THÔNG TIN HỘI THẢO QUỐC TẾ: Về Lao động Di Cư Trong Nước

TỔNG QUAN VỀ LAO ĐỘNG DI CƯ TRONG NƯỚC VÀ

NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA Ở VIỆT NAM

(Tham luận hội thảo: “Vấn đề pháp luật đặt ra với lao động di cư – Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc” Ngày 28/11/2017, trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Luật – Đại học Vân Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Hữu Chí

Trường Đại học Luật Hà Nội

Đặt vấn đề.

Lao động di cư là một xu thế tất yếu trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Có hai loại lao động di cư cơ bản: di cư từ vùng này đến vùng khác trong phạm vi biên giới của một quốc gia và di cư từ quốc gia này đến quốc gia khác. Di dân ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Tính từ thời điểm nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến trước thời kỳ đổi mới, xét trong phạm vi quốc gia các cuộc di dân lớn nhất và có tổ chức từ bộ máy chính quyền nhà nước là các cuộc di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Từ sau năm 1986 đến nay, các cuộc di dân xây dựng kinh tế mới vẫn tiếp tục được tiến hành nhưng đã có nhiều thay đổi về biện pháp, phương thức, cách thức thực hiện… và thường được gắn với các chương trình kinh tế, xã hội[1]. Bên cạnh các cuộc di cư do nhà nước tổ chức, còn có nhiều cuộc di cư có tính tự phát chủ yếu vì lý do kinh tế từ khu vực bắc bộ, trung bộ vào Tây nguyên; từ nông thôn ra thành thị…những cuộc di cư này chủ yếu xuất hiện khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường và các quyền con người ngày càng được coi trọng (quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do việc làm…). Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, lao động di cư tác động mạnh mẽ cả tích cực và tiêu cực cho vùng đất mà họ đến cũng như nơi họ ra đi. Có thể nói lao động di cư đại bộ phận là những người có ý chí mạnh mẽ, luôn có khát vọng vươn lên, mong muốn và dám thay đổi. Vì vậy, về bản chất lao động di cư không phải là đối tượng yếu thế trong xã hội. Cho dù, tại những thời điểm nhất định họ gặp những khó khăn, thất bại, bị phân biệt đối xử, không được tiếp cận dịch vụ cuộc sống thiết yếu… thì hầu hết là do chính sách, ứng xử của xã hội…chứ hoàn toàn không liên quan đến nguồn gốc di cư của họ. Tất cả những điều đó cho thấy cần có nghiên cứu toàn diện, đầy đủ về lao động di cư dưới các góc nhìn khác nhau để từ đó nhận diện đầy đủ và hoạch định chính sách phù hợp với lao động di cư. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến lao động di cư trong nước và chủ yếu là trong khoảng 20 năm trở lại đây.

1. Tổng quan về tình hình lao động di cư trong nước

1.1. Quan niệm về lao động di cư trong nước

Công ước số 97 Công ước về người lao động di trú (xét lại năm 1949 , ngày có hiệu lực: 22/1/1952): Từ “lao động di trú” là chỉ một người di trú từ một nước này sang một nước khác nhằm làm thuê cho người khác; từ này bao gồm mọi người nào đã được thường xuyên chấp nhận là có tư cách người lao động di trú (Khoản 1 Điều 11)

Công ước của Liên Hợp Quốc về các quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ, ngày 18/12/1990 khoản 1 Điều 2 ghi nhận: Thuật ngữ “người lao động di trú” để chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân.

Các văn bản quốc tế nói trên đều đưa ra các quan niệm liên quan đến lao động di trú có tính quốc tế tức là từ nước này đến nước khác.

Trong các cuộc điều tra dân số ở Việt Nam thì di cư được định nghĩa là sự di chuyển của con người một đơn vị hành chính này đến một đơn vị hành chính khác, đó là chuyển đến một xã khác, huyện khác, thành phố hoặc một tỉnh khác trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, điều kiện để xác định một người là người di cư cũng có sự khác nhau nhất định. Theo các tác giả của cuốn sách Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam thì[2]:

- Di cư giữa các vùng: bao gồm những người 5 tuổi trở lên đang sống ở Việt Nam và cách đây 5 năm trước thời điểm điều tra sống ở vùng khác với vùng hiện đang cư trú.

- Di cư giữa các tỉnh: bao gồm những người 5 tuổi trở lên đang sống ở Việt Nam và cách đây 5 năm trước thời điểm điều tra sống ở tỉnh khác với tỉnh hiện đang cư trú.

- Di cư giữa các huyện: bao gồm những người 5 tuổi trở lên, cách đây 5 năm trước thời điểm điều tra sống trong cùng một tỉnh nhưng ở huyện khác với huyện hiện đang cư trú.

- Di cư trong huyện: bao gồm những người 5 tuổi trở lên, cách đây 5 năm trước thời điểm điều tra sống trong cùng một huyện nhưng ở xã/phường khác với xã/phường hiện đang cư trú.

