Tiến Sĩ Nguyễn Văn Phúc Và Khát Khao Nâng Tầm Nghệ Thuật Guitar ...
Có thể bạn quan tâm
- Nhạc sĩ Dân Huyền: "Cây cổ thụ" dân ca vẫn xanh
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hạnh phúc "Trên đỉnh Phù Vân" của đời sống thường nhật
- Nhạc sĩ Phú Quang: Thăm thẳm tiếng lòng mẹ
Tự thắp đam mê
Được nghe các nghệ sĩ chơi guitar, lòng tôi bao giờ cũng dâng lên cảm xúc rộn ràng, yêu đời khó tả. Không chỉ bởi những ngón đàn tuyệt diệu mà còn vì cách họ say sưa, quyện với cây đàn để thăng hoa.
Khi nghe tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chơi đàn và nói về việc luyện tập, thi đấu, tôi càng hiểu thêm rằng, chỉ khi theo đuổi đam mê, trăn trở với nghệ thuật bằng cả tấm lòng, người nghệ sĩ mới gặt hái được nhiều thành công, niềm vui và sự hạnh phúc.
Nguyễn Văn Phúc được giới nghệ sĩ guitar Hà Nội nhìn nhận là người tận tâm, say nghề, hết lòng vì guitar cổ điển, tài năng. Song để có tài năng ấy, ngoài đam mê anh cũng phải trải qua rất nhiều thời gian khổ luyện.
Phúc mê đàn từ nhỏ và năm 1992, khi mới 11 tuổi, đã tham dự cuộc thi Tài năng trẻ guitar TP Hồ Chí Minh lần 2 và giành giải Tư. Sáu năm sau, trong cuộc thi Tài năng trẻ guitar TP Hồ Chí Minh lần 4, anh vinh dự giành giải Nhì. Trong thời gian học tại Nhạc viện Hà Nội (sau này là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Nguyễn Văn Phúc đạt danh hiệu Tài năng trẻ guitar tại Đại nhạc hội guitar toàn quốc lần 1 (tổ chức tại Hà Nội).
Nhìn chặng đi đầu đời, có thể nói anh có duyên với giải thưởng, “máu” thi đấu và học hỏi để qua đó khẳng định tài năng cá nhân. Song phải đến khi Phúc sang du học tại Nga, anh mới nhận ra ở một môi trường quốc tế, để có thể sánh ngang được với các sinh viên, nghệ sĩ quốc tế, bản thân cần phải học hỏi thêm rất nhiều.
Còn nhớ năm 2004, Phúc là một trong 4 học viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam được cử đi du học tại Nga. “Tôi đến Nga đúng vào ngày ở Việt Nam là 30 Tết, không khí lạnh ập vào, trong tôi đầy bỡ ngỡ và không biết ngày mai học hành ra sao. Ngoài trời đầy tuyết rất lạnh, mặc dù đã chuẩn bị áo ấm nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh đến như vậy. Tôi sẽ không bao giờ quên cái mùi tuyết đêm ấy. Tôi là cậu sinh viên trẻ, dáng người hơi ốm, ngơ ngác, chờ đợi, tay xoong nồi, tay balô, gặp người quen học ở bên đó tôi rất mừng rỡ”, Phúc nhớ lại.
Với một chàng trai Hà Nội, chưa từng phải xa gia đình, luôn được bố mẹ bao bọc, chỉ ăn và học, chuyển sang một môi trường hoàn toàn mới là áp lực khủng khiếp đối với Nguyễn Văn Phúc. Anh phải làm quen với môi trường nhiều bạn mới ở nhiều quốc gia trên thế giới, thức ăn lạ, phong cách tập luyện khác biệt, đồng thời phải kìm nén những cảm xúc cá nhân của kẻ xa quê để không dính vào chuyện yêu đương. Song anh cũng vui vì được học ở Viện Hàn lâm Âm nhạc Nga mang tên Gnexin, Maxcơva.
