Thế Nào Về Hình Thức đối đáp Trong Ca Dao, Dân Ca - Mai Trang

Có một hằng số bất biến cho mọi thời đại, đó là tình yêu. Khi yêu con người thường có nhu cầu, khát vọng giải bày những tâm trạng, tình cảm, nỗi lòng của mình mà ngôn ngữ đời thường khó diễn đạt hết. Tình yêu nam nữ là tình cảm được thăng hoa đẹp nhất của con người. Ở đó có đủ các sắc thái, tiết tấu, cung bậc, thanh âm... Vì vậy mà sự thể hiện tình yêu trong ca dao nhờ đến một quan hệ có ý nghĩa biểu hiện lớn – quan hệ liên tưởng.

Nếu nói về hình tượng người nông dân Việt Nam ca dao thường dùng những hình tượng quen thuộc trên đồng nội của một đất nước nông nghiệp trồng lúa nước như con cò, hoa sen thì đối với đề tài tình yêu nam nữ, phương tiện biểu hiện hết sức rộng lớn. Điều này dễ hiểu vì rằng mấy ai biết được biên giới và bến bờ của tình yêu. Tuy nhiên trong trường liên tưởng của những chàng trai cô gái bình dân, sự lựa chọn đối tượng biểu đạt gắn với những gì gần gũi, thân thiết với môi trường lao động, sinh hoạt chốn làng quê. Đó là tre, trúc, mận, đào, ngọn mùng tơi, hoa khoai, hoa muống, con đò – bến nước, cây đa – khách bộ hành, thuyền – bến... Cơ chế liên tưởng cũng được thể hiện bằng các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa là chủ yếu. Chính nhờ quan hệ liên tưởng mà kho tàng ca dao trữ tình Việt Nam ngập tràn hình ảnh, hình tượng, sinh động, tinh tế và có giá trị biểu cảm cao.

Nói đến ca dao về đề tài tình yêu nam nữ, chúng ta tự hào được thừa hưởng từ ông cha những bài ca dao thật đẹp về đầy đủ những giai đoạn, những sắc thái của một cuộc tình. Bắt đầu một tình yêu và để có một tình yêu thì trước hết phải là lời tỏ tình. Đây là giai đoạn cực kì khó khăn vì vạn sự khởi đầu lúc nào cũng nan giải. Nói làm sao cho người mình thương hiểu được tình cảm bấy lâu ẩn chứa trong lòng? Đã có người mạnh dạn tỏ tình trực tiếp kiểu:

Gặp đây anh nắm cổ tay

Anh hỏi câu này có lấy anh không?

Có người dùng chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen ở đầu đình làm cái cớ để tỏ tình. Lại có kẻ khôn ngoan hơn dùng lối bắc cầu, nói xa nói gần để tỏ lòng mình:

Đường xa thì thật là xa

Mượn người làm mối cho ta một người

Một người mười chín đôi mươi

Một người vừa đẹp vừa tươi như mình.

Cũng có chàng nói chuyện tầm phơ tầm phào, trên mây trên mưa:

Trên trời mây trắng như bông

Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây

Nhưng tầm phơ tầm phào trên trời là để nói chuyện dưới đất:

Ba cô má đỏ hây hây

Đội bông như thể đội mây về nhà

Có trường hợp, các chàng trai còn vu vơ hơn:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Nhưng chuyện mây xanh, mây trắng, mây vàng tưởng là vu vơ ấy chỉ là để nói về “nàng”:

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng chao chân

Nhưng đó là cách tỏ tình của số ít những chàng trai táo bạo. Tình yêu ban đầu vốn e ấp, khó nói. Biết lòng người ta thế nào, thôi thì mượn một yếu tố gián tiếp để thổ lộ lòng mình. Vì vậy mới có chiếc cầu tình yêu trong ca dao thật thơ mộng, trữ tình.

- Đó là chiếc cầu rộng một gang, chiếc cầu bằng dãi yếm:

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dãi yếm cho chàng sang chơi.

- Đó là chiếc cầu được xe bằng sợi chỉ:

Sông cách sông, thủy cách thủy

Em xe sợi chỉ em bắc cây cầu

Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư

- Đó còn là chiếc cầu độc đáo làm bằng ngọn mồng tơi:

Gần nhà mà chẳng sang chơi

Để anh bắc ngọn mùng tơi làm cầu.

- Lãng mạn hơn, bay bỗng hơn là một chiếc cầu được làm bằng một cành hoa hồng:

Đôi ta cách một con sông

Muốn sang anh ngã cành hồng cho sang.

