Tổng Quan Về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Của Người Chăm

Hiện nay, nước ta có khoảng mười ba vạn đồng bào Chăm, tiếng nói của dân tộc này rất gần tiếng nói của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, như: Giarai, Raglay, Êđê và ChuRu, nó cùng hệ ngôn ngữ Aus tronesian (nhóm ngôn ngữ Malay – Poly nesian).

Vài nét về tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm

Đồng bào Chăm ở nước ta hình thành ba nhóm tín ngưỡng chính là: Tín ngưỡng tôn giáo bản địa cổ Bàlamôn, Chăm Bà ni (Hồi giáo Bà ni) và Chăm Islam (Hồi giáo Islam). Cũng có một bộ phận không nhiều không theo tôn giáo nào.

Ngày xưa, đồng bào Chăm ở nước ta chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 20° tức từ phía Bắc Đồng Nai cho tới vùng đèo Ngang của tỉnh Quảng Bình ngày nay). Do quá trình vận động và biến đổi của lịch sử xã hội, cộng đồng người Chăm trôi dạt dần theo hướng Nam của đất nước, rồi sống quần cư ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ; một bộ phận khác sống ở một số tỉnh thuộc vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ – tập trung huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay.

Đồng bào Chăm, còn gọi là người Chàm, là một trong số 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là một dân tộc có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, rất đa dạng và phong phú. Một trong những cái đa dạng và phong phú của nền văn hóa ấy là người Chăm, một dân tộc có chữ viết sớm nhất ở nước ta; truyền thống văn hóa ấy đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Bản sắc và truyền thống của văn hóa Chămpa biểu hiện đặc trưng cho lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo, thông qua các sinh hoạt mang tính phong tục, lễ hội truyền thống và tín ngưỡng cổ của cộng đồng dân tộc này. Vì vậy, để tìm hiểu và nhận biết nét văn hóa đặc trưng của cộng động cư dân Chăm, từ nhiều thập niên qua nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu… Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học, nhà nghiên cứu đều tập trung đi sâu nghiên cứu, khai thác về lĩnh vực lịch sử văn hóa và nghệ thuật điêu khắc Chămpa nói chung; chưa có những công trình nghiên cứu sâu và toàn diện về lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm. Để góp phần nghiên cứu tín ngưỡng – tôn giáo của cư dân Chăm ở Việt Nam; trong phạm vi bài viết này, xin chỉ tập trung nghiên cứu, trao đổi ba vấn đè trọng tâm, sau dây.

Một là, nguồn gốc và loại hình tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Chăm; Hai là, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng đồng bào Chăm; Ba la, ảnh hưởng của tín ngưỡng Islam trong cộng đồng cư dân Chăm.

Nguồn gốc tín ngưỡng cổ của cộng đồng cư dân Chăm

Như chúng ta biết, nguồn gốc tổ chức xã hội cổ truyền của cộng đồng cư dân Chăm là một hình thái tổ chức xã hội Mẫu hệ, với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa cổ Bà la môn. Theo nhiều sử liệu cho thấy, ngay từ khi lập quốc, nước Chămpa xưa đã chịu ảnh hưởng lớn của nền văn minh Ấn Độ với tín ngưỡng Bà la môn giáo. Theo một sử liệu Trung Quốc hồi thế kỉ III (280), xác định: “Vương quốc này về phía Nam thì giáp Phù Nam. Hai nước gồm rất nhiều bộ lạc và liên kết với nhau, lợi dụng núi non hiểm trở, họ không qui phục Trung Quốc. Từ thời điểm này, trên nẻo đất miền Trung nổi lên một quốc gia độc lập chịu ảnh hưởng Ấn Độ”[1]. Và ở một sử liệu khác cũng nói rằng: “Hồi nửa đầu thế kỉ thứ VII tìm thấy ở Sơn Mĩ một bia kí của vua Chămpa có ghi việc một người Ấn Độ đến lập quốc tại Chămpa – đó là Kanwdincga – người Bà la môn vĩ đại nhất”[2].

Tuy nhiên, cũng có những sử liệu lại cho thấy rằng: “Trước khi chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đã là khu vực có nền văn hóa Nam Á phát triển và đã có sự lan tỏa ra các nước trong vùng”[3]. Khi nghiên cứu, chúng ta đều có thể bắt gặp một số những đặc thù của nền văn minh Nam Á lúc bấy giờ, như:

– Văn hóa lúa nước, – Thuần dưỡng trâu bò, – Làm nghề khai thác biển, – Tín ngưỡng vật linh và thờ cúng tổ tiên, – Thuyết nhị nguyên về ũ trụ…

Tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Chăm là niền tin vào những thần linh (Pô Yang). Với niềm tin vào tín ngưỡng đa thần , người Chăm quan niệm thiên nhiên và mọi vật thể xung quanh con người đều có linh hồn – tất cả đều có linh hồn và luôn luôn có mối quan hệ với con người. Hơn nữa, người Chăm coi cuộc sống sau khi chết “thế giới bên kia” mới là nơi linh hồn tồn tại mãi mãi. Vì vậy, trong cuộc sống họ luôn tôn thờ đấng tạo ra vũ trụ. Đấng ấy, được người Chăm gọi là ông trời (Pô Yang Hit). Ngoài Pô Yang hit, họ còn có phong tục tin thờ hệ thống Pô Yang và các lễ hội truyền thống cổ khác.

