Tháp Nhu Cầu Maslow Là Gì? Ý Nghĩa, Phân Tích, ứng Dụng Và Ví Dụ ...
Có thể bạn quan tâm
Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Khái niệm tháp nhu cầu Maslow
“Tháp nhu cầu của Maslow (hay Maslow’s hierarchy of needs) là lý thuyết động lực trong tâm lý học, gồm một mô hình 5 tầng của kim tự tháp thể hiện nhu cầu tự nhiên của con người phát triển từ nhu cầu cơ bản đến các nhu cầu cao hơn: sinh lý (physiological) -> an toàn (safety) -> quan hệ xã hội (love/belonging) -> kính trọng (esteem) -> thể hiện bản thân (self – actualization).”
Ý nghĩa của tháp nhu cầu Maslow
Lý thuyết của Abraham Maslow lập luận rằng con người có một loạt nhu cầu, và những nhu cầu này được phân thành hai nhóm chính là nhu cầu cơ bản (Basic needs) và nhu cầu nâng cao (Meta needs). Khi các nhu cầu cơ bản như ăn, uống, ngủ, nghỉ… được đáp ứng con người sẽ dần chuyển sang nhu cầu cao hơn như nhu cầu được an toàn, tôn trọng, danh tiếng, địa vị… Dựa vào đây mà ông sáng tạo ra tháp nhu cầu.
Ý nghĩa của kim tự tháp Maslow được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, Marketing và cuộc sống. Kim tự tháp lý giải các hành vi của con người mà ngay chính họ không ý thức được điều đó.
Phân tích tháp nhu cầu Maslow
5 bậc của tháp nhu cầu Maslow là gì?
Bậc 1: Nhu cầu sinh lý (Basic Needs)
Nhu cầu cơ bản nhất nằm ở đáy của kim tự tháp. Đây là những nhu cầu về sinh lý và cũng gần như là nhu cầu nguyên thủy– những đòi hỏi về thể chất cho sự sống còn của con người. Nếu những yêu cầu này không được đáp ứng, cơ thể con người không thể duy trì cuộc sống. Những nhu cầu nằm trong danh sách này bao gồm:
- Không khí
- Nước
- Ngủ
- Thực phẩm
- Chỗ trú ẩn
Các nhu cầu sinh lý học được cho là quan trọng bậc nhất đối với mọi cá nhân, vì vậy chúng phải được đáp ứng trước tiên.
Ví dụ: Nhu cầu sinh lý là mức lương cơ bản công ty phải trả cho bạn, chằng hạn là 4 triệu đồng. Với mức lương cơ bản này, bạn có thể chi trả cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân: ăn uống 3 bữa/ ngày, có chi phí đi lại, có đủ quần áo mặc và vấn đề cần thiết khác.
Bậc 2: Nhu cầu được an toàn (Security and Safety Needs)
Khi nhu cầu về thể chất của một người được thỏa mãn, nhu cầu về sự an toàn của họ được ưu tiên. Những nhu cầu đảm bảo an toàn gồm:
- An toàn về sức khỏe.
- An toàn về tài chính.
- An toàn tính mạng, không gây thương tích.
Theo Maslow, chỉ khi các nhu cầu về sinh lý và mức độ an toàn được đáp ứng thì người ta mới có thể cố gắng làm nhiều việc hơn hàng ngày.
Ví dụ: Khi ở mức lương thấp, bạn ở nhà ở mức độ bình thường ít tiện ích sống và xa nơi làm việc. Tuy nhiên khi mức lương tăng lên, bạn sẽ thay đổi nơi ở gần nơi làm việc hơn, không cần dậy thật sớm cũng như về thật muộn. Hơn nữa, nhà phải có thêm các tiện ích như hệ thống báo cháy, chống trộm, bình nóng lạnh hay điều hoà, lò sưởi. Sống ở nơi như vậy, sự an toàn về cuộc sống được nâng lên.