Và còn bao nhiêu cây cầu bang giao tình cảm, tình yêu đôi lứa như thế nữa. Chiếc cầu rộng một gang làm bằng giãi yếm, bằng ngọn mùng tơi, bằng sợi chỉ hay bằng cành hoa hồng, rõ ràng đây là điều không có thực. Nhưng đó lại là cái chân thực đến cảm động của tình cảm và ước mơ, của một khát vọng tình yêu hết sức đẹp đẽ. Sở dĩ điều kì diệu trên được chấp nhận vì nó có cơ sở liên tưởng của nó.

Nước ta là đất nước bán đảo với sông suối, kênh rạch chằng chịt. Khi xã hội chưa phát triển thì chuyện “cách trở đò ngang” là chuyện phổ biến ở làng quê. Vậy nên có câu:

Sang sông thì phải lụy đò

Tối trời thì phải lụy o bán dầu

Tất nhiên thì khi yêu nhau, sự xa cách về không gian trở nên nhỏ bé, bởi:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

Vậy nên trước con mắt của kẻ đang yêu, cong sông không đủ để làm cách trở. Đến đây ta hiểu được rằng, cây cầu mơ ước trên chỉ là cách để những người dang yêu thổ lộ tình yêu của mình. Ta thấy được sự trìu mến trong ước mơ, sự khát khao được gặp gỡ, gần gũi và sẻ chia của những chàng trai, cô gái.

Bên cạnh đó, cũng có những bài ca dao tỏ tình một cách đầy hình ảnh ẩn dụ bằng lối đối đáp dân gian.

- Đôi thứ nhất:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng được chăng?

Đan sàng thiếp cũng xin vâng

Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng?

- Đôi thứ hai:

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng đã có nhưng chưa ai vào.

- Một đôi khác, cô gái bạo dạn mở lời:

Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng

Cau xanh ăn với trầu vàng nên chăng?

Chàng trai còn chờ đợi gì nữa mà không bày tỏ:

Trầu vàng ăn với cau xanh

Duyên em gắn với duyên anh đương vừa.

Trong trường hợp đầu, chàng trai còn e ngại nên chỉ dám nói một cách rụt rè rằng tre non nhưng đã đủ lá và ngõ ý hỏi cô gái đan sang được chăng?

Nói như vậy là tài tình, khéo léo vì công thủ toàn diện. Cô gái nhận lời và khẳng định với chàng trai tình cảm vừa đến độ cính của mình: “Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng”. Như vậy là chàng trai đã thành công. Thật có đôi khi sự rụt rè, thật thà như chàng trai lại khôn ngoan và nên chuyện.

Nếu ở trên dùng thủ pháp ẩn dụ thì ở trường hợp thứ hai tác giả dùng thủ pháp nhân hóa. Với chuyện mận – đào – vườn hồng – có lối – chưa ai vào, ta lại thấy cách liên tưởng, tưởng tượng tài tình của ca dao. Bài ca dao có lẽ ai cũng đã hiểu. Ở đây, người viết xin mạo muộn nói thêm một điều suy nghĩ của mình. Trong bài ca dao có hai đối tượng là mận và đào. Với tâm lí người Việt thì có lẽ mận là chàng trai, đào là cô gái, vì mận chủ động “hỏi” đào. Nhưng cái hay của bài ca dao còn ở chỗ, nói mận và đào nhưng ngẫm lại, vậy thì, thế ra dù mới tỏ tình nhưng chàng trai đã coi cô gái như là người trong dòng họ của mình, chàng trai đã thấy có sự gần gũi, đồng cảm rất lớn giữa mình và cô gái, rằng “lòng vả cũng như lòng sung rồi”. Điều này dễ hiểu vì khi có “duyên” với nhau thì ngay ánh mắt đầu tiên người ta đã thấy người ấy như thân quen từ lâu lắm rồi. Hiểu như vậy bài ca dao có nét dễ thương, ý nhị mà chân tình vô cùng.

Tình yêu xuất phát từ tình cảm chân thực và sâu lắng như vậy nên nỗi nhớ nhung càng da diết, mặn nồng. Có ai yêu nhau mà không thương nhớ, có lẽ nỗi nhớ đã trở thành một đặc trưng bất biến của tình yêu. Với người lao động bình dân, nỗi nhớ được diễn đạt bằng lối liên tưởng thật giản dị mà tha thiết.

Khi nhớ mong, chủ thể trữ tình ra đứng bờ ao mà gửi nỗi niềm vào sự vật:

Đêm qua ra đừng bờ ao

Trông cá cá lặng trông sao sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ.

