Tộc Phả – Gia Phả | Góc Trầm
Có thể bạn quan tâm
Tộc Phả
Tộc phả là quyển sổ biên tên từ ông thủy tổ trở xuống lần lượt theo thế tứ tất cả những ngành trong họ cho đến đời dưới chót.
Những họ đa đinh hàng ngàn người, về mỗi đời thường chỉ chép vắn tắt tên người trưởng phân chi, với những người em trai, nếu có, cùng một dòng chữ, với con số thứ tự chỉ định thế hệ thứ mấy kể từ thủy tổ. Đến thế hệ nối tiếp, nếu người trưởng phân chi không có con trai thì lẽ dĩ nhiên, chép tên người thừa kế với cước chú nói rõ là con ai được lập tự. Nếu người trưởng phân chi bỏ đi lập nghiệp phương xa rồi biệt tích thì sẽ cước chú “thệ” nghĩa là đi không trở về; và con trai hay con lập tự của người em sẽ được ghi tên vào thế hệ kế tiếp.
Nếu người trưởng phân chi di cư xa nhưng không mất liên lạc thì phả vẫn chép tên với cước chú lập nghiệp ở đâu; và cũng nhờ vậy lâu đời về sau vẫn có thể nhận họ nếu có gián đoạn trong việc biên chép.
Khi một trưởng phân chi không có con trai và cũng không có ai để lập tự, thì sẽ cước chú “vô tự” nơi dưới tên, nghĩa là không có người nối dõi, và từ đây kể như phân chi này tàn lụi.
Bên cạnh tên trong phả thường chép sơ lược ngày sinh, ngày chết, nghề nghiệp và mộ phần ở đâu.Có họ giữ được tộc phả đầy đủ trên dưới hai mươi hay ba mươi đời, kể có ngàn năm. Trái lại, phần lớn các họ không giữ được toàn vẹn tộc phả mà chỉ chép được từ nửa chừng. Khi tộc phả đã thất lạc thì sổ ghi chép được mấy đời sau cùng (theo khẩu truyền) gọi là phú ý, không hẳn là tộc phả.
Tộc phả thường được chép ra nhiều bản, họ trù phú có khi thuê khắc bản in bằng gỗ để in ra phân phát cho các chi, các phân chi, hoặc các nhà.
Việc chép phả không phải là khó khăn tốn kém, vậy mà nhiều họ vẫn không có tộc phả. Những họ phiêu bạt ít đinh và nghèo túng chẳng dễ gì nghĩ đến việc chép tộc phả.
Gia Phả
Gia phả là quyển sổ ghi chép các thế hệ của từng nhà, nói vậy không phải nhà nào cũng đều có gia phả. Nhà năm bảy anh em trai thì thường thường chỉ người anh trưởng lo việc chép kế tiếp vào gia phả của cha để lại. Những người em có học hay có tiền của thì tự làm lấy hay nhờ người sao chép gia phả kia để giữ riêng.
Có nhiều nhà mấy đời nghèo túng không lúc nào đủ cơm ăn, áo mặc, không được học, thì gìn giữ gia phả, nếu có từ xưa để lại, đã là việc khó, còn hơi sức nào nghĩ được việc chép gia phả.
Trong gia phả mỗi vị tổ tiên được ghi chép chức tước (nếu có) trên tên húy, rồi tên hiệu, tên thụy. Con trưởng hay con thứ mấy của vị nào. Sinh ngày giờ tháng năm nào, mất ngày giờ tháng năm nào. Mộ táng ở đâu. Chép cả tính tình và cách xử thế của người đã khuất, đôi khi chép cả những thói ưu thích hoặc ruồng ghét. Nếu có chân khoa trường thì thường chép rõ là thụ giáo ở trường ông thầy nào, đỗ khoa nào trường thi nào. Vào bậc đại khoa thì còn chép được chấm đậu thứ mấy trong hàng nhất giáp hay nhị, tam giáp, với số tân khoa từng giáp. Rõ ràng lắm, như có nhà chép cả việc tiền nhân đi thi đáng lẽ đỗ cao mà vì một lầm lỗi nhỏ bị đánh xuống rốt bảng.
