Thuốc Hạ Sốt Giảm đau: Phân Loại Và Nguyên Tắc Sử Dụng
Có thể bạn quan tâm
Triệu chứng sốt và đau là 2 triệu chứng phổ biến xuất hiện trong nhiều bệnh lý. Vậy có những thuốc nào điều trị hai triệu chứng này và cách sử dụng chúng như nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy đi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1 Thuốc hạ sốt là gì?
1.1 Sốt là gì?
Bình thường, nhiệt độ của cơ thể con người trung bình là 37°C. Tuy nhiên, khi có sự tấn công cơ thể từ các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus,... có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên phản ứng lại với bệnh. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 38°C, bệnh nhân có thể bị sốt và nên tìm cách để hạ sốt. Cơ chế gây sốt: Các chất gây sốt như vi khuẩn hay độc tố xâm nhập vào cơ thể kích thích bạch cầu tiết chất gây sốt nội tại. Những chất này hoạt hoá enzym Prostaglandin synthetase làm tăng hình thành Prostaglandin E1,E2 nên cơ thể tăng sinh nhiệt và giảm thải nhiệt, khiến bệnh nhân bị sốt.
Các triệu chứng của sốt hay gặp: Bệnh nhân cảm thấy rét run, lạnh, chán ăn, mất nước, đau đầu chóng mặt, sờ lên da thấy nóng, buồn ngủ, đổ mồ hôi,... Có rất nhiều yếu tố gia tăng nguy cơ bị sốt như hệ miễn dịch của cơ thể yếu, đồ ăn và nước uống không đảm bảo vệ sinh, có thể gây nhiễm trùng và sốt cho bệnh nhân, trẻ em hay dễ bị sốt hơn người lớn, bệnh nhân có thể bị sốt khi tiếp xúc với người bị sốt thường xuyên.
1.2 Điều trị sốt
Chẩn đoán sốt bằng cách đo nhiệt độ cơ thể. Khi điều trị sốt, bác sĩ thường căn cứ vào nguyên nhân gây sốt để điều trị cho bệnh nhân. Nếu nguyên nhân gây ra bởi vi khuẩn có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn. Còn nếu virus là nguyên nhân gây ra sốt cho bệnh nhân thì không sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh.
Sử dụng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân kết hợp thêm các biện pháp khác như chườm lạnh, bổ sung nước và điện giải cho bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, chế độ ăn dễ tiêu,...
1.3 Thuốc hạ sốt là gì?
Thuốc hạ sốt là thuốc có khả năng hạ sốt do bất kỳ nguyên nhân nào khiến thân nhiệt cơ thể tăng cao gây ra sốt. Cơ chế hạ sốt của thuốc: Các thuốc hạ sốt kìm hãm hoạt động của enzym tổng hợp Prostaglandin E1,E2 là Prostaglandin synthetase khiến quá trình sinh nhiệt của cơ thể bị ức chế và quá trình thải nhiệt được tăng cường. Từ đó, thân nhiệt của cơ thể dần hạ xuống và trở về trạng thái bình thường.
1.4 Các loại thuốc hạ sốt
Có 3 loại nằm trong danh mục các loại thuốc hạ sốt sử dụng bao gồm:
- Thuốc hạ sốt Paracetamol: hay còn gọi là Acetaminophen là thuốc hạ sốt hiệu quả và an toàn, hay sử dụng nhất để hạ sốt do bất cứ nguyên nhân nào ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh nhân có thể dùng nhiều lần Paracetamol để hạ sốt, mỗi lần uống cách nhau 4 - 6h. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có vấn đề về gan, thận thì nên sử dụng thuốc mỗi lần cách nhau tối thiểu 8h.
- Thuốc hạ sốt Ibuprofen: Tác dụng hạ sốt của Ibuprofen rất tốt và thời gian hạ sốt kéo dài tương đương với Paracetamol, đối với trẻ nhỏ hơn 5 tháng tuổi có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên, thuốc này có khá nhiều tác dụng không mong muốn nên khi sử dụng để hạ sốt cho trẻ cần có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mỗi lần uống 7 - 10mg/kg và khoảng cách 2 lần sử dụng từ 6 - 8h.
- Thuốc hạ sốt Aspirin: không nên sử dụng thuốc này cho trẻ em vì có rất nhiều tác dụng phụ. Nếu sử dụng thuốc này trên trẻ bị thuỷ đậu hay cúm do virus có thể gia tăng nguy cơ nhiễm hội chứng Reye gây tử vong cho trẻ.
Có rất nhiều dạng thuốc hạ sốt được sử dụng điều trị cho bệnh nhân:
- Dạng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch: thuốc hạ sốt khi sử dụng đường này tác dụng nhanh, liên tục và liều dùng chính xác, tránh được sự phân huỷ thuốc qua đường tiêu hoá nên hấp thu ổn định hơn. Ngoài ra, đưa thuốc hạ sốt theo đường này còn phù hợp cho những bệnh nhân không uống được hay đặt hậu môn được. Tuy nhiên, dạng thuốc này đòi hỏi điều kiện vô trùng, dễ gây shock phản vệ, áp xe, nhiễm trùng,... và có giá cao.
- Dạng thuốc uống: hay gặp nhất do cách dùng đơn giản, thuận tiện và giá rẻ, an toàn hơn đường tiêm. Tuy nhiên, sự hấp thu thuốc phụ thuộc vào các yếu tố như thời điểm sử dụng, cách dùng thuốc,... và có tác dụng chậm hơn so với đường tiêm.
- Dạng thuốc đặt hậu môn: thích hợp cho những bệnh nhân khó uống thuốc như trẻ nhỏ, bệnh nhân nôn nhiều, hôn mê,... và tránh được mùi vị khó chịu hay không bị kích ứng đường tiêu hoá, không chịu sự phân huỷ của đường tiêu hoá. Tuy nhiên, dạng thuốc này khó bảo quản và thường có giá cao hơn so với dạng thuốc uống.