Người buồn nên cảnh vật cũng buồn, đến con cá, con nhện, ngôi sao như cũng đồng cảm với nỗi lòng của tác giả. Bằng sự nhân cách hóa tài tình, tác giả đã làm cho nỗi nhớ mong thấm đẫm và tan tỏa mênh mang trong không gian, cảnh vật.

Cũng bằng sự nhân hóa ấy, chủ thể trữ tình đã gửi nỗi niềm của mình vào chiếc khăn, ngọn đèn, đôi mắt trong một bài ca dao đầy niềm thương nhớ.

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên.

Với mô hình làng quên Việt Nam thì những biểu tượng như cây đa, bến nước, con đò, sân đình, bờ tre... đã trở nên quá đỗi thân quen. Ca dao thường dùng cặp hình ảnh thuyền – bến, cây đa – khách bộ hành, bến nước – người lữ khách... để nói về tình yêu nam nữ.

- Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

- Cây đa cũ bến đò xưa

Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ.

- Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa.

- Con đò với gốc cây đa

Cây đa muôn thuở chẳng xa con đò.

- Cây đa bậc cũ lỡ rồi

Đò đưa bến khác bạn ngồi chờ ai.

- Gọi đò chẳng thấy đò sang

Phải chăng bến cũ phụ phàng khách xưa.

Chỉ bằng những hình ảnh quen thuộc ấy thôi mà bao nhiều sự kiện, biến cố, bao nhiêu tình cảm, tâm trạng được tỏ bày. Chính nét đẹp này của ca dao mà sau này nhiều nhà thơ hiện đại đã kế thừa một cách thành công: Tản Đà có non – nước, Xuân Diệu có sóng – bờ, Xuân Quỳnh có thuyền – biển... Đây là lẽ thường vì như đã nói ở trên, dù ở thời đại nào tình yêu vẫn là một hằng số bất biến.

Tình yêu sâu nặng là thế nên khi tình yêu lỡ làng thì đau thương, tiếc nuối, đắng cay muôn phần. Có điều những tâm trạng ấy không phải được đề cập một cách trần trụi, ngược lại được chuyển tải hết sức tinh tế, tài hoa. Tỏ tình một người một cách, nhớ nhung một người một sắc độ nên đau khổ, tiếc nuối, oán trách cũng đa dạng, phong phú vô cùng. Có một điều dễ thấy là những lời tiếc nuối, than thở, oán trách thường là của người con trai khi người con gái sang ngang – “chim sáo sang sông”, tình yêu tan vỡ. Chàng trai cũng lấy những sự vật gần gũi trong đời sống làm đối tượng liên tưởng: người đào ao và con cá, người đắp đập, be bờ và người tháo nước, người xúc tép và con cò, người xây tường và người thắp hương chùa này, người trồng chanh và người hái quả v.v và v.v...

- Công anh đắp đập be bờ

Để ai tháo nước để lời anh trôi

- Công anh vạt tép nuôi cò

Cò ăn cò lớn cò dò lên cây

- Công anh xe chỉ uốn cần

Vì chưng biển động con cá lần ra khơi

- Công anh gánh gạch xây tường

Biết là có được thắp hương chùa này.

- Công anh đắp đập trồng chanh

Chẳng được hái quả vin cành cho cam.

- Công anh chăn nghé đã lâu

Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày.

- Công anh ngồi giữ buồng tằm

Đến khi tằm chín anh nằm buồng không.

- Tiếc công anh đào ao thả cá.

Ba bốn năm rồi người lạ tới câu.

- Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng nó bay.

- Khi đi bóng hãy còn dài

Vì về bóng đã nghe ai bóng tròn...

Những hình ảnh ẩn dụ làm cho sự oán trách thêm phần cay đắng. Thế nhưng oán trách đấy mà lại yêu thương, tiếc nuối đấy. Làm sao được khi “thân em” chỉ là hạt mưa sa, hạt mưa rào, là giếng nước giữa đàng, là con hạc đầu đình, là con cá rô thia trong chậu... Chàng trai bày tỏ nỗi lòng cảm thông, thấu hiểu, tiếc nuối đối với cô gái hơn là sự đay nghiến, oán trách.

- Ai cho sen muống một bốn

Cho tuồng chanh khế sánh phường lựu lê.

- Ai làm cho bướm lìa hoa

Cho chim xanh nở bay qua vườn hồng

- Tiếc thay cái giếng nước trong

Để cho bèo tấm bèo ong lọt vào.

Trong những bài cao dao này, có một bài giàu hình ảnh biểu tượng, do vậy đã làm nên một sự tranh luận trong quá trình lần tìm về những lớp nghĩa của chủ thể - bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa”.

