Thông Cáo Báo Chí Về Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý IV Và Năm 2019
Có thể bạn quan tâm
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỔNG CỤC THỐNG KÊ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2019 |
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2019[1]
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8% (Quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,48%[2]; quý IV tăng 6,97%). Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại[3], căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu[4]. Sự biến động khó lường trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường, kết quả tăng trưởng 7,02% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2019[5]. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay là tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).
Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (Cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).
Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018[6]); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên tất cả các địa phương gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá, là điểm sáng của khu vực này.
a) Nông nghiệp
Diện tích lúa năm 2019 ước tính đạt 7,47 triệu ha, giảm 102,2 nghìn ha so với năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất; năng suất lúa ước tính đạt 58,2 tạ/ha, tương đương với năng suất của năm 2018, sản lượng lúa ước tính đạt 43,45 triệu tấn, giảm 596,8 nghìn tấn.
Vụ đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3,12 triệu ha lúa, tăng 21,8 nghìn ha so với năm 2018; năng suất lúa đạt 65,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 20,47 triệu tấn, giảm 133 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay đạt 2,01 triệu ha, giảm 43,4 nghìn ha; năng suất đạt 54,5 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt gần 10,95 triệu tấn, giảm 260,4 nghìn tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sản lượng đạt 8,68 triệu tấn, giảm 116,6 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa thu đông đạt 724,2 nghìn ha, giảm 7,9 nghìn ha; năng suất đạt 54,5 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sản lượng đạt 3,95 triệu tấn, giảm 19,4 nghìn tấn.
Diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1,61 triệu ha, giảm 72,3 nghìn ha; năng suất đạt 50,2 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt 8,08 triệu tấn, giảm 184,4 nghìn tấn.
Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hàng năm: Sản lượng ngô đạt 4,76 triệu tấn, giảm 117,4 nghìn tấn so với năm 2018 do diện tích gieo trồng giảm 42 nghìn ha; khoai lang đạt 1,4 triệu tấn, tăng 27,2 nghìn tấn (diện tích giảm 1,3 nghìn ha); mía đạt 15,27 triệu tấn, giảm 2,7 triệu tấn (diện tích giảm 35,7 nghìn ha); sắn đạt 10,11 triệu tấn, tăng 259 nghìn tấn (diện tích tăng 6,5 nghìn ha); lạc đạt 438,8 nghìn tấn, giảm 18,5 nghìn tấn (diện tích giảm 8,9 nghìn ha); đậu tương đạt 75,9 nghìn tấn, giảm 4,9 nghìn tấn (diện tích giảm 3,8 nghìn ha); sản lượng rau các loại đạt 17,95 triệu tấn, tăng 855,3 nghìn tấn (diện tích tăng 26,1 nghìn ha); sản lượng đậu các loại đạt 161,9 nghìn tấn, tăng 3,5 nghìn tấn (diện tích giảm 5,3 nghìn ha).
Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm năm 2019 ước tính đạt 2.192,4 nghìn ha, giảm 0,9% so với năm 2018, trong đó: diện tích cao su đạt 946,2 nghìn ha, giảm 1,6%, sản lượng cả năm đạt 1.173,1 nghìn tấn, tăng 3,1%; hồ tiêu diện tích đạt 137,7 nghìn ha, giảm 6,6%, sản lượng đạt 263,5 nghìn tấn, tăng 0,3%; cà phê diện tích đạt 688,3 nghìn ha, tăng 1,1%, sản lượng đạt 1.657 nghìn tấn, tăng 2,5%; điều diện tích đạt 297,2 nghìn ha, giảm 0,8%, sản lượng đạt 286,3 nghìn tấn, tăng 7,5%; chè diện tích đạt 123 nghìn ha, tương đương năm 2018, sản lượng chè búp đạt 1.019,9 nghìn tấn, tăng 2,6%. Nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá chủ yếu ở nhóm cây có múi, xoài và thanh long do có thị trường tiêu thụ ổn định. Sản lượng cam đạt 960,9 nghìn tấn, tăng 12,4% so với năm trước; bưởi đạt 779,3 nghìn tấn, tăng 18,2%; xoài đạt 814,8 nghìn tấn, tăng 2,9%; thanh long đạt 1.242,5 nghìn tấn, tăng 15%. Riêng nhãn và vải sản lượng giảm so với năm trước nhưng giá bán tăng do người dân tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế: sản lượng vải đạt 272 nghìn tấn, giảm 30,1%; nhãn đạt 507,9 nghìn tấn, giảm 6,6%.