2 Các thuốc hạ sốt hay dùng
2.1 Thuốc hạ sốt Hapacol
Thuốc hạ sốt Hapacol có thuộc nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt, có thể điều trị được cho cả người lớn và trẻ em. Thuốc Hapacol được sản xuất với rất nhiều dạng bào chế với hàm lượng khác nhau để phù hợp với người sử dụng như:
- Hapacol 80
- Hapacol 150
- Hapacol 250
- Hapacol Blue
- Hapacol Extra
- Hapacol CF
- Hapacol 150 Flu
- Hapacol sủi
- Hapacol 650
Hoạt chất chính trong thuốc Hapacol là Paracetamol có tác dụng hạ sốt và giảm đau do bất cứ nguyên nhân nào 1 cách nhanh chóng nên Hapacol có tác dụng hạ sốt và giảm đau đầu, đau răng, đau sau phẫu thuật, đau nửa đầu cho bệnh nhân.
=>> Bạn đọc xem thêm về liều dùng và cách dùng của thuốc: Thuốc Hapacol 150: tác dụng, cách dùng và lưu ý sử dụng.
2.2 Thuốc hạ sốt Efferalgan
Thuốc hạ sốt Efferalgan có chứa hoạt chất chính là Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Hiện tại trên thị trường, Efferalgan được bào chế với rất nhiều dạng thuốc tương ứng với các loại hàm lượng khác nhau:
- Bột sủi, viên sủi Efferalgan có các hàm lượng Paracetamol 80mg, 250mg, 500mg, 1.000mg.
- Viên đặt hậu môn Efferalgan 80mg, 150mg, 300mg.
- Ngoài ra còn có 1 số chế phẩm Efferalgan Vitamin C, Efferalgan codein.
Thuốc được chỉ định hạ sốt cho cả người lớn và trẻ em. Thuốc có tác dụng giảm các chứng đau đầu, đau cơ, đau răng,....
=>> Xem thêm thông tin thuốc cụ thể: Thuốc Efferalgan 500 - thuốc hạ sốt giảm đau: tác dụng và cách dùng
2.3 Thuốc hạ sốt Panadol
Thuốc hạ sốt Panadol thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt với hoạt chất chính là Paracetamol. Panadol có rất nhiều dạng bào chế với hàm lượng khác nhau như:
- Viên nén Panadol 500
- Panadol Extra.
- Panadol cảm cúm
- Viên sủi Panadol 500.
Ảnh: Các chế phẩm của Panadol Thuốc Panadol được chỉ định hạ sốt cho cả người lớn và trẻ em. Ngoài ra, thuốc còn có khả năng giảm Đau Bụng Kinh, đau cơ xương, đau đầu, đau cơ, đau răng, đau sau phẫu thuật,...
=>> Bạn đọc xem thêm về cách dùng thuốc: Thuốc Panadol 500mg: tác dụng, cách dùng và giá bán.
3 Các thuốc hạ sốt cho trẻ
3.1 Thuốc hạ sốt Doliprane
Thuốc Doliprane có chứa hoạt chất chính là Paracetamol có tác dụng hạ sốt nhanh chóng, giảm đau đầu, đau nhức cơ thể, đau răng,... Ngoài ra, thuốc hạ sốt Doliprane không chứa chất gây kích ứng đường tiêu hoá, có vị dâu thơm và dễ uống. Thuốc sử dụng cho đối tượng là trẻ em có cân nặng trong khoảng từ 3 - 26kg tương ứng với trẻ nhỏ hơn 9 tuổi.
Xi lanh chia vạch đi kèm rất tiện dụng để bơm thuốc cho bé uống với liều dùng theo cân nặng của bé.
3.2 Thuốc hạ sốt Sotstop
Thuốc Sotstop có chứa hoạt chất chính là Ibuprofen có hàm lượng 20mg/ml được chỉ định trong trường hợp hạ sốt ở trẻ em và giảm đau răng, đau bụng kinh, đau do bong gân, đau cơ xương khớp, đau đầu,... Liều dùng thuốc Sotstop được cân nhắc trên cân nặng và tuổi của trẻ em và khuyến cáo nên dùng mỗi ngày 20 - 30mg/kg và được chia làm nhiều lần trong ngày để uống.
=>> Bạn đọc có thể xem thêm về thông tin thuốc: Thuốc Sotstop 2g/100ml: Tác dụng, liều dùng và giá bán
3.3 Thuốc hạ sốt Brufen
Thuốc Brufen thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau. Thuốc có chứa hoạt chất chính là Ibuprofen với hàm lượng 100mg và được bào chế dưới dạng hỗn dịch dùng theo đường uống. Ibuprofen có tác dụng ức chế tổng hợp Prostaglandin nên có tác dụng chống viêm và hạ sốt.
Thuốc Brufen có tác dụng giảm đau và hạ sốt nhanh chóng và hiệu quả ở trẻ em. Ngoài ra, sử dụng thuốc Brufen trong trường hợp giảm đau cho những trường hợp bị chấn thương, đau đầu, đau bụng kinh, đau răng, đau sau phẫu thuật,...
=>> Bạn đọc có thể tham khảo thêm về liều dùng của thuốc: Thuốc Brufen - Thuốc giảm đau, hạ sốt: liều dùng và lưu ý.
Thuốc hạ sốt Sara
Thuốc Sara thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau với hoạt chất chính là Paracetamol với hàm lượng 120mg và được bào chế dưới dạng siro để uống. Paracetamol có tác dụng giảm đau trung bình và hạ sốt nhanh chóng do bất kỳ nguyên nhân nào gây ra.
