TÌM HIỂU VỀ Ý NGHĨA CỦA GIA PHẢ, ĐỀN THỜ, NHÀ THỜ HỌ VÀ ...

TÌM HIỂU VỀ Ý NGHĨA CỦA GIA PHẢ, ĐỀN THỜ, NHÀ THỜ HỌ VÀ CÁCH LẬP GIA PHẢ
  • 11/02/2020
  • Ban Thông tin truyền thông
  • 8083

Xây dựng gia phả, Đền thờ, Nhà thờ và cách lập gia phả trong chi họ có ý nghía quan trọng hướng về cội nguồn tri ân Tổ tiên. Ban biên tập xin giới thiệu bài viết của ông Dương Văn Khá – Phó Tổng thư ký Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Họ Dương thành phố Hà Nội – để bà con tham khảo.

Trong những năm vừa qua, Hội đồng Họ Dương Việt Nam các cấp đã căn cứ Điều lệ Họ Dương Việt Nam và gần đây là Quy ước xây dựng đời sống văn hóa Họ Dương Việt Nam để xây dựng, kết nối Dòng tộc để trở thành một cộng đồng luôn thương yêu, giúp đỡ, sẻ chia với nhau trong cuộc sống thông qua các hoạt động: Hướng về cội nguồn, tri ân Tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, mừng thọ, khuyến học, khuyến tài, phát triển kinh tế, tập trung giáo dục thế hệ trẻ người Họ Dương Việt Nam trở thành những công dân tốt, có lòng yêu nước, yêu Họ, biết chăm lo công việc của dòng tộc, có khát vọng vươn lên làm giàu, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, công nghệ. Người Họ Dương Việt Nam coi những hoạt động nói trên là những nét đẹp văn hóa đặc trưng; sống thẳng thắn, trung thực, giản dị; khiêm tốn học hỏi, cầu thị, vị tha và luôn tôn trọng lẽ phải; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Họ Dương Việt Nam; đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như ốm đau, tai nạn, thiên tai, bão lũ…; giữ gìn và phát huy mối quan hệ Dòng tộc ngày càng tốt đẹp hơn.

Đền Đuổm, xã Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên – nơi thờ tự Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh

Trong hoạt động dòng tộc, người Họ Dương Việt Nam sống nghĩa tình, luôn có lòng thành kính với Tổ tiên, có tình thân ái với họ hàng, thương yêu người dưới, kính trọng với bậc trên; luôn bảo vệ thanh danh Dòng tộc, sống bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, không trọng nam xem nhẹ nữ; tự giác hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội đồng Họ Dương Việt Nam các cấp phân công, không cầu tư lợi. Có ý thức tôn trọng thứ bậc gia phong trong Dòng tộc, nếu không xác định được quan hệ họ hàng huyết thống thì xưng hô theo tuổi tác. Quan hệ nam nữ trong nội bộ dòng tộc, đặc biệt là những người đã có gia đình, phải trong sáng, lành mạnh. Luôn chăm lo việc tri ân Tổ tiên, thường xuyên tu bổ, sửa chữa, tôn tạo các cơ sở thờ tự. Việc làm này với ý nghĩa không chỉ tỏ lòng thành kính với Tổ tiên mà còn mang tính giáo dục sâu sắc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ để tăng thêm lòng tự hào, có trách nhiệm tiếp nối truyền thống của Tổ tiên và cha ông. Trong đó, Hội đồng Họ Dương Việt Nam huy động kinh phí xây mới, sửa chữa, tôn tạo một số Đền thờ các vị Danh nhân tiền bối của Họ Dương Việt Nam như Dương Thanh, Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha, Dương Tự Minh và Nhà thờ Tổ Họ Dương Việt Nam; Hội đồng Họ Dương các cấp huy động kinh phí xây mới, sửa chữa, tôn tạo các đền thờ Tổ của người Họ Dương ở các địa phương.