Tính đến tháng 12/2019, đàn trâu cả nước giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 2,4%; đàn lợn giảm 25,5%; đàn gia cầm tăng 14,2%. Sản lượng thịt trâu đạt 95,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm trước; sản lượng thịt bò đạt 349,2 nghìn tấn, tăng 4,4%; sản lượng thịt lợn đạt 3.289,7 nghìn tấn, giảm 13,8%; sản lượng thịt gia cầm đạt 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5%; sản lượng trứng gia cầm đạt 13,3 tỷ quả, tăng 14%. Sản lượng sữa bò đạt 1.029,6 nghìn tấn, tăng 10%.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung của cả nước năm 2019 ước tính đạt 273,6 nghìn ha, giảm 4,5% so với năm trước (quý IV/2019 đạt 95,9 nghìn ha, giảm 4%); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 81,1 triệu cây, giảm 1,8% (quý IV đạt 20,4 triệu cây, tăng 1%); sản lượng gỗ khai thác đạt 16,1 triệu m3, tăng 5,4% (quý IV đạt 4.594 nghìn m3, tăng 6,3%); sản lượng củi khai thác đạt 19,5 triệu ste, giảm 1% (quý IV đạt 5,5 triệu ste, tương đương cùng kỳ năm trước). Diện tích rừng bị thiệt hại là 3.312,6 ha, gấp 2,9 lần năm 2018, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.716,5 ha, gấp 4,7 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 596,1 ha, tăng 6,6%.
c) Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2019 ước tính đạt 8.200,8 nghìn tấn, tăng 5,6% so với năm trước (quý IV đạt 2.231,4 nghìn tấn, tăng 5,8%), bao gồm: cá đạt 5.925,3 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 1.034,8 nghìn tấn, tăng 6,8%; thủy sản khác đạt 1.240,7 nghìn tấn, tăng 6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.432,5 nghìn tấn, tăng 6,5% so với năm 2018 (quý IV đạt 1.315,5 nghìn tấn, tăng 7%), trong đó cá đạt 3.080,4 nghìn tấn, tăng 5,8% và tôm đạt 877,2 nghìn tấn, tăng 8,4%.
Sản lượng thủy sản khai thác năm 2019 ước tính đạt 3.768,3 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (quý IV đạt 915,9 nghìn tấn, tăng 4,2%), trong đó sản lượng cá đạt 2.844,9 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm đạt 157,6 nghìn tấn, giảm 1%.
3. Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2019 duy trì tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế (tăng 11,29%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,29% sau 3 năm liên tiếp giảm.
Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2019 tăng 8,90% so với năm trước, trong đó ngành công nghiệp tăng 8,86% nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành và toàn nền kinh tế (tăng 11,29%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,14%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,72%; ngành khai khoáng tăng 1,29% sau 3 năm giảm liên tục[7] do khai thác than tăng cao bù đắp sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2019 tăng cao so với năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất kim loại tăng 28,6%; khai thác quặng kim loại tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy và sản xuất giường, tủ, bàn, ghế cùng tăng 11,6%; khai thác than cứng và than non tăng 11,5%; dệt tăng 11,4%.
Tính chung cả năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với năm trước (năm 2018 tăng 12,4%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2019 tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2018 tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2019 đạt 68,8%[8] (năm 2018 là 64,4%).
4. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[9]
Tính chung năm 2019, cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.730,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.254,4 nghìn lao động, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Nếu tính cả 2.273 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 40,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là 4.003,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 lên 177,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn năm 2019 là 28,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,9% so với năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 43,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,7%, trong đó có 17,7 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2%.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2019 cho thấy: Có 46,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm nay tốt hơn quý trước; 17% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định[10]. Dự kiến quý I/2020 so với quý IV/2019, có 48,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 15,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 36,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
5. Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2019 diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm. Hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước tính đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (năm 2018 tăng 8,4%), trong đó quý IV/2019 ước tính đạt 1.287,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với quý trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 3.751,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 586,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng mức và tăng 9,8%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 556,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng mức và tăng 8,5%.
Cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ của ngành vận tải và viễn thông năm 2019 không ngừng được cải tiến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ do đó tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá so với năm trước. Tính chung cả năm 2019, vận tải hành khách ước tính đạt 5.143,1 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2018 và 248,5 tỷ lượt khách.km, tăng 10,9% (quý IV đạt 1.342,4 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và 71,2 tỷ lượt khách.km, tăng 12,9%). Vận tải hàng hóa đạt 1.684,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm trước và 322,2 tỷ tấn.km, tăng 7,8% (quý IV đạt 435,2 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và 83,6 tỷ tấn.km, tăng 8,5%).
Doanh thu viễn thông năm 2019 ước tính đạt 383,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2018 (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2%). Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng số thuê bao điện thoại ước tính là 133,1 triệu thuê bao, giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao di động đạt 129,5 triệu thuê bao, giảm 0,7% và thuê bao cố định đạt 3,6 triệu thuê bao, giảm 15,2%. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà mạng thực hiện quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xử lý sim rác, quản lý thuê bao điện thoại di động và nhu cầu sử dụng điện thoại cố định ngày càng giảm; số thuê bao internet băng rộng cố định đạt 14,8 triệu thuê bao, tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm 2018.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 18.008,6 nghìn lượt người, tăng 16,2% so với năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 14.377,5 nghìn lượt người, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15,2%; bằng đường bộ đạt 3.367 nghìn lượt người, chiếm 18,7% và tăng 20,4%; bằng đường biển đạt 264,1 nghìn lượt người, chiếm 1,5% và tăng 22,7%. Khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt 14.386,3 nghìn lượt người, chiếm 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 2.168,2 nghìn lượt người, tăng 6,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 973,8 nghìn lượt người, tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc đạt 432,4 nghìn lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2%.
- Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định; hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững, bảo đảm khả năng chi trả bồi thường và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào huy động vốn phát triển kinh tế.
Tính đến ngày 20/12/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,1% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,3%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5% (cùng kỳ năm 2018 tăng 11,5%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1% (cùng kỳ năm 2018 tăng 13,3%).
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý IV/2019 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 20,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 25,1%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 11,6%.
Thị trường chứng khoán năm 2019 có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế với tổng mức huy động vốn đạt 313,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 24/12/2019, chỉ số VNIndex 958,88 điểm, tăng 7,4% so với cuối năm 2018; mức vốn hóa thị trường (tính đến 17/12/2019) đạt 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm 2019 đến nay đạt 4.651 tỷ đồng/phiên, giảm 29% so với bình quân năm 2018. Trên thị trường trái phiếu, hiện có 509 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.162 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2018. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 89.266 hợp đồng/phiên, tăng 13% so với bình quân giao dịch năm 2018.
- Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2019 tăng 10,2% so với năm trước và bằng 33,9% GDP (quý IV đạt 669,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%). Trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 942,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (46%) và đạt tốc độ tăng vốn cao nhất 17,3% so với năm trước; vốn khu vực Nhà nước đạt 634,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% và tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 469,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% và tăng 7,9%. Riêng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa cải thiện nhiều, đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019[11].
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/12/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó có 3.883 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với năm trước; 1.381 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,8 tỷ USD, giảm 23,6%; 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 15,5 tỷ USD, tăng 56,4%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 2.136 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 9,2 tỷ USD và 7.706 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị vốn góp là 6,3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước.
- Thu ngân sách Nhà nước năm 2019 (tính đến ngày 15/12) đã đạt dự toán năm, trong đó nhiều khoản thu đạt trên 90% và vượt mức dự toán. Chi ngân sách năm 2019 đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1.414,3 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 1.146,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,7%; thu từ dầu thô 53,3 nghìn tỷ đồng, bằng 119,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 210,2 nghìn tỷ đồng, bằng 111,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1.316,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 927,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8%; chi đầu tư phát triển 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; chi trả nợ lãi 99,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5%.
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.
a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 516,96 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng cao 17,7%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12/2019 ước tính đạt 21,8 tỷ USD, giảm 4,4% so với tháng trước. Trong quý IV/2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 68,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 4,6% so với quý III năm nay. Trong quý IV có 9 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung cả năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,10 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm trước). Trong năm 2019 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%).
Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12/2019 ước tính đạt 22,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước. Trong quý IV/2019, kim ngạch nhập khẩu đạt 66 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhẹ 0,8% so với quý III năm nay.