- Không di cư bao gồm những người từ 5 tuổi trở lên và 5 năm trước thời điểm điều tra sống trong cùng xã với nơi thực tế thường trú hiện tại (không di cư giữa các xã).

Trong cuốn sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015[3]: Người di cư nội địa được định nghĩa “là người di chuyển từ huyện/ quận này sang huyện/quận khác trong vòng 5 năm trước thời điểm điều tra và thỏa mãn một trong ba điều kiện sau:

i. Đã cư trú ở nơi điều tra từ 1 tháng trở lên;

ii. Cư trú ở nơi điều tra mới dưới 1 tháng nhưng có ý định ở từ 1 tháng trở lên;

iii. Cư trú ở nơi điều tra mới dưới 1 tháng nhưng trong vòng 1 năm qua đã rời khỏi nơi thường trú đến ở một quận/huyện khác với thời gian tích lũy từ 1 tháng trở lên để lao động kiếm tiền”.

Tóm lại, lao động di cư trong nước là người di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác trong một thời gian nhất định với mục đích lao động, làm việc.

Di cư vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của quá trình phát triển. Di cư đã và đang trở thành sự lựa chọn của người dân nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm ăn cho mình và nó trở thành một cấu thành không thể thiếu được của quá trình phát triển đặc trưng cho mối quan hệ qua lại giữa vùng miền và lãnh thổ.

1.2. Phân loại lao động di cư trong nước

Di cư là yếu tố quan trọng, là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Chính phủ các nước. Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế diễn ra nhanh chóng cùng với chính sách mở cửa, hội nhập dẫn đến việc di cư nội địa và di cư quốc tế tăng lên.

Quá trình di cư luôn chịu tác động của yếu tố “nhân tố đẩy” và “nhân tố kéo” hay quá trình di cư xảy ra khi có sự khác biệt về đặc trưng giữa hai vùng: vùng đi và vùng đến. Nhân tố đẩy là những yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa ở nơi đi, ví dụ: do điều kiện sống khó khăn, thiếu việc làm, thiếu đất đai. Đây là “nhân tố đẩy”. Cùng với nó các nhân tố hút ở nơi đến như những điều kiện, yếu tố thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… và sự hấp dẫn về việc làm, cơ hội có thu nhập và mức sống cao ở nơi đến. Đây là “nhân tố kéo”. Sự kết hợp giữa nhân tố đẩy và nhân tố kéo đã thúc đẩy quá trình di cư diễn ra[4].

Việc phân loại lao động di cư là để có góc nhìn đa chiều, trên cơ sở đó có thể đánh giá, nhìn nhận về lao động di cư dưới nhiều khía cạnh khác nhau phục vụ cho việc đánh giá thực trạng và hoạch định chính sách phù hợp.

1.2.1. Phân loại dựa trên cấp hành chính và địa bàn di cư

Dựa trên cấp hành chính và địa bàn di cư, có thể phân chia thành các dòng di cư được xác định dựa trên đặc điểm nông thôn hay thành thị của nơi thường trú tại thời điểm điều tra và nơi thường trú hiện tại của người di cư:

- Di cư từ khu vực nông thôn đến nông thôn;

- Di cư từ khu vực nông thôn đến thành thị;

- Di cư từ khu vực thành thị đến nông thôn;

- Di cư từ khu vực thành thị đến thành thị.

Di cư theo vùng và di cư nói chung là một hiện tượng tự nhiên của quá trình phát triển kinh tế bởi nó xảy ra để thích nghi những cơ hội kinh tế và phi kinh tế. Việc phân bố lại dân cư sẽ tiếp diễn cho đến khi những cơ hội này đồng đều giữa các vùng, miền. Trong quá trình này, di cư từ nông thôn ra thành thị là phổ biến nhất đặc biệt khi một nước với đại bộ phận dân số sống ở nông thôn và làm nghề nông bước vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đi kèm quá trình đô thị hóa. Ở Việt Nam, khi quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa bắt đầu thì sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng diễn ra mạnh mẽ hơn, di cư nông thôn đến thành thị cũng ngày càng chiếm ưu thế hơn. Kết quả cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 cho thấy, trong hơn 5,6 triệu người từ 5 tuổi trở lên di cư, thì có 29,0% di cư từ nông thôn đến thành thị, 28,8% di cư từ nông thôn đến nông thôn, 30,1% là di cư từ thành thị đến thành thị, 12,1% là di cư từ thành thị đến nông thôn[5].

Việc di cư theo khu vực nói trên cũng có sự khác nhau về tỷ lệ. Xét theo 3 loại hình di cư: di cư đến, di cư quay về, di cư gián đoạn thì tỷ lệ người di cư đến là cao nhất chiếm 16,0% dân số nhóm tuổi 15-59, trong khi đó người di cư quay về và di cư gián đoạn chiếm không đáng kể lần lượt với tỷ lệ là 0,8% và 0,4%[6].

