Về Quan điểm “Đảng Ta Là Một đảng Cầm Quyền” - Thành ủy TPHCM
Có thể bạn quan tâm
Đảng Cộng sản Việt Nam, qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau, có khi là Đảng Cộng sản Đông Dương (1930 – 1951), Đảng Lao động Việt Nam (1951 – 1976), đã lãnh đạo nhân dân ta liên tiếp thực hiện và giành thắng lợi nhiều cuộc cách mạng, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Đó là sứ mệnh lịch sử mà cũng là công lao của Đảng, không thể phủ định.
Chính vì vậy, Đảng ta xứng đáng và phải giữ cho được vai trò là đảng cầm quyền. Đó là sự khẳng định của Hồ Chí Minh, không phải chỉ cho bản thân mình, mà còn cho các thế hệ đồng bào và lớp lớp đồng chí đã không quản ngại hi sinh đi theo Đảng, một lòng một dạ trung thành với Đảng. Từ bỏ vai trò cầm quyền chính là phủ định công lao của đồng bào, đồng chí và chiến sĩ đã chiến đấu vì mục tiêu cao đẹp của Đảng, từ ngày thành lập cho đến nay. Giữ cho được là một đảng cầm quyền cũng không phải chỉ để cho Đảng mà còn cho nhân dân, cho dân tộc.
Để giữ cho được là đảng cầm quyền, Đảng ta đã pháp quy hóa mong muốn đó của Bác, bằng Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cả trong bản năm 1980, năm 1992 và năm 2013. Riêng Hiến pháp 2013 nêu chi tiết và chia thành các khoản, gồm 136 chữ, nhiều nội dung cụ thể hơn, được phát triển sâu rộng hơn, bao gồm khái quát cả tính chất, vai trò, trách nhiệm và phương thức hoạt động:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng được toàn dân chấp nhận (thông qua việc đại biểu của nhân dân (là Quốc hội) đã tán thành Hiến pháp). Thực tế cho thấy, đến nay, trừ một số kẻ chống phá Đảng ta và nhà nước ta đòi bãi bỏ Điều 4 của Hiến pháp, còn lại tất thảy đồng bào ta vẫn cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội, đồng nghĩa với việc hưởng ứng đi theo con đường của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, là tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đây không phải là hiện tượng cá biệt ở Việt Nam mà là mô hình chung có tính quy luật ở các nước xã hội chủ nghĩa. Suy cho cùng, đó là một thực tế khách quan. “Trong các nước xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản là tổ chức thực hiện sự thống trị của giai cấp vô sản, cho nên sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản đối với hệ thống chính trị là điều đương nhiên. Điều đó được thể hiện ở đường lối, chính sách của đảng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ được thể chế hóa trong toàn bộ hiến pháp và pháp luật. Bảo đảm sự lãnh đạo của đảng cộng sản là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Đảng là nhân tố bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử, mọi mưu toan hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”1.
Tại sao không là “Đảng ta là đảng cầm quyền” mà phải là “một đảng cầm quyền”? “Một” thể hiện tính duy nhất, hàm ý cả tính tuyệt đối. Đảng không được chia sẻ quyền lực với đảng khác trong vai trò cầm quyền của mình (nên hiểu là “không chia sẻ quyền lực” chứ không độc nhất tồn tại, vì thời của Bác còn có Đảng Dân chủ Việt Nam (1944 đến năm 1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (1946 – 1988), nhưng không giữ vai trò lãnh đạo. Tức là không liên minh, liên kết với bất kỳ đảng khác để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình. Đây không phải là sự độc chiếm quyền lực mà đó là kết quả tất yếu của lịch sử.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đầy đủ lời của Người: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Ở đây, Hồ Chí Minh đã hàm ý cảnh báo. Vì là “một đảng cầm quyền” nên có thể phát sinh những vấn đề do chỉ có một đảng nắm quyền, nhất là khi nắm quyền liên tục trong một thời gian dài. Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, chắc chắn Hồ Chí Minh hiểu rằng mọi sự vật, hiện tượng đều luôn vận động và biến đổi. Là đảng duy nhất cầm quyền, ở đỉnh cao quyền lực, rất có thể nội bộ đảng nảy sinh những trì trệ, thậm chí sai lầm, nếu đảng giáo điều, không phát huy và mở rộng dân chủ, không lắng nghe phản ánh từ nhân dân, không tiếp thu các ý kiến phản biện… Rất có thể, khi cầm quyền trong thời gian dài, đảng tự xây cho mình một “tháp ngà” và tự cách biệt mình với quần chúng nhân dân. Nghiêm trọng hơn, chính điều đó nảy sinh quan liêu, xa dân, tham nhũng, thậm chí độc đoán, dần đánh mất lòng tin của nhân dân. Điều này đã từng xảy ra với một số đảng, dẫn đến kết cục đảng không cầm quyền được nữa, gây những hệ lụy nguy hiểm cho quốc gia, cho dân tộc.