Tính chung năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 108,01 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 145,50 tỷ USD, tăng 2,5%. Trong năm 2019 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 45,8%).
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Mười Một xuất siêu 1,5 tỷ USD[12]; 11 tháng xuất siêu 10,9 tỷ USD; tháng Mười Hai ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Ước tính năm 2019 xuất siêu 9,9 tỷ USD[13], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 35,8 tỷ USD.
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ: Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 16,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2018, trong đó dịch vụ du lịch đạt 11,8 tỷ USD (chiếm 71,1% tổng kim ngạch), tăng 17,4%; dịch vụ vận tải đạt 2,9 tỷ USD (chiếm 17,7%), tăng 2,2%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm nay ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,1 tỷ USD (chiếm 47,6% tổng kim ngạch), tăng 3,2%; dịch vụ du lịch đạt 6,2 tỷ USD (chiếm 32,2%), tăng 4,1%. Nhập siêu dịch vụ năm 2019 là 2,5 tỷ USD, bằng 14,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
10. Chỉ số giá
a) Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua[14], trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42% do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung thịt lợn giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng. Tính chung quý IV/2019, CPI tăng 2,01% so với quý trước và tăng 3,66% so với quý IV/2018; bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua[15].
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 12/2019 giảm 0,36% so với tháng trước; tăng 16,23% so với cùng kỳ năm 2018; bình quân năm 2019 tăng 7,55% so với năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2019 giảm 0,19% so với tháng trước và giảm 0,77% so với cùng kỳ năm 2018; bình quân năm 2019 tăng 0,99% so với năm 2018.
c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2019 tăng 3,91% so với quý trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước, tương tự chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,07% và tăng 0,52%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,31% và tăng 2,8%. Tính chung cả năm 2019, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,31% so với năm 2018; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,25%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,94%.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý IV năm nay tăng 0,28% so với quý trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước; tương tự chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 0,09% và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước; tỷ giá thương mại hàng hóa[16] tăng 0,36% và tăng 3,93%. Tính chung cả năm 2019, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 3,01% so với năm 2018, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 0,59%, tỷ giá thương mại hàng hoá tăng 2,41%.
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI
- Dân số trung bình của Việt Nam năm 2019 là 96,48 triệu người, trong đó tỷ trọng dân số sống ở khu vực thành thị tiếp tục xu hướng tăng lên. Tình hình lao động, việc làm năm 2019 của cả nước có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng.
Dân số trung bình năm 2019[17] của cả nước ước tính 96,48 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 34,7%; dân số nông thôn chiếm 65,3%; dân số nam chiếm 49,8%; dân số nữ chiếm 50,2%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2019 là 55,8 triệu người, tăng 417,1 nghìn người so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 49,1 triệu người, tăng 527,7 nghìn người. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2019 là 54,7 triệu người, bao gồm 19 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 34,7% tổng số (giảm 3 điểm phần trăm so với năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,1 triệu người, chiếm 29,4% (tăng 2,7 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 35,9% (tăng 0,3 điểm phần trăm).
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2019 là 1,98% (quý I là 2,00%; quý II là 1,98%; quý III là 1,99%; quý IV là 1,98%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp chung khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 1,51%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2019 ước tính là 1,26% (quý I/2019 là 1,21%; quý II và quý III cùng là 1,38%; quý IV ước tính là 1,07%), trong đó khu vực thành thị là 0,67%; khu vực nông thôn là 1,57%.
- Đời sống dân cư và an sinh xã hội năm 2019 tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2019 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, cao hơn mức 3,9 triệu đồng của năm 2018. Trong năm 2019, cả nước có 68,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 278 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 33,8%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Tính đến cuối tháng 12/2019, cả nước có 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010-2020.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2019 hơn 5,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm 3,4 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1,3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 0,8 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
- Công tác giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; nề nếp, kỷ cương trong các cơ sở giáo dục được tăng cường; năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được nâng cao.
Trong năm học này, cả nước có 5 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,3 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 17 triệu học sinh phổ thông đến trường (8,7 triệu học sinh tiểu học; 5,7 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,6 triệu học sinh trung học phổ thông) và 1,5 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp[18].