Sự tin thờ các Thần linh – Pô Yang,

Xuất phát từ quan niệm coi thiên nhiên và vạn vật xung quanh con người đều có linh hồn, nên từ ngàn xưa tổ chức – xã hội của dân tộc này có truyền thống tin thờ tín ngưỡng đa thần, đứng đầu là Pô Yang hit, cùng hệ thống Pô Yang, như: Thần Núi (Pô Yang chơt), Thần Nước (Pô Yangla), Thần sét (Pô Yang patan), Thần Lúa (Pô Yang Sri), Thần Chuột (Pô Yang Takuh) v.v…

Cùng với việc tin thờ các Thần linh, người Chăm còn có tín ngưỡng tin thờ chung hoặc riêng ba vị thần có nguồn gốc Bà la môn giáo Ấn Độ, đó là:

* Thần Brahma, là chúa tể vạn vật, là vị thần đứng đầu trong các vị thần, * Thần Vishu, là thần bảo tồn, * Thần Shiva, là thần phá hoại và tạo tác.

Đồng bào Chăm có niềm tin và thờ các vị ấy trong các Đền, Tháp và còn được chạm nổi ở các kiến trúc cổ, đặc biệt là ở các Tháp hoặc được tạc nguyên hình bằng các loại đá quí, đồng đen, kim loại vàng cùng với các thần linh khác.

Như đã nói, thần Brahma là vị thần sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài, một vị thần đứng đầu trong các vị thần. Ở di tích Mĩ Sơn (Quảng Nam), ngoài tượng được tạc bằng đá hoa cương, thần Brahma, còn được tạc trên các mí tháp, đền; còn thần Vishnu thường được tạc hình dáng có bốn tay và trên tay có cầm các bảo vật như: Ốc Tù và (San ka), Đỉa tròn (ca kra), hoa sen (Padama), quả Chùy (Oa da) và được tạc nguyên hình lúc cưỡi trên lưng con chim thần (Ga ra da).

Ngoài ra, người Chăm còn tin thờ thần Shiva – vị thần này được tạc nhiều hình dáng khác nhau hoặc đứng có sáu tay hoặc cưỡi trên lưng con bò đực (Nan din) với tư thế tấn công hoặc được tạc vai Hộ pháp canh giữ các đền. Thần Shiva còn được tạc dưới nhiều biểu tượng khác nữa, như: Dưới hình thức cái phù linh (Linga)[4] – một trụ đá tròn trên một cái đế dùng hứng nước phép khi hành lễ, là biểu tượng cho sức mạnh và sự sinh tồn của loài người, sự phối hợp giữa người đàn ông (Linga) với người phụ nữ (Yoni) – biểu tượng về sự thống nhất giữa Âm và Dương, tức là giữa Linga và Yoni nguyên lí của sự sinh tồn và phát triển. Sự lưỡng hợp này, thể hiện một cách sâu đậm như là một truền thống trong sinh hoạt tinh thần cũng như sinh hoạt xã hội của cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta. Sự tin thờ nhiều biểu tượng của thần Shiva sau nữa là biểu tượng con bò đực (Nandin), hiện thân của sức mạnh sinh tồn.

Tuy nhiên, ngày nay cộng đồng người Chăm ở nước ta việc tín ngưỡng ba vị thần ấy không còn sâu đậm như dưới thời các vương triều Chămpa xưa, mà họ coi trọng và tin thờ ba vị thần chính của người Chăm, là Thánh Mẫu Po InưNagar – là vị nữ thần tạo ra nước Chămpa xưa, tạo ra cây lúa và hai Quốc vương đã hóa thần là Po Klongarai (còn gọi là vua Lác) và thần Pô Rô Mê, bởi các vị thần này vừa trực tiếp vừa rất gần với tình cảm, tâm lí tổ chức – xã hội của cộng đồng người Chăm.

Ngoài sự tin thờ các Pô Yang như đã nói trên đây, trong cuộc sống của mình đồng bào Chăm luôn luôn gắn bó với các thần linh và linh hồn của những người trong họ tộc đã chết. Bởi thế việc tín ngưỡng thần linh và thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Chăm được xem là một tập tục, truyền thống đạo đức chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng.

Từ ngàn xưa, cộng đồng cư dân Chăm vốn đã gắn bó với tín ngưỡng đa thần, nên họ quan niệm rằng trong cuộc sống hàng ngày của các Pô Yang không chỉ có mối quan hệ với con người, mà còn tác động, chi phối toàn bộ sinh hoạt của con người. Vì vậy, trong cuộc sống họ luôn luôn có niềm tin – con người muốn được các Po Yang phù hộ và che chở thì phải biết tin thờ các thần linh, nếu không tin thờ mà ngược lại làm “trái ý” các thần linh, thì con người ắt sẽ bị các thần linh trừng phạt. Từ nhận thức và quan niệm đó, nên trong cuộc sống thường ngày người Chăm thường khấn lễ, cầu xin sự cứu độ và che chở các thần linh, nhất là những lúc con người gặp hoạn nạn hoặc tai ương trong cuộc sống. Điều đó cho thấy tín ngưỡng thần linh nó phản ảnh sự hòa đồng giữa con người – thiên nhiên – thần linh và nó ràng buộc con người luôn luôn quan hệ với thần linh. Từ mối quan hệ “giao cảm” này, cũng có thể hiểu rằng tín ngưỡng thần linh cũng thuộc phạm trù tôn giáo, vì cả hai đều phản ảnh niềm tin vào thế giới siêu nhiên.

