Thơ Chí Linh Bát Cổ - Họ Đồng

Sau đó một số nhà nho còn làm thơ ca tụng và khắc vào bia đá đặt ngay tại cổng phủ đệ Nam Sách (phủ cũ). Chùm thơ ấy người đời sau gọi là “Thơ bát cổ”. Theo “Chí Linh phong vật chí” thì chùm thơ ấy do hai tác giả viết: - Người thư nhất là Nguyễn Tri Hoa, đỗ Hương cống, người Hộ Xá ( nay là thôn An Xá xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách) làm các bài: 1-Trạng Nguyên cổ đường 2-Tiều Ẩn cổ bích 3-Dược Lĩnh cổ viên 4-Nhạn Loan cổ độ 5-Phao Sơn cổ thành 6-Vân Tiên cổ động - Người thứ hai là Trần Trọng Tích, giám sinh, người xã Dục Kỳ (?) huyện Thanh Lâm làm các bài: 1-Thượng Tể cổ trạch 2-Tinh Phi cổ tháp Đỗ Đình Tuân xin cố gắng diễn ý sang “văn vần hiện đại” nhưng cũng xin tạm gọi là dich thơ. Đồng thời cũng đem những điều mình tìm hiểu được nói rõ thêm trong phần chú giải. Rất mong được chia sẻ và đóng góp thêm. KÌ 1: TRẠNG NGUYÊN CỔ ĐƯỜNG 其一 狀元古堂 狀元西席記何年 幾度荒墟幾度禪 南岸橘林地不改 東阿木鐸人相傳 詩書重煥斯文统 星日長爲後学天 五百年来魁鼎蹐 無窮道體老山川 Phiên âm : Kỳ nhất Trạng nguyên 1cổ đường 2 Trạng nguyên tây tịch 3 ký hà niên Kỷ độ hoang khư kỷ độ thiền Nam ngạn quất lâm nhân bất cải Đông A mộc đạc 4 nhân tương truyền 5 Thi thư trùng hoán tư văn thống Tinh nhật trường vi hậu học thiên Ngũ bách niên lai khôi đỉnh tích Vô cùng đạo thể lão sơn xuyên. Dịch nghĩa: Bài I: Nhà dạy học cũ của trạng nguyên Nơi trạng nguyên ngồi chiếu phía tây đã bao năm rồi Mấy độ là gò hoang mấy độ lạnh lẽo. Rừng quất ở bờ nam vùng đất đó không thay đổi Cái mõ của nhà Trần vẫn được người đời truyền tụng Thi thư lại làm rạng rỡ truyền thống của văn học Như mặt trời như sao sang trên bầu trời của sĩ tử đơi sau Năm trăm năm qua vẫn là là dấu tích số một Bản thể vô cùng của đạo Nho sống mãi với non sông. Dịch thơ Chiếu tây quan trạng trải bao niên Mấy độ gò hoang mấy độ thiền Rừng quất bờ Nam nay chẳng đổi Đông A tiếng mõ vẫn tương truyền Thi thư tô rạng dòng văn học Nhật nguyệt soi chung đám sĩ hiền Dấu tích năm trăm năm vẫn đó Mãi cùng sông núi cõi nam thiên Đỗ Đình Tuân dịch Ghi chú: 1.Trang nguyên: Danh vị trao cho người đỗ đầu kỳ thi Tiến sĩ ngày xưa. Ở đây chỉ Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu khoa thi chọn Tiến sĩ năm 1304 dưới thời vua Trần Anh Tông. 2.Cổ đường: nhà cũ. Ở đây chỉ nhà dạy học cũ của Mạc Đĩnh chi. Nay ở thôn Tống Xá xã Thanh Quang huyện Nam Sách (xưa thuộc huyện chí Linh, phủ Nam Sách) hiện chỉ còn phế tích 3. Tây tịch: chiếu phía tây, chỉ việc trải chiếu phía tây dạy học, cũng chỉ người thày giáo được mời dạy học. 4. Địa bất cải: có bản chép “nhân bất cải” nghĩa là người đời vẫn giữ như ngày xưa không thay đổi. 5. Đông A mộc đạc: Đông A chữ chỉ nhà Trần. Mộc đạc là cái mõ làm bằng gỗ. Ở đây chỉ những người có danh tiếng ở thời đại nhà Trần. 6. Nhân tương truyền: có bản chép là địa tương truyền. Nếu là “nhân tương truyền” thì dịch là “ người đời vẫn còn truyền tụng”. Nếu là “địa tương truyền” thì dịch là “đất này , vùng này vẫn truyền tụng”. Ý nghĩa vẫn tương tự như nhau không khác mấy. ====================================

