Tiền đái Tháo đường Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? | Genetica®

Tiền tiểu đường là tình trạng mức đường huyết cao hơn bình thường. Mức độ này chưa đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng nếu không thay đổi lối sống, người mắc tiền tiểu đường có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Vậy cụ thể người mắc tiền tiểu đường cần thay đổi lối sống như thế nào? Hôm nay hãy cùng giải mã gen Genetica tìm hiểu nhé!

1. Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền tiểu đường, hay còn gọi là tiền đái tháo đường, là một dạng rối loạn về chuyển hóa đường glucose khiến chỉ số đường huyết tăng cao bất thường. Theo Mayo Clinic, những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. 

Tuy nhiên, nếu chẳng may bạn được chẩn đoán tiền tiểu đường không có nghĩa bạn chắc chắn sẽ mắc tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Quan trọng là bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để quản lý đường huyết ổn định.

2. Triệu chứng của tiền tiểu đường

Hầu hết các trường hợp tiền tiểu đường đều không có triệu chứng rõ ràng và chỉ tình cờ được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Một số ít trường hợp sẽ có những triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, nhìn mờ, khát nhiều, màu da trở nên sẫm hơn, đặc biệt là vùng quanh cổ, nách, đầu gối, khủy tay và khớp ngón tay.

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc tiền tiểu đường:

  • Người ít vận động
  • Người có chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 26kg/m2
  • Người trên 45 tuổi
  • Có người thân mắc bệnh đái tháo đường
  • Phụ nữ mắc tiểu đường trong thời kỳ mang thai 
  • Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang, một số triệu chứng như kinh nguyệt không đều, béo phì..
  • Người bị huyết áp cao
  • Mỡ trong máu cao hơn so với chỉ số bình thường
  • Người đã từng bị rối loạn lipid máu: giảm HDL cholesterol hoặc tăng triglycerid

Tiền đái tháo đường là gì? Có nguy hiểm không?

3. Nguyên nhân tiền tiểu đường

Tuy nguyên nhân chính xác của tiền tiểu đường vẫn chưa được xác định nhưng yếu tố di truyền và tiền sử gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng trong số những nguyên nhân. Những người bị tiền tiểu đường không có khả năng xử lý đường (glucose) đúng cách. 

Hầu hết đường trong cơ thể bạn đến từ thực phẩm bạn ăn. Khi thức ăn được tiêu hóa, glucose sẽ đi vào máu của bạn. Insulin cho phép đường đi vào tế bào và làm giảm lượng đường trong máu của bạn.

Insulin được sản xuất bởi một tuyến nằm phía sau dạ dày được gọi là tuyến tụy. Khi bạn ăn, tuyến tụy làm nhiệm vụ chuyển insulin đến máu. Khi lượng đường trong máu của bạn bắt đầu giảm, tuyến tụy sẽ làm chậm quá trình tiết insulin vào máu.

Vì vậy, khi bạn bị tiền tiểu đường, quá trình này không hoạt động, dẫn đến kết quả là thay vì cung cấp năng lượng cho các tế bào, đường sẽ tích tụ trong máu vì:

  • Tuyến tụy của bạn có thể không tạo đủ insulin
  • Tế bào của bạn bắt đầu đề kháng với insulin, không cho phép nhiều đường vào cơ thể

4, Hội chứng chuyển hóa

“Hội chứng chuyển hóa” (HCCH) là thuật ngữ dùng để chỉ những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Sự kết hợp của ba hoặc nhiều tình trạng dưới đây thường được gọi là hội chứng chuyển hóa:

  • Huyết áp cao
  • Chỉ số cholesterol thấp
  • Chất béo trung tính cao
  • Lượng đường trong máu cao
  • Kích thước vòng eo lớn

5, Các biến chứng của tiền đái tháo đường

Tiền tiểu đường có thể gây tổn thương lâu dài đến tim, mạch máu và thận ngay cả khi chưa phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Tiền tiểu đường cũng có liên quan đến các cơn đau tim không được phát hiện (hay còn gọi là cơn đau im lặng). Tiền tiểu đường có thể phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2 và dẫn đến những biến chứng sau:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tim
  • Đột quỵ
  • Bệnh thận
  • Tổn thương thần kinh
  • Gan nhiễm mỡ
  • Tổn thương mắt (mất thị lực)
  • Phải cắt cụt chi

Tiền đái tháo đường là gì? Có nguy hiểm không?