Hệ thống lễ hội và tín ngưỡng của cư dân Chăm,

Vốn là một dân tộc có truyền thống tín ngưỡng đa thần (tín ngưỡng vật linh) vì vậy, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm là một hệ thống tín ngưỡng bao gồm những tập tục, lễ hội truyền thống dân gian, pha trộn yếu tố dân tộc đặc trưng được thể hiện tập trung ở bốn nhóm vấn đề, sau đây:

Nhóm thứ nhất, những lễ hội quan niệm về nguồn gốc tổ tiên,

Lễ Bơn katê, là một lễ hội truyền thống được tổ chức long trọng để bày tỏ sự tôn kính của cư dân với Trời (Cha), đã có công sinh ra vạn vật, thuộc về khí dương. Lễ hội này được cử hành vào ngày 1/7 (Chàm lịch), tức khỏang tháng 10 dương lịch;

Lễ Bơn Cabur, lễ này có ý nghĩa bày tỏ sự tôn kính với Đất (Mẹ) – người đã nuôi nấng làm cho vạn vật sinh tồn và phát triển, thuộc về khí âm. Lễ Bơn Cabur được cử hành vào ngày 16/9 (Chàm lịch) tức khỏang tháng 12 hoặc tháng 1 dương lịch;

Lễ Parla Rija Sah, lễ này cử hành nhằm ngày 10/2 (Chàm lịch) và kéo dài trong một thời gian khoảng 5 ngày liên tục, với ý nghĩa bày tỏ sự tôn kính đối với vi Thánh Mẫu Po InưNagar đã có công tạo dựng nước Chămpa xưa, được tôn vinh là mẹ của xứ sở, sinh ra cây lúa và hướng dẫn cư dân trồng lúa, làm thủy lợi và dệt vải…

Ngoài các lễ hội trên, cộng đồng cư dân Chăm còn có phong tục thờ thần linh (Pô Yang) hay các anh hùng của dân tộc được tôn lên hàng Thần Thánh. Tương truyền, thần Pô Rô Mê – một vị vua Chăm đã chết hồi năm 1661, cách đây vừa tròn 350 năm, nhưng cư dân Chăm quanh vùng vẫn sùng bái kính trọng và tôn thờ như là một tín ngưỡng. Tháp thờ vua Pô Rô Mê được cộng đồng cư dân trong vùng xây dựng tại làng Hậu Sanh, thuộc huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận và được tôn vinh là một nơi rất linh thiêng.

Cùng với các lễ hội và tục thờ thần linh, trong cộng đồng cư dân Chăm còn có tục thờ chiếc Atâu. Chiếc Atâu là một cái giỏ được đan bằng tre hoặc bằng mây rừng dùng để đựng các trang phục hoặc lễ vật quí của ông bà, tổ tiên thuộc dòng họ mẹ lưu lại – nó biểu trưng cho linh hồn của ông bà tổ tiên trong một họ tộc, là một cổ tục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc này.

Theo lệ tục từ ngàn xưa truyền lại, trong đời sống xã hội của cộng đồng dân tộc Chăm, quan niệm con người chết trong khoảng thời gian chưa quá một năm thì linh hồn của người đó chưa siêu thoát (oan hồn) – có nghĩa là hồn của người đã chết chưa “về hẳn” nơi quê hương cũ (Sang dhar) mà oan hồn vẫn còn đâu đó, quanh quẩn trong xóm làng, bên cạnh người thân và trong họ tộc. Vì vậy, nếu không cúng giỗ thì oan hồn sẽ nhập về và quậy phá làm mất đi sự sống bình yên của người thân, xóm làng. Chính điều đó, mà những người trong cùng một họ tộc có người mới chết luôn luôn gìn giữ sự trong lành và tôn kính, làm đầy đủ các lệ tục, không làm điều gì xâm phạm đến vong hồn người đã khuất. Từ quan niệm đó, mà trong đời sống xã hội của cộng đồng cư dân Chăm có phong tục cúng tuần cho người mới chết rất nhiều lần trong một năm. Lệ cúng tuần cho người mới chết, là 3 ngày, 5 ngày, 10 ngày, 30 ngày, 40 ngày, 50 ngày, 100 ngày và cúng tuần giáp năm, với ý nghĩa là cầu cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát về nơi ông bà, tổ tiên tại Sang dhar. Sau tục cúng tuần một năm và lễ giỗ ba năm, người Chăm không có tục lễ giỗ hàng năm đối với người chết nữa.

Nhóm thứ hai, những lễ hội truyền thống và tín ngưỡng dân gian được tạo nên bởi lệ tục của từng vùng, từng làng

Lễ Ngap Kubao, là một lễ hội về nông nghiệp được tổ chức bảy năm một lần, trong những trường hợp mùa màng bị thất bát, sản xuất đời sống của cư dân gặp khó khăn. Nhưng tục và lễ hội này chỉ diễn ra từ vùng Chăm phía Bắc Bình Thuận (làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) đến các làng Chăm của tỉnh Ninh Thuận. Lễ vật truyền thống dùng để tế thần là dân làng cúng hiến một con trâu trắng, để đổi lấy một vụ mùa sản xuất bội thu.

Theo thuật tà giao cảm (Magie Sympathique), những cư dân tin rằng máu con trâu phun lên trong lúc người Thầy Cả đâm trâu là biểu tượng về chỉ số của mưa thuận, gió hòa; nếu máu của con trâu phun ra càng mạnh, càng nhiều thì mùa màng của cư dân càng được bội thu, đời sống của cư dân trong vùng sẽ được ấm no và thịnh vượng.

Lễ Hamu Cãnrov, Lễ này còn gọi là lễ cúng hiến, được tổ chức trước thời vụ cày cấy, nhằm mục đích cầu xin thần linh ban cho dân làng và muôn dân một mùa bội thu. Theo tục truyền, nghi thức cúng là người chủ điền phải chọn một đám ruộng để làm lễ hạ điền, sau khi dâng lễ vật cầu xin, người chủ điền lội xuống ruộng cày, nhưng chỉ cày một luống tượng trưng bằng cách đi một lượt ba vòng quanh đám ruộng;

Lễ Char Prong, còn gọi là lễ cầu yên. Lễ này được tổ chức vào tháng giêng (Chàm lịch) tức vào khoảng tháng 4 dương lịch, với ý nghĩa nhằm tống khứ những điều xấu xa tội lỗi của năm cũ, mà cầu cho sự an lạc của cộng đồng và xóm làng. Theo tục, thì đây là một lễ hội lớn, nghi thức rườm rà, phức tạp nhưng rất trang nghiêm. Tục truyền, khi đi núi chặt cây để dựng rạp làm lễ, trong khi chặt nếu cây nào ngả về hướng dốc núi thì kiêng, không được dùng để dựng rạp, chỉ lấy những cây khi chặt ngả về hướng chân núi. Mặt khác, khi chuyển cây về tới làng, cây được làm phép và được đem để một nơi sạch sẽ và khô ráo, trước khi lấy cây để dựng rạp phải làm phép cúng tế tẩy rửa, khi dựng rạp cửa chính phải quay về hướng Tây. Lễ Char Prong có đặc điểm là cả Chăm Bà ni và Chăm Bà la môn cùng tổ chức, nhưng người chủ lễ phải là chức sắc Chăm Bà ni.

