Thực Trạng Và Giải Pháp Về Rác Thải điện Tử Nguy Hại

MT&XH - Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” của Liên Hợp Quốc, lượng rác thải điện tử được tạo ra bởi nền kinh tế toàn cầu đang tăng lên một cách nhanh chóng, ước tính tăng 21% trong 5 năm qua.

Ảnh minh họa.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới đã thải ra môi trường 53,6 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2019. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương có tương đối ít rác thải điện tử.

Báo cáo cho biết, rác thải điện tử bao gồm hầu hết các sản phẩm bị vứt bỏ chứa pin và phích cắm. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030.

Cũng theo báo cáo này, chỉ có 17% chất thải được tái chế, phần còn lại chuyển đến các bãi chôn lấp, thiêu hủy hoặc đơn giản là không được xử lý. Các thiết bị điện tử nhỏ, như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử của năm 2019.

Lượng rác điện tử nhiều thứ hai chiếm 24% là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp và máy photocopy. Các tấm pin mặt trời bị loại bỏ chưa phải là lượng rác lớn hiện nay nhưng có thể là vấn đề khi công nghệ hiện nay trở nên lỗi thời. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn chất thải điện tử vào năm 2019. Thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông nhỏ như điện thoại vào khoảng 5 triệu tấn rác.

Vào năm 2030, lượng rác thải điện tử dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Theo báo cáo, rác thải điện tử là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, có thể đầu độc người xử lý nó và môi trường xung quanh.

“Chúng ta đang bắt đầu một cuộc bùng nổ đồ điện tử ở khắp mọi nơi do điện khí hóa tăng lên”, ông Ruediger Kuehr, một trong những tác giả của báo cáo và là Giám đốc Chương trình Chu kỳ bền vững tại Đại học Liên Hợp Quốc nói với The Verge.

Các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hoá học khác nhau có thể xâm nhập vào đất và trở nên có hại. Những thứ như chì, thuỷ ngân, đồng, niken, bari, thậm chí là arsen hiện diện ở trong vô số sản phẩm điện tử. Khi các sản phẩm này hết date và bị ném ra ngoài bãi rác, chúng thường vỡ nát và phơi ra ngoài "nội thất" bên trong với các thành phần kim loại và hoá chất độc hại, nguy hiểm.

Các kim loại và hoá chất này có thể chưa gây ra mối nguy hại với liều lượng rất nhỏ, bởi khi đi vào cơ thể, chúng sẽ bị cơ thể đào thải. Tuy nhiên, nếu chúng đi vào cơ thể nhanh hơn là việc cơ thể có thể đào thải chúng ra ngoài, chúng sẽ là mối nguy lớn. Nhiều hoá chất và kim loại trong số này được biết đến như là nguyên nhân của những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức, hay các cơ quan nội tạng bị huỷ hoại …vv và vv…

Theo các nhà nghiên cứu, rác thải điện tử có thể gây nguy hiểm cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, crom, arsen, niken... Đây là những chất vốn được coi là nguyên nhân gây ra những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức hay hủy hoại các cơ quan nội tạng.

Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khoẻ con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải và bên cạnh đó còn tiềm tàng nguy cơ rò rỉ thông tin từ các chất thải.

Theo báo cáo trên, 50 tấn thủy ngân nằm trong các chất thải điện tử đã bị mất dấu và phần lớn trong số đó có khả năng bị thải ra môi trường. Thủy ngân là một chất độc thần kinh ảnh hưởng đến não và có thể làm suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em.

Đáng lo ngại hơn, hiện trên thế giới chưa có nước nào có luật quy định về cách xử lý rác thải điện tử một cách cụ thể. Một phần nguồn kim loại độc hại lớn được chôn dưới đất. Một phần trong số đó được chuyển sang các nước khác, gây nên mối nguy nghiêm trọng cho những người tái chế rác, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Đối với Việt Nam, việc phát thải lượng rác thải điện tử đang là vấn đề nan giải do thiếu kiểm soát đặc biệt đối với việc phát thải từ sinh hoạt hàng ngày ở các hộ gia đình. Ý thức và nhận thức của người dân chưa cao về tác hại của rác thải điện tử khiến việc không phân loại rác tại nguồn cũng góp phần không nhỏ đến sự ô nhiễm môi trường điện tử. Các thiết bị như pin, vỏ, xác điện thoại, thiết bị điện tử gia dụng… chưa được phân nguồn hợp lý được để chung với rác thải sinh hoạt.

Giải pháp tạm thời

Để giảm thiểu tác hại của rác thải điện tử nguy hại thì Việt Nam đang áp dụng nhiều giải pháp đơn giản nhưng mang lại những hiệu quả đột phá.

Nhiều mô hình đổi rác lấy quà hưởng ứng phong trào vì một thiên nhiên xanh được triển khai đồng bộ ở nhiều địa phương. Bằng hình thức đổi rác lấy cây xanh hoặc nhu yếu phẩm hàng ngày mà đem lại rất nhiều hiệu quả cụ thể:

Mang một túi rác đựng chai lọ thuỷ tinh, chai nhựa, quần áo cũ hay pin, bạn có thể nhận lại một món quà là cây xanh hay là sách báo, ống hút thân thiện môi trường. Hoạt động ý nghĩa này đã được nhóm Doralaqua thực hiện từ cuối năm 2019. Bắt đầu với một hai thành viên, tới nay nhóm đã xây dựng được hàng chục điểm đổi rác lấy quà tại nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn người.

Từ những người đi nhận quà từ rác, nhiều bạn đã trở thành cộng tác viên, biến nhà mình thành nơi đổi rác lấy quà. Rác sau khi được gom lại, sẽ được phân loại rồi chuyển tới các địa điểm tái chế tương ứng. Quần áo cũ sẽ được làm sạch và gửi đến những tủ quần áo từ thiện. Rác điện tử hoặc đưa tới nhà máy, hoặc được sửa lại, tặng cho các học sinh nghèo. Để có quà tặng, các bạn tự trồng cây, hoặc đóng góp các phần quà như sách cũ, ống hút gạo...

Đổi rác lấy quà mang tới giải pháp có ích cho bảo vệ môi trường. Đó là tiết giảm – tái sử dụng – tái chế. Bất kỳ hành động dù nhỏ nhoi thôi nhưng có thể làm thay đổi vấn đề môi trường của chúng ta. Mọi người có xu hướng nghĩ rằng đó không phải là việc của mình, nhưng thật ra những việc lớn bắt đầu từ những hành động nhỏ mà chúng ta làm.

Việt Nam tái chế là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng nhằm mục đích đảm bảo quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng sẽ được chương trình thu gom và xử lý theo một quy trình chuyên nghiệp chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hoá lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.

Việt Nam hiện nay, rác thải điện tử hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường. Do đó, cần có chính sách đầu tư, khuyến khích, ưu đãi về vay vốn, công nghệ cho các cơ sở tháo dỡ và tái chế chính thức, đủ năng lực thu hồi, tái chế.

Thanh Huyền (T/h)

Từ khóa » Giải Pháp Xử Lý Rác Thải điện Tử