Tính Dị Bản Trong Lý Con Sáo Nam Bộ - Khoa Văn Học

20170821. Chim sao

Lý con sáo Nam Bộ là một trong những thể điệu độc đáo của lý, gần gũi với đời sống sinh hoạt tinh thần của cộng đồng người dân Nam Bộ. Không riêng Lý con sáo, mà các điệu lý trên khắp mọi miền đất nước đều do quần chúng nhân dân sáng tạo, giữ gìn, phát triển. Trong đó, tính dị bản của các điệu lý cũng phát sinh từ dân gian, là sự đổi mới một số thành tố, có loại trừ, chọn lọc, vun bồi để chỉnh thể ngày càng phong phú cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

1. Khái quát Lý con sáo Nam Bộ

Theo sử gia Trịnh Hoài Đức, đất Nam Bộ được định hình rõ nét nhất từ thời điểm chúa Nguyễn xác lập chủ quyền năm 1698, vùng đất phương Nam rộng mở “ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng dinh điền bạ tịch” (1). Cuộc chiêu mộ quy mô này không chỉ có dân nghèo mà gồm cả những người giàu có, có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, đến đây phát chặt, mở mang trồng trọt.

Cuộc sống khẩn hoang gặp nhiều khó khăn, lưu dân không thể mang theo bên mình nhiều sách vở văn thơ để đọc, để học. Vì không phù hợp với điều kiện cuộc sống thực tại. Thay vào đó, họ mang theo vốn văn học truyền miệng, văn hóa nghệ thuật dân gian từ cội nguồn truyền thống xa xưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Đó là những câu ca dao, câu hò, điệu lý… Lý Nam Bộ nói chung và Lý con sáo nói riêng cũng ra đời trong hoàn cảnh, điều kiện như thế. Nó trở thành thể loại ngày càng phổ biến, giàu sức sống, gần gũi với con người phương Nam.

Trong lý Nam Bộ, Lý con sáo là điệu lý có nhiều dị bản nhất, nhằm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, lời ăn, tiếng nói và tính cách người dân Nam Bộ. Chính cái duyên mộc mạc, chân chất của người dân xứ sở sông nước miệt vườn đã góp phần làm dồi dào thêm kho tàng ca dao, dân ca, văn hóa dân gian của dân tộc, lý Nam Bộ có những phát triển, những nét độc đáo, đặc sắc của riêng mình, mà Lý con sáo là một trong những điệu lý tiêu biểu và phổ biến nhất.

2. Tính dị bản của Lý con sáo Nam Bộ

Tính dị bản được hiểu là bản thứ của một tác phẩm văn chương nào đó có những chỗ khác so với bản chính, bản gốc. Văn học dân gian luôn có hiện tượng dị bản do lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Trong quá trình lưu truyền, tác phẩm gốc sẽ có những thay đổi do trí nhớ của người kể, người đọc, người hát hoặc tùy theo hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên lịch sử văn hóa mỗi nơi, ngôn ngữ vùng miền, tâm lý con người mà có những sáng tác, ứng tác mới để phù hợp hơn. Dị bản là thuộc tính đặc trưng của văn học dân gian, là sự sáng tạo của cá nhân, tập thể, có những giá trị nhất định được lưu giữ trong cộng đồng.

Dị bản về ca từ

Ca từ được hiểu là những từ ngữ có nhạc tính, là sự kết hợp giữa từ ngữ và âm nhạc, khi phát ra có cùng một âm thanh, chồng khít lên nhau. Hiểu cách khác, ca từ là lời ca của một ca khúc hay một thể loại âm nhạc nào đó, như lời của các bài lý chẳng hạn (2). Những bài lý cùng xuất phát từ một câu ca dao gốc có lời ca giống hoặc gần giống nhau, chỉ thêm hoặc bớt một số từ, cụm từ.

Ai mang con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng sáo bay

(Lý con sáo sang sông - quan họ Bắc Ninh)

Ai đem con sáo sang sông

Nên chi con sáo sổng lồng bay xa

(Lý con sáo - Thừa Thiên Huế)

Ai đem con sáo sang sông

Cho sáo sổ lồng con sáo bay xa

(Lý con sáo - Nam Bộ)

Ai xui con sáo sang sông

Cho nên con sáo sổ lồng bay xa

(Lý con sáo - Nam Bộ)

Ai đem con sáo qua sông

Cho nên con sáo sút lồng bay xa...

(Lý con sáo - Nam Bộ)

Qua những dị bản trên, ta thấy xuất hiện một số từ ngữ mang đặc trưng vùng miền. Ở Nam Bộ, Lý con sáo có nhiều dị bản nhất, lời ca gắn với phương ngữ như: “ai xui”, “ai đem”, “qua sông”, “sút lồng”... Những khác biệt trên đã nên sự phong phú trong ca từ của Lý con sáo, mang đậm dấu ấn địa phương một cách rõ rệt. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên đặc trưng của văn học dân gian và bản sắc văn hóa vùng miền.

Dị bản về làn điệu

Làn điệu được hiểu là giai điệu có âm hưởng được lặp lại trong nhiều ca khúc, như làn điệu dân ca có âm hưởng mượt mà, trữ tình, mà trong các bài lý ít nhiều đều có tính chất ấy. Người hát diễn xướng qua trí nhớ, truyền miệng, sự biến đổi nhấn nhá do cách phát âm, giọng nói người dân ở từng địa phương với sắc thái riêng… đã tạo nên những làn điệu khác nhau. Lý con sáo là một bài lý không chỉ nhiều dị bản về mặt ca từ mà còn có nhiều dị bản về làn điệu.