Bảng 1: Tỷ lệ người di cư từ 15-59 tuổi chia theo loại hình di cư, thành thị/nông thôn và vùng kinh tế - xã hội[7]

Đơn vị tính: %

Vùng kinh tế - xã hội

Di cư

Tỉ lệ người di cư trong tổng dân số 15-59

Chia ra

Di cư đến

Di cư quay về

Di cư gián đoạn

Toàn quốc

17,3

16,0

0,8

0,4

Thành thị

19,7

18,7

0,5

0,4

Nông thôn

13,4

11,7

12,0

0,5

Vùng kinh tế - xã hội

Trung du và miền núi phía Bắc

10,9

8,4

2,0

0,5

Đồng bằng sông Hồng

17,3

16,6

0,3

0,3

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

15,7

14,3

12,0

0,3

Tây Nguyên

9,9

8,7

0,9

0,4

Đông Nam Bộ

29,3

28,3

0,7

0,4

Đồng bằng sông Cửu Long

19,1

16,7

1,8

0,7

Hà Nội

16,3

15,3

0,6

0,4

TP. Hồ Chí Minh

20,7

19,9

0,3

0,5

Số lượng (người)

11 170

10 348

574

248

Kết quả điều tra cho thấy chỉ có một tỷ lệ nhỏ người di cư gián đoạn, mặc dù nhóm người di cư này được coi là tương đối phổ biến, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (xem bảng 1). Di cư gián đoạn cũng được coi là phổ biến hơn ở khu vực thành thị so với khu vực nông thôn, tuy nhiên trong cuộc điều tra này tỷ lệ di cư gián đoạn ở nông thôn cao hơn một chút so với thành thị. Dường như là mức độ của di cư gián đoạn ở Việt Nam thấp hơn so với các nước Đông Nam Á[8]. Ở cấp vùng, Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ di cư cao nhất (29,3%) và tương ứng tỷ lệ di cư đến cũng chiếm cao nhất (28,3%), tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ di cư cũng khá cao (19,1%) do vùng này tập trung khá lớn người di cư vì mục đích học tập. Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng có tỷ lệ người di cư thấp nhất cả nước (tương ứng là 9,9% và 10,9%), và tỷ lệ người di cư đến của hai vùng này cũng chiếm tỷ lệ thấp nhất cả nước (8,7% và 8,4%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có tỷ lệ di cư cũng khá cao. Ở cấp độ vùng, tất cả các vùng (trừ thành phố Hồ Chí Minh) tỷ lệ di cư ở khu vực thành thị đều cao hơn nông thôn (Bảng 1).

1.2.2. Phân loại dựa trên độ tuổi và giới tính của người di cư

Theo kết quả Tổng điều tra dân số 2009, tuổi trung vị[9] của người không di cư năm 2009 là 30 tuổi, có nghĩa là một nửa dân số không di cư có độ tuổi từ 30 trở xuống, còn tuổi trung vị của người di cư ít hơn khoảng 5 năm, hay nói cách khác có một nửa số người di cư có độ tuổi từ 25 trở xuống. Kết quả phân tích số liệu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 cung cấp thêm những bằng chứng khẳng định các phát hiện trước đây cho thấy người di cư thường là những người trẻ tuổi.

Bảng 2: Tỷ lệ di cư theo vùng kinh tế - xã hội, thành thị/nông thôn, giới tính[10]

Đơn vị tính: %

Vùng kinh tế - xã hội

Chung

Thành thị/ nông thôn

Giới tính

Thành thị

Nông thôn

Nam

Nữ

Toàn quốc

17,3

19,7

13,4

16,8

17,7

Trung du và miền núi phía Bắc

10,9

13,3

9,70

11,2

10,6

Đồng bằng sông Hồng

17,3

17,3

17,4

16,9

17,7

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

15,7

16,3

12,3

15,3

16,2

Tây Nguyên

9,90

11,9

9,00

9,20

10,7

Đông Nam Bộ

29,3

33,1

22,0

29,3

29,4

Đồng bằng sông Cửu Long

19,1

20,0

15,7

19,6

18,6

Hà Nội

16,3

20,1

11,4

15,0

17,5

TP. Hồ Chí Minh

20,7

20,3

22,4

20,3

21,1

Số lượng (người)

