Tính Chính đáng Cầm Quyền Của Đảng Trong Giai đoạn Hiện Nay

Tính chính đáng của đảng cầm quyền

Theo cách tiếp cận của chính trị học mác - xít, để tồn tại, con người phải có tổ chức quyền lực, nhưng khi đã có tổ chức quyền lực (đặc biệt là quyền lực nhà nước) thì con người lại không ngừng đấu tranh chống lại sự cưỡng bức của quyền lực và đòi lại quyền lực nguyên thủy của mình. Về căn bản, nếu quyền lực không được sử dụng đúng mục đích sẽ gây ra khuynh hướng chống đối và do vậy, vấn đề đặt ra đối với chủ thể cầm quyền (chi phối quyền lực nhà nước) ở đây là làm sao quyền lực thực sự phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Nói cách khác, khủng hoảng chính trị xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mất tin tưởng vào khả năng cầm quyền, sự không chấp nhận tính đại diện của nhà nước hoặc tổng quát hơn là khủng hoảng về tính chính đáng chính trị. Vì vậy, chủ thể của quyền lực luôn phải tìm cách để làm thế nào cho đa số nhân dân chấp nhận mình, bằng lý lẽ và lương tri - tức là thiết lập được tính chính đáng.

Có thể nói, tính chính đáng chính trị là sự chấp nhận và ủng hộ của người dân đối với một chủ thể cầm quyền. Trong một xã hội dân chủ, tính chính đáng được coi là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của thực thi quyền lực chính trị và cụ thể hơn là hiệu lực, hiệu quả thực thi của một mệnh lệnh, chỉ thị phát ra từ các cơ quan quyền lực của chủ thể cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền thiếu tính chính đáng, các mệnh lệnh từ bộ máy quyền lực sẽ gặp phải sự chống đối, kháng cự từ những công dân; ngược lại, nếu chủ thể cầm quyền có được tính chính đáng cao, khi đó, nó sẽ đạt được hiệu lực, hiệu quả trong thực thi quyền lực và dĩ nhiên là giữ được sự ổn định chính trị - xã hội.

Như vậy, tính chính đáng chính trị tạo nên sức mạnh, hiệu lực và hiệu quả trong thực thi quyền lực của chủ thể cầm quyền. Cấu trúc của tính chính đáng cầm quyền của của một chủ thể gồm 4 yếu tố: Tính tiên phong của hệ giá trị; tính hợp lệ, hợp pháp trong giành, giữ và thực thi quyền lực; tính hiệu lực và hiệu quả trong cầm quyền; tính liêm chính, trong sạch của chủ thể cầm quyền.

Tính chính đáng cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được nhân dân tin tưởng, thừa nhận là đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền lực nhà nước là quyền lực công, là công cụ để quản lý, dẫn dắt và phục vụ xã hội, bảo đảm vai trò cầm quyền của Đảng. Vì vậy, không chỉ chính đáng trong giành chính quyền, Đảng muốn duy trì tính chính đáng trong việc cầm quyền, bởi nó chính là cơ sở, nền tảng để người dân tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng, đi theo Đảng, tự nguyện phục tùng sự lãnh đạo của Đảng để Đảng đạt được hiệu lực và hiệu quả trong cầm quyền. Vì là một đảng duy nhất cầm quyền, cho nên trong mỗi giai đoạn cầm quyền, tính chính đáng cao hay thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng đối với nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với tư cách là một chủ thể chính trị, một chủ thể cầm quyền duy nhất ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn củng cố và nâng cao được tính chính đáng trong cầm quyền thì phải quan tâm đến tính chính đáng từ khi mới nắm quyền, tức khâu phát sinh quyền lực và trong suốt giai đoạn duy trì quyền lãnh đạo của mình. Có 4 yếu tố chính tạo nên tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bảo đảm tính tiên phong trong hệ giá trị của mình.

Cần phải khẳng định rằng, hệ giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn và kiên định từ khi thành lập và phát triển đến nay là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Hệ giá trị này là tiền đề tư tưởng ảnh hưởng đến tính chính đáng về mặt lý luận của Đảng. Để có được tính chính đáng về mặt lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, bổ sung và phát triển tính tiên phong trong hệ giá trị của mình.

Khi đã có hệ tư tưởng nền tảng mang tính cách mạng, khoa học, tiên phong, tiến bộ (vì dân, bình đẳng, công bằng, tự do...), Đảng không ngừng truyền bá hệ tư tưởng vào nhân dân, trở thành hệ tư tưởng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội, định hướng và dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Nhờ vậy, Đảng đã tập hợp được đông đảo nhân dân tin theo Đảng để giành chính quyền, xác lập vai trò cầm quyền của Đảng - đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để Đảng Cộng sản Việt Nam có được tính chính đáng trong cầm quyền. Trong quá trình cầm quyền, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển hệ tư tưởng nền tảng để xây dựng Cương lĩnh, đường lối, chính sách phù hợp với từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, để người dân tiếp tục chấp nhận, tin tưởng vào sự lãnh đạo, cầm quyền nhằm củng cố và duy trì tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng.

Thứ hai, tính hợp lý, hợp pháp trong cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây chính là cơ sở của tính chính đáng trong quá trình giành, giữ và thực thi quyền lực của Đảng. Vì là đảng duy nhất cầm quyền, tính hợp pháp trong cầm quyền của Đảng không chỉ là các quy định trong Cương lĩnh, điều lệ, mà vị trí, vai trò, cầm quyền còn được khẳng định trong các bản Hiến pháp của Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”(1). Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”. Các bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều có điều quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(2). Đây là những khẳng định rất quan trọng bảo đảm cho tính hợp pháp trong cầm quyền của Đảng.

Tính hợp pháp trong cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là cách thức tạo dựng các cơ quan nhà nước với tư cách là công cụ quyền lực, công cụ bảo đảm quyền lực chính trị của Đảng được khách quan hóa trong quyền lực công - tức quyền lực nhà nước thông qua những thủ tục, thể lệ, quy trình, cốt lõi là nhà nước hóa các cơ cấu chính trị. Trong suốt quá trình cầm quyền của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ ngày một lớn mạnh, nhằm giới thiệu cho nhân dân những đảng viên ưu tú để nhân dân bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trải qua hơn 92 năm ra đời, hơn 77 năm cầm quyền, ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đảng viên được Đảng giới thiệu ra ứng cử luôn chiếm đa số trong các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan nhà nước đã không ngừng hoàn thiện thể chế bầu cử, ứng cử nhằm mở rộng dân chủ để các cuộc bầu cử ngày càng chặt chẽ, dân chủ, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân vào sự lựa chọn của mình. Đảng viên của Đảng được nhân dân lựa chọn sẽ là những nhân tố hạt nhân để duy trì, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự cầm quyền của Đảng và bảo đảm cho ý chí của Đảng được thể chế hóa một cách nhanh chóng, đầy đủ trong hệ thống chính sách để đến được với nhân dân.

Từ khóa » đảng Chính Trị Và đảng Cầm Quyền Khác Nhau Như Thế Nào