Giáo dục nghề nghiệp năm 2019 đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được nâng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, cả nước có 1.913 cơ sở giáo dục nghề nghiệp[19], bao gồm 402 trường cao đẳng; 472 trường trung cấp và 1.039 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đào tạo nghề năm 2019 đã tuyển mới được 2.338 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 568 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.770 nghìn người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 800 nghìn lao động nông thôn. Năm 2019, số học sinh tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề là 2.195 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 495 nghìn người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.700 nghìn người.
- Tình hình dịch bệnh năm 2019 diễn biến phức tạp, dịch sốt xuất huyết tăng cao; số trường hợp mắc bệnh cúm tăng cao trong những tháng cuối năm.
Tính chung năm 2019, cả nước có 320,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, gấp 2,5 lần số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2018 (53 trường hợp tử vong); 103,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 578 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (14 trường hợp tử vong); 27 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (1 trường hợp tử vong); 41,8 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 8,2 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (3 trường hợp tử vong); 409,8 nghìn trường hợp mắc bệnh cúm (10 trường hợp tử vong).
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống đến thời điểm 18/12/2019 là 210,1 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,51 nghìn người.
Tổng số vụ ngộ độc năm 2019 là 65 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.765 người bị ngộ độc, trong đó 9 người tử vong.
- Đẩy mạnh hoạt động thể thao phong trào; thể thao thành tích cao tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật năm nay tập trung vào chào mừng các ngày Lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 1.483 huy chương trong các giải đấu quốc tế, trong đó 587 huy chương vàng, 428 huy chương bạc, 468 huy chương đồng. Tại SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc, 105 huy chương đồng, xếp vị trí thứ 2/11 quốc gia tham dự, đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nam vô địch SEA Games và đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch.
- Tai nạn giao thông năm 2019 giảm so với cùng kỳ năm trước trên cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương nhờ ý thức chấp hành luật giao thông của người dân được nâng lên một bước và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được thực hiện.
Trong năm 2019 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm 7.624 người chết; 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ. Số vụ tai nạn giao thông năm 2019 giảm 5,1% so với năm trước (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 4%; số vụ va chạm giao thông giảm 6,1%); số người chết giảm 7,1%; số người bị thương giảm 6,4% và số người bị thương nhẹ giảm 8,2%. Trong tổng số 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên có 9.021 vụ (chiếm 97,7%) xảy ra trên đường bộ, làm 7.458 người chết và 5.054 người bị thương. Bình quân 1 ngày trong năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông (giảm 2 vụ so với năm 2018), gồm 25 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 23 vụ va chạm giao thông, làm 21 người chết, 37 người bị thương và 23 người bị thương nhẹ.
- Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương.
Thiên tai xảy ra trong năm chủ yếu là mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường và sạt lở đất. Do tích cực và chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai nên thiệt hại do thiên tai năm 2019 giảm nhiều so với năm trước. Thiên tai xảy ra trong năm đã làm 132 người chết, mất tích và 207 người bị thương[20]; hơn 98,1 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, giảm 37,7%; 1,7 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, giảm 13,6% và hơn 68,5 nghìn ngôi nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước, giảm 42,5%. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2019 ước tính 6,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,6% so với năm 2018.
Trong năm 2019, cả nước đã phát hiện 12.399 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 11.236 vụ với tổng số tiền phạt hơn 134 tỷ đồng; trên địa bàn cả nước xảy ra 3.755 vụ cháy, nổ, làm 112 người chết và 177 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Thông cáo báo chí và Infographics về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2019 được đăng tải trên trang Web của Tổng cục Thống kê (https://www.gso.gov.vn).
[2] Số liệu ước tính cuối tháng 9/2019: tốc độ tăng GDP quý III/2019 đạt 7,31%; 9 tháng tăng 6,98%. Số liệu sơ bộ đến cuối năm 2019: tốc độ tăng GDP quý III đạt 7,48%; tính chung 9 tháng tăng 7,04%. Tốc độ tăng GDP quý III cao hơn 0,17 điểm phần trăm so với số ước tính cuối tháng 9/2019 do một số ngành đạt kết quả thực hiện cao hơn số ước tính như: nông, lâm nghiệp và thủy sản điều chỉnh tăng 0,47 điểm phần trăm; công nghiệp tăng 0,14 điểm phần trăm; vận tải, kho bãi tăng 1,31 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 0,78 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, một số ngành có kết quả thực hiện quý III thấp hơn so với số ước tính như: thông tin truyền thông điều chỉnh giảm 0,15 điểm phần trăm; giáo dục đào tạo giảm 0,07 điểm phần trăm.
