Latinh hoặc Latinh hoá là phiên âm kết hợp với chuyển tự. Ví dụ, với địa danh đã Latinh hoá qua tiếng Anh: Afghanistan. Việt hoá cả âm lẫn chữ thành Apganixtan (chuyển âm thành [f] thành [p] và chuyển tự “s” thành “x”. Nguyên ngữ là Afğānistān trong tiếng Pashto và Afqânestân trong tiếng Dari – đây là hai ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Thao tác trên gọi bằng từ “phiên chuyển” là đúng nhất. Trong phiên chuyển ĐDNN ra tiếng Việt, người ta ít khi tách rời việc phiên âm và chuyển tự. Hơn nữa, phiên âm và chuyển tự ở đây không có nghĩa là chuyển đổi một đối một như ta vừa thấy mà có thể thêm, bớt âm, chữ, cụm chữ, âm tiết. Chúng ta sẽ thấy điều này trong bảng những quy tắc phiên chuyển và trong danh mục các địa danh phiên chuyển sau này. Nhưng dù phiên chuyển bằng cách nào, kết quả vẫn không được quá xa với địa danh gốc, với sự cố gắng tối đa bám sát địa danh gốc, nhất là ngữ âm.

Một điều cần lưu ý là do ảnh hưởng của tiếng Pháp mà vần -an cuối từ trong nhiều tên riêng nước ngoài đều bị đọc sai là -ăng, hiện nay, trên đài truyền hình vẫn phát âm sai như vậy: Apganixtan đọc sai thành Apganixtăng, cũng như: Sudan – Xu-đăng, Liban/Libanon – Li-băng,… Tuy nhiên, tên những nước trong Liên Xô cũ có vần cuối -an, nhờ ảnh hưởng của tiếng Nga mà tránh được cách đọc sai:[3]

  • Kazakhstan - Ka-zăc-xtan
  • Kyrgyzstan - Kư-rơ-gư-xtan
  • Tajikistan - Ta-ji-ki-xtan
  • Turkmenistan - Tuôc-mê-ni-xtan
  • Uzbekistan - U-zơ-bê-ki-xtan

Nguyên tắc chung

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Phiên chuyển tên riêng nước ngoài bằng các âm, vần và chữ Việt dựa vào cách đọc trực tiếp của nguyên ngữ có thể biết được. Trường hợp chưa đọc được nguyên ngữ thì phiên chuyển gián tiếp qua ngôn ngữ khác.
  2. Tách rời các âm tiết bằng cách dùng dấu gạch nối (-) để chia tách những từ đa âm thành nhiều âm tiết đơn, không đánh dấu thanh điệu của tiếng Việt (ngoại trừ những ngôn ngữ có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Thái)
  3. Ví dụ: Gô-xen Xan-va-đo A-len-đê (Tây Ban Nha: Gossen Salvador Allende); Hai-nơ-rich Bruy-ninh (Đức: Heinrich Bruning).
  4. Bổ sung một số âm và tổ hợp phụ âm đầu từ, đầu âm tiết để phiên chuyển.
    1. Các phụ âm đầu: bổ sung br, cr, xc, đr, xw, tw, vv. Ví dụ: Đruy-ông (Pháp: Druon);  Xcac-la-ti (Italia: Scarlatti)
    2. Các phụ âm cuối: sử dụng các phụ âm cuối tiếng Việt: n, m, p, l, c, ch, ng, nh, t. Ví dụ: Ma-đrit (Tây Ban Nha: Madrid); Ap-ta-li-ông (Pháp: Aftalion).
  5. Sử dụng bốn chữ cái F, J, W, Z (f, j, w, z) để phiên chuyển, dùng âm như nguyên ngữ: không thay thế f bằng ph, không thay thế w bằng o hoặc u, không thay thế z bằng d, không thay thế j bằng gi.
  6. để:
    • Viết các đơn vị đo lường, các kí hiệu quốc tế trong hoá học và khoa học tự nhiên, tên viết tắc các tổ chức quốc tế. Ví dụ: W = Wat, J = Jun, Fe = Sắt, WTO = Tổ chức Thương mại Thế giới.
    • Ví dụ: Frăng-xoa Bu-sê (Pháp: François Bouchet), Jêm Biu-ca-nân (Anh: James Buchanan), Wa-sinh-tơn (Washington), Niu Zi-lân (New Zealand)
  7. Các cặp chữ cái c và k; i và y; ph và f; j, gi và z đều được dùng để phiên âm căn cứ vào nguyên ngữ: nguyên ngữ dùng chữ cái nào thì chuyển sang tiếng Việt dùng chữ cái tương ứng.
  8. Một số trường hợp thêm ơ, ví dụ: Ma-rơ (Marr), Tơ-roa (Troie).
  9. Tên người và tên địa lí của các dân tộc thiểu số Việt Nam viết theo tiếng Việt và ghi chú tên dân tộc trong ngoặc đơn như trong Từ điển bách khoa Việt Nam; ví dụ: Đắc Lắc (Đăk Lăk), Bắc Cạn (Bắc Kạn).
  10. Thuật ngữ gốc tiếng nước ngoài cũng được phiên chuyển theo các nguyên tắc trên. Sử dụng thuật ngữ đã dùng thống nhất trong từng chuyên ngành và liên ngành. Thuật ngữ hoá học tạm thời dùng theo quy định do Ban biên soạn hoá học đề nghị. Ví dụ: dùng i thay cho y (oxi, hiđro) trừ các kí hiệu nguyên tố, các kí hiệu chỉ chức và gốc hoá học al, ol, yl (etanol, metyl); ví dụ: dùng ozơ trong hệ thống hiđrat cacbon (glucozơ), aza trong hệ thống các enzim (lipaza).
  11. Tên thuốc không phiên âm sang tiếng Việt mà sử dụng nguyên dạng theo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Biệt dược cũng được dùng theo nguyên dạng viết trên nhãn mác của loại thuốc đó.
  12. Tính chính thức của tên riêng tiếng nước ngoài đôi khi có thể vi phạm tính hệ thống và tính truyền thống. Do thoả thuận về ngoại giao song phương với các nước, ta đã lấy tên nguyên dạng I-ta-li-aÔ-xtrây-li-a thay cho ÝÚc – là những tên Hán Việt viết tắt đã quen dùng, nằm trong hệ thống địa danh Hán Việt truyền thống chỉ tên nước. Do quan hệ song phương giữa nước ta với các nước trên thế giới nên việc thay đổi tên nước trên bản đồ đều phải thông qua Bộ Ngoại giao để được sự đồng ý của nước bạn.[3]