Khi bắt đầu nhập học, anh phải trải qua một cuộc kiểm tra năng lực khắc nghiệt. Nếu không có vị giáo sư nào nhận, học viên sẽ phải trở về Việt Nam. Anh Phúc may mắn được nhận và được đánh giá trình độ có thể học luôn năm 3. Nhưng anh từ chối và xin học lại từ năm đầu tiên để được tiếp cận với nền tảng của nghệ thuật guitar Nga mà mình hằng ngưỡng mộ. Phúc chia sẻ: “Cơ hội không đến nhiều lần. Đối với tôi điều quan trọng không phải là tấm bằng, mà là được tiếp cận từ gốc rễ của guitar”.
Tiết kiệm tiền để thi đấu
Sống và học tập tại Nga, máu thi đấu vẫn chảy trong người Phúc. Không giống nhiều bạn khác, có tiền thì họ dành để mua sắm đồ, đi chơi, còn Phúc dùng tiền học bổng để di chuyển, tham gia các giải đấu ở xứ người và giao lưu với nhiều người tài năng.
Tại cuộc thi guitar quốc tế dành cho độc tấu và hòa tấu lần IV, Phúc đạt giải Tư, và sau đó đạt giải Tư trong Cuộc thi guitar quốc tế mang tên Tabula Rasa. Năm 2008, anh đạt giải Grand prix tại Festival “Cuộc gặp gỡ của các ngôi sao”, Nga. Năm 2009 là một trong ba người tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc của khóa học Master tại Viện Hàn lâm Âm nhạcNga mang tên Gnexin. Giữa cả rừng tài năng, với Phúc, đó là những thành công ngoài mong đợi. Phúc bảo, khi thi đấu là phải chọn bài chuẩn, tập luyện bản nhạc để đạt được các chuẩn mực quốc tế, làm sao vào thời điểm thi đấu là điểm phong độ của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc (bên trái) chơi đàn. |
Năm 2009 Phúc về nước, công tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đồng thời mở thêm cơ sở để dạy đàn, tổ chức cho các học sinh tham gia nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, tiếp lửa phong trào học guitar ở Hà Nội. Với kinh nghiệm nhiều năm, Phúc có thể giúp học trò đạt phong độ cao nhất. Một trong những vấn đề người đi thi cần quan tâm là thời tiết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc cho biết, ở Nga các giải thường được tổ chức vào cuối mùa đông, lúc đó thời tiết rất lạnh. Có khi xuống đến âm 13 độ. Bởi thế khi thi đấu ở những nước có khí hậu lạnh thí sinh Việt Nam phải biết giữ ấm cơ thể khi di chuyển từ cánh gà lên sâu khấu. Rồi phải làm chủ không khí phòng thi, làm chủ hơi thở để có thể xử lý tốt tình huống mà không bị loạn nhịp nếu chẳng may quên nốt nhạc. Đó là kinh nghiệm đúc rút được từ 30 năm chơi đàn.
Khi dạy cho học trò, anh cũng phải nắm bắt tâm sinh lý của từng người. Thanh niên thì khác em nhỏ, mức độ tự tin khác nhau nên người thầy phải có cách truyền dạy biến hóa. “Muốn học trò thành công cả trong học tập và thi đấu, ngoài cần chuyên môn, kinh nghiệm, còn cần sự mẫn cảm của người thầy, và quan trọng nhất là dạy học trò bằng trái tim của mình. Chỉ khi thầy và trò kết nối bằng trái tim, âm nhạc mới thăng hoa”, Phúc nhấn mạnh.
Hiện Phúc đang có hai học trò còn rất trẻ và xuất sắc, giành nhiều giải thưởng, và sẽ còn thi tiếp nữa, là Nguyễn Hoàng Minh và Nguyễn Thanh Thảo. Minh đã đạt giải Ba Saigon International Guitar Festival and Competition 2017; giải Ba Asia International Guitar Festival and Competition 2019; giải Nhì Saigon International Guitar Festival and Competition 2019… Còn Nguyễn Thanh Thảo đã đạt giải nhì, Hội thi tài năng trẻ toàn quốc 2017, giải Nhất Saigon International Guitar Festival and Competition 2017; giải nhất Asia International Guitar Festival and Competition 2018 tại Thái Lan; giải Nhì The 43th GLC International Guitar Competition 2018 tại Nhật Bản (từ 16 đến 18 tuổi); giải nhất The Arts of Classical Guitar Competition 2019 tại Thái Lan; giải nhì Saigon International Guitar Festival and Competition 2019...
