Tiếng Kẻng Nơi Vùng Cao Nậm Mười - Báo Yên Bái

Xã Nậm Mười của huyện Văn Chấn vẫn được biết đến với con đường đất luôn thách thức bất cứ ai nếu muốn đến trung tâm xã. Không dắt xe máy ngược dốc, không ngã ít nhất một lần trên con đường bùn lầy trơn trượt hẳn không biết hết những gian khó khi chưa có một con đường bê tông. Nhưng có thế, tôi mới càng thấy khâm phục tinh thần và lòng yêu nghề của các thầy, cô giáo đang bám bản, bám làng và mong giáo dục vùng cao ngày thêm khởi sắc.

Có ước mơ làm thầy

Những ngày trải nghiệm tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Mười, chúng tôi hết sức ấn tượng với một cậu học trò lớp 9 có đôi mắt sáng nhưng đượm buồn Bàn Tòn Kén. Là anh cả trong một gia đình có 3 anh em, Kén ở Làng Cò, cách trung tâm xã 11km và phải đi bộ hơn 1 tiếng để bắt đầu một tuần học mới tại trường. Suốt hành trình ấy, cậu học trò với dáng người mảnh khảnh luôn nung nấu trong mình ước mơ trở thành một người thầy giáo dạy môn Địa lý.

Hơn 3 năm nay, được ở bán trú, em càng có thêm động lực và niềm tin về ước mơ của mình mai sau được trở lại ngôi trường này làm thầy. Dù còn đó những vất vả, dù tương lai còn là cả một hành trình rất dài nhưng có sự ủng hộ của cha mẹ, thầy cô, em càng cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện để 9 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Hành trang sau mỗi chuyến trở lại trường là một chút đồ đạc và cả lời mẹ dặn mà Kén nhớ không quên từng từ: “Con phải chăm chỉ, không được bỏ học, nhớ nghe lời thầy cô!”. Càng tâm sự với em càng hiểu hơn về ánh mắt thoáng buồn mà tôi ấn tượng. Em lo cho con đường học tập của mình sẽ dừng lại khi cuộc sống gia đình vẫn còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Kén tâm sự: “Em mong muốn bố mẹ sẽ tiếp tục cho em đi học để em có thể thực hiện ước mơ của mình!”. Em nói, đôi mắt lại nhìn xa xăm…

Trên lớp, các thầy cô luôn tận tình hướng dẫn học sinh.

Những giọt nước mắt

Trong cái rét mùa đông, tôi thấy những giọt nước mắt ấm nóng của cô giáo Đặng Thị Lưu, người con của mảnh đất Nậm Mười. Sinh năm 1985 tại bản Pó Siu, cô Lưu được tạo điều kiện cho đi học nội trú ở huyện từ năm lớp 1. Suốt 12 năm học xa nhà, cô luôn được người thân ủng hộ. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái năm 2009, cô được phân công về Trường THCS Nậm Mười công tác. Cũng từ đó, cô đem hết sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình để dìu dắt các em học sinh người dân tộc thiểu số nơi đây với mong muốn cống hiến cho quê hương và đền đáp những ân tình mà mình đã có để được đứng trên bục giảng hôm nay.

Lập gia đình năm 2010 nhưng vợ chồng mỗi người một nơi, cô Lưu đành gửi đứa con mới hai tuổi cho ông bà nội chăm sóc. Dù đường đi lại khó khăn, chưa kể trời mưa, gió lạnh, giông bão nhưng tuần nào cô Lưu cũng về tận Yên Bái để được nhìn, được ẵm con vào lòng, được chồng và gia đình luôn quan tâm, chia sẻ với mình. Có những đêm, nhớ con, cô chỉ biết khóc.

Chỉ cần được nghe thiên thần của mình bi bô tập hát bài: “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” là mọi mệt nhọc nơi cô dường như tan biến: “Một nụ cười bé, cha vui cả ngày. Một vài tiếng khóc mẹ, lo hàng đêm. À ơi, à ơi, con ngủ cho ngoan, giấc mơ sẽ mang đầy lời mẹ ru”. Gia đình chính là động lực để cô tiếp tục cố gắng trên con đường mình đã chọn. Cô chia sẻ: “Ngoài công việc giảng dạy, mình luôn dành thời gian tâm sự và động viên học sinh cố gắng vươn lên, vượt qua những định kiến, những quan niệm lạc hậu của nhiều phụ huynh để nuôi dưỡng ước mơ của mình”.

Con đường vào khu nội trú lầy lội, trơn trượt mỗi khi trời mưa.

Để giáo dục vùng cao khởi sắc

Ước mơ của Kén hay tâm sự của cô giáo Lưu chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số những câu chuyện vui, buồn của thầy và trò nhà trường. Cũng sẽ chẳng có từ nào có thể tả hết được những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo nơi vùng cao. Ước mơ về một con đường bê tông để con chữ đến với con em đồng bào dân tộc Dao đỡ vất vả hơn bao năm nay vẫn chưa thành hiện thực.

Khu ở bán trú cách trường hơn 300m với hệ thống bếp ăn tập thể và 13 phòng ở vẫn còn thiếu cơ sở vật chất. 222 học sinh được ăn, ngủ và sinh hoạt tại đây. Số lượng học sinh đông, số phòng ở lại thiếu gây không ít khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày của các em. Bữa ăn của học sinh bán trú từng bước được cải thiện với những luống rau xanh tốt do các em tự tay chăm sóc. Không còn cái thời mà thầy cô phải tự đi kiếm rau rừng, măng tre, nấu cháo cho các em rồi lại tranh thủ đi vận động học sinh lên lớp.

Nhờ có mô hình bán trú, tỷ lệ ra lớp của học sinh đã tăng lên rõ rệt, chất lượng dạy và học cũng không ngừng được nâng cao. Toàn trường có 295 học sinh, 8 lớp bán trú. Năm học 2013 - 2014, tỷ lệ chuyên cần đạt 95%, tăng 10% so với khi chưa bán trú; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 24%. Công tác huy động học sinh vào lớp 6 được chú trọng. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và thi vào cấp III đã có những chuyển biến rõ rệt với 16% thi vào trường nội trú và 80% tham gia các lớp bổ túc. Đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn; luôn quan tâm, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của học sinh để trường là nhà, thầy cô là gia đình thứ hai của các em.

Các em học sinh nam phân công nhau rửa bát sau bữa ăn.

Thầy giáo Vũ Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Mười cho biết: “Bằng nỗ lực của thầy và trò nhà trường cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp, con em đồng bào dân tộc Dao xã Nậm Mười đã có điều kiện học tập. Tuy vậy, nhà trường vẫn còn không ít khó khăn, nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất trong quá trình giảng dạy, học tập cũng như sinh hoạt tại khu bán trú”.

Đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư lâu dài cho tương lai với không ít khó khăn. Điều này càng trở nên rõ nét đối với những xã vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn như Nậm Mười. Với những thầy cô kiên trì bám bản cùng những học trò đã dần ý thức được vai trò của con chữ, giáo dục vùng cao hẳn sẽ ngày càng khởi sắc. Tiếng kẻng vẫn hàng ngày âm vang nơi núi rừng có thể không để lại nhiều ấn tượng đối với người dân nơi đây nhưng lại như một động lực để những ước mơ như của em Bàn Tòn Kén sẽ trở thành hiện thực và tâm huyết của cô giáo Đặng Thị Lưu sẽ giúp nâng cánh ước mơ bay xa.

Đoàn Thanh Hà

Từ khóa » Tiếng Kẻng Reo Vang Trong Nắng ấm