Thuốc Sara có tác dụng hạ sốt và giảm đau đặc trị cho đối tượng bệnh nhân là trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi. Thuốc tương đối an toàn với trẻ em, tuy nhiên không nên sử dụng quá 5 ngày và 5 lần một ngày vì có thể gây ngộ độc cho cơ thể. Ngoài ra, thuốc hạ sốt Sara có vị dâu khiến trẻ rất dễ uống.
4 Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra và theo dõi nhiệt độ cơ thể và tình trạng sức khoẻ của bé. Không nên sử dụng tay để cảm nhận thân nhiệt của trẻ. Nếu thân nhiệt của trẻ dưới 38,5°C thì bé chỉ mới bị sốt nhẹ do cơ thể gây phản ứng sốt chống lại các tác nhân có hại xâm nhập cơ thể trẻ em. Biện pháp để hạ sốt nhẹ cho trẻ là cho trẻ uống nhiều nước, lau người, mặc quần áo thoáng mát hay ăn các loại trái cây,...
Nếu trẻ sốt trên 38,5°C thì nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để điều trị. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ về sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để không gây ra các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khoẻ ở trẻ em.
5 Uống thuốc hạ sốt mà không hạ?
Có khi nào bạn đã rơi vào trường hợp uống thuốc hạ sốt rồi nhưng thân nhiệt vẫn chưa giảm về bình thường và cơ thể vẫn còn triệu chứng sốt? Nếu cơ thể vẫn còn triệu chứng sốt thì liều dùng thuốc chưa đủ để thuốc phát huy tác dụng hạ sốt cho bệnh nhân. Lúc này, bệnh nhân nên uống thêm để sốt hạ. Trường hợp khác là uống thuốc hạ sốt rồi nhưng do bị nôn ngay sau khi sử dụng thuốc nên cơ thể vẫn không đỡ sốt. Khi đó, bệnh nhân có thể đổi sang thuốc từ dạng uống sang dạng đặt hậu môn để hạ sốt.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị sốt do 1 bệnh lý khác gây ra thì thuốc hạ sốt cũng chỉ có thể điều trị triệu chứng tạm thời và không thể cắt sốt hoàn toàn. Khi đó, cần kết hợp sử dụng thuốc hạ sốt với điều trị nguyên nhân gây ra sốt để bệnh nhân khỏi sốt hoàn toàn.
6 Sử dụng thuốc hạ sốt bao lâu thì có tác dụng?
Đối với dạng thuốc uống: thuốc hạ sốt sẽ phát huy tác dụng sau 20 - 30 phút kể từ khi sử dụng. Thuốc có tác dụng kéo dài trong 2 giờ tiếp theo. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt chỉ giúp thân nhiệt giảm 1 - 2 độ, nếu muốn hạ sốt nhanh hơn thì bệnh nhân có thể kết hợp thêm các phương pháp khác để hạ sốt như chườm lạnh hay sử dụng các loại thảo dược hạ sốt như Tía Tô, rau Diếp Cá,...
Đối với dạng thuốc hạ sốt sử dụng theo đường hậu môn: tác dụng hạ sốt của đường đặt trực tràng nhanh hơn hơn so với đường uống (sau 15 - 20 phút thuốc cho tác dụng hạ sốt kể từ lúc đặt thuốc).
7 Cách tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ
7.1 Đơn vị để tính liều lượng thuốc hạ sốt
Hiện tại, đã có rất nhiều nhà sản xuất có ghi liều lượng sử dụng thuốc trên hướng dẫn sử dụng kèm theo với thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, nếu sử dụng các dạng thuốc Dung dịch hay siro thì thường các nhà sản xuất thường chỉ ghi thể tích nên có khá bất tiện khi sử dụng. Vì thế, người ta quy ước 5cc hoặc 5ml dung dịch, siro sẽ tương ứng với 1 thìa cà phê hay 15cc hoặc 15ml tương ứng với 1 thìa canh. Nếu muốn chính xác hơn, bạn nên sử dụng thìa đi kèm với thuốc hoặc cốc hay xi lanh có chia vạch để sử dụng thuốc hạ sốt với liều lượng chính xác hơn.
7.2 Cách tính liều lượng thuốc hạ sốt
Tuỳ theo đường dùng của thuốc hạ sốt mà có các các tính liều lượng khác nhau. Nếu sử dụng thuốc theo đường uống: chỉ nên cho trẻ sử dụng liều 10 - 15mg/kg và thời gian cách nhau giữa mỗi lần sử dụng là 4 - 6h. Mỗi ngày không nên sử dụng thuốc quá 5 lần và tổng liều dùng không hơn 75mg/kg. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt theo dạng đặt hậu môn: chỉ nên cho trẻ sử dụng mỗi lần 10 - 20mg/kg và sử dụng cách nhau mỗi liều 4 - 6h và tổng liều trong 1 ngày không vượt 75mg/kg.
7.3 Liều dùng thông thường thuốc hạ sốt đối với trẻ em
Với các thuốc hạ sốt dùng đường khác nhau thì có liều thường dùng khác nhau cho trẻ em khi điều trị sốt tại nhà: - Liều dùng thuốc hạ sốt theo đường uống cho trẻ dưới 12 tuổi:
- Với trẻ dưới 3 tháng tuổi: uống 40mg/lần.
- Trẻ từ 4 - 11 tháng tuổi: sử dụng 80mg/lần.
- Trẻ từ 1 - 2 tuổi: liều dùng 120mg/lần
- Trẻ từ 2 - 3 tuổi: ngày uống thuốc hạ sốt với liều mỗi lần160mg.
- Đối với trẻ ở độ tuổi 4 - 5: sử dụng 240mg/lần.
- Trẻ ở khoảng 6 - 8 tuổi: uống thuốc hạ sốt với liều 320mg/lần.
