Thuốc điều Trị Cơn đau Thắt Ngực - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Cơn đau thắt ngực (ĐTN) là một triệu chứng thường gặp của bệnh lý động mạch vành gây ra do tình trạng thiếu máu cơ tim. Nếu không được điều trị kịp thời, cơn ĐTN có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim, tổn thương van tim, rung thất... và có thể dẫn đến tử vong!

Đau thắt ngực

ĐTN là một triệu chứng của bệnh lý động mạch vành, khởi phát thành từng cơn với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, gây ra các cơn đau khó chịu ở vùng ngực.

ĐTN xảy ra khi động mạch vành bị hẹp, không cung cấp đủ máu và oxy cho hoạt động của cơ tim, được chia làm 2 loại:

ĐTN ổn định: cơn ĐTN xảy ra khi gắng sức hoạt động thể lực (tập thể dục, đi bộ lên cầu thang…), xúc động mạnh hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn...; thường diễn ra trong thời gian ngắn và giảm nhanh khi nghỉ ngơi, uống thuốc.

ĐTN không ổn định: cơn ĐTN xảy ra đột ngột khi đang ngủ, nghỉ ngơi…; thường kéo dài và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi, uống thuốc.

dau that nguc

Có hai nguyên nhân chính làm hẹp động mạch vành gây ra cơn ĐTN:

- Do xơ vữa động mạch vành (nguyên nhân chủ yếu): sự tích tụ các chất béo (cholesterol, triglycerid) và canxi trong lòng động mạch vành, hình thành nên những mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này sẽ làm thành động mạch vành bị hẹp đi, dày lên, kém đàn hồi, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim gây ra các cơn đau thắt ngực.

- Do co thắt động mạch vành làm giảm cung cấp máu và oxy đến cơ tim.

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra cơn ĐTN như:

- Nam giới trên 50 tuổi.

- Huyết áp cao.

- Bệnh đái tháo đường.

- Hút thuốc lá.

- Béo phì, ít vận động.

- Lượng cholesterol và triglycerid trong máu cao…

Triệu chứng ĐTN bao gồm:

- Đau, khó chịu với cảm giác nặng, bỏng rát, bị bóp nghẹt... ở ngực.

- Cơn đau có thể lan lên tay, cổ, hàm, vai.

- Khó thở.

- Đổ mồ hôi.

- Buồn nôn, nôn.

- Mệt mỏi.

- Chóng mặt…

ĐTN nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim, tổn thương van tim, rung thất… và có thể dẫn đến tử vong!

Thuốc điều trị

Các thuốc được sử dụng trong điều trị ĐTN giúp tăng cường lưu thông máu ở động mạch vành, cung cấp đủ máu và oxy cho hoạt động của cơ tim.

Nhóm thuốc nitrat (glyceryl trinitrat, isosorbid dinitrat, isosorbid mononitra) là những thuốc có tính giãn mạch, giúp tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, cung cấp đủ máu và oxy cho cơ tim.

Nitroglycerin (glyceryl trinitrat) ở dạng thuốc viên đặt dưới lưỡi là loại thuốc thông dụng trong điều trị ĐTN.

Nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidrogel. ticagrelor…)có tác dụng ngăn chặn sự kết dính các tiểu cầu, tăng cường lưu thông máu ở động mạch vành.

Aspirin thường được sử dụng ở dạng thuốc viên với hàm lượng 81mg.

Clopidrogel được sử dụng thay thế aspirin khi người bệnh bị dị ứng với aspirin hay có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng.

Nhóm thuốc chẹn beta (atenolol, propanolol, bisopropol…) có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn mạch máu, cải thiện sự lưu thông máu ở động mạch vành.

Nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalpril…) là những thuốc có tác dụng giãn mạch, tăng cường tốc độ lưu thông máu… nên thường được sử dụng trong điều trị ĐTN.

Nhóm thuốc statin (lovastatin, simvastatin, atorvastatin…) có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, ngăn chặn xơ vữa động mạch vành gây ra cơn ĐTN.

Nhóm thuốc đối kháng canxi (nifedipin, amlodipin…) có tác dụng thư giãn động mạch vành, tăng cường lưu thông máu đến tim nên được sử dụng trong điều trị ĐTN.

Bên cạnh việc dùng thuốc, việc phòng ngừa bệnh là hết sức quan trọng, cần tránh các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc lá (thuốc lá gây co thắt các mạch máu và gia tăng xơ vữa động mạch vành), kiểm soát huyết áp và đường huyết, chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, ít chất béo, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, tránh béo phì.

Từ khóa » đau Cơ Tim Uống Thuốc Gì