Tín Ngưỡng Thờ Cúng Hùng Vương - Biểu Tượng Sức Mạnh đại đoàn ...

Sợi dây tâm linh kết nối quá khứ và hiện tại

Tỉnh Phú Thọ được biết đến là nơi cư trú của người nguyên thủy, người Việt cổ, thuộc vùng đồi núi trung du của miền Bắc Việt Nam, cũng là cái nôi của văn minh lúa nước, văn hóa dân tộc Việt. Do vị thế địa văn hóa mà trong quá trình hình thành và phát triển từ xưa tới nay, Phú Thọ luôn được coi là vùng đất thiêng, nơi các Vua Hùng dựng Nhà nước Văn Lang-nhà nước đầu tiên của Việt Nam, kinh đô đóng tại Phong Châu.

Quá trình hình thành và phát triển của vùng Đất Tổ có những tác động tới sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mà nguồn cội là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện từ cội rễ là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hiếu kính ông bà, cha mẹ, tổ tiên, giống nòi.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hình thức thể hiện niềm tin của người dân vào sự hiện diện của các Vua Hùng; là tín ngưỡng cơ bản, phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt Nam trong nước và Việt kiều ở nước ngoài. Trong đời sống đương đại hiện nay, mạch nguồn tín ngưỡng của người dân Việt Nam ấy vẫn luôn là “sống về mồ mả, không ai sống về cả bát cơm”. Câu thành ngữ dân gian mang đầy tính hình tượng, tính biểu cảm cao nhằm giáo dục cũng như đề cao vấn đề phúc đức tổ tiên (cách nói khác là nhờ phúc ấm tổ tiên) là rất quan trọng.

Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các Vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần/tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam; là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt. Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình. Các nhà khoa học về cơ bản đều nhất trí khi cho rằng tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có sức sống lâu bền, sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng người Việt trong nước và ở nước ngoài.

Thực hành tế lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), năm 2019.

 

Từ phía người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. 

Trên phương diện đối với mỗi cá nhân, ý thức tự hào về cội nguồn dân tộc được hình thành từ trong gia đình, củng cố trong làng xã và được phát triển trong toàn quốc theo quan hệ huyết thống: Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng...

Trên phương diện cộng đồng, xã hội: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như là một ký ức tập thể, kỷ niệm của nhân dân về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao. Nói cách khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giá trị đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đó là giá trị giáo dục đạo đức truyền thống. Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm và lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Cùng với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hình thức biểu hiện phong phú, đa dạng, không chỉ tôn thờ các Vua Hùng, trong thần điện chúng ta còn bắt gặp sự phối thờ các nhân vật như: Công chúa Tiên Dung, công chúa Ngọc Hoa, Tản Viên Sơn Thánh... 

Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh là tổ tiên, anh hùng dân tộc. Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

Ngày lễ trọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thực hành nghi thức dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ.

 

Lễ hội Đền Hùng được xem là lễ hội đặc biệt quan trọng của dân tộc Việt Nam: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”.

Qua các cứ liệu nghiên cứu trước đây cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khởi nguồn là lớp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thần núi. Theo truyền thuyết, ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi các Vua Hùng vẫn lên để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, thờ lúa thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đến cuối thế kỷ 19 và trước khi trùng tu Đền Thượng vào năm 1917, tín ngưỡng thờ cúng thần linh ở đây vẫn là sự đan xen giữa thờ thần núi, thần lúa và thờ các Vua Hùng.

Ngược dòng lịch sử, từ thời Hậu Lê không có quốc lễ, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Từ thời Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế”, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Đến thời Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Thời Khải Định năm thứ hai (1917) chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam tuy còn non trẻ đã rất quan tâm tới Đền Hùng. Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19-9-1954 và 19-8-1962. Tại đây, ngày 19-9-1954, Người đã có câu huấn thị nổi tiếng cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi vào tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội Đền Hùng trong thời gian 10 ngày (từ 1-3 đến 10-3 âm lịch). Từ ngày 2-4-2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hằng năm một lần nữa được Nhà nước chính thức công nhận trở thành ngày quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau khi Việt Nam đệ trình hồ sơ lên tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các chuyên gia của tổ chức này đánh giá đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Ngày 6-12-2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Thông qua lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tạo môi trường hội tụ bản sắc sáng tạo văn hóa, hội tụ các thành tố văn hóa, bồi đắp niềm tin cũng như thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ. Sự lôi cuốn ấy không chỉ ở số lượng người tham gia trực tiếp tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ mà còn khích lệ cộng đồng người Việt tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới có người Việt sinh sống.

Theo QĐND

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thần Vua