Lễ hội này từ những năm 90 của thế kỉ XX trở lại đây, đã được cải tiến, giản chỉnh bớt các nghi thức, không còn rườm rà như xưa nữa.

Lễ Sug Yơng, còn gọi là Kinh hội hoặc Kinh hội xoay vòng. Lễ này được cử hành vào khoảng tháng 5 Chàm lịch, tức vào khoảng tháng 8 dương lịch. Theo Hồi lịch, cứ 8 năm tháng Ramadan được lùi lại 3 lần, do vậy Lễ Sug Yơng bao giờ cũng phải được diễn ra ở Thánh đường cuối cùng trước tháng Ramadan 30 ngày. Có lễ Sug Yơng thì mới có lẽ hội Ramưwan trong tháng Ramadan. Nó có ý nghĩa quan trọng không chỉ với hàng tu sĩ và những người Chăm Bàni mà là sự hội ngộ giữa những người trong làng, trong cộng đồng cư dân Chăm nói chung và nó còn được sự quan tâm của các dân tộc anh em. Theo truyền thống, ngày thứ 6 là ngày Thánh lễ khai hội lễ Sug Yơng, tuy nhiên lễ này ở mỗi vùng tổ chức lại có sự khác biệt nhau. Ở các cộng đồng Hồi giáo Bà ni thuộc tỉnh Bình Thuận, mỗi năm tổ chức một lần và mỗi tuần tổ chức ở một Thánh đường theo kiểu cuốn chiếu, cho đến Thánh đường cuối cùng. Còn đối với cộng đồng Chăm Bàni ở tỉnh Ninh Thuận thì lệ 3 năm cử hành lễ một lần, vào ngày thứ 6 trong tuần và cũng tổ chức theo kiểu cuốn chiếu cho đến Thánh đường cuối cùng. Vì vậy, lễ Sug Yơng ở các cộng đồng cư dân Chăm tỉnh Ninh Thuận được tổ chức trong vòng một tháng rưỡi. Khác với lễ hội Ramưwan, lễ Sug Yơng đến lượt Thánh đường nào thì vị Sư Cả trụ trì Thánh đường đó làm chủ lễ.

Lễ hội Sug Yơng, ngoài mục đích cầu cho “quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, còn là dịp cử hành nghi lễ tấu chức (thọ phong) cho 2 vị tu sĩ: Một từ phẩm Achar lên Kh.tib, một từ phẩm Kh.tib lên Mưm tân. Ngay sau khi được tấu chức, hai vị tu sĩ này thực hành ngay việc dẫn lễ cho đến thời điểm kết thúc lễ hội Ramưwan.

Cũng theo cổ tục, mở đầu lễ nguyện vị Mưm tân đánh 3 hồi trống với ý nghĩa báo cho Thượng đế và Thiên sứ của người biết là cuộc dâng lễ đã bắt đầu; vị Tib tân trong trang phục chỉnh tề tiến ra cửa chính và ra dấu mở cửa để chào đón Thượng đế vào chứng lễ. Sau đó cả hai vị Mưm tân và Tib tân cùng bước lên giữa Thánh đường đọc kinh cầu nguyện Thượng đế, rồi đi thẳng đến cái giá đỡ (IMmpar) rồi vị Tib tân trình mời vị Mưm 40 đón cây gậy Thánh và đọc kinh cầu nguyện (loại kinh Qur’an viết tay bằng chữ Ả Rập trên một loại giấy trắng được cuốn lại thành một cuộn rất dài)… Khi Thánh lễ vừa kết thúc, từng tốp người là các bà, các chị và cả các em gái trong lễ phục của áo dài truyền thống, đầu đội từng mâm lễ vật cúng hiến cho Thượng đế và ông bà tổ tiên. Các mâm lễ vật được phủ kín bởi những tấm vải mới và đẹp, mỗi mâm được phủ một màu khác nhau. Đây là một tiệc lễ có ý nghĩa cúng hiến, nếu cuộc lễ cúng hiến lớn cũng có nghĩa là lễ Sug lễ Sug Yơng mang lại cho dân làng nhiều điều tốt lành.

Sau khi lễ Sug Yơng tại Thánh đường kết thúc, trong từng gia đình tín đồ cũng làm lễ hiến dâng Thượng đế và ông bà, tổ tiên. Một mặt, mừng lễ Sug Yơng đã kết thúc, mặt nữa thể hiện sự đền ơn, đáp nghĩa và phát huy truyền thống gắn kết trong dòng tộc và tính liên kết cộng đồng giữa mỗi họ tộc với xóm làng.

Lễ hội Ramưwan, là một lễ hội chính thống của người Chăm, là một lệ tục truyền thống có ý nghĩa và chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng cư dân Chăm Bàni. Lễ hội Ramưwan là biểu tượng của linh hồn và niềm tin nơi Thượng đế, nó luôn gắn chặt với đời sống của mỗi một con người từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi chết.