1. Ý NGHĨA CỦA GIA PHẢ

Gia phả là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của tiên tổ, cha mẹ, ông bà và mộ phần của một gia đình lớn hay một dòng họ. Được coi như một bức tranh lịch sử thu nhỏ của một dòng họ, thậm chí lớn hơn là của một làng, một vùng đất cùng với những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội liên tục, sự tham gia và những ảnh hưởng của dòng họ đến tiến trình của lịch sử xã hội của những vùng, miền khác nhau. Gia phả còn được coi như một di sản văn hóa quý giá, không chỉ là cơ sở để dòng họ, các chi họ lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn, gia phả còn luôn giữ vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc củng cố gia tộc, gia đình và giáo dục đạo đức cho con cháu. Vì gia phả không chỉ giúp cho con cháu biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, tổ tiên công đức ra sao, gia phả còn được gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, chứa đựng những điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau để bảo vệ nền nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc hôm nay và mai sau. Ngoài việc ghi chép đầy đủ lịch sử của gia tộc và thế thứ các nhánh, các chi của mỗi dòng họ, gia phả còn mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Đền thờ Dương Tướng Công

Gia phả được các nhà sử học coi là nguồn bổ sung cực kỳ quan trọng cho chính sử bởi những thông tin từ những nhân vật, sự kiện của dòng họ đều được ghi lại một cách trung thực, cụ thể và rõ ràng trong gia phả. Việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng của mỗi gia đình Việt Nam, gia đình từ ông cố, bà cố, xuống cháu chắt đều sống chung trong một mối dây liên hệ hết sức chặt chẽ về huyết thống, máu mủ. Làm người ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên như cây có cội nguồn, có gốc, có rễ. Hướng về nguồn cội là những cảm xúc, những tâm tư cùng một thế giới tâm linh trong sáng, thiêng liêng với những cảm hứng vang vọng, xuất phát từ đáy lòng qua sự khôi phục, bổ sung và duy trì sự liên tục của gia phả dòng họ, nhà thờ họ là trào lưu văn hóa đang phát triển ở nước ta hiện nay.

2. Ý NGHĨA CỦA ĐỀN THỜ, NHÀ THỜ HỌ

Xây dựng Đền thờ, Nhà thờ họ là một hành động hướng về cội nguồn. Chúng ta biết rằng hạt nhân của xã hội là gia đình. Một dòng họ có nhiều gia đình, nhiều dòng họ hợp thành xã hội. Một xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ những gia đình tốt đẹp, từ những dòng họ tốt đẹp. Giáo dục trong dòng họ là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xã hội. Đền thờ, Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong lịch sử của đất nước, của dân tộc. Đền thờ, Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong dòng họ bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, những tấm gương sáng của tổ tiên và đồng thời những ước vọng của mỗi còn người trong dòng họ được nguyện cầu tại đây. Truyền thống cả dân tộc cũng như mỗi dòng họ, mỗi gia đình cần phải gìn giữ là: “Uống nước nhớ nguồn, nhân hậu thuỷ chung, thương người như thể thương thân, đoàn kết tương thân tương ái làng xóm khi tối lửa tắt đèn, hiếu học, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, lao động cần cù, sáng tạo …”.

Đền thờ, Nhà thờ họ trường tồn tượng trưng cho một dòng họ bền vững, lâu đời. Đền thờ, Nhà thờ họ nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn. Đền thờ, Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ. Đền thờ, Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sự sắp sếp có chủ ý thể hiện những thông tin về gia đình, dòng họ được kết cấu một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong họ cũng như người ngoại tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử của dòng họ cùng những con người, những danh nhân của dòng họ.

3. CÁCH LẬP GIA PHẢ DÒNG HỌ

Việc lập gia phả, xa hơn nữa là tộc phả nhằm biết tổ tiên dòng tộc, họ hàng xa gần để còn nhận biết nhau và tránh được nhiều điều đáng tiếc trong gia tộc. Quan trọng hơn nữa còn là để mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc biết đến mồ mả tổ tiên để tỏ lòng hiếu nghĩa, nhớ công sinh thành dưỡng dục. Gia phả không chỉ là “gia bảo” của mỗi gia đình, dòng họ mà còn là nguồn tư liệu rất quý cho các nhà sử học nghiên cứu, góp phần bổ sung cho lịch sử đất nước.

Đền thờ Dương Tam Kha.

3.1. Về nội dung gia phả. Gia phả phải được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương, ghi rõ tên người sao lục, biên soạn thuộc đời thứ mấy, năm nào, triều vua nào, căn cứ vào bản nào, tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng. Nội dung của gia phả gồm có:

– Lời nói đầu: Nêu lên ý nghĩa của gia phả đối với dòng tộc; giới thiệu nguồn gốc và những truyền thống tốt đẹp vốn có của dòng tộc; về quá trình sưu tầm, khảo cứu, biên tập phả; phương pháp trình bày, hướng dẫn người đọc để tiếp cận và hiểu một cách dễ dàng.

