Xử Lý Rác Thải điện Tử: Cần Giải Pháp Toàn Diện - Báo Công Thương

CôngThương - Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm nghìn sản phẩm điện tử ra đời được bán cho người tiêu dùng như: máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, tủ lạnh... đó là chưa kể đến một số lượng lớn máy vi tính cũ nhập khẩu khi chưa có luật cấm nhập khẩu hàng điện tử cũ. Hầu hết rác thải điện tử đều được xử lý thô sơ và không tập trung, thường là người thu gom đồng nát, hoặc một số cơ sở thu gom quy mô nhỏ tháo dỡ, lấy linh kiện, bán lại phụ kiện, sử dụng công nghệ bằng tay. Trong khi đó, việc xử lý rác thải điện tử cần quy trình đặc biệt. Nếu đem chôn, các chất hóa học sẽ thấm vào nguồn nước ngầm: chì trong mạch điện, pin, ắc qui, thủy ngân trong màn hình LCD, cadmium trong mạch in, ống đèn hình… Nếu đem đốt sẽ tạo ra khí độc.

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới…

Từ những năm 1980, Khối Liên minh châu Âu (EU) đã có quy định buộc các nhà sản xuất, bán lẻ và nhập khẩu phải trả chi phí cho việc thu gom và xử lý các rác điện tử. Chỉ thị ROSH của EU cũng quy định trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu vào EU phải hạn chế sử dụng các chất độc hại như chì, thủy ngân, Ca-đi-mi (Cd), Crôm VI...

Năm 2006, Pháp đã áp dụng quy định về tái chế rác thải điện tử. Theo đó, mỗi sản phẩm điện tử bán ra đều phải ghi giá trị dành cho việc thu gom, xử lý và tái chế tùy từng loại sản phẩm. Những khoản tiền này nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với rác thải điện tử. Mọi chi phí tái chế sẽ do các nhà sản xuất và các nhà phân phối chịu trách nhiệm. Việc xử lý, thu gom và tái chế các loại rác thải do Bộ Sinh thái Pháp chịu trách nhiệm. Hiện, Pháp đã có một cơ sở rộng 25.000 m2 ở gần thành phố Lynn chuyên xử lý rác thải điện tử.

Tại Mỹ, có 20 bang và TP. New York có luật quản lý rác thải điện tử. Một số hãng sản xuất như: Apple, Dell, Hewlett-Packard, IBM và Sony đã áp dụng chính sách thu hồi miễn phí hàng chính hãng đã qua sử dụng. Còn Nhật Bản đẩy mạnh tái sử dụng và tái chế thiết bị điện, điện tử đã bị thải loại. Người tiêu dùng phải trả phí tái chế tại nơi xử lý rác thải điện tử.

…Đến một số giải pháp tại Việt Nam

Ngoài Luật Bảo vệ môi trường, Việt Nam chưa có văn bản dưới luật nào về vấn đề quản lý, thu gom, xử lý rác thải điện tử, ngoại trừ “Thông tư tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử” của Bộ Công Thương ban hành tháng 8/2011 và văn bản số: 12/2011/TT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải nguy hại ban hành tháng 4/2011 của Bộ TN&MT.

Để việc xử lý rác thải điện tử có hiệu quả hơn, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, thành lập cơ quan quản lý chuyên biệt, ban hành hàng loạt văn bản quy định về quản lý, thu gom, xử lý chất thải; tiêu chuẩn tác động môi trường được phép trong sản phẩm, linh kiện điện tử; hạn chế nhập khẩu sản phẩm đã qua sử dụng hoặc có mức độc hại quá mức cho phép; trách nhiệm của chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất - nhà phân phối - đại lý bán - khách hàng; cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý, tái chế rác thải điện tử…

Hai là, quy hoạch chi tiết các khu vực có thể tập trung xử lý, tái chế rác thải điện tử; áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại trong việc xử lý tái chế đúng quy trình để giảm thiểu tác hại đến môi trường. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia vào quá trình này.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ độc hại, cũng như góp phần hạn chế rác thải điện tử.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, sửa đổi bổ sung các quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế từng giai đoạn, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia môi trường, một chiếc máy vi tính bình thường có tới hơn 300 loại hóa chất độc hại. Nếu không được xử lý đúng cách không những gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước và khí quyển, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là phát triển trí tuệ của trẻ em.

Từ khóa » Giải Pháp Xử Lý Rác Thải điện Tử