KỲ 2: TIỀU ẨN CỔ BÍCH

其二

樵隱古碧

鳳凰山上寂村墟

樵隱先生古壁餘

片石光芒明月斧

半墙漂渺白雲鑪

芳從自昔碑無作

勝景于今盡不如

凜烈英風千古在

重山容步訪幽居

Phiên âm:

Kỳ II: Tiều Ẩn cổ bích Phượng Hoàng sơn 1 thượng tịch thôn khư Tiều Ẩn 2 tiên sinh cổ bích 3 dư Phiến thạch quang mang minh nguyệt phủ Bán tường phiếu diểu bạch vân lư Phương tung tự cổ hồn vô tại Thắng cảnh vu kim tận bất như Lẫm liệt anh phong thiên cổ tại Trùng sơn dong bộ phỏng u cư.

Dịch nghĩa Bài 2: Bức tường cổ của Tiều Ẩn Trên núi Phượng hoàng thôn xóm vắng vẻ Nhà của Tiều Ẩn tiên sinh còn sót lại bức tường cũ Ánh trăng vằng vặc như lưỡi búa soi vào phiến đá Mây trắng vần vụ như khói hương vây bọc bức tường Dấu thơm từ xưa giờ chẳng còn gì Thắng cảnh đến nay cũng không như cũ Anh phong lẫm liệt muôn thưở vẫn còn Thư thả bước nhẹ trên các sườn núi tìm hỏi nơi ở cũ của tiên sinh . Dịch thơ: Trên núi Phượng Hoàng vắng vẻ thay Nhà xưa Tiều Ẩn dấu còn đây Trơ vơ phiến đá nằm phơi nguyệt Mờ mịt nửa tường ẩn khói mây Hiu quạnh dấu xưa bên hốc núi Hoang sơ nền cũ dưới rừng cây Anh phong lẫm liệt còn lưu mãi Dạo bước sườn non tưởng nhớ thày Đỗ Đình Tuân dịch

Ghi chú 1.Núi Phượng Hoàng nay thuộc địa bàn phường Văn An thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương 2.Tiều Ẩn: tên hiệu của Chu Văn An 3. Cổ bích: bức tường cổ, dấu tích ngôi nhà cũ của Chu Văn An khi về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng nay cũng không còn. Chỉ còn lại một ngôi mộ cổ tương truyền là mộ Chu Văn An và đồng thời đó cũng là nơi ở cũ của ông? ====================================

KỲ 3: DƯỢC LĨNH CỔ VIÊN

其三

藥嶺古園 白藤江口度千艘 青嶺林園留一蔟 半是溪泉半是山 兼有漁樵兼有牧 主人已在元陳史 谁謂天南國誌讀 萬古餘威人見聞 園林風鶴園林木

Phiên âm: Kỳ III: Dược lĩnh 1cổ viên 2 Bạch Đằng hải khẩu độ thiên sưu Thanh lĩnh lâm viên lưu nhất thốc Bán thị khê tuyền bán thị sơn Kiêm hữu ngư tiều kiêm hữu mục Chủ nhân dĩ tại Nguyên -Trần sử Thùy vị thiên nam quốc chí độc Vạn cổ dư uy nhân kiến văn Viên lâm phong hạc viên lâm mộc

Dịch nghĩa Bài 3: Vườn cây thuôc cổ trên núi Dược Sơn Cửa sông bạch Đằng đậu ngàn con tầu Núi xanh rừng cây thành một chòm chụm lại Nửa là khe suối nửa là núi Gồm cả thú đánh cá, kiếm củi và chăn trâu Chủ nhân đã được ghi chép trong sử nhà Trần, nhà Nguyên Chỉ đọc sử ta sao rõ hết được Dư uy muôn thưở người còn nghe thấy Trong gió của vườn rừng, trong cây của vườn rừng.

Dịch thơ Nghìn tầu đậu cửa Bạch Đằng giang Trên đỉnh non xanh vườn một khóm Bên là khe suối bên sườn non Kiếm củi chăn trâu cả chài vạn Chủ Nhân tên chép sử Trần-Nguyên Đọc ta, sao hiểu hết công trạng Dư uy lừng lẫy từng bao phen Giặc đến nghe hơi đã khiếp đảm. Đỗ Đình Tuân dịch

Ghi chú 1.Dược lĩnh: núi Dược (Dược sơn) nay thuộc địa phận thôn Dược Sơn xã Hưng Đạo thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. Núi Dược còn có một tên khác là núi Nam Tào, nằm ngay phía nam cạnh đền Kiếp Bạc. 2. Cổ viên: Nghĩa chữ là vườn cổ nhưng thực nghĩa ở đây chỉ vườn cây thuốc cũ của Trần Hưng Đạo, tồn tại trong lịch sử khoảng nửa cuối thế kỷ XIII ====================================

KỲ 4: NHẠN LOAN CỔ ĐỘ

其四

雁灣古渡

龜爪鵝毛雲水路

將暈炭筏成名渡

漁郎垂釣笛歌閒

舟子濟人衰笠古

江中光景長如此

風月清秋今幾渡

客船閒泛古江秋

追記前朝一奇遇.