Những cư dân Chăm Bàni, thực hành lễ hội Ramưwan ngoài ý nghĩa thần phục Thượng đế và tôn vinh vinh danh Allah còn thừa kế, bảo tồn bản sắc văn hóa của nền tín ngưỡng cổ của dân tộc này. Lễ hội Ramưwan là chiếc thang “giao cảm” với Thượng đế và ông bà, tổ tiên trong đời sống tâm linh của con người. Đồng thời. là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân Chăm, góp phần nâng cao giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Bởi thế, lễ hội Ramưwan được trải qua nhiều hình thức, lễ nghi khác nhau. Nó được nối tiếp thành một chuỗi hệ thống các luật tục và lễ hội như là một di sản văn hóa riêng có, bao gồm:

Lễ Sug Amưrăm (Kinh hội đầu năm), lễ Sug Yơng (Kinh hội xoay vòng), lễ tảo mộ, tháng Ramadan và lễ Và ha, trong đó lễ Sug Amưrăm là lễ mở đầu cho qui trình của lễ hội Ramưwan.

Cùng với những tập tục và lễ nghi nói trên đây, trong cuộc sống của cộng đồng cư dân Chăm còn một số tập tục cầu các thần linh có mối quan hệ với thiên nhiên, như: cầu Thần lúa (Po Yang Sri) để cho lúa được đơm bông, trĩu hạt; lễ chặn nước đầu nguồn (Kap Hlau Kron) để lấy nước dùng cho sản xuất và đời sống hoặc lễ cầu thần chuộc (Po Yang Ti Kuh), cầu thần nước (Po Yang la), cầu đảo (Yor Yang) và thần ánh sáng (Chah Ya)…

Cùng với tục cầu thần linh, trong các làng Chăm nói chung hiện vẫn giữ cổ tục kiêng kị trồng những cây to có tán lớn trong làng, bởi theo quan niệm của dân tộc này, những cây có bóng mát lớn sẽ là nơi các thần linh, ma quỉ ẩn náu, vì con người luôn có mối quan hệ với thần linh ma quỉ, mà uy lực của thần linh ma quỉ luôn cận kề với cuộc sống đời thường của con người hoặc là để cứu vớt, che chở những điều tai ương bất hạnh hoặc là để quấy nhiễu, ám hại cuộc sống yên bình của con người, bởi họ không muốn những điều tai ương hủy hoại cuộc sống thường ngày của cộng đồng, xóm làng v.v…

Nhóm thứ ba, những lễ hội mang tính ma thuật

Có thể nói, ma thuật là một thứ niềm tin phổ biến đối với cộng đồng cư dân Chăm nói chung, họ cho rằng những phép thuật với những lời “phù chú” thông qua các hình thức lễ nghi nó đã tác động vào đời sống của cộng đồng và của mỗi con người, làm cho con người hóa phép, có sức mạnh và trở nên gan dạ hơn. Ma thuật có nhiều dạng và nó có khả năng tác động vào đời sống tâm linh của con người, làm cho con người không chủ động được chính mình nữa, thậm chí đến mức khiến cho con người phải khùng điên… các lễ nghi ma thuật đều do Bà Bóng PoJau trong làng điều khiển. Cũng như những thầy Bà Shai (Bà Xế), Bà Bóng PoJau thuộc một thế giới riêng, người muốn trở thành Bà Bóng PoJau phải là một nữ đồng trinh và phải do một Bà Bóng PoJau lớn tuổi hơn truyền nghề. Ngày xưa, thường thì có 4 đến 5 làng Chăm thì có một Bà Bóng PoJau coi giữ việc nhảy múa, dâng lễ vật mời các thần linh “nhập đồng” và tiên tri mọi việc. Họ tin rằng, hàng năm Bà Bóng PoJau đều có dịp “giao cảm” với thần linh thông qua giấc ngủ say của con người. Bà Bóng PoJau, có nghĩa là Công Chúa, là hình ảnh của những “Công Nương Tôn Thất” có nhiệm vụ coi giữ việc cúng lễ của Triều đình Nhà nước Chăm pa xưa (Người Chăm Hồi giáo Tây Nam phần của Nguyễn văn Luận, xuất bản năm1974, trang 50).

Ngoài Bà Bóng PoJau, còn có người phụ tá giúp việc dâng lễ ở các tháp Chàm, gọi là những Kain Yan; ở các gia đình có các nữ tu Rija. Rija và Crak… những người phụ tá này có thể là những phụ nữ đã có chồng, nhưng do căn đồng nên được thần linh chọn và bắt buộc phải ra đồng dâng lễ, nếu không làm điều đó con người sẽ bị tai họa.

Nhóm thứ tư, hình thức xã hội cổ truyền của cư dân Chăm

Như chúng ta biết, hình thức xã hội cổ truyền của đồng bào Chăm là một chế độ mẫu hệ, cho tới nay hình thức này vẫn duy trì trong các cộng đồng người Chăm. Với chế độ mẫu hệ nó đã tạo ra một phong tục, một truyền thống ăn sâu vào tín ngưỡng và nếp sống trong cộng đồng theo truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo cổ Bà la môn. Tiêu biểu cho phong tục ấy, là việc chọn những mảnh xương sọ của người chết (lấy 7 mảnh đối với nam và lấy 9 mảnh đối với nữ) sau khi đã thực hiện nghi thức hỏa táng để đưa vào kut (mộ chí). Cộng đồng cư dân Chăm còn có phong tục người con gái có quyền đi hỏi chồng và gia đình bên vợ có uy quyền thật sự với chàng rể. Theo tục, người chồng không có quyền năng định đoạt tài sản trong gia đình, thậm chí khi vợ chồng li hôn người chồng cũng không được chia tài sản, mặc dù người chồng là lao động chính trong gia đình; nếu không may người vợ chết sớm hoặc gặp khó khăn cần giải quyết, thì các con cái sẽ tìm đến các anh chị em bên dòng họ mẹ để hỏi ý kiến, chứ không hỏi ý kiến của người cha. Cũng theo chế độ Mẫu hệ, khi chết di hài của người chết sẽ chôn vào nghĩa trang của dòng họ mẹ – nghĩa là, hai vợ chồng khi sống thì sống chung, nhưng khi chết thì không bao giờ chôn cất chung cùng một nghĩa trang.