Về điều này, chuyên gia về tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS.TS Bùi Đình Phong đã viết: “Đảng cầm quyền phải chống thói “kiêu ngạo cộng sản” như cách nói của Lênin. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, duy nhất lãnh đạo cách mạng, bệnh kiêu ngạo dễ nảy sinh. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc tới bệnh kiêu ngạo. Đó là thói “tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Bệnh kiêu ngạo dễ dẫn đến mất dân chủ, xa dân, sai về đường lối, hư hỏng về đạo đức. Tự mãn, tự túc là bó mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”2.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, một triều đại lúc mới khai sáng thì luôn có vua sáng tôi hiền, có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước thì về sau lại trở nên trì trệ, khủng hoảng, suy tàn. Đây là một hiện tượng bình thường trong lịch sử, trong xã hội, được khái quát trong tư tưởng của người phương Đông, “trăng có khi tròn khi khuyết”. Nhận thức được vấn đề này Đảng luôn luôn tự đổi mới, tự hoàn thiện mình, tự khắc phục các hạn chế, khuyết điểm điểm để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, với yêu cầu lãnh đạo cụ thể.
Vì vậy, là thành viên của “một đảng cầm quyền”, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Những chữ “thực sự”, “thật sự”, “thật” là sự nhấn mạnh của Bác đối với các yêu cầu của Đảng, của mỗi đảng viên trong lời khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Tức là, một đảng cầm quyền thì đảng viên phải thực sự như thế, không thể khác được.
Lời cảnh báo này có ẩn ý sâu sắc nên đôi khi không được nhận ra một cách đầy đủ, mà nhiều khi chỉ hiểu rằng Đảng phải cố làm sao giữ được vai trò cầm quyền mà quên những lời nhắc nhở của Bác về những nguy cơ của một đảng cầm quyền cũng như những yêu cầu của đảng viên trong đảng cầm quyền đó. Xét về từ ngữ, lời căn dặn, phát triển từ hàm ý cảnh báo, nhiều hơn hẳn lời khẳng định (50 so với 7 chữ), cũng đủ nói lên tầm quan trọng của lời cảnh báo này.
Đó chính là mỗi đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Thực tế hiện nay cho thấy, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trở thành một phẩm chất gắn liền với sự tồn tại của Đảng. Hơn bao giờ hết, đạo đức cách mạng trở thành một đòi hỏi quan trọng và cần thiết cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo. Vì vậy, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để một mặt phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, mặt khác không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng và sự gương mẫu trong cán bộ, đảng viên, đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng nhưng vẫn còn phải tiếp tục thực hiện tích cực và quyết liệt hơn nữa. Nên lời cảnh báo trên vẫn còn nguyên giá trị!
---------------------------
[1] PGS.TS Tô Huy Rứa, Phải chăng chế độ một đảng cầm quyền là mất dân chủ?, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 4-11-2005.
[2] Nguồn: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=188&sitepageid=425#sthash.gy9J5kv9.dpbs
Từ khóa » đảng Chính Trị Và đảng Cầm Quyền Khác Nhau Như Thế Nào
-
Đảng Cầm Quyền Và đảng Lãnh đạo; Quan Hệ Giữa Phương Thức Lãnh ...
-
Đảng Lãnh đạo, đảng Cầm Quyền: Quan Niệm Và Quan Hệ
-
Sự Giống Và Khác Nhau Giữa Nội Dung, Phương Thức Lãnh đạo Và ...
-
Khái Niệm Đảng Lãnh đạo, Đảng Cầm Quyền Và Mục đích Lãnh đạo ...
-
Nội Dung, Phương Thức Cầm Quyền Của Đảng: Một Số Vấn đề Lý Luận ...
-
Đảng Cầm Quyền – Wikipedia Tiếng Việt
-
“Đảng Ta Là Một đảng Cầm Quyền” - Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân
-
Bàn Về Vị Trí Cầm Quyền Của Đảng - Tỉnh Ủy Hà Tĩnh
-
Nhận Thức Khái Niệm “Đảng Lãnh đạo”, “Đảng Cầm Quyền” Theo Tư ...
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Cầm Quyền Là đạo đức, Là Văn Minh
-
Mối Quan Hệ Giữa Hoạt động Lãnh đạo Và Cầm Quyền Của Đảng
-
Hệ Thống Chính Trị Và Phương Thức Lãnh đạo Của đảng đối Với Hệ ...
-
Vai Trò,nội Dung ,phương Thức Của đảng Cầm Quyền - Luật Minh Khuê
-
Tính Chính đáng Cầm Quyền Của Đảng Trong Giai đoạn Hiện Nay