Phiên âm Kỳ IV: Nhạn Loan 1 cổ độ 2 Quy trảo nga mao vân thủy lộ Tướng quân than phiệt thành danh độ Ngư lang thùy điếu địch nga nhàn Chu tử tế nhân thoa lạp cổ Giang trung quang cảnh trường như thử Thu nguyệt thanh thu kim kỷ độ Khách thuyền nhàn phiếm cổ giang thu Truy ký tiền triều nhất kỳ ngộ 3

Dịch nghĩa Bài 4: Bến đò cổ Nhạn loan Móng rùa lông ngỗng theo đường thủy này Bè chở than của tướng quân ở đây làm bến đò thành nổi tiếng Chàng câu cá buông câu, tiếng sáo tiếng ca nhàn tản Chú lái đò chở người qua sông khoác áo tơi nón lá Quang cảnh trên sông mãi mãi vẫn như thế Đã trài qua biết bao năm tháng gió trăng rồi Khách thuyền nhàn tản du chơi mùa thu trên bến cũ Lại nhớ đến câu chuyện gặp gỡ kỳ ngộ của triều trước

Dịch thơ Móng rùa lông ngỗng đường mây nước Danh tướng bán than ngày lỡ bước Câu cá ông chài tiếng sáo bay Chở đò chú lái nón tơi khoác Trên sông quang cảnh mãi như rày Trăng gió thu qua bao độ khác Khách thuyền nhàn chơi trên bến xưa Nhớ cuộc vua tôi kỳ ngộ trước. Đỗ Đình Tuân dịch Ghi chú 1.Nhạn Loan: Tên bến đò cũ của Trần Khánh Dư. Hiện nay chưa xác định được vị trí cụ thể. Xưa nay thường hiểu bến đò này nằm ở địa phận thôn Lý Dương (tục gọi làng Chiền) bên bờ sông Lục Đầu Giang. Nhưng đền thờ Trần Khánh Dư lại nằm ở địa phận thôn Linh Giàng (tục gọi làng Gốm) bên bờ sông Kinh Thày. Cho nên cũng khó loại trừ khả năng bến Nhạn Loan cũng ở ngay làng Gốm? 2. Cổ độ: nghĩa chữ là bến đò xưa. Nhưng thực tế nếu hiểu như vậy thì chưa ổn. Vì Trần Khánh Dư trong thời chiến ông là một danh tướng nhưng trong thời bình ông lại là một doanh nhân. Thời ông bị cách quan tước và tịch thu gia sản ở Thăng Long phải về quê cha đất tổ ở châu Chí Linh này sống. Chí Linh ngày đó mới là tên của một vùng đất bãi ven sông (châu) chứ chưa thành tên huyện. Sử sách thời đó vẫn chép là huyện Bàng Hà (nghĩa là bên ngoài sông so với Thăng Long) thuộc Hồng Châu (Hải Dương ngày nay). Ông về đây làm nghề kiếm củi đốt than để sinh nhai. Nhưng quy mô làm ăn của ông không nhỏ. Ông thường dùng thuyền lớn chở than đi bán khắp các vùng ngoài. Lại còn mở cả lò gốm nữa. Như vậy thì cái bến đò của ông phải có tầm vóc của một cảng sông thì đúng hơn? 3. “Truy ký tiền triều nhất kỳ ngộ”: Câu thơ muốn nhắc lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa vua Trần với Khánh Dư vào năm 1282 khi vua Trần về đây dự hội nghị Bình Than. Về sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép: “ Khánh Dư lui về ở Chí Linh cùng với bọn hèn hạ làm nghề bán than. Khi ấy thuyền của vua đậu ở bến Bình Than. Nước triều xuống, gió thổi mạnh, có một chiếc thuyền lớn chở than gỗ, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn, vua chỉ và bảo quan thị thần rằng: “Người kia có phải là Nhân Huệ vương không?”. Lập tức cho người cưỡi thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi rằng: “Ông lái kia, vua cho đòi nhà ngươi”. Khánh Dư nói: “Ông già là người buôn bán có việc gì mà gọi đến ?”. Quân hiệu về tâu thực như thế. Vua nói: “Đúng là Nhân Huệ vương rồi, nếu là người thường tất không dám nói thế”. Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư đến nơi, mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói: “Nam nhi cực khổ đến thế là cùng”.Xuống chiếu tha tội. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, thứ vị ngồi ở dưới các vương, trên các công hầu…” ====================================