Tín ngưỡng , tôn giáo của cộng đồng đồng bào Chăm

Khi nói về tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc này, nhiều người trong chúng ta xác nhận rằng: tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm có một sắc thái riêng, rất đa dạng và phong phú, ngoài sự kết hợp hài hòa giữa Ấn Độ giáo với tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống mang tính bản địa của dân tộc Chăm, theo đó tính vượt trội của yếu tố dân tộc bao giờ cũng lớn hơn và mang tính bền vững hơn trong đời sống – xã hội của cộng đồng.

Như đã nói, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm có một sắc thái riêng, theo đó tính vượt trội của yếu tố dân tộc bao giờ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, một vấn đề khác nữa là nét đặc thù của dân tộc này còn có một đặc điểm mang tính nguồn gốc, được phỏng theo yếu tố tôn giáo mà xã hội loài người đã chia cộng đồng dân tộc Chăm thành bốn nhóm tín ngưỡng – tôn giáo khác nhau.

Nhóm thứ nhất, là tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn, còn gọi là Bà Chăm. Nhóm này, cư trú ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thuộc vùng Cực Nam, Trung bộ, với khoảng 46.000 người;

Nhóm thứ hai, là Chăm Bàni, còn gọi là đạo Bàni hoặc Hồi giáo Bàni. Nhóm này, hiện cư trú tại ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Phước, với khoảng 39.500 người;

Nhóm thứ ba, là người Chăm theo tín ngưỡng Islam, gọi là Chăm Islam hoặc Hồi giáo Islam (đạo Islam). Nhóm này, hiện cư trú ở khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, bao gồm các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang và tập trung chủ yếu ở tỉnh An Giang, với khoảng 25.700 người – trong đó An Giang là 12.700 người;

Nhóm thứ tư, là cộng đồng người Chăm không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào, còn gọi là Chăm Roi. Cư ngụ ở các tỉnh: Phú Yên, Bình Định và Đắc Lắc, với khoảng 18.400 người.

Như đã nói ở phần I trên đây, cộng đồng đồng bào Chăm ở Việt Nam ngoài tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn, còn chịu ảnh hưởng một số tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới.

Khi nói về tín ngưỡng – tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm, các nhà quản lí chỉ “nhìn nhận” Chăm Bàni và Chăm Islam. Điều đó hoàn toàn đúng và không có vấn đề gì bàn cãi nữa. Tuy nhiên, đối với tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn có một số người mà trước hết là các nhà quản lí cho rằng đó không phải là một hình thức tôn giáo, vì rằng nếu là một tín ngưỡng – tôn giáo thì nó phải hội đủ bốn điều kiện, yếu tố, sau:

  • Phải có Giáo chủ – người đứng đầu,
  • Phải có hệ thống tín lí và luật lệ,
  • Phải có cơ sở thờ cúng,
  • Và, phải có người hướng dẫn việc đạo (chức sắc, giáo sĩ) và tín đồ.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo, chúng ta không thể không công nhận một thực tế khách quan rằng: Lịch sử hình thành và phát triển tôn giáo nói chung và một tôn giáo cụ thể nào đó bao giờ cũng gắn với quá trình vận động, biến đổi và phát triển của lịch sử xã hội (tức xã hội nào, tôn giáo đó). Theo đó, nó chỉ ra tín ngưỡng – tôn giáo cũng hình thành qua các thời kì, từ hình thái tôn giáo sơ khai (tôn giáo chưa hoàn chỉnh), nó mới phát triển thành một tôn giáo hoàn chỉnh (tôn giáo có tổ chức).

Vì vậy, trong nghiên cứu về tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn của cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta, thì nền tín ngưỡng đó có nguồn gốc và đã từng chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Bà la môn giáo Ấn Độ xưa, với những yếu tố sau đây:

+ Như đã nghiên cứu, nước Chămpa xưa chịu ảnh hưởng sâu đậm của ba nền văn minh lớn Án Độ, Trung Hoa và Ả Rập. Đồng thời, chịu tác động nhiều mặt của ba nền tín ngưỡng – tôn giáo, là: Bà la môn giáo (Ấn Độ), Phật giáo và Hồi giáo;

+ Đồng bào Chăm ở nước ta cũng có truyền thống cùng thờ chung hoặc riêng 3 vị thần linh[5] có nguồn gốc Bà la môn giáo Ấn Độ. Với hệ thống tín ngưỡng của con người cổ xưa: Tín ngưỡng vật linh và tín ngưỡng đa thần; đạo Bà la môn nó mang tính đẳng cấp, phù hợp với chế độ phong kiến của vua chúa Chăm pa xưa;

+ Cư dân Chămpa xưa, là cư dân của một nước nông nghiệp nên có quan niệm mọi vật đều có “linh hồn”. Do đó, mới sản sinh ra nhiều phong tục, lễ hội, như lễ Cầu Đảo, lễ Chặn nước đầu nguồn, lễ Cầu yên… Và trong gia đình có truyền thống thờ chiếc Atâu – biểu tượng cho linh hồn tổ tiên dòng họ mẹ.

Ngoài ba vấn đề có tính nguồn gốc trên, tín ngưỡng cổ Bà la môn của cộng đồng cư dân Chăm có yếu tố quan trọng được mô phỏng từ giáo lí của Ấn Độ giáo, là: thần tượng con bò đực (Nandin) và đề cao luật nhân quả, thuyết luân hồi.