11170

8018

3152

5228

5942

Kết quả Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 cho thấy, 17,3% dân số ở độ tuổi 15-59 trong cả nước là người di cư. Các cuộc điều tra di cư trước đây cho thấy nữ giới chiếm tỷ lệ di cư ngày càng cao (hiện tượng “nữ hóa” di cư). Kết quả Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 cũng không phải là ngoại lệ, với tỷ lệ di cư của nữ giới (17,7%) cao hơn so với nam giới (16,8%). Xu hướng này tương tự ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng, trừ Trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long lại có xu hướng ngược lại, nghĩa là tỷ lệ di cư của nam cao hơn nữ. Tỷ lệ nữ giới chiếm 52,4% tổng số di cư. Hiện tượng “nữ hóa di cư” cũng thể hiện ở tỷ số giới tính của người di cư, 6 trong 9 nhóm tuổi của người di cư có tỷ số giới tính nhỏ hơn 100 mặc dù tỷ lệ này là không đồng đều theo nhóm tuổi, cao nhất là ở nhóm tuổi 35-39 (145 nam/100 nữ), tiếp đến là nhóm tuổi 45-49 (127 nam/100 nữ), thấp nhất là ở nhóm tuổi 55-59 (69 nam/100 nữ). Ở nhóm người không di cư, tỷ số giới tính của những nhóm tuổi liền nhau khá tương đồng với đặc trưng chung về tỷ số giới tính của toàn bộ dân số. Các nhóm tuổi dưới 24, tỷ số giới tính lớn hơn 100, ở các nhóm tuổi từ 25 trở lên tỷ số giới tính nhỏ hơn 100[11]. Người di cư đến các vùng đa số là người trẻ (trên 60% người di cư có độ tuổi dưới 30), ngoại trừ thành phố Hồ Chí Minh (56,1%). Tỷ lệ người di cư ở độ tuổi dưới 30 ở Đồng bằng sông Hồng là 76,3%, Hà Nội 68,7%, các vùng còn lại khá tương đồng nhau từ 60,5% đến 65,5%. Sự tập trung người di cư ở nhóm độ tuổi trẻ đặt ra gánh nặng về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm cho những khu vực di cư đến, đặc biệt là khu vực có tỷ lệ người di cư trong nhóm tuổi trẻ lớn như vùng Đồng bằng sông Hồng và Hà Nội. Ở tất cả các vùng, phân bố phần trăm người di cư ở độ tuổi từ 15-29 của nữ đều lớn hơn nam (ngoại trừ thành phố Hồ Chí Minh), điều này cũng tương tự như kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và các cuộc Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình hàng năm, thể hiện rõ xu hướng “nữ hoá” trong di cư[12].

1.2.3. Phân loại theo vị trí việc làm của người lao động di cư

Người di cư trước hết vì lý do kinh tế, do đó vấn đề việc làm với họ là sự quan tâm hàng đầu. Người lao động di cư làm việc ở mọi lĩnh vực, ngành nghề cả ở khu vực kết cấu và phi kết cấu. Người di cư tham gia nhiều nhất vào các nhóm nghề “Nhân viên dịch vụ và bán hàng” (22%), tiếp theo là các nhóm nghề “Lao động thủ công và các nghề nghiệp khác có liên quan” và “Lao động giản đơn” (17,7%). Tỷ trọng người di cư tham gia vào các nhóm nghề khác liên quan đến các vị trí “lãnh đạo trong các ngành, các cấp” và nhóm nghề có “Nhà chuyên môn bậc cao” thấp hơn người không di cư (7,8% so với 11,9%). Ngược lại, người di cư có xu hướng làm việc trong các nhóm nghề như “Lao động giản đơn” và “Thợ vận hành và lắp ráp máy móc, thiết bị” nhiều hơn người không di cư 6,4% (33,5% và 27,1%). Kết quả khảo sát cũng cho thấy người không di cư tham gia vào nhóm nghề liên quan lĩnh vực dịch vụ khá cao (31,8%)[13]. Xét theo 3 khu vực kinh tế, tỷ trọng đối tượng điều tra làm việc trong khu vực dịch vụ là lớn nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng và thấp nhất là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng người di cư làm trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thấp hơn so với người không di cư (10,2% so với 15,8%). Trong khi đó, tỷ trọng người di cư làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng cao gần gấp đôi tỷ trọng người không di cư làm trong cùng khu vực (40,2% so với 26,4%). Tỷ trọng này tương tự đối với nam giới và nữ giới. Nam giới làm việc trong khu vực “Công nghiệp và xây dựng”cao hơn nữ giới, ngược lại nữ giới làm việc trong khu vực “Dịch vụ” cao hơn nam giới[14]. Tỷ trọng người di cư làm trong “Khu vực nước ngoài” cao hơn gần 3 lần so với người không di cư (19,3% so với 7,2%), trong khu vực “Ngoài nhà nước” cao hơn 8 điểm phần trăm so với người không di cư[15]. Đối với người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có khoảng 70% người di cư và 73,4% người không di cư có ký hợp đồng lao động (70,8% của người di cư đến và 65,7% của người di cư quay về, gián đoạn). Có 17,9% người không di cư có thỏa thuận miệng với chủ sử dụng lao động, thấp hơn tỷ lệ này của người di cư (20,7%). Tỷ trọng người không có hợp đồng lao động chiếm tỷ trọng thấp (8,7% của người không di cư và 9,7% của người di cư). Tỷ trọng những người có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là cao nhất (54,4% của người không di cư và 30,9% của người di cư). Đáng chú ý có 33,2% người di cư đến đã ký loại hợp đồng lao động từ 1 năm đến dưới 3 năm, cao hơn so với các loại hợp đồng lao động khác. Có khác biệt tỷ trọng đã ký hợp đồng lao động của người di cư và không di cư theo quan sát ở cả hai giới. Ở cả nhóm di cư và không di cư, tỷ trọng nữ giới ký kết hợp đồng lao động nhiều hơn so với nam giới (77,7% so với 68,7% của người không di cư; 76,0% so với 62,5% của người di cư)[16]. Nhìn và các số liệu nói trên, có thể thấy người lao động di cư khi vào làm việc trong các doanh nghiệp thì có việc làm tương đối ổn định. Tuy nhiên, các báo cáo và nghiên cứu gần đây cho thấy lại xuất hiện những hiện tượng rất đáng quan ngại về tính ổn định và bền vững của việc làm cho người lao động di cư. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động vào tháng 9/2017 thì có hiện tượng doanh nghiệp gia tăng chấm dứt quan hệ lao động với người lao động trên 35 tuổi. Qua khảo sát 64 doanh nghiệp, có hiện tượng người lao động chỉ làm việc tại doanh nghiệp 6-7 năm rồi nghỉ. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn, thường lao động chỉ làm đến 31-32 tuổi rồi nghỉ và ít người làm đến 35 tuổi[17].

