Tiếng Việt Gốc Khmer TRONG ĐỜI SỐNG DÂN GIAN CÀ MAU
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Khmer ở Việt Nam có dân số 1.260.640 người, có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay có 8.750 hộ đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 40.000 người sinh sống tại 25 xã, phường, thị trấn tập trung tại các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Thành phố Cà Mau.
Dân tộc Khmer nói chung được phân chia thành 2 hệ, đó là Khmer Crôm và Khmer Lơ. Chữ “Crôm” và “Lơ” là cách phiên âm theo tiếng Việt Nam nghĩa là “dưới” và “trên”.
Người Khmer Lơ sinh sống tại Campuchia, là thành phần dân tộc chính của đất nước này. Người Khmer Crôm, còn có cách gọi khác là Khmer Krom, Khmer Crộm, Khmer hạ, Khmer dưới… sinh sống ở nước ta, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau.
Trước đây, do cách phiên âm Hán Việt, chữ Khmer được đọc là “Cao Miên”, nên dân tộc Khmer có khi được gọi tắt là dân tộc “Miên”, trong các tài liệu khảo cứu của Nhà văn Sơn Nam gọi là “Người Việt gốc Miên”. Nhiều tài liệu còn sử dụng các tên gọi khác như Cul, Cur, Cơ Me, Miên, Thổ... Hiện nay, tên gọi chính thức theo phiên âm quốc tế là “Khmer” (tiếng Anh), theo phiên âm tiếng Việt Nam là “Khơ-me” (Theo Chỉ thị số 117-CT/TƯ ngày 29/9/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chỉ thị số 122-CT ngày 12/5/1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về "Công tác đối với đồng bào Khơ-me").
Với hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất Cà Mau, người Khmer đã góp phần tích cực trong công cuộc này khai phá và định cư. Trong quá trình đó đã có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc trên địa bàn và chịu ảnh hưởng tác động qua lại theo quy luật tự nhiên.
Sự giao lưu văn hóa, đặc biệt là giao lưu ngôn ngữ giữa người Việt và người Khmer qua nhiều thế hệ đã hình thành nên một bộ phận tiếng Việt gốc Khmer trong đời sống dân gian Cà Mau. Đây là bằng chứng của quá trình cộng cư hàng trăm năm trong lịch sử.
Trước hết nói về địa danh, tên gọi “Cà Mau” bắt nguồn từ tiếng Khmer là “Tuk Khmau” có nghĩa là nước đen, loại nước dớn, choại và các loại lá mục được tích tụ lâu ngày tại vùng U Minh. Người Khmer có chữ “Pe'am” đọc chạy thành “Vàm” chỉ vùng cửa sông, chữ “Tra péang” có nghĩa là vũng, ao được đọc thành “bưng” trong “bưng biền”. Trong địa danh Nổng Kè, “nổng” là gò đất, “kè” là loại cây giống như cây thốt nốt, gỗ dùng làm cột nhà, cột nàng đáy “Nổng kè” là gò có nhiều cây kè sinh sống (thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình). Ngoài ra còn rất nhiều địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer như: Đầu Nai, Chắc Băng, Tà Phến…
Trong ăn uống hàng ngày, món canh sim-lo của người Khmer được người Việt ưa thích. Canh sim-lo hay còn gọi xiêm-lo, là một món ăn của người Khmer, thường có trong bữa ăn ngày thường hoặc dùng để đãi khách. Tùy theo nguyên liệu nấu mà có tên gọi: sim-lo bầu, sim-lo măng, sim-lo mít, sim-lo thốt nốt, sim-lo cá... Nhưng đặc sắc nhất là canh sim-lo thập cẩm được nấu từ nhiều loại rau củ, tạo nên mùi vị lạ và hấp dẫn, với các loại rau vườn (gọi chung là rau tập tàng) như: bồ ngót, bình bát dây, nhãn lồng,... kết hợp với cá, hoặc cá khô, nêm sả, ớt và không thể thiếu một ít mắm bò-hóc tạo hương vị đậm đà. Tên gọi món canh Sim Lo đã đi vào đời sống dân gian Cà Mau:
“Xa em nhớ vị Sim Lo
Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo”