Khi nghiên cứu tín ngưỡng – tôn giáo của cư dân Chăm, vấn đề trước hết là cần xác định thuật ngữ về tín ngưỡng – tôn giáo Chăm thì mới có thể nhận ra bản chất của nó. Như đã nói, nước Chămpa thời cổ đại đã chịu ảnh hưởng của ba nền văn minh lớn của thế giới và chịu tác động của ba nền tôn giáo lớn (Bà la môn giáo – Ấn Độ, Phật giáo và Hồi giáo). Tuy nhiên, cho mãi tới khi nước Chiêm Thành suy vong thì mới nổi lên sự tranh giành ảnh hưởng của hai luồng tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Từ sự tranh giành ảnh hưởng này, nó đã dẫn tới sự phân hóa trong cộng đồng cư dân Chăm. Vì vậy, để giải quyết sự phân hóa đó con người đã dùng quan niệm “lưỡng hợp”bằng phương pháp lập hai nhóm cộng đồng, là: Cộng đồng Jat – Ahier và cộng đồng Awal (Ahier là biểu tượng dương tính, Awal là biểu tượng về âm tính). Ahier và Awal luôn luôn có mối quan hệ và tác động lẫn nhau, là biểu hiện sự thống nhất của hai mặt đối lập. Vì vậy, trong nghiên cứu tín ngưỡng – tôn giáo của cư dân Chăm phải làm rõ hai việc khác nhau. Một mặt, phải xác định tín ngưỡng – tôn giáo của người Chăm; Mặt mữa, khi nói về cộng đồng Chăm Bà la môn hoặc Chăm Bàni thì phải chỉ ra và làm rõ bản chất của hai cộng đồng này, đó là: thứ nhất, Nhóm cộng đồng Chăm nguyên gốc (Chăm Jat – Ahier); thứ hai, nhóm cộng đồng Chăm đã biến đổi từ nhóm cộng đồng gốc (Chăm Bà ni – Awal). Điều đó có nghĩa là, dù Bà Chăm hay Chăm Bàni đều xuất phát từ một nguồn gốc. Vì vậy, dù ngày nay có sự khác nhau, nhưng sự khác biệt đó chỉ là sự khác biệt trong vai trò phụng sự Yang hoặc Awluah mà thôi.

Từ đó, chúng ta có thể nhìn nhận hình thức tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn là một tín ngưỡng – tôn giáo của cộng đồng Chăm nguyên gốc, tức Bà la môn hay còn gọi là Bà Chăm.

Ảnh hưởng của tín ngưỡng Islam trong cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta

Hồi giáo (Islam), là một tôn giáo ra đời ở bán đảo Ả Rập hồi đầu thế kỉ VII (SCN). Sự ra đời của tôn giáo này trên cơ sở thống nhất giữa các tôn giáo trên bán đảo Ả Rập, đồng thời nó cũng gắn liền với lịch sử thống nhất Nhà nước Ả Rập, nó chính thức du nhập vào cư dân Chăm ở nước ta hồi thế kỉ XV.

Theo nhiều sử liệu cho biết, lịch sử khảo cổ học đã chứng minh đồng bào Chăm thời cổ xưa (thế kỉ VII đến thế kỉ IX) đã từng theo Phật giáo[6]. Mãi về sau này, khi Ấn Độ giáo xâm nhập vào vương quốc Chămpa xưa dẫn đến sự tranh giành ảnh hưởng với Phật giáo, nhưng do có lợi thế nên Phật giáo trở thành quốc giáo.

­­­­­­

Cũng theo một số nhà nghiên cứu, vào khoảng thế kỉ X và XI, thì cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta lại chịu ảnh hưởng một nền tín ngưỡng nữa, đó là tín ngưỡng Islam (Hồi giáo) do một số giáo sĩ Islam đã có mặt ở vương quốc Chămpa vào những năm 1044 đến 1074. Nhưng, cho đến thế kỉ XV thì tín ngưỡng Islam mới có ảnh hưởng đáng kể và có chỗ đứng trên đất này và rồi lại xảy ra sự tranh giành ảnh hưởng với Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực tín ngưỡng này lại cùng được tồn tại trong cộng đồng cư dân Chăm cho mãi đến ngày nay. Đó là nguyên nhân hình thành hai nhóm cộng đồng Chăm Bà la môn và Chăm Bà ni trong cộng đồng người Chăm ở Việt Nam về sau này.

* Cộng đồng Chăm Jat – Ahier, chỉ nhóm theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo (Bà la môn), tức cộng đồng Chăm nguyên gốc; *Cộng đồng Chăm Bàni – Awal, chỉ nhóm theo tín ngưỡng Islam (Hồi giáo), tức cộng đồng đã có sự biến đổi từ nhóm cộng đồng gốc.

Xét về nguồn gốc tín ngưỡng của hai nhóm cộng đồng này, người ta đi đến một nhận xét rằng: Cộng đồng cư dân Chăm ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu là cộng đồng cư dân Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, có một bộ phận theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo (Bà la môn giáo), nhưng không thuần nhất, đó là bộ phận cư dân Chăm theo tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn; một bộ phận khác theo tín ngưỡng Islam, cũng không thuần nhất do quá trình du nhập bị tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môm bản địa hóa, bộ phận này là cộng đồng Chăm Bàni. Do hoàn cảnh lịch sử và tổ chức – xã hội của cộng đồng cư dân Chăm nên tín ngưỡng – tôn giáo của cư dân Chăm nước ta còn có đặc điểm nó quyện chặt, đan xen giữa tôn giáo này với tôn giáo khác; giữa tín ngưỡng – tôn giáo với tín ngưỡng dân gian truyền thống mang yếu tố dân tộc đặc trưng, tạo thành một hình thái tín ngưỡng tinh thần tồn tại trong cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta cho tới ngày nay.

Trở lại vấn đề ảnh hưởng của tín ngưỡng Islam trong cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta. Nhìn lùi lại lịch sử, Ed Huber cho biết ông đã tìm thấy trong Tống sử có đoạn văn như sau: “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi, nhưng người ta không dùng để cày bừa mà chỉ để tế thần. Lúc giết trâu họ đọc lời cầu nguyện: (Ôlo hu Akbar) Allah hòa cặp bạt, đó chính là câu kinh đề cao Thượng đế Allah của người Isam. (Theo G.Maspe’ro, OP.Cit – ghi chú số 3, trang 13).

