Tiếng Nước Tôi: Gặm - Nhai - Nhấm - Nhá - Tuổi Trẻ Online

Tiếng nước tôi: Gặm - nhai - nhấm - nhá - Ảnh 1.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 1 (bộ “Cánh diều”) có sử dụng nhiều từ “chả” - Ảnh: T.V.

Nhân câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt của nhóm Cánh diều gây phản ứng trong dư luận, và sắp tới nhóm tác giả sẽ phải thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "chén"...; Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng quanh một số ví dụ cho thấy sự phức tạp (và giàu có) cùng "tính đạo đức" của tiếng Việt.

Tiếng Việt ít từ triết học và khoa học, nhưng từ chỉ các trạng thái hoạt động và phẩm chất của người và vật thì nhiều vô cùng. Lại là một thứ tiếng có họ từ, họ âm, với năm thanh biến đổi, nên lượng từ ngữ có thể phát triển như một kho dự trữ.

Gặm, nhai, nhấm, nhá - đều chỉ hành vi ăn, nhưng đó là một quá trình, bắt đầu từ động vật ăn cỏ và nhai lại. Trâu gặm cỏ, rồi nhai cỏ, nhấm cho đứt và vỡ các hạt, gai, cành, rồi đưa dần vào thóp cỏ bên trong cơ thể. Về chuồng, hoặc nằm nghỉ, chúng đùn cỏ ngược ra miệng nhá lại để nước bọt có men vi sinh giúp cho quá trình tiêu hóa tốt.

Việc nhá chủ yếu ở động vật nhai lại, nhưng động vật ăn thịt cũng có lúc nhá, cho mềm thịt, nhất là ở loài chó hoang, nuốt thịt vào trong rồi về nhè ra cho con ăn.

Người cũng có khi vậy. Bà, mẹ nhá cơm, rồi mớm cho trẻ, cũng là cách dùng men vi sinh trong nước bọt làm cho trẻ dễ tiêu, khi cơm được nghiền nát. Cách thức này được coi là mất vệ sinh, nên không dùng nữa.

Do nhá là việc nhai thong thả, mất thời gian, nên họ từ âm của nó có nhấn nhá, nhẩn nha, nấn ná... rồi từ đám từ này có: thong thả, la cà, sa đà... cứ vậy, từ đẻ ra từ, gắn liền với những hành vi, hành trạng cụ thể.

Trẻ em xưa đều phát triển từ âm bằng trò chơi và đồng dao. Mốt này, mốt nữa, đóng cửa, cài then... Gồng gồng, gánh gánh, gánh sông gánh núi, gánh củi, gánh cành... Nu na, nu nống, đánh trống phất cờ...

Ban đầu nhiều từ chúng chưa hiểu là gì, thậm chí xếp đặt lung tung, nhưng dần trong quá trình sống, chúng tự chỉnh đốn và hiểu được nghĩa từ, cũng như cách đặt vào câu cho đúng.

Việc dùng họ từ âm làm cho tiếng Việt không thể nào bị đồng hóa, dù có du nhập bao nhiêu tiếng Hán.

Đó là tiếng Việt, một thứ ngôn ngữ phân biệt rất rõ các hành vi sinh tồn đến chi tiết. Chim kêu, vượn hót, hổ gầm, sư tử hống, chó sủa, gà gáy... chỉ các hành vi phát âm của động vật.

Chim mổ, cá đớp, chó cắn, xé, trâu gặm... đều là hành vi ăn, nhưng cách thức hàm, răng, lưỡi từng loài khác nhau, nên cách tiếp cận thức ăn cũng khác nhau và được tiếng Việt dùng riêng cho từng giống loài.

Tất nhiên cùng một ý nghĩa, hoặc tương tự, có thể dùng chung động từ - chim kêu, chim hót, chim ca, chim hát, chim gọi đều được, cũng do chim là loài có khả năng bách thanh.

Người là "con vật" ăn tạp, nên mọi từ ngữ trên đều dùng được, miễn là đúng trạng thái. Ăn là từ tổng quát, chỉ tất cả các việc đó.

Nhưng từ ăn còn có nghĩa là làm gì đấy, giống từ đả (đánh) trong tiếng Hán, không chỉ có nghĩa là đánh, mà còn là làm cái gì đó, ví dụ đả thủy (tả suẩy) - lấy nước, cũng giống động từ to do tiếng Anh. Ăn ở - làm việc, sinh hoạt; ăn nằm - quan hệ tình dục; ăn chơi - việc chơi bời thưởng ngoạn; ăn hút - việc hút sách; ăn cắp, ăn trộm - lấy của người khác mà không được phép.

Dần dà thì từ ngữ mang tính xã hội và đạo đức. Nói mời cụ xơi cơm, chứ ít khi nói mời cụ ăn cơm, lại càng không nói mời cụ chén cơm, mời cụ đớp cơm...

Đánh chén nhậu nhẹt

Từ chén, có gốc từ đánh chém (trảm), đánh chiếm, sau khi đánh thắng kẻ thù thì mở tiệc (bối cảnh chiến tranh phong kiến), kết hợp với họ từ nhấm (gặm nhấm - ăn hột, quả cứng), nhấp (uống nước từng chút) thành từ nhậu (vừa ăn vừa uống thong thả, có tính chơi bời, đàm tiếu), từ đó có thành ngữ đánh chén nhậu nhẹt.

Tiếng nước tôi: Lộn xộn chính tả quanh i và y Tiếng nước tôi: Lộn xộn chính tả quanh i và y

TTO - Hiện tượng viết lộn xộn i/y tồn tại lâu nay. Những bất nhất này cần được nhìn lại nhân câu chuyện Quy Nhơn hay Qui Nhơn (Tuổi Trẻ ngày 28 và 29-8).

Từ khóa » Giải Thích Từ Gặm