- Nếu trẻ 9 - 10 tuổi: cho trẻ uống thuốc hạ sốt với liều 400mg/lần.
- Nếu trẻ 11 tuổi: cho uống thuốc với liều 480mg/lần
- Liều dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đường đặt hậu môn:
- Đối với trẻ ở 6 - 11 tháng tuổi: mỗi lần dùng 80mg và uống cách nhau sau 6h. Tổng liều dùng tối đa 1 ngày là 320mg.
- Nếu trẻ ở độ tuổi 12 - 36 tháng: Mỗi lần sử dụng 80mg và các lần sử dụng thuốc cách nhau 4 - 6h. Tối đa mỗi ngày không nên uống thuốc vượt quá 400mg.
- Nếu trẻ 3 - 6 tuổi: sử dụng mỗi lần 120mg và cách nhau từ 4 -6h và không nên vượt 600mg/ngày.
- Đối với trẻ từ 6 - 12 tuổi: chỉ nên cho trẻ uống mỗi lần 325mg và mỗi lần sử dụng cách nhau 4 - 6h và dùng tối đa 1 ngày 1625mg.
- Đối với trẻ trên 12 tuổi: mỗi lần sử dụng liều 650mg và cách nhau 4 - 6h, không nên vượt quá ngưỡng 3900mg/ngày.
8 Cách hạ sốt nhanh không dùng thuốc
Có rất nhiều cách hạ sốt nhanh không dùng thuốc mà bệnh nhân có thể áp dụng như:
- Bổ sung nước: Khi cơ thể bị sốt khiến bệnh nhân có dấu hiệu như mất nước và các chất điện giải cần thiết. Khi đó, nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để bù lại lượng nước và chất điện giải, có thể sử dụng dụng dịch Oresol hoặc các loại nước trái cây.
- Mặc quần áo thông thoáng: khi bệnh nhân bị sốt nên cho mặc những loại quần áo làm bằng vải cotton nguyên chất giúp làm mát cơ thể, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu.
- Đắp chăn nếu bệnh nhân cảm thấy cơ thể ớn lạnh.
- Sử dụng các loại thảo dược để hạ sốt như: uống nước gừng, lá tía tô, trà hoa cúc, rau diếp cá,...
- Chườm khăn ấm lên trán cho bệnh nhân trong vòng vài phút. Khi khăn khô dần thì lại ngâm nước và chườm lên trán tiếp cho tới khi thân nhiệt có dấu hiệu giảm.
9 Thuốc giảm đau là gì?
Đau là 1 triệu chứng hay gặp trong bệnh lý và nếu quá đau đớn, bệnh nhân có thể bị sốc. Một số bệnh như ung thư khiến cho bệnh nhân đau đớn liên tục, cản trở sinh hoạt bình thường nên thuốc giảm đau thực sự rất cần thiết trong các trường hợp này Thuốc giảm đau có tên tiếng anh painkiller drugs, là thuốc có khả năng làm giảm hoặc làm mất triệu chứng đau cho cơ thể bệnh nhân mà không làm mất các cảm giác khác, không điều trị được nguyên nhân gây đau và khiến bệnh nhân vẫn còn giữ được ý thức khi sử dụng thuốc.
Các loại thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau Paracetamol. Thuốc giảm đau chống viêm phi Steroid (NSAIDs). Thuốc giảm đau nhóm Opioid.
9.1 Thuốc giảm đau Paracetamol
Thuốc giảm đau Paracetamol hay còn có tên gọi khác là Acetaminophen, là 1 thuốc giảm đau ngoại vi và có rất nhiều biệt dược trên thị trường nổi tiếng. Mặc dù Paracetamol là 1 thuốc giảm đau ngoại vi và cấu trúc không chứa vòng Steroid nhưng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau và hạ sốt nên không được xếp vào nhóm thuốc NSAIDs. Thuốc Paracetamol được sử dụng để giảm triệu chứng đau ở mức độ nhẹ và trung bình như: đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau họng, đau mỏi nhức cơ. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng hạ sốt do bất cứ nguyên nhân nào gây ra. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chế phẩm dạng phối hợp chứa Paracetamol với nhiều loại hoạt chất khác để tăng hiệu quả điều trị sốt và triệu chứng đau như: Codein, Loratadin, Dextromethorphan, Ephedrin,...
Paracetamol có thể coi là 1 thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn và được sử dụng nhiều nhất hiện nay do tác dụng hạ sốt, giảm đau cực tốt và ít gây ra tác dụng không mong muốn lên cơ thể, không gây loét dạ dày tá tràng như thuốc NSAIDs, không gây suy thận hay ảnh hưởng tới khả năng kết tập tiểu cầu hay không khiến bệnh nhân có nguy cơ bị lệ thuộc vào thuốc như nhóm Opioid. Tuy nhiên, hiện tượng quá liều Paracetamol khiến lượng NAPQI sinh ra quá nhiều khiến Glutathione nội sinh không đủ, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm gan cấp tính và suy gan, có thể tử vong. Sử dụng thuốc N-acetylcystein để tăng tổng hợp Glutathione khiến giảm lượng NAPQI gây độc cho cơ thể.
9.2 Thuốc giảm đau kháng viêm (NSAIDs)
Nhóm thuốc giảm đau chống viêm này hay còn có tên gọi là thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs) có tác dụng chính là hạ sốt, giảm đau, chống viêm và ức chế kết tập tiểu cầu. Các thuốc giảm đau tiêu biểu của nhóm này như: Ibuprofen, Piroxicam, Aspirin, Meloxicam, Celecoxib, Diclofenac,... Sử dụng NSAIDs trong các trường hợp hạ sốt cho bệnh nhân do bất cứ nguyên nhân nào gây ra hoặc giảm đau trong các trường hợp đau ở mức độ nhẹ tới trung bình như đau bụng, đau đầu, đau bụng kinh, đau do chấn thương, đau răng, đau nửa đầu, đau cơ xương khớp, đau sau tiểu phẫu,...