– Chính phả: Đây là phần chủ yếu của một bản phả, trong đó trình bày rõ thân thế, sự nghiệp, thế thứ của các thành viên trong họ tộc, từ thuỷ tổ, lần lượt đến tiên tổ các đời, nối dòng đến lớp con cháu mới sinh; có sơ đồ biểu thị để dễ dàng theo dõi. Mỗi thành viên cần ghi đầy đủ các nội dung sau:

+ Về bản thân: *Tên: Gồm tên huý, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương? thuộc đời thứ mấy?

* Con trai thứ mấy của ông nào? bà nào?

* Ngày tháng năm sinh (giờ sinh nếu có).

* Ngày, tháng, năm mất? thọ bao nhiêu tuổi?

* Mộ táng tại đâu? (nếu được, cần ghi cả nguyên táng, cải táng, di táng tại đâu? vào tháng, năm nào?).

* Học hành, thi cử, đậu đạt, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: thi đậu học vị gì? khoa nào? Triều Vua nào? nhận chức vị gì? năm nào? được ban khen và hưởng tước lộc gì? sau khi mất được truy phong chức gì? tước gì?.

* Những gương sáng, những tính cách, hành trạng đặc biệt, hoặc những công đức đối với làng xã, họ hàng, xóm giềng…

+ Về vợLà chánh thất, kế thất hay thứ thất… các mục khác cũng ghi đầy đủ như trên.

+ Về con: Ghi theo thứ tự năm sinh, nếu nhiều vợ thì ghi rõ con bà nào? Con gái thì ghi chú kỹ: Con gái thứ mấy, đã lấy chồng thì ghi tên họ chồng, năm sinh, con ông bà nào, quê quán, đậu đạt, chức tước? Sinh được bao nhiêu con, mấy trai, mấy gái, tên là gì? (con gái có ghi chú, còn con trai không cần vì có mục riêng từng người thuộc đời sau).

– Ngoại phả: Mô tả các lễ cúng chính, văn khấn; mô tả nhà thờ họ và Hội đồng gia tộc (nếu có); mô tả các khu mộ (ghi vị trí và tên người theo mộ bia), danh sách người có học vị, học hàm; biểu ghi quan hệ cưới gả; danh sách ngày giỗ; tiểu sử nhân vật tiêu biểu.

– Phụ khảo: ghi địa chí xóm ấp, đình miếu, chợ búa, bến đò….

3.2. Về cách trình bày gia phả

Một bản gia phả được chia làm 3 thành phần như sau: Phả ký, phả hệ và phả đồ.

– Phả ký: là tất cả những phần ghi chép nội dung của bản phả, cả lời tựa, chính văn và phần viết thêm

– Phả hệ: là việc trình bày quan hệ thế thứ của các thành viên trong họ tộc. Nội dung nói về vị trí, vai vế, tên tuổi của từng người. Thông thường có 3 cách trình bày phả hệ: viết theo chiều ngang, viết theo chiều dọc và viết kết hợp ngang dọc như sau:

+ Viết theo chiều ngang: là viết lần lượt các đời trong họ; sau đời thứ nhất đến đời thứ hai, hết đời thứ hai đến đời thứ ba, hết đời thứ ba đến đời thứ tư…

+ Viết theo chiều dọc: là chia dọc từng chi, từng cành trong họ để viết. Viết hết chi một đến chi hai, hết chi hai đến chi ba…

+ Viết ngang dọc kết hợp: Một cách viết khác, viết kết hợp ngang dọc. Cách viết này tuy dài nhưng người xem dễ hiểu. Nội dung chính vẫn được viết theo phương pháp dọc, nhưng sau (hoặc trước) khi trình bày dọc, trình bày tóm tắt theo hàng ngang, chủ yếu chỉ viết họ tên, nếu có thể viết bổ sung một số thông tin chủ yếu nhất của mỗi người.

– Phả đồ (còn gọi là cây phả hệ) là hình thức biểu thị phả hệ theo sơ đồ để khi nhìn vào người ta có thể nắm bắt một cách tổng thể mối quan hệ thế thứ trong họ tộc.

Để phát huy truyền thống tốt đẹp của người Họ Dương Việt Nam, tôi xin trao đổi một số nội dung về ý nghĩa của Gia phả, Đền thờ, Nhà thờ họ và gợi ý một số nội dung về việc lập Gia phả dòng họ. Tôi xin trân trọng tiếp thu ý kiến tham gia của mọi người để bài viết bổ sung, hoàn chỉnh hơn.

Dương Văn Khá

Chủ tịch Hội đồng Họ Dương TP. Hà Nội

Từ khóa » Tộc Phả Là Gì