KỲ 5: THƯỢNG TỂ CỔ TRẠCH

其五

上宰古宅

我縣河之北

河東砦之西

昔人居鼎鼎

今日留山溪

杏杏傍石穿

籣帆靠岸低

村翁尋我道

石跡故門溪

Phiên âm Kỳ ngũ: Thượng tể 1 cổ trạch 2 Ngã huyện hà chi bắc 3 Hà Đông trại chi tê 4 Tích nhân cư đỉnh đỉnh Kim nhật lưu sơn khê Hạnh hạnh bang thạch xuyên Lan phàm kháo ngạn đê Thôn ông tầm ngã đạo Thạch tích cố môn khê. Dịch nghĩa Bài 5: Nhà cổ của quan Thượng tể Nhà cổ của tể tướng ở địa phận Hà bắc của huyện Ở phía tây trại Hà Đông Tể tướng xưa vốn ở chốn chung đỉnh Về sau mới về ở nơi núi khe Cây hạnh mọc xiên qua đá Cột buồm gỗ lan đậu sát bờ đê Một ông già trong thôn tìm tôi mach bảo Dấu tích trên đá chính là cửa nhà cũ ở bên suối Dịch thơ Nhà ở phía bắc huyện Phía tây một trại quê Trước ở chốn đô hội Sau về cùng núi khe Cây hạnh rễ xiên đá Buồm lan sát bờ đê Ông già tìm tôi chỉ Dấu đá nhà cũ kia Đỗ Đình Tuân dịch Ghi chú 1.Thượng tể là chức quan đầu triều của Trần Quốc Chẩn, em ruột vua Trần Anh Tông. 2.Cổ trạch: nơi ở cũ của Trần Quốc Chẩn chính là khuôn viên đền Quốc Phụ ngày nay. Có lẽ vì Trần Quốc Chẩn là cha đẻ của Hoàng hậu vợ vua Trần Minh Tông nên có tên đền như thế. Đền Quốc Phụ trước đây thuộc địa phận thôn Kiệt Đông (tục gọi là làng Dọc Đông), tổng Kiệt Đặc. Nay thuộc địa phận Khu dân cư thôn Nẻo phường Chí Minh thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. 3.Câu thơ nói vị trí của “cổ trạch” nằm ở phía bắc huyện, tức là khu Hà Bắc của huyện Chí Linh cổ nằm ở phía bắc sông Kinh Thày. 4.Câu thơ vẫn tiếp tục nói vị trí của “cổ trạch” ở phía tây trại Hà Đông. Chưa rõ trại Hà Đông là trại nào. Nhưng ở phía đông đền Quốc Phụ là địa phận của các làng Nội, làng Triều (tên cũ là Đông Đôi). ==================================== KỲ 6: PHAO SƠN CỔ THÀNH

其六

拋山古城

明胡持鬥日

黎莫戰爭秋

南度永樂寺

東還慶祐修

至今皆陳跡

此地一名區

感慨重豋眺

高山與水流

Phiên âm Kỳ lục: Phao sơn 1 Cổ Thành 2 Minh - Hồ trì đấu nguyệt Lê - Mạc chiến tranh thu Nam độ Vĩnh Lạc tự Đông hoàn Khánh Hựu tu Chí kim giai trần tích Thử địa nhất danh khu Cảm khái trùng đăng diểu Cao sơn dữ thủy lưu.

Dịch nghĩa Bài sáu: Thành cổ Phao Sơn Thành này là nơi xưa nhà Minh-nhà Hồ giành giật nhau mãi Cũng là nơi nhà Lê- nhà Mạc đánh nhau hoài Ở bến đò phía nam là chùa Vĩnh Lạc Phía đông là chùa Khánh Hựu Đến nay đều thành dấu tích cổ xưa Vùng đất này thành nổi tiếng Cảm khái leo lên cao và nhìn ra xa Chỉ thấy có núi cao bên dòng nước chảy.