[3] Theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 là 2,6%, thấp hơn mức 3% của năm 2018; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 đạt 3%, mức thấp nhất kể từ năm 2008; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 giảm xuống còn 2,9%.
[4] Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn yếu trong quý 4/2019 khi chỉ số thước đo thương mại hàng hóa chỉ đạt 96,6 điểm thấp hơn ngưỡng 100 điểm, cho thấy mức tăng trưởng nằm dưới trung bình.
[5] Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2019 lần lượt là: Năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%; năm 2015 tăng 6,68%; năm 2016 tăng 6,21%; năm 2017 tăng 6,81%; năm 2018 tăng 7,08%; năm 2019 tăng 7,02%.
[6] Năng suất lao động năm 2018 đạt 4.519 USD/lao động.
[7] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành khai khoáng các năm 2016-2019 lần lượt là: giảm 4%; giảm 7,1%; giảm 3,11%; tăng 1,29%.
[8] Tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn là khoảng 65%.
[9] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[10] Chỉ số tương ứng của quý III/2019: Có 43,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 18,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
[11] Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN so với năm trước: năm 2016 là 16,1%; năm 2017 là 6,6%; năm 2018 là 12,2%; năm 2019 là 5,8%.
[12] Tháng Mười Một ước tính xuất siêu 100 triệu USD.
[13] Trong đó, năm 2019 xuất siêu sang EU đạt 26,9 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 33,8 tỷ USD, tăng 40,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,5 tỷ USD, giảm 6,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,8 tỷ USD, giảm 3,2%.
[14] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Mười Hai so với tháng trước của các năm giai đoạn 2011-2019 lần lượt là: tăng 0,53%; tăng 0,27%; tăng 0,51%; giảm 0,24%; tăng 0,02%; tăng 0,23%; tăng 0,21%; giảm 0,25%; tăng 1,4%.
[15] Tốc độ tăng CPI bình quân năm so với năm trước một số năm như sau: năm 2017 tăng 3,53%; năm 2018 tăng 3,54%; năm 2019 tăng 2,79%.
[16] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
[17] Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số cả nước vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 96,2 triệu người.
[18] Chỉ tính sinh viên cao đẳng và trung cấp sư phạm.
[19] Không bao gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các trường đại học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các doanh nghiệp đăng ký đào tạo sơ cấp nghề.
[20] Năm 2018 thiên tai làm 218 người chết, mất tích và 157 người bị thương.
Từ khóa » Tốc độ Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Năm 2019
-
Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý IV Và Năm 2019
-
Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam Năm 2019 đạt 7,02%
-
Kinh Tế Việt Nam 2019 ước Tăng 6,8%, Nhưng Cần Cải Cách để Khơi ...
-
Kinh Tế - Xã Hội Việt Nam Năm 2019 - Những Thành Tựu Nổi Bật
-
Kinh Tế Việt Nam Năm 2019 - Ngân Hàng Nhà Nước
-
Chuyên Gia Lạc Quan Về Chỉ Tiêu Phát Triển Kinh Tế Năm 2019
-
Kinh Tế Việt Nam Năm 2019 Và Triển Vọng 2020 - Bộ Tài Chính
-
Kinh Tế Năm 2019 Có Sự Bứt Phá Vượt Mục Tiêu Tăng Trưởng
-
Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam Dự Báo đạt 7% Trong Năm 2019
-
GDP 2019 Với Tốc độ Tăng ấn Tượng 7,02%
-
GDP Năm 2019 đạt Kết Quả ấn Tượng Với Tốc độ Tăng 7,02%
-
Kinh Tế Việt Nam 2016-2019 Và định Hướng 2020
-
Tăng Trưởng GDP Trong 10 Năm Qua Của Việt Nam
-
[PDF] Asian Development Outlook (ADO) 2019
-
Kinh Tế Thế Giới Và Việt Nam 2019-2020: Củng Cố Nền Tảng, Vượt Lên ...
-
Tốc độ Tăng Trưởng Kinh Tế (GRDP) Năm 2020 Tăng 6,23%
-
Những Con Số ấn Tượng Về Kinh Tế Việt Nam Năm 2019
-
[PDF] Tăng Trưởng Kinh Tế Trong đại Dịch Covid 19 Tại Việt Nam - OSF