5. Điều trị tiền tiểu đường

Trong giai đoạn tiền tiểu đường, cơ thể rất khó giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn cần điều chỉnh lại lối sống bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và thường xuyên tập luyện thể dục. 

  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh tiền tiểu đường kiểm soát đường huyết ở mức cân bằng và duy trì cân nặng hợp lý. 
  • Uống đủ nước: Hãy luôn uống đủ nước vì chúng giúp cơ thể hoạt động tối ưu hơn. Ngoài ra, nước cũng giúp giảm lượng đường trong máu của bạn. 
  • Tăng cường bổ sung chất xơ: Ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ chẳng hạn như rau xanh, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Theo khuyến cáo, người bệnh tiền tiểu đường nên ăn ít nhất một nửa khẩu phần ăn với các loại rau không chứa tinh bột. Bạn có thể lựa chọn những loại rau như bông cải xanh, măng tây, cà rốt, dưa chuột, nấm, hành tây,...
  • Lựa chọn protein nạc: Protein giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ổn định bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate trong máu. Thêm vào đó, protein giúp bạn cảm thấy no - điều này có nghĩa là bạn sẽ ít ăn vặt hơn sau đó. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đề xuất một vài nguồn protein lành mạnh như gà loại bỏ da, các loại cá như cá hồi và cá ngừ, động vật có vỏ như tôm, cua, sò điệp… Ngoài ra còn có protein thực vật từ các loại đậu, các loại hạt,...
  • Hạn chế rượu bia: Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ, mỗi ngày nam giới không nên uống nhiều hơn hai ly rượu và phụ nữ không quá một ly. Càng hạn chế rượu bia bao nhiêu, càng tốt cho sức khỏe bấy nhiêu.
  • Không tiêu thụ đồ uống có đường: Thay vì các loại đồ uống có đường không tốt cho sức khỏe, bạn nên lựa chọn các loại trà thảo mộc, kombucha, một số loại nước ép trái cây không thêm đường như chanh, cam, bưởi…
  • Tập luyện thể dục thể thao: Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục là một phần của lối sống lành mạnh, đặc biệt là đối với người bệnh tiền tiểu đường. Không cần quá vất vả, bạn có thể lựa chọn các môn thể thao phù hợp với sức khỏe và sở thích của bản thân, đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội, khiêu vũ hay aerobic chẳng hạn. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Như vậy, bạn vừa có thể kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe vừa giúp giải tỏa căng thẳng, thêm nhiều niềm vui.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ: Theo con số thống kê, khoảng 50% người mắc tiền tiểu đường phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng 5 - 10 năm sau đó. Vì vậy, bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, vận động thường xuyên, bạn cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ và tầm soát sàng lọc để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra.

Đến đây, hy vọng bạn đã có thêm những thông tin hữu ích để có thể tự tin, an tâm chăm sóc sức khỏe của chính bản thân mình và những người thân xung quanh. Xây dựng lối sống lành mạnh chưa bao giờ là muộn, hãy thực hiện ngay hôm nay bạn nhé!

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/symptoms-causes/syc-20355278
  2. https://diabetesjournals.org/care/article/42/Supplement_1/S29/30884/3-Prevention-or-Delay-of-Type-2-Diabetes-Standards
  3. https://www.healthline.com/health/diabetes/prediabetes-diet#healthy-eating
  4. https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/prediabetes/diet/

Từ khóa » Tiền Tuýp Là Gì