Dịch thơ Minh-Hổ mãi giành giật Lê-Mạc hoài chiến tranh Bến nam chùa Vĩnh Lạc Khánh Hựu phía đông thành Đều còn lưu dấu cũ Đất này thành nổi danh Cảm khái lên trông ngắm Núi cao dòng nước quanh Đỗ Đình Tuân dịch

Ghi chú 1.Phao sơn : núi thuộc địa phận xã Phao Sơn tổng Cổ Châu (chỉ châu Chí Linh xưa). Nay thuộc địa phận phường Phả Lại thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. 2. Cổ Thành : chỉ thành Chí Linh xưa do nhà Minh xây dựng trên núi Phao Sơn vào năm 1418. Có lẽ vì Phao Sơn thời ấy vẫn thuộc châu Chí Linh nên người Minh đặt tên thành này là thành Chí Linh. Trong một bức thư viết dụ hàng thành này vào giai đoạn cuối cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thực hiện chủ trương vây thành diệt viện, Nguyễn Trãi gọi thành này là thành Bình Than. Sau này nhà Mạc tiếp tục xây dựng và củng cố thêm để làm phòng tuyến chống lại với quân Lê-Trịnh. Tên Phao Sơn cổ thành hay Thành Phao là do người đời sau gọi. “Ai đưa tôi đến chốn này / Bên kia Phả lại bên này Thành Phao” (Ca dao). ==================================== KỲ 7: VÂN TIÊN CỔ ĐỘNG

其七

雲僊古洞

玄天一煉丹

千古成名山

名山今不改

丹瀘昔已寒

流光古殿失

冰壺舊典刊

岩下泉聲隱

洞裏草花閒

蒼蒼松老嫩

鑿鑿石巑岏

樵炭飛光易

梵燈續焰難

陳世鶯將老

雲僊鶴不還

爲訪高人跡

履幽及層巒

山深增寂寞

秋興客盤桓

村翁相對話

江山眼界寬

Phiên âm Kỳ thất: Vân Tiên 1 cổ động 2 Huyền Thiên 3 nhất luyện đan Thiên cổ thành danh san Danh san kim bất cải Đan lô tích dĩ hàn Lưu Quang 4 cổ điện thất Băng Hồ 5 cựu điển san Nham hạ tuyền thanh ẩn Động lý thảo hoa nhàn Thương thương tùng lão nộn Tạc tạc thạch toàn ngoan Tiều thán phi quang dị Phạn đăng tục diệm nan Trần thế oanh tương lão Vân Tiên hạc bất hoàn Vi phỏng cao nhân tích Lý u cập tằng loan Sơn thâm tăng tịch mịch Thu hứng khách bàn hoàn Thôn ông tương đối thoại Giang sơn nhãn giới khoan

Dịch nghĩa Bài 7: Động cổ Vân Tiên Đức Huyền Thiên từng luyện đan ở đây Nên từ ngàn năm nay núi này trở thành nổi tiếng Núi danh tiếng đến nay vẫn không thay đổi Nhưng lò luyện đan thì đã nguội tắt từ lâu rồi Điện Lưu Quang xưa cũng không còn Thơ Băng Hồ vẫn ghi trong sách Dưới đá ngầm có tiếng suối chảy Trong động hoa cỏ lặng lẽ Xanh xanh cây thông già đổi lá Lởm chởm đá núi gập ghềnh Đốt than lửa rực hồng của ông tiều thì dễ Nhưng giữ ngọn đèn thờ Phật của nhà chùa thì lại khó Chim oanh ở trần thế đã sắp già Mà không thấy chim hạc động Vân Tiên về đón Muốn thăm dấu tích các bậc cao nhân Thì phải giẫm đạp lên các bui cây rậm rạp ở sườn núi Càng đi vào rừng sâu càng thấy thêm vắng vẻ Cảnh trời thu càng như quyến luyến với khách Cùng với ông già xóm núi trò chuyện Sông núi như thu cả vào trong tầm mắt. Dịch thơ Huyền Thiên từng luyện đan Núi này thành danh san Danh san nay vẫn thế Lò luyện xưa nguội tàn Điện Lưu Quang đã mất Thơ Băng Hồ còn in Dưới đá tiếng suối chảy Trong động hoa cỏ lan Xanh xanh thông đổi lá Lởm chởm đá gập ghềnh Đốt than ông tiều dễ Giữ đèn chùa khó khăn Chim oanh đời sắp vãn Hạc không về hỏi han Tìm dấu cao nhân cũ Phải giẫm bừa núi non Rừng sâu thêm vắng vẻ Lòng khách càng miên man Chuyện với ông già núi Mắt thu cùng giang san Đỗ Đình Tuân dịch