Bậc 3: Nhu cầu về xã hội – kết nối (Social Needs)
Theo tháp nhu cầu Maslow, sau khi các nhu cầu về sinh lý và an toàn được hoàn thành, con người sẽ tập trung vào việc tìm kiếm niềm vui cho cuộc sống.
Nhóm nhu cầu xã hội bao gồm: nhu cầu yêu và được yêu, được chấp nhận và thuộc về một cộng đồng nào đó. Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc kết giao bạn bè, tìm người yêu, tham gia hoạt động xã hội, câu lạc bộ,… Ở cấp độ này, những nhu cầu thuộc về tình cảm chình là yếu tố tác động và chi phối hành vi của con người.
Maslow cho rằng việc yêu thương người khác và được người khác yêu thương là điều tối quan trọng đối với con người. Nếu không có tình yêu có thể dẫn đến những thứ như cô đơn, lo lắng và trầm cảm.
Ví dụ: Khi bạn mới đi làm còn khá bỡ ngỡ vì chưa quen nhiều đồng nghiệp ở môi trường mới. Công ty lại thường tổ chức các buổi tiệc liên hoan hay tiệc sinh nhật để tạo điều kiện cho mọi người giao lưu làm quen. Bạn muốn tham gia các buổi hội họp này để mở rộng mối quan hệ với đồng nghiệp. Qua đây sẽ giúp cho bạn làm quen với môi trường mới nhanh hơn, tâm trạng cũng dễ chịu thoải mái hơn.
Bậc 4: Nhu cầu được kính trọng (Esteem Needs)
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng và được xếp vào loại nhu cầu bậc cao con người. Giống như mong muốn nhận được sự yêu thương, chúng ta cũng cần có nhu cầu nhận được sự tôn trọng và công nhận năng lực.
Nhu cầu này được Maslow phân thành 2 loại:
- Thấp hơn: nhu cầu được người khác tôn trọng (ví dụ: uy tín, sự chú ý, địa vị và danh tiếng)
- Cao hơn: nhu cầu tôn trọng chính bản thân (ví dụ: đạo đức, nhân phẩm, tự do, độc lập, sức mạnh). Một người thiếu lòng tự trọng rất dễ dẫn đến mặc cảm, thường thấy lo lắng trước những điều khó khăn của cuộc sống.
Ví dụ: Bạn là nhân viên mới đến của một phòng Marketing. Sau một thời gian làm và quen với công việc, bạn bắt đầu muốn khẳng định bản thân và chứng tỏ năng lực, bạn muốn mọi người nhìn mình bằng đôi mắt khác có sự kính trọng hơn. Vì vậy, bạn đã cố gắng nỗ lực tăng ca làm thêm, tạo ra nhiều ý tưởng, sáng kiến mới đóng góp cho công ty. Cuối cùng bạn thành công trong nhiều dự án lớn và được thăng chức lên trưởng phòng.
Bậc 5: Nhu cầu được thể hiện bản thân (Self-actualizing Needs)
Đây chính là mức độ nhu cầu cao nhất mà Maslow đề cập đến: khẳng định bản thân. Khi tất cả những bậc nhu cầu ở dưới đã được đáp ứng, con người tiến tới một tầm cao mới, đó là hoàn thành tất cả những gì có thể với khả năng tốt nhất của một người.
Maslow cho rằng nhu cầu này không xuất phát từ việc thiếu một cái gì đó như 4 nhu cầu trên mà nó xuất phát từ mong muốn phát triển của con người.
Những mục tiêu và thành tích này có thể bao gồm những thứ như:
- Nuôi dạy con cái
- Theo đuổi mục tiêu
- Tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn cá nhân
Ví dụ: Bạn làm giáo viên tại một trường học trong thành phố. Tuy nhiên sau một thời gian, bạn phát hiện đam mê của mình là kinh doanh túi xách. Sau đó bất chấp ý kiến của bạn bè, người thân, bạn nghỉ dạy và phát triển mô hình bán hàng online.
