Thơ Ngông Của Một ông đồ Ngông - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Đây là bài thơ tự vịnh của Phan Điện, quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông nổi tiếng thông minh, hay chữ từ nhỏ. Nhưng vào thi thường phạm trường quy, cứ trượt hoài, thi nhiều lần mà cũng chỉ vào được tam trường.

Nối nghiệp cha, ông đi dạy học. Như nhiều ông đồ Nghệ lúc bấy giờ, Phan Điện mang khăn gói vào Nam ra Bắc, truyền thụ kiến thức và đạo nghĩa cho nhiều lớp học trò. Đến đâu ông cũng làm thơ. Thơ không đăng báo, nhưng lại rất phổ biến trong nhân dân, có giá trị như ca vè dân gian. Người ta truyền tụng thơ ông cùng với cuộc đời của ông, tính cách của ông, những hành vi của ông như một nhân vật độc đáo trong truyện kể dân gian.

Phan Điện sinh năm 1874 mất năm 1945 (trước Cách mạng Tháng Tám). Khoảng thời gian này, xã hội Việt Nam, nhất là ở Nghệ Tĩnh, có nhiều biến động lớn: khởi nghĩa Giáp Tuất, phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, Xôviết Nghệ Tĩnh… Tầng lớp sĩ phu bị phân hóa, một số ít làm tay sai cho Pháp. Hầu hết vẫn giữ khí tiết trung hiếu của nhà Nho. Những nho sĩ có bản lĩnh lớn thì dựng cờ tập hợp lực lượng để mong giành lại giang sơn. Đại bộ phận tỏ thái độ bất cộng tác với chính quyền thực dân. Họ đi làm thầy đồ, thầy lang và làm thơ cổ vũ tư tưởng ái quốc.

Đây là buổi giao thời gió Á mưa Âu. Cơ sở luân lý được xây dựng hàng ngàn năm bị phá vỡ, gây sốc trong tâm lý của tầng lớp sĩ phu được trang bị bởi lễ giáo thánh hiền. Cái mà ta thường gọi là "cái gàn của ông đồ Nghệ" chính là lòng tự trọng mạnh mẽ đã phát triển quá biên độ của nó - Thì lúc này, "cái gàn" đó càng được khuếch đại, và những ông đồ Nghệ vốn đã ngông nghênh trở thành những ông đồ ngất ngưởng, ngang ngạnh.

Một đặc điểm trong sáng tác của các nhà Nho là hay làm thơ tự vịnh, tự trào. Họ từ giễu mình một cách rất thành thật, và qua lời tự giễu ông ấy là giễu thế thái nhân tình, giễu thời cuộc. Những nhà thơ lớn như Nguyễn Khuyến, Tú Xương đều có thơ tự vịnh. Nhiều nhà Nho xứ Nghệ cũng viết những bài thơ, những câu thơ tự trào rất sắc sảo. Nguyễn Mộng Lý: "Non sông chuốc rượu say vì nước/ Trăng gió đưa thơ chọi với đời/ Chính thực tớ đây thằng ngất ngưởng/ Can chi mà hỏi rứa trời ơi" - Cao Huy Khương: "Đã chẳng phải tiên cũng chẳng phàm/ Một thằng ngất ngưởng giữa Hồng Lam". Lê Đình Phóng: "Hai chữ công danh chi nữa mụ/ Một phường nô lệ tệ hơn tao/ Khuya sớm tuềnh toàng thơ với rượu/ Khi vui nghĩ sướng quá công hầu".

Thơ tự vịnh của Phan Điện không phải chỉ một bài, mà có trên mười bài. Qua những lời thơ tự trào, ta thấy khá rõ một ông đồ ngất ngưởng:

Ăn chơi như Điện thật khôn ngoan Khen Điện làm thơ chỉ nói càn!Người ta bảo "ông điên", ừ thì ông điên:Điện Điện thật là điên lấy đượcCó tiền thiên hạ dễ ai mua!

