Tính Dân Chủ Trong Nguyên Tắc Phổ Thông, Bình đẳng, Trực Tiếp Và Bỏ ...

 

          Ở nước ta, từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Nhân dân đã thật sự được quyền tuyển cử để xây dựng chính quyền của mình. Các văn bản pháp luật được Nhà nước ban hành, từ Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 đến Hiến pháp năm 2013 đều ghi nhận quyền này. Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân sử dụng được đầy đủ quyền của mình trong việc bầu cử và ứng cử. Phù hợp với quy định của Hiến pháp, tại Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: "Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín". Đây là nguyên tắc rất quan trọng thể hiện quyền công dân trong bầu cử, phương tiện đầu tiên để Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước của mình.

          Nguyên tắc phổ thông trong bầu cử cho thấy việc bầu cử được tiến hành với sự tham gia bỏ phiếu của tuyệt đại đa số công dân, chỉ trừ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự. Bầu cử vào cơ quan quyền lực nhà nước là một hoạt động chính trị hết sức quan trọng, nhà nước ta không những công nhận quyền phổ thông đầu phiếu của công dân về mặt pháp lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri thực hiện quyền của mình trên thực tế.

          Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong thời gian lập danh sách cử tri, công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình cư trú và không bị hạn chế về thời gian cư trú. Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Luật quy định chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra, giám sát tránh những sai sót, bảo đảm cho quyền bầu cử của cử tri được thực hiện đầy đủ. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Những quy định này đều nhằm để cho đông đảo cử tri có điều kiện tham gia bỏ phiếu.

          Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ bầu cử, đồng thời nó là một nguyên tắc có tính đặc thù, chỉ có việc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân mới theo nguyên tắc này.

          Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử được thể hiện rõ tại Điều 2 của Luật ghi nhận: "Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này". Trong việc lập danh sách cử tri, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri và mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Với cử tri có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

         

(Ảnh minh họa- nguồn internet)

 

          Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử đảm bảo cho công dân đến tuổi bầu cử được quyền bầu cử như nhau, không một ai có đặc quyền riêng khác với người khác, nó đảm bảo cho ý chí của Nhân dân được thể hiện một cách trung thực và chính xác.

          Nguyên tắc bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri phải tự mình đi bầu, tự mình trực tiếp bỏ phiếu bầu người mà mình tín nhiệm làm đại biểu của cơ quan quyền lực nhà nước không phải qua trung gian nào khác. Nguyên tắc này giúp cử tri thể hiện ý chí của mình một cách trực tiếp, nó cũng đặt ra trách nhiệm cho cử tri trong việc sử dụng lá phiếu của mình để lựa chọn những người đại biểu cho Nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước, mặt khác nó cũng đề cao trách nhiệm đại biểu trước cử tri và trách nhiệm của cử tri trong việc giám sát đại biểu do mình bầu ra, giám sát hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước.

          Nguyên tắc bỏ phiếu kín có nghĩa là nội dung phiếu bầu của cử tri được giữ kín kể từ khi cử tri viết phiếu cho đến khi bỏ phiếu vào hòm phiếu. Ngoài cử tri sử dụng lá phiếu này không ai được biết nội dung lá phiếu đó. Việc bỏ phiếu kín đảm bảo cho cử tri hoàn toàn tự do ý chí trong việc lựa chọn người xứng đáng để bầu làm đại biểu, không chịu sự áp đặt nào bên ngoài, không ai được cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến quyền tự do lựa chọn đó. Nguyên tắc này được đảm bảo bằng quy định của Luật tại Điều 69 về nguyên tắc bỏ phiếu. Cụ thể, với trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu, phải nhờ người khác viết hộ thì  "người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri"; "Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử"; "Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác".

Việc quy định "Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu"; " Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri."; " Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục"... đều nhằm để cử tri thực hiện việc bỏ phiếu kín, cử tri tự do biểu lộ ý chí của mình.

Các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín của việc bầu cử có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và bổ sung cho nhau làm cho mỗi nguyên tắc đều được thực hiện trọn vẹn, biểu hiện tính dân chủ rộng rãi, là điều kiện đảm bảo để công dân phát huy quyền làm chủ của mình tham gia một cách tích cực và chủ động vào hoạt động quản lý nhà nước bằng việc bầu đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước./.

                                                                                      Lam Hùng

 

Từ khóa » Nguyên Tắc Phổ Thông đầu Phiếu Là Gì