Sau 2 năm bạn đạt mức thu nhập khủng và nhận được lời tán dương của bạn bè vì “dám nghĩ dám làm”. Chính kết quả này là tầng Self – Actualization tức là sự thể hiện bản thân đã được đáp ứng. Bạn sống hết mình vì đam mê và dám từ bỏ những gì được cho là “ổn định” để đi tìm giá trị của riêng mình.
Tháp nhu cầu Maslow mở rộng (tháp nhu cầu maslow 8 bậc)
Ngoài 5 cấp bậc trên thì tháp nhu cầu Maslow còn được mở rộng thêm 3 cấp độ khác, được gọi là tháp nhu cầu Maslow 8 bậc gồm:
- Nhu cầu nhận thức (Cognitive): nhu cầu về học hỏi, kiến thức, tò mò và hiểu biết.
Chẳng hạn: Bạn là nhân viên sale và đang ở mức 4, tuy nhiên bạn muốn học thêm 2 ngoại ngữ mới để phục vụ cho công việc. Bạn bỏ ra 2 năm kiên trì cuối cùng thành thạo ngoại ngữ. Vậy nhu cầu nhận thức đã được đáp ứng.
- Thu cầu thẩm mỹ (Aesthetic): nhu cầu về đánh giá, tìm kiếm vẻ đẹp về hình thức.
- Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self- Transcendence): Nhu cầu vượt qua mọi giới hạn của bản thân, tiến về nơi tiềm thức. Chẳng hạn như trực giác, linh cảm, tâm linh, lòng nhân hậu, bác ái. Ví dụ như bạn muốn đi từ thiện giúp đỡ các mảnh đời cơ nhỡ khó khăn.
Những điểm cần lưu ý trong tháp nhu cầu Maslow
Nhu cầu không nhất thiết phải “rập khuôn” như tháp Maslow
Theo mô tả của tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu con người phát triển theo thứ tự từ chân tháp đến đỉnh tháp. Tuy nhiên, Maslow cũng lưu ý rằng những nhu cầu này có thể không cứng nhắc như vậy, mà nó có thể thay đổi thứ tự linh hoạt tùy vào mỗi người và từng hoàn cảnh.
Ví dụ: Có hai người đều 26 tuổi, công việc đều đã ổn định. Song 1 người quyết định cưới vợ, tức là người này đã chọn tầng phát triển mối quan hệ, sau đó mới tiến hành phấn đấu tăng chức, tăng lương. Có thể thấy người này đã thực hiện đúng như học thuyết Maslow là nhu cầu xã hội -> nhu cầu kính trọng.
Và người còn lại không muốn lấy vợ/ chồng ở tuổi 26 mà muốn cố gắng làm việc để thăng chức trong 4 năm tiếp theo. Và theo kế hoạch vạch ra là sẽ lấy vợ/ chồng vào năm 30 tuổi sau khi đã lên chức. Như vậy người này đã chọn thực hiện tầng nhu cầu kính trọng rồi mới thực hiện nhu cầu xã hội (phát triển mối quan hệ).
Tuy nhiên dù các nhu cầu bên trên có thể thay đổi như thế nào đi nữa, thì nhu cầu cơ bản là nhu cầu sinh lý vẫn đóng vai trò quan trọng nhất và là nền tảng để phát triển các nhu cầu tiếp theo.
Nhu cầu không phải lúc nào cũng tăng
Hầu hết mọi người đều mong muốn nhu cầu của mình có thể tăng theo tháp nhu cầu của Maslow. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhu cầu có thể bị gián đoạn do nhu cầu thấp hơn không được đáp ứng. Hoặc trong một số trường hợp, nhu cầu trước đây đã được đáp ứng nhưng do một số biến cố trong cuộc sống như ly hôn, mất việc, nợ nần… nhu cầu có thể được yêu cầu thực hiện lại.
Ví dụ: Bạn đang làm nhân viên với lương khá cao tại một công ty tư nhân. Mục tiêu của bạn là cố gắng lên chức trưởng phòng để nhận được sự kính trọng của mọi người. Bống dưng công ty này rơi vào tình hình khó khăn và phá sản. Bạn mất việc và phải tìm lại công việc khác để đáp ứng nhu cầu sinh lý cơ bản. Như vậy, trong trường hợp này tháp maslow đã giảm do điều kiện của bản thân bạn.