Đối với các ngôn ngữ có chữ viết dùng hệ thống chữ cái Latinh (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia,...)

[sửa | sửa mã nguồn]

Phiên âm theo cách đọc trực tiếp các ngôn ngữ đó kèm theo chú thích nguyên dạng tên gốc đặt giữa hai ngoặc đơn (hoặc có bảng đối chiếu kèm theo sách).

Ví dụ: Ca-ma-guây (Tây Ban Nha: Camaguey), thành phố ở Cuba

Ai-giơ-nac (Đức: Eisenach), thành phố ở Đức.

Oe-linh-tân (Anh: Wellington), thủ đô của Niu Gi-lân.

Vac-sa-va (Ba Lan: Warszawa), thủ đô của Ba Lan.

Oa-sinh-tân (Anh: Washington), thủ đô của Hoa Kì.

Lân-đân (London), George (Chooc-chơ), Uây-nơ Ru-ni (Wayne Rooney), Ma-ri-lin Mon-rô (Marilyn Monroe), Mac-xơ-oeo (Maxwell), Mac Tơ-uên (Mark Twain)

Cơ-lin-tân Chô-xep Đây-vi-xân (Anh: Clinton Joseph Davisson), nhà vật lí học Hoa Kì.

Đối với các ngôn ngữ không dùng hệ thống chữ cái Latinh (Ả rập, Ấn Độ, Thái, Lào,...)

[sửa | sửa mã nguồn]

Nếu chưa phiên âm được theo cách đọc trực tiếp thì phiên âm qua ngôn ngữ trung gian (tuỳ theo ngôn ngữ đó sử dụng tiếng Anh, Pháp hay tiếng khác) kèm theo chú thích ngôn ngữ trung gian giữa hai ngoặc đơn, ví dụ Niu Đêli (Anh: New Delhi), thủ đô của ấn Độ; hoặc phiên qua dạng Latinh của ngôn ngữ đó (nếu có), ví dụ Ma-xcat (Masqat), thủ đô của Ôman (so sánh tiếng Pháp: Mascate).

Đối với tiếng Trung

[sửa | sửa mã nguồn]

Phiên âm theo âm Hán - Việt (có chú thích âm dạng Latinh của chữ Hán). Ví dụ: Đỗ Phủ (Du Fu), Bắc Kinh (Beijing).

Một số trường hợp không đọc theo âm Hán - Việt thì phiên theo âm dạng Latinh của tiếng Hán. Ví dụ: A-la-san (Alashan), sa mạc ở phía Bắc Trung Quốc.

Đối với tiếng Nga

[sửa | sửa mã nguồn]

Phiên âm trực tiếp từ tiếng Nga, không nhược hoá lược bỏ trọng âm. Ví dụ: Lô-mô-nô-xôp M.V. (ломоносов M.B.) Ta-tia-na (татяна)

Đối với tên riêng nước ngoài đã quen dùng (nhất là phiên theo âm Hán - Việt)

[sửa | sửa mã nguồn]

Giữ nguyên. Ví dụ: Pháp, Anh, Mĩ, Thuỵ Sĩ, Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên nếu có những thay đổi mới về tên riêng theo hướng phiên âm gần với nguyên ngữ (hoặc nước đó đã thay đổi tên gọi) thì sẽ phiên âm tên riêng nước ngoài theo cách mới, có chú thích nguyên ngữ và tên gọi cũ đặt trong ngoặc đơn. Ví dụ: Ô-xtrây-li-a (cũ: Úc); I-ta-li-a (cũ: Ý); My-an-ma (cũ: Miến Điện); Đôn Ki-hô-tê (cũ: Đông Kisôt). [4]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Lê, Vinh Quốc. “ĐỀ XUẤT MỘT QUY TẮC VIẾT TÊN NƯỚC NGOÀI TRONG TIẾNG VIỆT”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp); line feed character trong |title= tại ký tự số 20 (trợ giúp)
  2. ^ Nguyễn, Việt Long. “Cần tiếp cận từ nhiều phía”. Tuổi Trẻ Online. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  3. ^ a b c d “Địa danh nước ngoài trên bản đồ thế giới: khái niệm, thuật ngữ và phương thức nhập nội địa danh”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  4. ^ “Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài của Bách khoa toàn thư tiếng Việt”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)

Từ khóa » Dịch Tên Nước Ngoài Sang Tiếng Việt