Ở một sử liệu khác, Aymo nier cũng cho biết, ông đã tìm thấy trong một truyện lịch sử của Chămpa, có đoạn viết: “vào năm con chuột, một người có bản chất Ovlah đã hành động cho sự tận thiện, tận mĩ của vương quốc Chiêm Thành, nhưng dân chúng lại bất bình nên người ấy đã hiến cả thể xác lẫn linh hồn cho Thượng đế và sang cư trú 37 năm ở Mếc Ca (Thánh địa La Mec que), sau đó ông trở về vương quốc Chiêm Thành.[7] Theo ông Nguyễn Văn Luận, thì vua Ovlah trị vì từ năm 1000 đến 1036. Sự kiện này trùng hợp với việc tìm thấy hai tấm bia kí ở miền Nam Chiêm Thành, một ghi niên hiệu 1039 và tấm kia được xác định vào khoảng từ năm 1025 đến 1035. Như vậy, phải chăng đó là những dấu tích đánh dấu sự xuất hiện người có tín ngưỡng Islam đến cư ngụ ở Phan Rang hoặc Phan Rí từ thế kỉ X, như đã trình bày trên đây.

Theo sử liệu của nhiều tác giả, cũng cho rằng: trong thời kì trị vì của vua Po Rô Mê (thế kỉ XVII), đã có Hồi giáo “cải biến” phát triển – ở đây muốn chỉ ra đó là Chăm Bàni, tức Hồi giáo Bàni.

Tuy nhiên, đứng về góc độ lịch sử, thì sự truyền bá của Islam vào nước ta với việc người Chăm ở Việt Nam theo Hồi giáo là hai vấn đề khác nhau. Phải nhìn nhận rằng, thời điểm du nhập của Hồi giáo vào đất Chiêm Thành là kể từ sau biến cố năm 1470, khi nước Chiêm Thành suy vong. Lúc bấy giờ cư dân Chiêm Thành lưu tán sang một số nước trong khu vực, trong đó có nước Campuchia ngày nay, Quá trình lưu cư ở đây họ tiếp xúc với người Mã Lai, vì người Mã Lai có cùng hệ ngữ về mặt nhân chủng học (Người Chăm cùng thuộc hệ ngữ Nam Á), nên ngôn ngữ giữa hai dân tộc rất gần nhau – họ nói và nghe được tới 60%. Vì thế, nên quá trình Hồi giáo hóa ở đây diễn ra khá nhanh. Một bộ phận cư dân Chăm ở đây, trở thành cư dân của nước này và cải biến đạo Bà la môn theo Hồi giáo. Đó là tiền đề, là điều kiện làm cho cư dân Chăm ở nước ta theo Hồi giáo cải biến.

Hồi giáo Islam hòa nhập vào cộng đồng cư dân Chăm ở nước ta theo hai đường. Thứ nhất, những cư dân Chăm lưu tán sang Campuchia, khi nước Chiêm Thành suy vong, họ bỏ tín ngưỡng – tôn giáo bản địa cổ Bà la môn và theo Hồi giáo, rồi trở về đất nước đã cổ súy cộng đồng Bà la môn nguyên gốc theo Hồi giáo. Nhưng do đặc điểm tổ chức – xã hội của dân tộc này, vẫn giữ truyền thống của chế độ mẫu hệ với tôn giáo bản địa cổ Bà la môn, nên một bộ phận theo Hồi giáo “cải biến”, được gọi là Chăm Bàni. Thứ hai, thời Nhà Nguyễn, quân Nguyễn do Trương Minh Giảng – quan bảo hộ nước Chân Lạp, bị quân Ang Dương đánh bại phải lui về vùng Châu đốc (tỉnh An Giang ngày nay). Cùng thời điểm này, lại nổi lên cuộc dấy binh của người Mã Lai ở Campuchia, do Tuôn Set It lãnh đạo (1854 – 1858) cũng thất bại, nên Tuôn Set It cũng kéo quân lánh nạn ở Châu Đốc và số đông binh sĩ của hai lực lượng này là những tín đồ Hồi giáo Islam cũng đi theo… Tình hình đó vừa là đặc điểm, vừa là tiền đề hình thành vùng thứ hai theo Hồi giáo ở Châu Đốc, Từ đây, những tín đồ Hồi giáo phát triển ra các tỉnh Tây Ninh, Sài gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) và một số tỉnh trong vùng.

Tuy nhiên, người Chăm ở vùng này khác với cộng đồng cư dân Chăm ở các tỉnh của miền cực Nam Trung Bộ ở chỗ chỉ theo một tín ngưỡng, là niềm tin vào Thượng đế Alah, đó là Hồi giáo Islam.

——————————————

Chú thích:

[1] Theo P.Pelliot – Le Founan – BEFEO III, trang 225. [2] Vaên hoùa Chaêm cuûa Ngoâ Vaên Danh, xb naêm 1994, trang 7. [3] Văn hóa Chăm của Ngô văn Danh, xb năm 1994, trang 11 [4] Cây phù linh còn gọi là cái Nỏ Nường hoặc là cái sinh lực khí, biểu tượng bộ phận sinh dục của người đàn ông. [5] Xem điểm 1 phần I, về tin thờ các thần linh, trên đây. [6]. Tạp chí dân tộc học, XB năm 1974, trang 54. [7] Người Chàm Hồi giáo Tây Nam phần, của Nguyễn văn Luận, XB nawm1974, trang 54.

Theo TRẦN TIẾN THÀNH / BTGCP.GOV.VN

Tags: 54 dân tộc anh em, Người Chăm, Tín ngưỡng, Tôn giáo
Redsvn

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thần Vua