Cơ chế giảm đau của các thuốc NSAIDs: Thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin F2 nên làm giảm tính nhạy cảm của các đầu dây thần kinh cảm giác với các chất gây đau cho bệnh nhân, từ đó phát huy tác dụng giảm đau. Khác với nhóm thuốc giảm đau trung ương, NSAIDs không giảm đau mạnh và sâu nội tạng, không gây lệ thuộc vào thuốc và không ức chế hô hấp của bệnh nhân.
9.2.1 NSAIDs có hiệu quả để điều trị đau nhức đầu không?
Đau nhức đầu là cảm giác được dẫn truyền bởi dây thần kinh V. Đây là dây thần kinh cảm giác có cấu trúc khác thường so với các dây thần kinh cảm giác khác của tủy sống. Nhân cảm giác của dây thần kinh V trải dài từ trung não đến tận vùng tủy cổ. Tại vùng tủy cổ hình thành một phức hợp (gọi là trigeminocervical complex), đó là vị trí có sự giao thoa với 3 nhánh thần kinh cổ C1, C2 và C3. Điều này làm cho các sợi cảm giác đau nhiệt không hiện hữu trên cùng một mặt phẳng với các sợi dẫn truyền cảm giác sâu như ở tủy sống. Như thế, sợi dẫn truyền cảm giác sâu (Sợi A beta) bị mất tác dụng ức chế cường độ đau (sợi A delta & sợi C) do chênh lệch tốc độ truyền dẫn theo thuyết Wall- Melzac. Mặt khác vì sự giao thoa trong trigeminocervical complex nên những luồng thần kinh cảm giác từ C1-C3 cho cảm giác đau như xuất phát từ thần kinh V. Trên các thụ cảm của dây thần kinh V, có rất nhiều protein tích hợp màng đều có khả năng dẫn truyền tín hiệu tạo ra sự khử cực của sợi C. Tuy nhiên, các thuốc nhóm NSAIDs chỉ tác động trên con đường chuyển hóa prostaglandins. Đó là lý do nhóm thuốc này không thể triệt tiêu hoàn toàn sự hình thành các điện thế hoạt động trên sợi C. Từ đó, có thể thấy rằng, NSAIDs không thực sự hiệu quả trong điều trị đau nhức đầu.
9.2.2 So sánh NSAIDs và Acetaminophen (Paracetamol)
NSAIDs là nhóm thuốc ức chế sự tổng hợp prostanoids. Các prostanoids được hình thành nhờ men Phospholipase A2 & cyclo-oxygenase I & II. COX I là men cơ hữu (constitutive enzyme) tạo ra những prostanoids có chức năng homeostasis, COX II là men hậu lập (inducible enzyme) thành lập các prostanoids trong điều kiện bệnh lý. Trong khi đó bradykinin phóng thích từ mô bị hủy hoại tán trợ cho sự tổng hợp prostanoids thông qua PLA2
Trong khi NSAIDs bất hoạt cyclo-oxygenase thì acetaminophen ức chế men POX (Peroxidase). Và đó là lý do acetaminophen không thuộc nhóm NSAIDs và cũng không có tính kháng viêm do tính ức chế POX yếu và bị lấn lướt khi lipid hydroperoxides do bạch cầu viêm tiết ra.
Prostanoids từ mô tổn thương có tác động hoạt hóa nociceptor với hậu quả tác động lên nhiều loại thụ thể hay kênh ion khác như TRPs chẳng hạn nhằm tăng hiệu quả tạo thành action potential trên sợi C. Tất cả cơ chế này tạo nên hiệu quả kháng viêm hạ sốt và giảm đau của nhóm NSAIDs nhưng acetaminophen chỉ giảm đau hạ sốt.
9.3 Thuốc giảm đau Ibuprofen
Thuốc Ibuprofen thuộc nhóm giảm đau chống viêm (NSAIDs) có tác dụng giảm đau ở mức độ nhẹ và trung bình nên được chỉ định trong điều trị đau đầu, đau răng, thống kinh, đau bụng kinh, đau khớp,... Thuốc có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc giảm đau an thần để tăng hiệu quả giảm đau và giảm liều dùng của Ibuprofen để giảm tác dụng phụ của thuốc này.
=>> Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin biệt dược chứa hoạt chất Ibuprofen: Thuốc Nurofen 200mg - giảm đau hạ sốt: Tác dụng và liều dùng
9.4 Thuốc giảm đau Celecoxib
Thuốc Celecoxib được chỉ định điều trị để giảm đau ở bệnh nhân đau cấp tính như đau bụng kinh, đau hậu phẫu, đau răng, đau sau khi trải qua thủ thuật về răng miệng,... Ngoài ra, thuốc còn được chỉ định điều trị các bệnh viêm khớp. Khuyến cáo bệnh nhân có thể sử dụng mỗi ngày 1 lần và mỗi lần 50mg. Thuốc Celebrex 200mg được sản xuất bởi công ty Dược phẩm hàng đầu thế giới Pfizer có chứa hoạt chất Celecoxib với chỉ định điều trị giảm đau cho bệnh nhân bị đau bụng kinh, đau sau phẫu thuật, viêm khớp, polyp đại tràng,...
=>> Bạn đọc có thể tham khảo thuốc có chứa hoạt chất Celecoxib: Thuốc Celebrex 200mg - điều trị viêm khớp và giảm đau.
9.5 Thuốc giảm đau Piroxicam
Thuốc Piroxicam thuộc nhóm giảm đau chống viêm phi Steroid và có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, tác dụng hạ sốt của Piroxicam không mạnh nên thường hay được sử dụng trong giảm đau và chống viêm cho bệnh nhân. Thuốc Piroxicam được chỉ định trong giảm đau và điều trị các bệnh như viêm xương khớp, thoái hoá khớp, giảm đau do chấn thương trong thể thao, giảm đau bụng kinh, viêm khớp dạng thấp, giảm đau hậu phẫu,...