Ghi chú 1.Vân Tiên: tương truyền là tên của một hang động nằm ở phía sau Huyền Thiên tự (tục gọi là chùa Huyền), một ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý và phát triển quy mô ở thời Trần. 2. Cổ động: động cổ, chữ động có nghĩa là cái hang. Nhưng đồi núi ở Chí Linh chỉ là núi đất nên không có hang động tự nhiên được. Cho nên chữ động trong “Vân Tiên cổ động” hoặc trong “Thanh Hư động” không hề có nghĩa là cái hang . Hãy đọc những câu thơ tả cảnh Vân tiên cổ động: “ Trong động hoa cỏ lan / Xanh xanh thông đổi lá / Lởm chởm đá gập ghênh”; hoặc đọc những câu thơ Nguyễn Trãi tả cảnh Thanh Hư động “ Trong động Thanh Hư nghìn khóm trúc / Thác bay như kính lạnh như băng”…ta sẽ thấy chữ động dùng ở đây chỉ có nghĩa là một vùng núi non hoa cỏ... 3. Huyền Thiên: tức Huyền Thiên thượng đế ( hóa thân của sao Bắc Đẩu theo truyền thuyết của người Trung Hoa) chuyên trấn giữ phương bắc. Ở Việt Nam vị thần này còn có một tên nữa là Trấn Vũ có đền thờ ở Thăng Long –Hà Nội. 4.Lưu Quang điện cổ: một ngôi điện cổ trên núi Phượng Hoàng. Nay đã được dựng lại, ngay trước cổng đền thờ Chu Văn An. 5.Băng Hồ: tên hiệu của Trần Nguyên Đán, có công lớn trong việc phò giúp vua Trần Nghệ Tông trong vụ dẹp loạn Dương Nhật Lễ (1370). Năm 1285 ông xin về hưu ẩn tại Côn Sơn và xây dựng Thanh Hư động. Vì thế trong thơ văn của Nguyễn Phi Khanh (con rể ) ông còn được gọi là Thanh Hư động chủ. ====================================

KỲ 8: TINH PHI CỔ THÁP

其八

星妃古塔

玉手折高枝

鏡顏留古塔

從古此江山

至今幾蓂荚

花草自射開

漁樵相對荅

山色正清蒼

秋聲何箫颯

Phiên âm

Kỳ bát: Tinh phi 1 cổ tháp 2 Ngọc thủ chiết cao chi Kính nhan lưu cổ tháp Tòng cổ thử giang san Chí kim kỷ minh giáp 3 Hoa thảo tự tạ khai Ngư tiều tương đối đáp Sơn sắc chính thanh thương Thu thanh hà tiêu táp

Dịch nghĩa

Bài 8: Ngôi tháp cổ của Bà Chúa sao sa Tay ngọc vin bẻ cành cao Mặt gương còn lưu trên tháp cổ Giang sơn từ bấy đến giờ Đã có bao tấm gương đoan trinh tốt đẹp như vậy Hoa cỏ tự tàn tự nở Ngư tiều cùng nhau đối đáp Sắc núi đã xanh càng thêm xanh Tiếng thu bao nhiêu độ nghe xào xạc.

Dịch thơ

Tay ngọc vin bẻ cành kiêu Gương trên tháp cổ còn nêu chốn này Non sông từ bấy đến nay Mấy ai thục nữ sánh tày Sao Sa Tự tàn tự nở cỏ hoa Ngư tiều đối đáp lại qua vui vầy Xanh xanh sắc núi xanh thay Tiếng thu mấy độ heo may xạc xào.

Đỗ Đình Tuân dịch

Ghi chú 1.Tinh Phi : một tên khác của bà Nguyễn Thị Duệ. Tương truyền mẫu thân của bà Duệ nằm mơ thấy sao rơi vào bụng sau đó thụ thai và sinh ra bà, nên người đời sau mới gọi bà là Tinh Phi (Sao Sa).

2. Cổ tháp: Những năm cuối đời bà Duệ (còn có tên nữa là Nguyễn Thị Ngọc Toàn) về lập am tu tại quê nhà. Am lập tại núi Trì Ngư, trước khu mộ tổ nhà bà và gần Huyền Thiên tự. Khi bà mất, dân địa phương ghi nhớ công ơn của bà đã có nhiều phát tâm giúp đỡ dân làng khi sinh thời, nên có xây trên ngôi mộ của bà một cây tháp bằng đất nung màu đỏ và lập ngôi đền thờ bà phía trước tháp. Hiện nay tháp ấy không còn nhưng ngôi mộ vẫn còn. Năm 2008 tỉnh Hải Dương cho xây dựng nâng cấp ngôi đền thờ bà. Có một điều lạ là cũng từ đó cò vạc rủ nhau hàng nghìn con về quanh đây sinh sống. Hàng ngày chúng bay lượn, lội bơi trên mặt hồ trước cửa trông rất vui mắt, phong cảnh nơi đây cũng thêm vẻ hữu tình. 3.Minh giáp: nghĩa đen là một thứ cỏ mọc ra để báo điềm tốt. Ở đây chỉ cuộc đời của bà. Sách cổ có nhiều trang ghi chép về bà. Nhưng chỉ có ghi chép trong “Chí Linh phong vật chí” là có nhiều thông tin hơn cả. Xin chép ra đây để bạn đọc tham khảo:

Bà chúa Sao Sa

Chánh vư­ơng phủ thị nội cung tần Đức lão lễ s­ư, Nguyễn thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền là ng­ười xã Kiệt Đặc. Tục truyền rằng mộ thân phụ của bà ở núi Trì Ng­ư, xư­a có ng­ười Tầu để cho với lời dạy rằng: “Nhất kính chiếu tam vư­ơng”.Táng xong đến ngày 14 tháng 3 thì sinh bà; Bà thân mẫu nằm mộng thấy sao sa vào bụng.Tên là bà Thị Duệ, nhan sắc tuyệt thế thông minh hơn ngư­ời. Thời bấy giờ có ông Nguyễn Quý Nha làm quan trong triều là ngư­ời cùng làng, nhờ mối lái muốn hỏi làm vợ nh­ưng bà không bằng lòng. Năm 20 tuổi cuối đời Mạc, bà theo cha chạy loạn lên Cao Bằng. Nhân lúc ấy bà ăn mặc giả trai theo thầy học tập, học rộng văn hay. Hồi ấy khu đất Đông Bắc còn thuộc nhà Mạc. Nhà Mạc mở cuộc thi hội ở Cao Bằng. Sĩ tử ứng thí có nhiều. Bà đỗ đầu, thứ hai là thầy học của bà. Ông thày học cư­ời nói: “Mầu xanh từ mầu lam mà ra, mà đẹp hơn mầu lam”. Khi vào dự yến, chúa Mạc thấy diện mạo là phụ nữ, hỏi dò biết đ­ược sự thật bèn lấy làm vợ, đặt tên là Sao Sa. Khi nhà Mạc mất bà vào ẩn trong hang núi, bị quân nhà Trịnh bắt đư­ợc. Bà bảo quân sĩ rằng:

- Bọn bay đã bắt đ­ược ta, nên đ­ưa ta đến gặp chúa bọn bay, không đư­ợc vô lễ. Nếu vô lễ chỉ có thanh kiếm này thôi, mà bọn bay rốt cuộc cũng chẳng thành công gì.

Quân sĩ thấy làm lạ đ­ưa vào tiến chúa. Bà liền đư­ợc quý mến trọng dụng. Chúa Trịnh ban lệnh chỉ cấp cho bà tiền đóng góp về binh lính, thuế tô ruộng công, thuế đò, thuế chợ, cùng các thứ thuế khác để làm bổng lộc.Từ đó về sau trải qua 20 năm, không những s­ưu sai tạp dịch đ­ược miễn trừ mà còn đ­ược cấp 100 quan tiền và 2 mẫu ruộng tốt. Nhân dân xã bà từ trên chí dư­ới đ­ược cảm tình của bà, lại chịu ơn ban ngoại lệ nên đều một lòng kính trọng tôn bà làm hậu thần.

Như­ng bà rộng xem kinh thánh, thông suốt phật giáo, h­ưởng bổng lộc nhiều, nhân dân có lập ra quy ­ước định rằng các ngày kỵ nhật tiên tổ nội ngoại và ngày sinh, ngày giỗ của Đức lão (8 tháng 11), đều dùng cỗ chay oản quả cúng lễ và lệ đó sẽ truyền mãi về sau.

Lúc tuổi già, bà trụ trì chùa Vụ Nông huyện Gia Lâm. Khi thân quân Hoằng tổ vư­ơng lên ngôi, cho tìm nữ học sĩ để dạy cung nhân,gọi bà vào làm Lễ sư­. Bất cứ việc gì trong hai triều đều lấy văn chư­ơng cung phụng, luôn luôn ở cạnh mình. Mỗi khi chúa có việc gì hỏi han, bà đều dẫn kinh sử, sự tích xư­a nay để đối đáp, chúa thư­ờng khen ngợi.Cả đến quyển thi hội,văn sớ quần thần cũng qua tay bà xem xét quyết định. Khoa Tân Mùi, vào thi đình

Nguyễn Thọ Xuân đậu đầu, văn chư­ơng chữ nghĩa sâu sắc không ai hiểu thấu được. Chúa hỏi ý kiến, bà trình bày rõ ràng, vua khen là ng­ười học rộng.