Còn nhiều trăn trở
Phúc thổ lộ từ những năm 2000, phong trào chơi guitar của người dân Hà Nội khá tốt, lúc nào cũng như ngọn lửa cháy âm ỉ và mấy năm nay rất sôi nổi. Từ trước đó nữa, ở nhiều trường đại học, phong trào sinh viên học guitar khá đông. Mỗi khi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong sân trường, ghế đá, hành lang, kí túc xá… đều có thể nghe thấy tiếng đàn. Mọi người say sưa, hừng hực khí thế.
Nhưng Phúc luôn trăn trở, ở Việt Nam dù có nhiều người chơi giỏi, nhưng lý luận âm nhạc lại chưa ổn. Bởi thế luận văn tiến sĩ của Phúc, năm 2015, có tên “Sự phát triển đào tạo Guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam” đã tập trung vào vấn đề này.
Phúc nói: “Trong lĩnh vực đào tạo guitar chuyên nghiệp ở nước ta vẫn đang tồn tại một số nhược điểm: Sự tiếp thu và áp dụng chương trình, giáo trình quốc tế vẫn còn một số điểm chưa phù hợp điều kiện thực tế trong nước; phương pháp đào tạo chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, truyền ngón, truyền khẩu, ít đề cao tính khoa học là nguyên nhân gây nên khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng chính quy, chuyên nghiệp; phương pháp học tập của học sinh sinh viên chưa thực sự được quan tâm; có rất ít các công trình nghiên cứu chuyên sâu về guitar, nhất là các luận án tại Việt Nam. Tôi lựa chọn đề tài “Sự phát triển đào tạo guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam” với mong muốn đưa ra những giải pháp mà có thể phần nào đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết để góp phần thúc đẩy sự phát triển của guitar chuyên nghiệp”.
Tuy thế, Phúc vẫn còn khao khát nghiên cứu thêm về guitar, xây dựng hệ thống giáo trình. Trong luận án, anh đã thu thập được gần 10.000 bài guitar của thế giới, đồng thời đúc kết được 8 kỹ thuật cơ bản. Ai hiểu và thao tác được 8 kỹ thuật này thì chơi bài nào cũng được. Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, thành viên của nhóm “Thất cầm” hiện vẫn dạy đàn tại Hà Nội, chia sẻ về tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc: “Cậu ấy trẻ, táo bạo, không chỉ đam mê mà còn biết thắp lên đam mê cho người khác. Cậu ấy không chỉ gây dựng ước mơ mà còn biến ước mơ của học trò thành hiện thực và giúp họ trở thành những tài năng guitar”.
Từ khóa » Nguyễn Văn Dị Guitar
-
Nguyễn Văn Dỵ: Gia Tài Lớn Nhất Là Guitar Và... đĩa Than - Báo Lao động
-
Nguyễn Văn Dị | Hội Nhạc Sĩ Việt Nam
-
Nguyễn Văn Dị - Cây Hài, Cây Guitar Lạ: Kỳ 1
-
Nguyễn Văn Dị - Cây Hài, Cây Guitar Lạ - Tiền Phong
-
Nguyễn Văn Dỵ - Nghệ Sĩ Guitar Với Tuyệt Kỹ đánh đàn Sau Lưng
-
Guitarist Nguyễn Văn Dỵ Với Tuyệt Kỹ Chơi đàn Sau Lưng - VN Guitar
-
Nghệ Sỹ Guitar Văn Dỵ: Vắt đàn Sau Lưng đánh "Tiếng Chày Trên Sóc ...
-
Tiếng đàn Của Nghệ Sĩ Ghitar Văn Dỵ - YouTube
-
Khoản đẹp Trai Thì Vương Đình Huệ Chạy Theo Tớ Chẳng Kịp | Đi & Gặp
-
“Độc” Như Văn Dỵ - An Ninh Thủ đô
-
“Kỳ Nữ” Tay Ngang Và Cây đàn Guitar Không Phím - Gia đình
-
31 NĂM MỘT TIẾNG ĐÀN VĂN DỴ - Nhịp Cầu Thế Giới Online
-
Học Guitar Online Cùng Tiến Sĩ Nguyễn Văn Phúc | Facebook