=>> Bạn đọc tham khảo thuốc chứa hoạt chất Piroxicam: Thuốc Feldene 20mg/1ml: chỉ định, cách dùng và lưu ý sử dụng
10 Thuốc giảm đau nhóm Opioid
Thuốc giảm đau Opioid hay thuốc giảm đau trung ương và có cấu trúc tương tự với cấu trúc của Morphin, một loại thuốc giảm đau Opioid được chiết xuất từ cây thuốc phiện Papaver somniferum. Những thuốc thuộc nhóm Opioid có khả năng giảm đau rất mạnh, mạnh hơn cả thuốc Paracetamol và thuốc chống viêm không Steroid, chọn lọc và chúng giảm đau sâu trong nội tạng. Các thuốc đại diện tiêu biểu cho nhóm giảm đau Opioid bao gồm: Morphin, Methadone, Tramadol, Fentanyl,... Cơ chế tác dụng: Các receptor của nhóm thuốc Opioid đều gắn với Protein Gi , khi các thuốc Opioid gắn với các thụ thể này khiến chúng bị kích thích gây ức chế giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh, hạn chế sự dẫn truyền xung động thần kinh nên giảm đau.
Chỉ định: Các thuốc trong nhóm này được sử dụng cho những bệnh nhân đau ở mức độ trung bình đến nặng, đau trong ung thư hay đau kéo dài do phẫu thuật mà những thuốc nhóm NSAIDs hay thuốc giảm đau Paracetamol không đáp ứng được. Tuy nhiên, sử dụng thuốc giảm đau nhóm Opioid lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng bị phụ thuộc vào thuốc, gây lạm dụng hoặc nghiện thuốc nên được quản lý bởi Nhà nước rất gắt gao và phải có đơn của bác sĩ mới có thể mua được, Ngoài ra, những thuốc thuộc nhóm này có rất nhiều tác dụng không mong muốn, điển hình như ức chế trung tâm hô hấp tại hành não, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, Codein có thể chỉ định điều trị ho cho trẻ em nhưng không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em nhỏ hơn 12 tuổi. Hơn nữa, thuốc giảm đau nhóm Opioid còn có thể gây ra tác dụng phụ trên người bệnh nhân như buồn nôn, gây nôn hoặc táo bón.
10.1 Thuốc giảm đau Morphin
Thuốc Morphin thuộc nhóm thuốc giảm đau Opioid và có tác dụng giảm đau mạnh, chọn lọc và sâu trong nội tạng. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng an thần và khiến bệnh nhân dễ ngủ hơn.
Morphin được chỉ định giảm đau cho những bệnh nhân đau ở mức độ nặng hoặc không đáp ứng với các thuốc giảm đau bậc 1,2 như ung thư, sản khoa, sỏi thận, sỏi mật, nhồi máu cơ tim, đau sau phẫu thuật,... Ngoài ra, thuốc Morphin còn được sử dụng trong tiền mê và điều trị phù phổi cấp thể vừa và nhẹ.
10.2 Thuốc giảm đau Fentanyl
Thuốc Fentanyl thuộc nhóm thuốc giảm đau trung ương và có tác dụng giảm đau tốt hơn Morphin 80 lần. Tuy nhiên, thời gian tác dụng không kéo dài bằng Morphin và nhanh chóng đạt tác dụng tối đa sau 2 - 3 phút kể từ lúc tiêm thuốc. Thuốc Fentanyl được chỉ định điều trị trong giảm đau sau phẫu thuật hoặc dùng tiền mê hay gây mê an thần. Thuốc có ưu điểm hơn so với Morphin là ít ức chế trung tâm hô hấp hơn nhưng nếu dùng liều cao có thể gây co cơ ở bệnh nhân.
=>> Bạn đọc xem thêm về thuốc có chứa hoạt chất Fentanyl: Thuốc Fentanyl 0,1mg - Thuốc giảm đau trong và sau khi mổ.
10.3 Thuốc giảm đau Tramadol
Thuốc Tramadol giảm đau theo cơ chế thu hồi Serotonin và Noradrenalin ở thần kinh trung ương nên hay được chỉ định điều trị cho những bệnh nhân bị đau mạn tính ở mức độ trung bình và nặng. Hiện tại, Tramadol được phối hợp với Paracetamol trong 1 số chế phẩm để tăng tác dụng giảm đau cho bệnh nhân.
=>> Xem thêm thông tin thuốc có chứa hoạt chất Tramadol: Thuốc Ultracet - Thuốc giảm cơn đau trung bình - nặng.
11 Nguyên tắc sử dụng thuốc giảm đau
11.1 Phân loại và đánh giá đau trên bệnh nhân
Hệ thống phân loại đau: Đau cấp tính: bệnh nhân đau đột ngột do một số nguyên nhân như phẫu thuật, sản khoa, chấn thương,... Khi loại bỏ được nguyên nhân thì cảm giác đau cũng mất dần. Đau mạn tính: Triệu chứng đau kéo dài 1 thời gian và có thể xen kẽ các cơn đau cấp tính. Trường hợp này thường khó tìm được nguyên nhân gây đau mạn tính và thường do các bệnh lý mạn tính gây ra hoặc do tâm lý bệnh nhân, dẫn đến hậu quả bệnh nhân có thể mất ngủ lâu ngày và trầm cảm. Đau ung thư: bao gồm cả đau cấp tính và đau mạn tính. Đau ung thư có thể do nhiều nguyên nhân như phẫu thuật, do khối u chèn ép các cơ quan gây đau, xạ trị, hoá trị,... Bệnh nhân bị ung thư có thể có những cơn đau cấp tính hoặc đau mạn tính.