Trước khi hành văn Nguyễn Thọ Xuân đã nói rằng: “Văn của ta cả triều không ai hiểu hết đâu, họa chăng là có chị ta là Lễ s­ư thôi”. Ông cùng bà là anh chị em họ ngoại với nhau. Ông nói đúng nh­ư vậy.Thật bà là ngư­ời tài cao học rộng vậy.

Tục truyền rằng bà khéo khuyến khích ngư­ời sau. Mỗi tháng hai kỳ sai ng­ười nhà làm cỗ, họp sĩ tử t­ư văn hàng huyện lại cho tập làm văn. Đầu bài sai ng­ười từ Kinh đô mang về. Bài làm xong, giao cho các vị hội viên t­ư văn niêm phong cả lại đem nộp. Chính tay bà xét duyệt. Đúng hạn gửi trả lại, đăng tên lên bảng kỳ thư­. Việc ra bài làm nh­ư vậy thực hiện rất đều. Sau thời kỳ trung hư­ng, phong trào văn học mở mang rộng lớn là do bà gây dựng nên. Tục lại truyền rằng: trong số ruộng bà đ­ược chúa ban cho hư­ởng lộc riêng tại bản quán, bà sai lấy 10 mẫu ruộng tốt thư­ởng cho các bậc sĩ phu đại khoa trong xã.Mãi sau lệ này mới bỏ đi. Anh ruột bà x­ưa kia bị ng­ười làng giết hại, khi bà đư­ợc giầu sang vinh hiển, kẻ sát nhân thờ cúng ngư­ời anh rất chu đáo, bà cũng không đem lòng oán hận gì. Ng­ười thời bấy giờ phục bà là ngư­ời có đức độ.

Năm gần 80 tuổi bà sai ng­ười Tầu dựng cho một cái am, tr­ước án mộ tổ. Bà mất khi tuổi ngoài 80, tr­ước sau thờ tất cả ba vua.

Văn bà viết có đến trăm tờ, gần đây vẫn còn, nh­ưng sau thời loạn thì mất cả. Ôi! nh­ư bà có thể nói là sống khác vậy. Ng­ười xư­a có câu: “Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ, thần tiên trong cõi đời ”. Bà cũng gần đ­ược nh­ư vậy.

Sau khi bà mất, ngư­ời ta táng bà bên cạnh mộ tổ, xây một ngọn tháp đỏ, gần xa đều có thể thấy rõ, tháp ấy đến nay vẫn còn.

Về ngành nội nhà bà có một chi tại xã Vụ Nông huyện Gia Lâm, con cháu vẫn còn.

Có bài minh viết về bà nh­ư sau:

Phiên âm :

Nhân kiệt chung anh, địa linh tú khí

Phát xuất thiên hà, tần thị ngọc phủ

Đức quán hậu cung, lộc cập tiên tổ

Ân trạch chu l­ưu, hư­ơng nhân kính mộ

Tư­ tiến hinh h­ương, khánh d­ư thuần hỗ

Ich diễn vân nhưng, dũ quan tiên tổ

Vạn cổ đức công, lư­ỡng gian vũ trụ

Ưc tải hoàng đồ,thiên niên thánh thọ.

Dịch nghĩa:

Vẻ đẹp ng­ười tài, khí thiêng đất quý

Dòng dõi từ cõi trời, làm nữ quan nơi ngọc phủ

Đức bậc nhất trong cung hoàng hậu, lộc ban đến cả cha ông

Ơn huệ khắp nơi, ngư­ời làng kính mộ

H­ương thơm lừng khắp,phúc trạch có thừa

Càng vẻ vang con cháu, càng rạng rỡ tổ tiên

Công đức nghìn năm, vũ trụ hai cõi

Nghiệp vua dài lâu, tuổi thọ muôn thuở.

Tạm dịch thơ

Ng­ười đẹp tài hay, khí thiêng chung đúc

Gốc tại cõi trời, duyên trong phủ ngọc

Đức nhất hậu cung, ông cha hư­ởng lộc

Ơn huệ khắp nơi, quê h­ương kính phục

H­ương khói thơm lừng, thấm nhuần m­ưa móc

Càng rạng cháu con càng vinh cõi gốc

Vũ trụ hai miền, muôn đời công đức

Thánh thọ vạn năm, nghiệp vua vạn ức.

(Theo bản dịch của Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản)

Từ khóa » Bài Thơ Phú Núi Chí Linh