2. Lao động di cư trong nước – Nhận diện các yếu tố tác động, ảnh hưởng và thách thức

Có nhiều cách để tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng từ đó nhận diện các thách thức với lao động di cư trong nước. Chẳng hạn, nếu tiếp cận dưới góc độ nhân quyền có thể nhận diện các yếu tố tác động, ảnh hưởng và từ đó xác định các thách thức về chính sách với lao động di cư trong nước dưới các khía cạnh sau đây:

- Quyền về an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội);

- Quyền về tự do việc làm, lao động;

- Quyền đảm bảo về sinh kế và thu nhập;

- Quyền về nơi cư trú, nhà ở, tự do đi lại;

- Quyền học tập;

- Quyền tự do kinh doanh;

- Quyền tiếp cận thông tin và thụ hưởng các giá trị văn hóa;…

Trong hội thảo này, một số các quyền nói trên của người di cư nội địa ở Việt Nam sẽ được các diễn giả trình bày cụ thể. Vì vậy, trong phạm vi tham luận này, thông qua việc kế thừa kết quả khảo sát thực tiễn từ nghiên cứu về Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015 chúng tôi muốn cung cấp các thông tin có tính thực tiễn, có tính so sánh về những yếu tố thách thức, ảnh hưởng hay còn gọi là những khó khăn mà người di cư gặp phải trong sự so sánh với loại hình di cư, khu vực, giới tính….

Bảng 3. Tỷ lệ người di cư gặp khó khăn chia theo khó khăn, loại hình di cư, thành thị/nông thôn và giới tính[18]

Đơn vị tính: %

Các khó khăn

Di cư

Loại hình di cư

Chia theo khu vực

Chia theo giới tính

Di cư đến

Di cư quay về, gián đoạn

Thành thị

Nông thôn

Nam

Nữ

Thủ tục hành chính phức tạp

4,4

5,3

1,4

3,6

5,6

5,2

3,8

Không được cấp đất

7,3

7,7

6,0

3,0

14,4

8,2

6,7

Khó khăn về chỗ ở

42,6

47,5

25,9

40,9

45,5

44,7

41,1

Khó khăn về điện thắp sáng

3,4

3,9

1,7

1,7

6,3

4,3

2,8

Khó khăn về nước sinh hoạt

7,8

8,7

4,6

4,9

12,5

7,9

7,7

Không tìm được việc làm

34,3

26,1

62,4

28,6

43,6

35,1

33,6

Không được cung cấp dịch vụ y tế

2,0

2,3

0,9

1,4

3,1

2,1

1,9

Không được đảm bảo an ninh

4,3

5,1

1,4

5,1

2,9

3,2

5,1

Không thể tìm trường học cho con

1,6

1,9

0,3

1,1

2,2

1,4

1,7

Không thích nghi với nơi ở mới

22,7

28,3

3,4

24,5

19,8

19,5

25,2

Không có nguồn thu nhập

38,9

36,2

48,3

31,6

50,9

39,1

38,8

Tiếp cận nguồn thông tin

8,8

9,7

5,7

5,2

14,7

9,3

8,5

Bị phân biệt đối xử ở cộng đồng

0,5

0,6

0,0

0,6

0,2

0,6

0,3

Môi trường sống ô nhiễm

3,6

2,8

2,6

4,2

2,6

3,8

3,4

Bị lạm dụng, quấy rối tình dục

0,1

0,0

0,3

0,0

0,2

0,0

0,1

Khác

12,2

13,3

8,6

13,1

10,8

11,9

12,5

Số lượng (người)