Do đó, không phải bất kỳ người nào cũng có xu hướng phát triển theo cùng một hướng như tháp nhu cầu, mà họ có thể bị dao động qua lại giữa các cấp nhu cầu trong tháp.
Nhu cầu cũ không nhất thiết phải đáp ứng 100% thì nhu cầu mới mới xuất hiện
Theo Maslow, nhu cầu của một người không nhất thiết phải đáp ứng 100% thì nhu cầu mới có thể xuất hiện. Nghĩa là khi một số nhu cầu cơ bản của con người được thỏa mãn ở một mức độ nào đó họ sẽ dần chuyển sang nhu cầu mới.
Ví dụ: Sau khi đạt được nhu cầu sinh lý, bạn thực hiện nhu cầu về an toàn tính mạng nơi ở. Bạn không cần dọn đến chung cư cao cấp có đầy đủ tiện nghi, chỉ cần mức chung cư tầm trung với các tiện ích cần thiết. Trong thời gian hướng đến nhu cầu an toàn, bạn cũng đồng thời có nhu cầu mở rộng mối quan hệ xã hội và thường đi tham gia các buổi liên hoan thân mật của công ty tổ chức.
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị và Marketing? Ví dụ cụ thể
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị
Nhu cầu cơ bản:
Các nhân viên được công ty trả một mức lương công bằng và tương xứng với vị trí, năng lực làm việc. Bên cạnh đó phải đảm bảo những chi tiêu tối thiểu cho nhân viên và có thêm những khoản phụ cấp khác như: tiền xăng xe, tiền ăn uống, thuốc men,… cùng với một chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp.
Nhu cầu an toàn:
Khi làm việc, bất kỳ ai cũng muốn bản thân được đảm bảo an toàn, cũng như những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi hai bên thỏa thuận hợp đồng lao động. Không ai muốn làm việc tại nơi thiếu thốn các tiện ích cũng như nơi vi phạm quy định về an toàn đâu.
Nhu cầu xã hội:
Đáp ứng nhu cầu xã hội trong quản trị thể hiện qua việc xây dựng văn hóa làm việc nhóm, hình thành công đoàn, các khối phòng ban… Ngoài ra, công ty nên thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt, tiệc cuối năm, du lịch, hoạt động ngoại khoá,… để gia tăng tinh thân đoàn kết gắn bó cũng như thỏa mãn nhu cầu mở rộng mối quan hệ xã hội của các nhân viên.
Nhu cầu được tôn trọng:
Muốn đáp ứng nhu cầu này, công ty cần chú ý đến việc đánh giá kết quả làm việc của nhân viên. Không ai muốn mọi sự phấn đấu đều được đánh đồng ngang nhau giữa các nhân viên. Vì thế, muốn quản trị nhân sự tốt phải có chính sách thu hút, tăng lương, tăng chức khi đạt được thành công đáng kể.
Nhu cầu thể hiện bản thân:
Khi hoạt động trong một môi trường làm việc tích cực, các nhân viên đều muốn thể hiện hết khả năng của bản thân. Hãy khai thác và cung cấp các cơ hội phát triển những thế mạnh của từng cá nhân trong công ty, thậm chí có thể cân nhắc trao cho họ những vị trí quan trọng, quyền có tiếng nói chi phối,…Từ đó họ sẽ cảm thấy được quan tâm và cố gắng hết sức để phát triển công ty.
Ví dụ: Đối với nhóm người trẻ tuổi mới ra trường, công ty cần phải cung cấp được tầng nhu cầu sinh lý. Như vậy họ mới đủ sức làm việc cơ bản ở công ty. Ngoài ra, sự trau dồi kinh nghiệm, tăng lương thưởng theo cống hiến cần được đáp ứng. Nếu công ty thật sự quan tâm thì nhu cầu xã hội cũng cần đáp ứng ở nhóm người trẻ này.