Bước vào tuổi 54, ông khai bút:

Năm ba quá hạn vẫn say sưaChửi mắng bao nhiêu, mãi chẳng trừa (chừa)Tính hạnh lần khần(?), ai chả ghétÁo quần bẩn thỉu chó nào ưa!

Bước vào tuổi 56, ông lại khai bút:

Năm nay năm mươi sáuGià vẫn vênh râu cáo.Bước vào tuổi 60, ông lại khai bút:Thằng Điện năm nay tuổi sáu mươi Nghĩ về khi trẻ thật hư đời:Vợ con đói rách, đành thây kệBố mẹ già nua, bỏ chẳng nuôi.Vườn rộng tổ tiên đưa bán sạch,Họ hàng nội ngoại, chửi trừa (chừa) ai.Thế mà trời vẫn cho mày sốngSao lại khoan dung thế hở trời!

Ta bảo vệ sự đa dạng của môi trường sinh thái, thì ta cũng phải chấp nhận và bảo vệ sự đa dạng của môi trường xã hội. Không đủ chí khí để phất cờ khởi nghĩa như các cụ Phan Đình Phùng, cụ Nghè Ôn… thì bất cộng tác với kẻ thù, giữ trọn tấm lòng cô trung, cũng là một kiểu yêu nước, còn hơn vạn lần cái lũ Việt gian vác mặt mo làm tôi tớ cho giặc. Hơn thế, Phan Điện còn làm thơ để cổ vũ ái quốc và căm ghét bọn thống trị tàn ác.

Nhiều nhà Nho ưu thời mẫn thế thường gửi gắm lòng mình trong những bài thơ vịnh sử. Phan Điện cũng làm thơ ca ngợi Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng…

Như đã thành một quan niệm xử thế, các ông đồ Nghệ khi đã đậu đạt thường tiến thân bằng con đường học quan: thượng thư Bộ Học, tế tửu quốc tử giám, đốc học, giáo thục, huấn đạo. Hầu hết là đi làm thầy đồ để "mưu đồ xã tắc". Phan Điện thông minh, học giỏi nhưng tính tình phóng túng, không chịu sống gò bó, cho nên thi không đậu vì luôn luôn phạm trường quy. Tương tự như trường hợp Tú Xương "tám khoa chưa khỏi phạm trường quy".

Suốt đời Phan Điện làm thầy đồ. Nhưng không ngồi dạy ở đâu được lâu, vì tính ngang ngạnh, hay làm thơ đả kích bọn quan lại và hào lý địa phương, nhà chủ sợ, không dám nuôi thầy.

Thời gian dạy ở Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Đông), ông quý mến và kính trọng nhà chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Khi Nguyễn Thượng Hiền bị bắt, ông vẫn dạy cho con cái cụ Nguyễn và giúp đỡ gia đình cụ Nguyễn trong cơn hoạn nạn. Vì thế, ông cũng bị bắt giam. Trước mũi súng giặc, ông nghênh ngang cảm tác:

Hai hàng lính súng bốn xe đưa,Tay xích như ta cũng sướng thừa.Nhắn bảo vợ con đừng rộn rãNay mai phú quý nhớ ngày xưa.--PageBreak--

Lận đận mang khăn gói đi gõ đầu trẻ nay ở đây dăm bảy bữa, mai ở kia vài ba tháng. May mắn được cụ Thiếu Vân Đình (Hà Đông) mời làm gia sư với phương tiện sinh hoạt khá tươm tất. Chủ nhân dành riêng cho một căn nhà hai tầng. Cơm bưng nước rót. Hai con nhỏ được thường xuyên quà bánh. Khi vợ ông mất, được chôn cất tử tế... Thế mà hôm cụ Thiếu mở tiệc mừng thọ, nhờ ông làm đôi câu đối. Thật là ngông hết cỡ ngông, ông lại đem chuyện Nguyễn Thượng Hiền để mỉa mai gia đình cụ Thiếu Vân Đình:

Sung sướng thay cụ Thiếu Vân Đình, con đỗ cống, cháu đỗ nghè, sắc chỉ vua ban, mề đay Tây gắn, trời riêng một nhà, gặp vận túa-dua nhiều hội tốt. Khốn khổ quá, ông nghè Liên Bạt, chồng một nơi, vợ một nẻo, ngày thì lội suối, tối lại qua đèo, đất chung cả nước, một mình gánh vác có ai khen.

Chủ nhân quá bất ngờ, giận tím mặt, đuổi ông ra khỏi nhà, và thề từ nay không rước thầy đồ Thanh Nghệ nào vào nhà nữa. Ông ung dung mang khăn gói dắt con ra đi và thanh thản đọc bài thơ:

Ông chủ xung lên: "Đ.m.thầy!"Cha con mình phải vố này cay:Quanh năm nhà ở hai tầng mát, Mỗi bữa cơm bưng một phạng đầy,Con trẻ lấy đâu quà cáp mãi.Vợ già hồ dễ chết chôn ngay.Bao nhiêu tử tế tuôn xuôi cốngThanh Nghệ từ nay buộc chỉ tay!

Quả là một nhà Nho "đắc đạo", luôn luôn ung dung tự tại, không hề mảy may phiền muộn bởi bất kỳ một tác động oái oăm nào của ngoại cảnh. Đọc thơ của Phan Điện cũng như các nhà Nho xứ Nghệ, ta thấy các cụ không hề run sợ, thẳng thừng vạch mặt chỉ tên bọn quan lại tham lam và độc ác. Đất nước bị nô lệ, bị ràng buộc bởi một hệ thống chính quyền nghiệt ngã. Nhưng các cụ tự tạo cho mình một nội tâm hoàn toàn tự do, tự do tư tưởng, tự do phát ngôn. Những điều phát ngôn ấy khi được quần chúng chấp nhận sẽ trở thành những làn sóng dư luận, trở thành sức mạnh chính nghĩa áp đảo phi nghĩa. Tên đề đốc Nguyễn Trọng Đức hung ác, hống hách, cụ Phạm Bá Thanh đã làm thơ chửi nó là "đứa tớ Tây", ví nó như "con bọ hung", "con chó ồ". Tên Cao Ngọc Lễ nhờ thành tích bất hảo tố cáo thầy học là Tống Duy Tân mà được thăng từ tri huyện lên án sát, cụ Nguyễn Hàng Chi đã làm câu đối chỉ tận tay day tận trán: "Không đất để chôn Cao Ngọc Lễ/ Có tiền khôn chuộc Tống Duy Tân"...

Phan Điện làm thơ đả kích từ lý tưởng đến quan huyện đến cả cha con tên Việt gian thượng đẳng Hoàng Cao Khải, Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu. Riêng việc đả kích gia đình Hoàng Cao Khải, Phan Điện không chỉ làm một bài mà những gần mười bài. Hễ cha con Hoàng Cao Khải bày vẽ ra việc gì lố bịch, gai mắt, là có thơ ngay. Trong lễ mừng thọ Hoàng Cao Khải, anh em họ Hoàng cãi cọ, ẩu đả nhau. Này đây, lời thơ mỉa mai: Ở trong cốt nhục mà như thế/ Chẳng hỏng nay thì cũng hỏng mai. Vợ Hoàng Cao Khải quê ở làng Bông, lúc chết, đám tang được tổ chức rất to. Có toàn quyền thống sứ Pháp đi đưa. Ôtô, xe điện chật đường sá. Có tàu bay liệng chào vĩnh biệt... Dân Hà Đông xôn xao chờ đón: "Chưa có thơ ông Đồ Điện à?" (bà con quen gọi Phan Điện là ông đồ Điện). Có thơ đây rồi:

...Xe điện đóng nêm người tứ xứÔtô để chật bãi tha ma.Tàu bay vặn cánh bay qua lạiCái gái làng Bông sướng dữ a!