1544

1196

348

959

585

658

886

Dựa trên câu hỏi có nhiều phương án trả lời, vì thế tổng không bằng 100%

Bảng 3 phản ánh những khó khăn mà người di cư gặp phải ở nơi cư trú mới, cho thấy khó khăn lớn nhất của họ là về chỗ ở (42,6%). Những khó khăn chủ yếu tiếp theo của người di cư có thể kể đến bao gồm: “Không có nguồn thu nhập” (38,9%); “Không tìm được việc làm” (34,3%) và “Không thích nghi với nơi ở mới” (22,7%). Đối với người di cư đến, khó khăn lớn nhất của họ là “chỗ ở” (47,5%); các khó khăn tiếp theo lần lượt là “không có nguồn thu nhập” (36,2%); “không tìm được việc làm” (26,1%) và “không thích nghi với nơi ở mới” (28,3%). Người di cư quay về, gián đoạn gần như không gặp khó khăn gì trong việc “thích nghi với nơi ở mới”. Hơn nữa, khó khăn về “chỗ ở” của họ không nghiêm trọng như người di cư đến (25,9% so với 47,5%). Khó khăn đáng kể nhất của người di cư quay về, gián đoạn là “không tìm được việc làm” (62,4%) và “không có nguồn thu nhập” (48,3%).

Đối với người di cư ở khu vực thành thị, những người đề cập đến khó khăn về chỗ ở chiếm tỷ lệ cao nhất (40,9%); tỷ lệ cao thứ hai thuộc về những người gặp khó khăn về nguồn thu nhập (31,6%) và thứ ba là vấn đề việc làm (28,6%). Thứ tự các mức độ khó khăn này ở khu vực nông thôn lần lượt là: khó khăn về “thu nhập” (50,9%); khó khăn về “chỗ ở” 45,5% và khó khăn về “việc làm” (43,6%). Nhìn chung, không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ di cư về các vấn đề khó khăn của người di cư.

Kết quả điều tra cũng cho thấy người di cư hầu như không bị “phân biệt đối xử” hoặc bị lạm dụng, quấy rối tình dục sau khi di chuyển đến nơi cư trú mới. Tỷ lệ người di cư cho biết họ gặp phải vấn đề này chiếm không quá 1%. Không có ai trong số người Di cư quay về, gián đoạn gặp phải vấn đề này. Đồng thời rất ít người di cư cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cũng như giáo dục cho con cái. Tỷ lệ này ở tất cả các khu vực và các loại hình di cư đều bằng hoặc dưới 2%[19].

Ngoài cách tìm hiểu khó khăn của người di cư theo cách phân chia nói trên, còn có thể tìm hiểu khó khăn, thách thức với người di cư dưới các tiêu chí như theo vùng kinh tế - xã hội (toàn quốc; trung du miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc trung bộ; Tây nguyên; đồng bằng sông Cửu Long; Hà Nội, TP HCM..).

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2016) về những khó khăn mà người dân gặp phải liên quan tới tình trạng đăng ký hộ khẩu, cho thấy mối liên quan giữa việc tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục của trẻ với tình trạng đăng ký hộ khẩu đã có sự cải thiện, tuy nhiên đối với những người có đăng kí tạm trú họ vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tới các dịch vụ xã hội này. Những thách thức này có thế dẫn tới những hệ lụy, ví dụ người di cư phải để con cái ở lại quê nhà để chúng tiếp tục học tập, hoặc họ phải chấp nhận trả tiền học phí cao hơn cho con học ở những trường tư. Trong điều tra di cư 2015, những khó khăn này dường như đã được chấp nhận như một phần của quá trình di cư, có thể vì thế mà người di cư đã không đề cập đến như là một khó khăn mà họ phải đối diện ở nơi đến.

3. Một số đề xuất và gợi ý chính sách

Di cư trong những năm qua đã và đang trở thành sự lựa chọn của người dân nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm ăn cho mình và nó trở thành một cấu thành không thể thiếu được của quá trình phát triển qua lại giữa vùng miền và lãnh thổ. Di cư là một yếu tố không thể thiếu để phát triển kinh tế bởi di cư sẽ giúp phân bổ lại nguồn lực lao động từ những nơi thừa lao động sang những nơi cần lao động. Di cư bao gồm hai bộ phận là di cư nội địa và di cư quốc tế.

Trong dòng di cư nói chung, lao động di cư cũng là nhóm người dễ bị tổn thương và bị lạm dụng và cũng chịu ảnh hưởng của các sự kiện trong đời sống kinh tế xã hội. Với bối cảnh toàn cầu hoá, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới, việc tiếp cận thị trường thế giới tác động tới các ngành công nghiệp mới và tạo việc làm cho hàng triệu người, già và trẻ bước vào thị trường lao động mỗi năm. Sự tập trung các vùng kinh tế, sự khác biệt về điều kiện kinh tế giữa các vùng miền dẫn đến việc di cư của một bộ phận dân số là điều tự nhiên.