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Cô có chồng anh tiếc lắm thay.

Hình ảnh liên tưởng gây nhiều tranh luận là “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”. Vấn đề là ở “nụ tầm xuân”. Cây tầm xuân mà ta thường thấy là loài hoa cùng họ với hoa hồng và khi nở hoa có màu hồng. Nhưng ở đây, chàng trai nói nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Hình ảnh đó cho ta sự liên tưởng gì? Nhiều người không tìm ra cơ chế liên tưởng nên giải thích: tầm xuân là từ để chỉ chung cho tất cả các loại hoa cỏ mọc ngoài đồng nội, vì vậy mà việc nụ tầm xuân nở ra xanh biếc là hết sức bình thường, không có gì lạ. Thế nhưng xin đưa ra một ngữ liệu để chúng ta thấy: vì sao nụ tầm xuân lại nở ra xanh biếc?

- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

Em có chồng rồi trả yếm cho anh

- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

Yếm em thì em mặc yếm gì anh mà anh đòi.

Chàng trai nói một chuyện rất lạ là “hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím”, thế nhưng chuyện lạ đó còn có thể tin và chấp nhận được bởi lẽ trên đời này bên cạnh hoa cúc vàng còn có hoa cúc tím. Thế nhưng với cô gái thì sự khẳng định càng chanh chua hơn bởi có điều còn lạ hơn cả chuyện “hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím”, đó là chuyện “hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh” mà sự thực trên đời làm gì có chuyện hoa cúc xanh. Thế nên, ở đây cô gái sâu cay kia muốn nói với chàng trai rằng: Chàng kia ơi, có những chuyện còn lạ hơn thế kia kìa. Thật thâm thúy mà giàu hình ảnh biểu cảm vô cùng!

Thế nên, trở lại bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, ta thấy sẽ là không đâu khi đi đặt câu hỏi: Tại sao bước xuống vườn cà mà lại hái nụ tầm xuân? Nụ tầm xuân sao lại ở vườn cà? (theo nghĩa tầm xuân là một họ của hoa hồng). Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc là chuyện lạ nhưng chính vì chuyện lạ này mà chàng trai muốn nói một điều: sự đổi thay của cô gái. Cho nên mới có câu tiếp là: Cô có chồng anh tiếc lắm thay.

Bên cạnh nhiều bài ca dao của các chàng trai tiếc nuối, oán trách, cay đắng cho mối tình của mình, có một bài ca dao sử dụng quan hệ liên tưởng thật hay của các cô gái nói về chàng trai:

Em tưởng giếng nước sâu

Em nối sợi gàu dài

Nào ngờ giếng nước cạn

Em tiếc hoài sợi dây.

Rõ ràng, ở đây không ai chỉ hiểu tác giả dân gian đi nói chuyện giếng sâu, giếng cạn; gàu dài, gàu ngắn. Có điều tại sao lại là “giếng nước”. Quả thực đây là sự lựa chọn hết sức đặc sắc và có giá trị biểu đạt cao. Ta từng nghe dân gian nói một cách thiếu dân chủ:

Đàn ông nông cạn giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Vậy nên cô gái mới “tưởng”, giếng nước sâu. Cách nói quá đỗi khéo léo, thâm thúy: em nghe ông cha nói “Đàn ông nông cạn giếng khơi”, em tưởng tình cảm của anh cũng sâu sắc và chân tình lắm... Thế nên mới có chuyện “tiếc hoài sợi dây”. Chàng trai tinh tế và nhạy cảm hẳn phải rất đau đầu trước cách nói của “nàng”.

Còn biết bao những cách nói tinh tế, sâu sắc, giàu ý nghĩa biểu đạt như thế nữa, nhưng do khuôn khổ của bài viết nên không thể nói hết được tất cả diện mạo của đời sống tinh thần vốn rất phong phú của ông cha qua ca dao. Nhờ ca dao và khả năng biểu đạt của ngôn ngữ mà người lao động bình dân có thể giãi bày được tâm tư tình cảm của mình. Nên khai thác văn học dân gian nói chung, ca dao nói riêng sẽ cho ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của người xưa. Điều quan trọng là phải phân tích, khơi gợi để cho thế hệ học sinh hôm nay hiểu, cảm thụ được vốn liếng quý giá đó. Trên cơ sở ngôn ngữ học để tiếp cận và cảm thụ là một hướng đem lại hiệu quả và sức thuyết phục cao. Hy vọng rằng, bài viết phần nào đã phác họa được những nét đẹp, đem đến những điều thú vị trong cảm thụ tâm hồn của thế hệ đi trước.

Từ khóa » đối đáp Là Gì