Đánh giá đau ở bệnh nhân dựa theo các yếu tố: - Nguyên nhân gây đau (nếu xác định được) - Đặc điểm của triệu chứng đau:
- Tính chất cơn đau
- Các triệu chứng đi kèm.
- Thời gian xuất hiện cơn đau.
- Mức độ đau.
- Vị trí đau xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân.
- Các yếu tố ảnh hưởng tới triệu chứng đau của bệnh nhân.
11.2 Nguyên tắc sử dụng thuốc giảm đau
Lựa chọn thuốc giảm đau dựa vào sơ đồ bậc thang chỉ định thuốc giảm đau của WHO. Điều trị đau dựa theo nguyên nhân gây bệnh:
- Trong 1 số trường hợp thì đau là biểu hiện bệnh lý cần điều trị như đau trong gout thì sử dụng Colchicin hay đau do chấn thương thì cần sử dụng các biện pháp can thiệp ngoại khoa.
- Đau do thần kinh: ngoài việc sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, bác sĩ có thể kết hợp thêm các loại thuốc chống trầm cảm (Clomipramine, Imipramine, Amitriptyline), thuốc gây tê như cao dán 5% Lidocain hay thuốc chống co giật (Gabapentin, Pregabalin).
Trong trường hợp điều trị đau cho một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt như người có bệnh lý phức tạp phải điều trị nhiều thuốc, người cao tuổi,... thì cần chú ý sử dụng liều thấp nhất của thuốc giảm đau mà phát huy tác dụng rồi mới tăng liều từ từ và theo dõi chặt chẽ các chỉ số của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Ngoài ra, bác sĩ cũng nên tránh sử dụng loại thuốc giảm đau giải phóng kéo dài để điều trị cho bệnh nhân. Paracetamol nên được ưu tiên sử dụng trong chỉ định giảm đau ở bệnh nhân do tính dung nạp tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ nên dùng tối đa 3g/ngày để phòng tránh độc gan. Trong trường hợp bệnh nhân dùng Paracetamol vẫn chưa giảm đau hiệu quả thì có thể cân nhắc sử dụng tới các thuốc giảm đau bậc II.
NSAIDs được khuyến cáo sử dụng điều trị ngắn ngày. Tuy nhiên, tác dụng phụ xuất huyết tiêu hoá do thuốc gây ra hay gặp tại đối tượng người cao tuổi nên cần thận trọng khi sử dụng trên đối tượng này, đặc biệt ở những người bị suy thận. Một số nguyên tắc thực hành:
- Sử dụng thuốc lần đầu nên ưu tiên đường uống hoặc hệ trị liệu qua da. Trong trường hợp bệnh nhân không uống được thì có thể cân nhắc đưa thuốc qua đường trực tràng. Nếu bệnh nhân không dùng thuốc được qua đường tiêu hoá mới nghĩ tới tiêm tĩnh mạch hay tiêm dưới da thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Không nên tiêm bắp vì có thể gây đau.
- Bệnh nhân có thể tái phát cơn đau và hay gặp đối với những trường hợp bị đau mạn tính. Vì thế, bác sĩ cần cho người bệnh dùng thuốc 1 giờ cố định hoặc truyền tĩnh mạch liên tục.
- Nếu thuốc giảm đau không phát huy tác dụng trong 24 - 48h thì thay đổi thuốc khác để điều trị.
- Nếu bệnh nhân đau dữ dội thì chỉ định thuốc giảm đau Opioid tác dụng mạnh ngay lập tức.
- Trước khi quyết định thay thế bằng thuốc giảm đau mạnh hơn cần dựa trên cơ sở kiểm tra xem thuốc hiện tại đã đạt liều tối đa hay chưa, có liên tục dùng trong 24 giờ không và tần suất đưa thuốc đã phù hợp với thời gian tác dụng?
- Không nên kết hợp 2 thuốc giảm đau ở cùng 1 bậc.
- Phối hợp thuốc giảm đau ở mỗi cấp được khuyến cáo theo bậc thang giảm đau của WHO.
- Khi bệnh nhân đau dai dẳng hoặc có biểu hiện tăng cường độ đau thì cần dùng thuốc giảm đau trung ương mức độ yếu. Nếu vẫn đau thì có thể tăng liều hoặc thay đổi thuốc Opioid mạnh hơn.
- Không nên phối hợp 2 thuốc Opioid khác bản chất. Nên kết hợp 1 thuốc chủ vận toàn phần và 1 chất chủ vận từng phần hoặc 1 chất đối vận hoặc chất chủ vận mạnh để giảm hoặc làm mất khả năng và hội chứng cai thuốc.
- Có thể cân nhắc kết hợp Paracetamol với 1 thuốc Opioid thay vì tăng liều Opioid để điều trị bệnh.
- Đối với những người nghiện ma tuý năng thì không nên thay thế Opioid bằng các thuốc giảm đau không Opioid.
12 Tác dụng phụ của thuốc giảm đau
12.1 Tác dụng phụ của thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol có thể coi là 1 thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn và được sử dụng nhiều nhất hiện nay do tác dụng hạ sốt, giảm đau cực tốt và ít gây ra tác dụng không mong muốn lên cơ thể, không gây loét dạ dày tá tràng như thuốc NSAIDs, không gây suy thận hay ảnh hưởng tới khả năng kết tập tiểu cầu hay không khiến bệnh nhân có nguy cơ bị lệ thuộc vào thuốc như nhóm Opioid. Tuy nhiên, hiện tượng quá liều Paracetamol khiến lượng NAPQI sinh ra quá nhiều khiến Glutathione nội sinh không đủ, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm gan cấp tính và suy gan, có thể tử vong. Sử dụng thuốc N-acetylcystein để tăng tổng hợp Glutathione khiến giảm lượng NAPQI gây độc cho cơ thể.