Tên gọi các loài động thực vật cũng được người Việt vay mượn từ tiếng Khmer. Trái cà na có nguồn gốc từ chữ “Kana” của tiếng Khmer (miền Bắc gọi là quả Tráp). Loài ó, diều được gọi con “ác là”, tiếng Khmer có “ak” hay “k-ak” là con diều. Thịt chó đôi khi được gọi là “thịt cầy”, trong tiếng Khmer có chữ “ch-kay” là con chó. Tên nhiều một số loài cá cũng được người Việt gọi theo phiên âm tiếng Khmer: cá chốt (Trey kanchos), cá lóc (Trey rot), cá thát lát (Trey slat), Cá chài sóc (Trasork), Cá he (Cahe), Cá bông lau (Trey bonglao)…
Trong sinh hoạt hàng ngày, có thể thấy rất nhiều vật dụng, dụng cụ trong gia đình được gọi bằng phiên âm tiếng Khmer thành thói quen, như cái hủ hay tĩn cũng được gọi là cái “cà om” (trong tiếng Khmer có chữ “ko-om” là một loại đồ dùng đựng nước). Cái cà ràng, tiếng Khmer có “kran” là một loại bếp lò làm bằng đất sét nung, phía dưới có đáy chứa tro và than. Cái sà-di là một dụng cụ dùng để đuổi bắt chuột. Cái lọp, trong tiếng Khmer là “lộp”, một loại dụng cụ đang bằng tre dùng để bắt cá, tôm:
“Vai mang cái nóp tay xách cái lọp cái lờ
Về miền đồng chua nước mặn đặng nhờ miếng ăn”
Cái xà neng là dụng cụ thực hiện được nhiều chức năng như xúc lúa, bắt cá, hái rau… tiếng Khmer là “sneng”, đây là dụng cụ quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày:
“Chiều chiều lấy cái xà neng
Lên đồng xúc cá hái sen một mình”
Lời ăn tiếng nói hàng ngày, dân gian cũng sử dụng rất nhiều từ ngữ có nguồn gốc Khmer. Từ “mình ên” phổ biến ở vùng Cà Mau có nguồn gốc từ tiếng Khmer, chữ “êng” hay “k-êng” có nghĩa là một mình:
“Thằn lằn cụt đuôi ai nuôi mày lớn
Dạ thưa thầy con lớn mình ên”.
Gặp may mắn trong việc gì đó, người Cà Mau hay nói gặp “hên”, tiếng Khmer có chữ “hêng” có nghĩa là “may mắn”, chữ “hên” (ngược lại với “xui”) chỉ được sử dụng phổ biến ở Cà Mau và một số tỉnh Nam Bộ. Giấu giếm một điều gì, người ta gọi là “ém” (ém nhẹm, ém tài, ém quân), tiếng Khmer dùng chữ “ém” với nghĩa là “giấu mất”. Chữ “bòng ep” trong tiếng Khmer là đẩy dính sát vào nhau, tạo áp lực… được Việt hóa thành chữ “ép” trong: chín ép, vú ép… Chữ “tòn ten” (treo tòn ten, lủng lẳng) có nguồn gốc từ chữ “tòn tenh oi cham” trong tiếng Khmer có nghĩa là lặp đi lặp lại nhiều lần…
Trong đời sống dân gian Cà Mau, còn rất nhiều hiện tượng ngôn ngữ, địa danh, tên gọi động thực vật, lời ăn tiếng nói đã được Việt hóa từ tiếng Khmer, hoặc sử dụng nguyên gốc tiếng Khmer. Đây là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong ngôn ngữ của cộng đồng cư dân Cà Mau.
Sự xuất hiện của bộ phận tiếng Việt gốc Khmer trong ngôn ngữ của người Cà Mau đã được chọn lọc và tồn tại qua hàng trăm năm đã khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các dân tộc cùng kề vai, sát cánh để đấu tranh sinh tồn trên vùng đất mới. Những đóng góp của tiếng Khmer vào ngôn ngữ dân gian Cà Mau là hiện tượng văn hóa đặc sắc góp phần làm nên sắc thái văn hóa đặc thù của vùng đất Cà Mau.
Từ khóa » Dân Tộc Khmer Sống ở Vùng Nào
-
NGƯỜI KHMER - Ủy Ban Dân Tộc
-
Người Khmer (Việt Nam) - Wikipedia
-
Người Khmer – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dân Tộc Khmer ở Việt Nam
-
Dân Tộc Khmer | 54 Dân Tộc Việt Nam
-
Người Khmer Nam Bộ Là Ai - Tín Ngưỡng Người Khơ Me Nam Bộ Là ...
-
Sai, Người Khmer Có Mặt ở Vùng đất Nam Bộ Từ Thế Kỷ 12 - VnExpress
-
YẾU TỐ VĂN HÓA TINH THẦN TRONG CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN ...
-
Môi Trường Tự Nhiên Và Hoạt động Văn Hóa Của Người Khmer Nam Bộ
-
Https:///portal/page/portal/chinhph...
-
Không Thể Phủ Nhận, Phá Hoại Khối đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc ở ...
-
Khái Quát Về Các Dân Tộc Thiểu Số ở Việt Nam
-
Dân Tộc - Ngôn Ngữ - Hội Nghị Quốc Phòng - Quân Sự ASEAN