Thuyên Chuyển, Bãi Nhiệm Chức Sắc, Chức Việc, Nhà Tu Hành Như Thế ...

Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo. Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo. Trong đó:

- Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức.

- Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức.

- Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.

- Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.

Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, thuyên chuyển, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

Thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành

Điều 35, Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định về việc thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành như sau:

Thuyên chuyển được hiểu việc một người đang công tác ở vị trí này được chuyển đi làm công tác khác, ở một nơi khác với một vị trí khác. Trong tổ chức tôn giáo, tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành được thuyên chuyển theo trình tự, thủ tục sau:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là 20 ngày.

Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức thông báo, họ và tên, phẩm vị, chức vụ của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, địa bàn hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển, địa bàn hoạt động sau khi được thuyên chuyển đến.

- Trước khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người đang bị buộc tội hoặc chưa được xóa án tích, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến thuyên chuyển đến.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký, họ và tên, phẩm vị, chức vụ của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, địa bàn hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển, địa bàn hoạt động sau khi được thuyên chuyển đến.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

Cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc

Cách chức được hiểu là việc người có thẩm quyền ra quyết định cho người được bổ nhiệm đang giữ một vị trí nhất định thôi không giữ chức vụ đó nữa do vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của người đó, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm và trách nhiệm được giao. Bên cạnh đó, bãi nhiệm được hiểu là việc buộc thôi giữ chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kì đối với người được giao giữ chức vụ có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm về phẩm chất đạo đức, không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao ở các cơ quan nhà nước.

Căn cứ tại Điều 36, Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc được thực hiện như sau:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc theo hiến chương của tổ chức.

- Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có văn bản về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33, khoản 1 và khoản 2 Điều 34 của Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.

Văn bản thông báo nêu rõ họ và tên, phẩm vị, chức vụ của người bị cách chức, bãi nhiệm; lý do cách chức, bãi nhiệm kèm theo văn bản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc về việc cách chức, bãi nhiệm.

- Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật tín ngưỡng tôn giáo, cụ thể như sau:

+ Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở một tỉnh

+ Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương đối với tổ chức có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật tín ngưỡng, tôn giáo

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Chức Sắc Chức Việc Là Gì