12.2 Tác dụng phụ của nhóm thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs)
Tuy nhiên, các NSAIDs đều gây ra nhiều tác dụng không mong muốn trên cơ thể bệnh nhân, điển hình là loét dạ dày - tá tràng. Vì thế, bệnh nhân có thể sử dụng dạng thuốc NSAIDs bao tan trong ruột hoặc thêm các thuốc khác để phòng chống tác dụng phụ này của NSAIDs như các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (Misoprostol, Sucralfate), thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole,...), thuốc kháng histamin H2 (Cimetidine, Famotidine, Ranitidine,...). Ngoài ra, thuốc có thể tăng nguy cơ kết tập tiểu cầu gây huyết khối trên tim mạch, suy thận hay gây ra một số bệnh lý hiếm gặp như hội chứng lyell, viêm da tróc vảy, hội chứng Stevens-Johnson,...
12.3 Tác dụng phụ của nhóm thuốc giảm đau Opioid
Tác dụng phụ nổi bật nhất khi sử dụng thuốc giảm đau trung ương để điều trị trong ung thư là táo bón, dung nạp thuốc tại bệnh nhân và tình trạng lệ thuộc hay nghiện thuốc. Trong đó, táo bón xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau Opioid kéo dài và càng ngày càng gia tăng ở những đối tượng người già, ít vận động, ăn ít rau, có vấn đề về đường tiêu hoá, lười uống nước,... Để điều trị táo bón cho bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc nhuận tràng dùng kèm với thuốc giảm đau trung ương như: Sorbitol, Docusat natri, bisacodyl, Lactulose, Glycerin,...
Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp thêm các biện pháp khác như ăn nhiều rau, vận động nhiều, chịu khó uống nước,... Nếu bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc nhuận tràng thì bác sĩ cần hiệu chỉnh liều dùng và khoảng cách đưa thuốc Opioid. Nếu táo bón diễn biến nặng hơn thì có thể sử dụng thuốc Fentanyl hoặc Methadone dạng dán qua da.
13 Thuốc giảm đau có tác dụng trong bao lâu?
Đa phần mọi người chỉ sử dụng thuốc giảm đau trong vài ngày hoặc vài tuần. Trong trường hợp bệnh nhân đau mạn thì có thể dùng thuốc điều trị thời gian dài như đau lưng mạn tính hay viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian điều trị khác nhau. Ngoài ra, cách dùng thuốc giảm đau còn phụ thuộc vào tính chất dược lý và dược động học của thuốc. Sử dụng thuốc giảm đau giúp người bệnh giảm đau hoặc mất cảm giác đau, khiến người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về các loại thuốc hạ sốt, giảm đau hay sử dụng trong điều trị. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thêm những kiến thức bổ ích về các thuốc hạ sốt và giảm đau sử dụng trong các trường hợp đau cấp hoặc mạn để chăm sóc cho bản thân và gia đình mình.
14 Bàn luận về khái niệm thuốc giảm đau trung ương và ngoại biên
Thông thường, chúng ta vẫn được nghe về khái niệm của 2 loại thuốc giảm đau chính: thuốc giảm đau tác động trên trung ương như opiates và opioids, thuốc giảm đau tác động ở ngợi biên chẳng hạn như NSAIDs. Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà nghiên cứu cho biết, quan niệm này đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó, quan niệm của Dược lý học đương đại cho rằng, thuốc chỉ có thể có tác động thông qua sự tương tác với các thụ thể. Tức là thụ thể ở đâu thì thuốc cho tác động tại đó. Và họ cũng chỉ ra rằng, một số nơ ron dẫn truyền thần kinh trung ương cũng có thể xuất hiện ở ngoại biên.
15 Tài liệu tham khảo
- Dược lý học tập 1, Mai Tất Tố, Vũ Thị Trâm, 2007. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 105 - 117.
- Dược lý học tập 2, Mai Tất Tố, Vũ Thị Trâm, 2012. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 264 - 277.
- Sử dụng hợp lý các thuốc giảm đau.
- WHO Analgesic Ladder.
- Trung Hung Phung (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 04 năm 2023). NSAIDs cho "nhức đầu": "an thần" cho thầy thuốc nhưng không ích lợi bao nhiêu cho người bệnh, Trung Hung Phung. Ngày truy cập: ngày 06 tháng 07 năm 2023
Từ khóa » Thuốc Brufen 600
-
Brufen Là Thuốc Gì? Công Dụng & Liều Dùng Hello Bacsi
-
Brufen® Là Thuốc Gì? Công Dụng & Liều Dùng Hello Bacsi
-
Thuốc Brufen: Công Dụng, Liều Dùng Và Cách Sử Dụng
-
Ibuprofen 600mg – Thuốc điều Trị Cơn đau Cấp, Stada Việt Nam
-
Thuốc Brufen Abbott Hạ Sốt Ở Trẻ Em, Giảm Đau Chai 60Ml
-
Thuốc Ibuprofen 600Mg Mekophar Kháng Viêm, Giảm Đau (10 Vỉ X ...
-
Công Dụng Hạ Sốt Của Brufen | Vinmec
-
Siro Brufen 100mg/5ml Giảm đau, Hạ Sốt Chai 60ml
-
Tìm Hiểu Về Liều Dùng Của Thuốc Brufen
-
Ibuprofen 600mg - Thuốc Biệt Dược, Công Dụng , Cách Dùng
-
Brufen Là Thuốc Gì? Công Dụng, Liều Dùng
-
Dùng Thuốc BruFen Dùng để Hạ Sốt Có An Toàn Không?
-
Thuốc Brufen 100mg/5ml - Nhà Thuốc Bệnh Viện - 0936.80.22.00