Nhiều thế gia lệnh tộc chép phả có khi chỉ một vị tổ đã hàng trăm trang, nghĩa là tiểu sử đầy đủ từ lúc mới sinh, lúc đi học, đến thi cử, rồi tất cả văn chương sự nghiệp, quan giai lần lần.
Liền sau tên ông là tên bà chính thất (vợ cả), rồi lần lượt tên các bà thứ thất (vợ lẽ) nếu có. Cũng ghi chép đủ phẩm trật nếu có, tên húy, tên hiệu, với cước chú con gái thứ mấy của vị nào, dòng họ nào, ở đâu. Rồi cũng đủ cả ngày sinh ngày mất và mộ địa. Tính tình với những hành vi lúc sinh thời thường cũng được ghi chép.
Những tính tình và hành vi của người trước ghi chép lại, thường có ảnh hưởng tốt cho đời sau. Ngày giỗ con cháu đem gia phả ra đọc cùng nghe, những nhà không có gia phả cũng thường nhân ngày giỗ kể lại tính nết và việc làm của người trước; vốn dĩ vẫn tin tưởng thuyết nhân quả, mới nói cả ra những điều phúc đức đã được hưởng hoặc tai họa đã gặp phải do việc xưa của tiền nhân tạo nên; tự nhiên con cháu cảm thấy phải suy nghĩ và lấy làm răn.
Trước đây làng Yên Thái ở ven Hồ Tây (Hà Nội) chuyên nghề làm giấy có sản xuất loại giấy dày màu vàng hơi sẫm đóng thành quyển, mỗi trang có in dòng kẻ ngân nhũ, bán ra chỉ để chép thần tích tộc phả gia phả.
Người ta quen gọi giấy này là giấy sắc. Những tờ giáy sắc dày hơn bìa vở học sinh ngày nay, màu vàng hơi sậm, khổ chừng 1th50 x 0th60, vẽ rồng ngân nhũ, riêng để cung cấp cho triều đình viết sắc bách thần và các quan to.
Ngoài việc để viết sắc, giấy vàng chỉ còn dùng vào việc chép thần tích gia phả, nhưng không vẽ rồng, chỉ vẽ long hóa vân ám, nhiều quyển chỉ kẻ dòng thẳng chiều dọc để dễ viết. Nhưng quyển giấy sắc để chép phả đóng theo khuôn khổ giấy lệnh viết sách, nghĩa là chừng 0th17 x 0th25, rút nhỏ lại chút ít.
Chữ viết tộc phả gia phả phải đàng tả, nghĩa là ngang bằng sổ ngay đều đặn, gọi là lối khải thư hay là lối chân, nhà giàu họ to thường sắm hộp sơn thếp đựng gia phả tộc phả, để trong khám thờ bên canh bao sắc, giữ gìn cẩn trọng.
Nhất Thanh | Vũ Văn Khiếu |
Từ khóa » Tộc Phả Là Gì
-
Gia Phả Là Gì? Hình Thức Lập Gia Phả Và Tộc Phả
-
Gia Phả – Wikipedia Tiếng Việt
-
'tộc Phả' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Gia Phả Là Gì, Nội Dung Cấu Trúc Và Cách ... - Thiết Kế Gia Phả Dòng Họ
-
Từ điển Tiếng Việt "tộc Phả" - Là Gì?
-
Gia Phả Là Gì - Thiết Kế Gia Phả Trên Cả Nước
-
GIA PHẢ LÀ GÌ
-
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia Phả-Bạn Có Biết?
-
Gia Phả Là Gì, Nội Dung Cấu Trúc Và Cách Trình Bày Gia Phả
-
TÌM HIỂU VỀ Ý NGHĨA CỦA GIA PHẢ, ĐỀN THỜ, NHÀ THỜ HỌ VÀ ...
-
Gia Phả Là Một Phần Của Chính Sử
-
Tổng Hợp Kiến Thức Cơ Bản Về Gia Phả - Ngô Tộc
-
Mẫu Gia Phả Dòng Họ đẹp
-
Gia Phả Là Gì