Ở tầm vĩ mô, di cư xảy ra do sự khác biệt về cơ hội giữa nơi đi và nơi đến. Ở tầm vi mô, quyết định di cư của một người không chỉ phụ thuộc vào bản thân cá nhân người di cư mà còn phụ thuộc vào các yếu tố xã hội và mạng lưới xã hội kết nối giữa nơi đi và nơi đến. Hiểu được những yếu tố và mạng lưới liên kết này có thể giúp xây dựng các chính sách di cư hiệu quả.

Làn sóng di cư luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Những nỗ lực để hạn chế bớt một số khó khăn của di cư sẽ kéo theo một số mặt của sự phát triển. Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần quan tâm ở cả hai góc độ là nơi xuất cư (chủ yếu là nông thôn) và nơi nhập di cư (chủ yếu là thành thị). Tựu chung lại, chúng tôi cho rằng những vấn đề sau đây cần được lưu ý giải quyết.

3.1. Xây dựng đồng bộ các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người di cư ở nơi đến.

Kết quả các khảo sát đều cho thấy, tại nơi đến người di cư (trong đó có thành viên gia đình họ) còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội…trong khi họ cũng là những người lao động và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung. Đây cũng là những quyền cơ bản của công dân mà người di cư hoàn toàn có quyền được hưởng.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý hoàn thiện và thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người cao tuổi, trẻ em ở quê nhà (nơi đi). Bên cạnh những lợi ích mà di cư đem lại đối với điểm đi, những người thân ở lại như cha mẹ già, con nhỏ cũng là một mối quan tâm lớn phía sau làn sóng di cư. Những vấn đề này bao gồm sự thiếu hụt lao động dẫn đến người già và trẻ em phải làm việc trong khoảng thời gian cao điểm đi kèm đó là sự thiếu sự quản lý của cha mẹ về học hành của con cái. Vì vậy, cần hoàn thiện và thực hiện các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người già và trẻ em ở quê nhà để đảm bảo để di cư đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của ở đầu đi và đầu đến.

Để có chính sách an sinh xã hội đồng bộ cho người di cư thì việc thông tin về tình hình dân số, biến động tại địa phương (đặc biệt là nơi có nhiều người nhập cư) và rộng ra trên địa bàn cả nước cần kịp thời, thường xuyên, chính xác. Đâu đó vẫn có sự quan ngại về công tác thống kê và tính tin cậy của thông tin thống kê dân số làm cơ sở cho hoạch định chính sách kinh tế, xã hội nói chung và an sinh xã hội nói riêng.

3.2. Cải cách, đổi mới thủ tục hành chính về cư trú, hộ khẩu

Các thủ tục hành chính về hộ khẩu, cư trú ảnh hưởng đến nhiều quyền lợi của người di cư. Nhiều người di cư (49%) đăng ký tạm trú và có 13,5% người di cư không đăng ký tạm trú/tạm vắng[20]. Có thể nhiều lợi ích liên quan đế đăng ký hộ khẩu thường trú không còn nhưng việc tiếp cận tới giáo dục của con cái hay chăm sóc sức khỏe có thể gặp khó khăn nếu không có hộ khẩu thường trú. Vay vốn từ các nguồn chính thức cũng gặp khăn và đăng kí phương tiện đi lại như xe máy có thể không dễ dàng ở nơi đến nếu không có hộ khẩu thường trú. Đồng thời, thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú ở nhiều nơi còn rất phức tạp.

3.3. Chính sách về nhà ở cho người di cư

Điều kiện nhà ở tại điểm đến là điều khiến người di cư không hài lòng. Gần một phần ba số người di cư cho rằng điều kiện tại nơi ở mới kém hơn so với quê cũ của họ. Nghiên cứu định tính khẳng định kết luận này, cho thấy người di cư phàn nàn về việc phải thuê nhà với giá điện, nước quá cao. Kết quả của điều tra cho thấy diện tích ở trung bình của người di cư nhỏ hơn so với người không di cư. Hơn 40% số người di cư ở diện tích bình quân đầu người thấp hơn 10m2 trong khi đó tỷ lệ này ở người không di cư là 16%[21]. Hiện mô hình Nhà ở xã hội đang được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như công chức của nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp... và được cho thuê hoặc cho ở với giá rẻ so với giá thị trường là một trong những chính sách tốt để giải quyết vấn đề này cho người lao động di cư.