Lố bịch và trơ tráo nhất là việc Hoàng Cao Khải đưa bài vị mình vào thờ ở đền Trung Liệt (gò Đống Đa), và đổi tên là đền Trung Lương. Phan Điện vừa làm nhiệm vụ một nhà báo, vừa là một nhà thơ, rất nhanh nhạy:

...Thờ bên trung trực, bên gian nịnhThế cũng đền đài cũng khói hương!Thơm thối lẫn nhau mùi tắc họngNgọt ngào đầu miệng lưỡi không xương.

Hoàng Cao Khải quê làng Đông Thái, Phan Điện quê làng Tùng Ảnh. Hai làng gần nhau. Bà con hai làng càng căm ghét Hoàng Cao Khải bao nhiêu thì lại càng yêu mến Phan Điện bấy nhiêu. Nhà báo, nhà thơ đã nói hộ tiếng nói của nhân dân. Bia đá thì mòn. Bia miệng thì còn mãi. Bài học về Hoàng Cao Khải âu cũng là bài học muôn thuở đối với tầng lớp quan lại. Cho mãi đến nay, mỗi khi có dịp trà dư tửu hậu, người ta lại ngâm nga bài thơ "Chế Quận Hoàng" của Phan Điện:

Quan như cụ Quận cũng là toNghĩ kỹ còn nhiều cái việc lo.Nay hạt Hà Đông còn biếu lợn,Mai dân Nam Định lại dâng bò.Gọi người làm cỗ sao cho chóng,Thết khách còn thừa, liệu phải cho.Sung sướng ai bằng thằng bố ĐiệnSay rồi ôm vợ ngáy kho kho.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam có nhiều biến động như tôi đã phân tích ở trên. Bối cảnh xã hội đó đã sản sinh một tầng lớp nhà Nho phẫn chí. Họ mang tâm trạng u uất, bí bức, phá phách. Hầu như ở vùng nào cũng có những nhà Nho đại diện cho tâm trạng đó. Ở Hà Nội có Ba Giai, Tú Xuất. Ở Hưng Yên có Huyện Nẻ. Ở Hà Nam có Kép Trà. Ở Thanh Hóa có Xiển Ngộ. Ở Quảng Nam có Tú Quỳ. Ở Mỹ Tho có Học Lạc... và ở Nghệ Tĩnh có Phan Điện cùng nhiều nhà nho khác.

Họ làm thơ giễu đời, giễu thế sự. Hành vi của họ trở thành những giai thoại, những chuyện cười: Vô hình trung họ trở thành nhân vật chính của những chuyện cười kết chuỗi.

Nhà nho Phan Điện, dân bản địa thường gọi là ông Đồ Điện, là sự kết tủa cái tiếng cười châm chọc của ca vè, cái hóm hỉnh của chuyện trạng, cái thâm thúy của ông đồ Nghệ. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ sơ bộ đề cập thơ trào phúng của ông. Nếu sưu tầm đầy đủ giai thoại về ông, cộng với thơ trào phúng của ông, ta sẽ hình dung đầy đủ một chân dung ông đồ xứ Nghệ ngất ngưởng, ngông nghênh, ngang ngạnh. Những hành vi và phát ngôn của ông không phải bột phát từ bản năng, mà có ý thức rõ ràng. Do đó, ông cũng ý thức được rằng "Mai sau trăm tuổi biết đâu/ Tiếng điên chẳng dậy khắp hầu cõi Nam". Ông đã về chầu tổ tiên cách đây hơn sáu mươi năm. Thời gian càng lùi xa càng chứng minh sự tồn tại bền vững của một con người, một nhân cách

Từ khóa » Ngông Nghênh Thơ