Song với nhóm người giỏi có kinh nghiệm lâu năm thì nhu 3 nhóm nhu cầu tầng dưới chưa đủ để giữ chân. Vì thế người quản lý cần có biện pháp khích lệ cao hơn như tăng chức, đề bạc họ trong công ty. Hoặc để họ nắm quyền, có tiếng nói để định hướng một số công việc trong công ty. Tóm lại, áp dụng tháp nhu cầu maslow trong quản trị nhân sự rất quan trọng và cấp thiết.
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong Marketing
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow để xác định khách hàng
- Định hướng được khách hàng của bạn thuộc nhóm bậc nhu cầu nào trong tháp nhu cầu Maslow?
- Xác định khách hàng của bạn là phổ biến hay chỉ là một bộ phận nhỏ?
- Sản phẩm và dịch vụ của bạn có thể đáp ứng được những gì trong tháp nhu cầu?
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh mặt hàng hệ thống an ninh. Điều này có nghĩa là, khách hàng sẽ thuộc vào cấp độ thứ 2 của tháp nhu cầu Maslow.
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong truyền thông
Một khi đã xác định được khách hàng, biết được nhu cầu của khách hàng thì những việc tiếp theo có thể dễ dàng hơn rất nhiều. Thông điệp cần phải hướng tới các vấn đề sau:
- Thông điệp có đang đi đúng hướng giải quyết nhu cầu khách hàng quan tâm hay không?
- Thông điệp sẽ được xuất hiện ở những kênh quảng cáo tiếp thị nào?
- Phải làm sao để khách hàng nhận ra sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn yêu cầu của họ.
Ví dụ: Lamborghini là hãng xe cao cấp hướng đến phân khúc khách hàng giàu có. Họ sử dụng dữ liệu được mua từ ngân hàng và chọn hình thức tiếp thị trực tiếp đến các khách hàng có thu nhập cao hoặc những người dùng có số dư trong tài khoản lớn.
Kết luận
Vậy là các bạn đã cùng Isinhvien tìm hiểu tất cả các nội dung quan trọng của tháp nhu cầu Maslow rồi đấy. Nếu thấy bài này đáp ứng đủ những gì bạn cần tìm, hãy cho isinhvien một like, share hoặc comment để chúng mình có thêm động lực tổng hợp nhiều kiến thức hay hơn nữa nhé!
Từ khóa » Ví Dụ Về Học Thuyết Maslow
-
Ví Dụ Về Tháp Nhu Cầu Maslow Trong Việc Thúc đẩy Chất Lượng Làm ...
-
Tháp Nhu Cầu Maslow Và Ví Dụ Thực Tế (dễ Hiểu) - Nguyễn Trung Bá
-
Tháp Nhu Cầu Maslow: 5 Tầng Ví Dụ Trong Quản Trị Nhân Sự - AgencyVN
-
Tháp Nhu Cầu Maslow Và ứng Dụng Trong Marketing - Gobranding
-
Phân Tích Và Cho Ví Dụ Minh Hoạ Các Học Thuyết động Cơ Maslow ...
-
Kim Tự Tháp Maslow Ví Dụ Thực Tế Của Từng Cấp - Sainte Anastasie
-
Ứng Dụng Tháp Nhu Cầu Maslow Vào Cuộc Sống
-
Tháp Nhu Cầu Của Maslow - Tổng Quan, Phân Tích Và Ví Dụ
-
Tháp Nhu Cầu Của Maslow – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tháp Nhu Cầu Maslow Và ứng Dụng Thực Tế Vào Phát Triển Doanh ...
-
Thuyết Nhu Cầu Của Maslow Với Việc động Viên Người Lao động
-
Tháp Nhu Cầu Maslow Là Gì Và ứng Dụng Trong Cuộc Sống - MarketingAI
-
Hướng Dẫn ứng Dụng Tháp Nhu Cầu Maslow Trong Quản Trị Nhân Sự
-
Phân Tích Lý Thuyết Và ứng Dụng Tháp Nhu Cầu Maslow Trong Marketing