3.4. Nâng cao điều kiện và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người lao động di cư.

Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của người di cư (dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục đào tạo; dịch vụ thông tin-thể thao-khoa học; dịch vụ việc làm; dịch vụ cộng đồng và trợ giúp xã hội…) nhìn chung không có sự ngăn cấm nhưng đâu đó vẫn tồn tại những rào cản dẫn đến ít, nhiều khó khăn khi tiếp cận của người lao động di cư, trong đó đặc biệt là dịch vụ việc làm vì đây là mối quan tâm hàng đầu của người lao động di cư. Do đó, ở lĩnh vực dịch vụ này cần thành lập các văn phòng dịch vụ giới thiệu việc làm cung ứng lao động, thông tin thị trường theo đơn vị quản lý hành chính ở các thành phố nhằm hỗ trợ người di cư tiếp cận được với việc làm. Tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động di cư, các trung tâm giới thiệu việc làm để có thể hỗ trợ người di cư một cách có hiệu quả trong quá trình di cư và giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu ở nơi đến. Cần có các qui định cụ thể để người sử dụng lao động phải có hợp đồng lao động chính thức với cả người di cư và không di cư để đảm bảo những quyền lợi cơ bản cho người lao động như bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

3.5. Cần xây dựng và mở rộng mạng lưới xã hội dân sự một cách thực chất và hiệu quả để hỗ trợ người di cư

Bên cạnh vai trò của khu vực chính thức trong việc hỗ trợ người di cư. Cần tăng cường vai trò của các tổ chức sử dụng lao động di cư, các tổ chức xã hội dân sự, các trung tâm dịch vụ xã hội, hiệp hội của người di cư… để có thể hỗ trợ người di cư một cách có hiệu quả trong quá trình di cư và giúp họ vượt qua những khó khăn cả ở nơi đến và nơi đi. Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ ở Việt Nam hiện nay thì việc sử dụng và tạo điều kiện cho các thiết chế xã hội hỗ trợ người lao động di cư là một hướng đi cần khích lệ.

3.6. Cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho nhóm người di cư trở về nơi đi.

Một số lượng không nhỏ người di cư quay trở về quê mang theo nhiều kỹ năngcần thiết cho cộng đồng. Họ rất cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống ở quê nhà, cũng như tận dụng các kỹ năng và kiến thức họ đã thu nhận được cho phát triển cộng đồng ở quê hương. Sự hỗ trợ với nhóm này cũng bao gồm một số nội dung như nơi đến của người di cư.

3.7. Cần lồng ghép các vấn đề di cư trong các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Di cư là một vấn đề kinh tế-xã hội và nó gắn liền với tất cả yếu tố của kinh tế-xã hội: Việc làm, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cơ cấu dân số, môi trường, phát triển kinh tế….Vì vậy, nó phải được hoạch định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, địa phương, khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, người lao động di cư hầu hết là người trẻ vì vậy cần lưu ý chính sách phát triển thanh niên cần quan tâm tới lực lượng lao động di cư trẻ tuổi. Với một lực lượng lao động di cư trẻ từ nông thôn tới, và trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, chính vì vậy cần có các chính sách về giáo dục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư để có thể đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động nơi đến, tăng năng suất lao động; cần tăng cường cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sức khỏe tình dục cho nhóm di cư trẻ tuổi này.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016.

2. Sách: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, NXB Thông tấn, 2016.

3. Bài viết “Chính sách di dân đi xây dựng kinh tế mới ở Việt Nam”, Đặng Nguyên Anh, Tạp chí Khoa học xã hội, số 09 (121), 2008.

4. Công ước số 97 Công ước về người lao động di trú (xét lại năm 1949, ngày có hiệu lực: 22/1/1952).

5. Công ước của Liên Hợp Quốc về các quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ, ngày 18/12/1990.

6. https://baomoi.com.

[1] Xem Đặng Nguyên Anh, Tạp chí Khoa học xã hội, số 09 (121), 2008

[2] Sách: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, NXB Thông tấn, 2016, tr9

[3] Cuốn sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr9

[4] Sách: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, NXB Thông tấn, 2016, tr8

[5] Sách: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, NXB Thông tấn, 2016, tr13

[6] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr21

[7] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr22

[8] Sách: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, NXB Thông tấn, 2016, tr21

[9] Độ tuổi trung vị ở đây là Median age, là độ tuổi mà chia dân số thành hai nhóm với số lượng bằng nhau - đó là, một nửa những người trẻ hơn tuổi này và một nửa là già hơn, tức là giá trị là Số trung vị của bảng tuổi dân số. Đây là một chỉ số duy nhất biểu thị tóm tắt sự phân bố tuổi của dân số (https://vi.wikipedia.org/wiki/)

[10] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr33

[11] Sách: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, NXB Thông tấn, 2016, tr34

[12] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr35

[13] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr98

[14] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr101

[15] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr102

[16] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr105

[17] https://baomoi.com/sa-thai-lao-dong-som-ganh-nang-cho-bhxh; cập nhật 21h00 ngày 18/11/2017

[18] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr80

[19] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr81

[20] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr178

[21] Sách Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, NXB Thông tấn, 2016, tr177

Từ khóa » Các Loại Hình Di Cư