Thưa Vắng Tiếng Chim Cút - Báo Bình Thuận

Trên cái trận địa đồi cỏ ấy, chúng tôi đã tạo sẵn những lối mòn, cuối lối mòn là những chiếc bẫy lưới tự tạo. Tất cả ai nấy vào vị trí mật phục rồi cất tiếng “um um”. Lũ chim cút nghe tiếng kêu, ngỡ có kẻ thù khiêu chiến, vậy là chúng theo lối mòn lủi tới, chỉ chờ có vậy, chiếc bẫy sập lại. Những con cút mập ú bẫy được, ngay lập tức được chúng tôi mang đến bờ sông nổi lửa, thui lông, ướp muối ớt và nướng liền tại chỗ. Tiếng hát, tiếng cười nghiêng ngả cả dòng sông. Hôm nào không mang bẫy lại rủ nhau đi tìm ổ, lấy trứng. Ổ chim cút được lót sơ sài bên bụi cỏ, lùm tranh. Khi bị lũ chăn bò chúng tôi đánh động, chim cút dù có ẩn mình kín đáo trong ổ cách mấy cũng phải bật cánh bay ra. Từ những vị trí bị lộ ấy, chúng tôi tìm ngay ra ổ trứng. Mỗi ổ chim cút chỉ có vài trứng, tìm được trứng nào chia nhau hút tươi ngay trứng ấy. Đêm về “nhớ chim cút” lại hú gọi nhau mang đèn pin đi rọi. Rọi chim cút vào ban đêm cũng hết sức lý thú. Ánh đèn quét soi từng bụi cỏ, con chim cút bị phản sáng cứ rụt đầu, trơ mắt, bằng động tác thật nhanh, con chim cút nằm gọn trong tay. Một đêm đi rọi không nhiều, cao lắm được vài ba con, nhưng vui nên quên cả thức khuya buồn ngủ.

Chim cút là loài chim sống dưới đất, ẩn mình trong lùm bụi, có cánh nhưng không bay được cao và xa, ngược lại chim cút chạy rất nhanh. Thịt chim cút thuộc nhóm thịt ngon, bổ, chế biến được nhiều món, rất hợp khẩu với dân nhậu. Những món chim cút nổi tiếng như: chim cút rô ti, xôi cút rừng, cháo cút nấu đậu xanh… nhưng dân dã và ngon hơn cả vẫn là món chim cút ướp muối sống, ớt hiểm rồi nướng lửa than.

Chim cút sống từng cặp giống như cu, mỗi lần nghe tiếng kêu là cứ nghĩ  “kẻ thù”, nên thường lao đến và dính bẫy. Người bẫy chim cút chuyên nghiệp, ngày trước dùng chim mồi. Một con chim mồi hay, giá rất cao. Khi bẫy, người ta cho chim mồi vào lồng, tìm vị trí thích hợp để đặt, sau khi đã giăng sẵn lưới, hoặc bẫy. Lũ chim cút ẩn trong lùm bụi, nghe tiếng kêu khiêu khích là lao đến để nghinh chiến, vậy là dính lưới. Sau này công nghệ phát triển, thay vì dùng chim mồi, người ta ghi âm lại tiếng kêu, rồi cứ việc giăng lưới, mở máy cho phát ra loa chờ bắt cút. Cách bẫy công nghệ này hiệu quả rất cao, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho đàn cút rừng ngày càng thưa hiếm.

Suối Đó vẫn còn đây. Sông Dinh vẫn còn đó, nhưng đồi cỏ, bãi tranh, rừng mua ngày cũ đã không còn. Lũ chim cút cũng thưa vắng.

NGÔ VĂN TUẤN

Từ khóa » Tiếng Cút Lủi