Từ câu ca dao quen thuộc:

Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa

Người ta xướng lên vô số làn điệu với những tiếng đệm, láy, đưa hơi khác nhau. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Lư Nhất Vũ - Lê Giang trong Lý trong dân ca người Việt, có tới 42 bài Lý con sáo. Phần lớn các dị bản khác nhau về làn điệu, cùng tên gọi là Lý con sáo, có một số nơi gọi là Lý con sáo sang sông hoặc gắn với tên địa phương do sắc thái riêng về ngữ âm (âm giọng), về làn điệu mà có Lý con sáo Quảng, Lý con sáo Gò Công… (3).

Trong quá trình diễn xướng, do người ca có âm giọng (ngữ âm, thanh điệu), điều kiện thổ nhưỡng địa phương... khác nhau, mà âm vực, âm hưởng khi ca trở nên khác nhau. Bên cạnh đó, người diễn xướng phải thay đổi âm vực giọng ca theo những ca từ được thay đổi so với bản gốc. Khi ca từ được cất lên, cách phát âm, âm sắc khác nhau giữa các vùng miền, kết hợp với môi trường sinh hoạt văn hóa từng nơi tạo nên đặc trưng cho từng dị bản về làn điệu. Trong ngữ âm học, tiếng Việt, mỗi âm tiết có cấu trúc: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối (phần vần) và một thanh điệu, do vậy, mỗi âm tiết có độ cao, độ dài, độ mạnh khác nhau, âm nhạc cũng vậy, gọi là cao độ (4). Từ chỗ khác nhau này mà từng vùng miền phát âm thuần túy cũng có một số âm khác nhau, ở đó ca lý không nằm ngoại lệ.

Lý con sáo sang sông trong quan họ Bắc Ninh thường có những tiếng đệm như “ấy mấy người đôi người ơi”, “tình tình”, “tình bằng”, kết hợp với tiếng đưa hơi “i… i…”, “a.. a…”… “Ai mang con sáo sang sông này sang sông. Để cho là con sáo đôi ấy mấy người là đôi người ơi mà này cũng có (a) sổ lồng mà này cũng có a sổ lồng tình tình bay con sáo bay tình tình bay con sáo bay…”.

Lý con sáo Thừa Thiên - Huế thường có tiếng đưa hơi “ư… hư… ư” hoặc “ư… ư… ư..”, tiếng đệm thường là “ơi người ơi”, “tình bằng”, “làm răng”… làn điệu mang âm hưởng sâu lắng, nhẹ nhàng, thâm trầm. Đó cũng là chất giọng đặc trưng của người Huế, nên tính chất âm nhạc âm vực thấp hơn Bắc Ninh khoảng nửa cung của quãng đủ, mà nhạc ngũ cung gọi là cung già hoặc cung non tức là độ cao của nó khoảng 1/4 của cung chánh như: chánh xề hoặc chánh hò chẳng hạn: “Ai đem con sáo sang sông để cho, để cho con sáo ơi người ơi sổ lồng ơi người ơi bay xa, sổ lồng ơi người ơi bay xa”.

Đặc biệt ở Quảng Nam, Lý con sáo Quảng lại mang nét rất riêng, độ cao âm vực của người Quảng Nam tương tự độ cao âm vực của người Nam Bộ, nhưng thường phát âm một số từ thành âm bẹt hoặc trại như “ai” thành “ưa”, hay “ăn”, “an” thành “en”… Cho nên câu “Ai đem con sáo tình bạn sang sông” khi hát nghe thành “Ưa đem con sáo tình bẹn sang sông làm ren”... Bên cạnh đó, người ca đan xem âm “ư” thành tiếng đưa hơi “ư… ư… ư…” tạo nên đặc trưng rất riêng: “Ai đem con sáo tình bạn sang sông (ư) làm răng. Để cho để cho con sáo (ư ư ư) để cho để cho con sáo sổ lồng bay xa (ư) làm răng để cho để cho con sáo (ư ư ư) sổ lồng bay xa (ư) bay xa (ư) bay xa” (5).

Đến với vùng đất Nam Bộ, Lý con sáo có rất nhiều dị bản, chiếm đến 23 trong số tổng 42 bài Lý con sáo của cả nước. Khi hát, tiếng đệm trong Lý con sáo Nam Bộ rất phong phú, đặc trưng như “ơ rường ơ oa tu hỡi”, “ôi nàng ôi”, “thiềng thị ơi”, “lu là”, “hò xự xang”, “cống xế xang”, “xàng cống xê”… Tiếng đưa hơi đơn giản, mộc mạc, thường là “ơ… ơ…”, một số ít là “ưng... ưng… ưng…” hay “ư… ư… ư” (6).

Lý con sáo ở Nam Bộ có buồn ai oán, có vui tươi có hồn nhiên mộc mạc như chính cuộc sống và tâm tình của lưu dân trong buổi đầu đến vùng đất mới.

Bài Lý con sáo thể hiện nỗi buồn ai oán, u uất, u hoài, đã đi vào Đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ: “Ai ai đem ai đem bằng chim sáo (ừng ưng ứng ưng ừng). Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông. Tình bằng sang sông (ứng ưng ưng ưng ưng ưng). Cho nên cho nên bằng chim sáo (ừng ưng ứng ưng ừng). Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng. Tình bằng bay xa (ứng ưng ưng ưng ưng ưng)”.

Bài Lý con sáo Nam Bộ sau đây thì mang âm điệu phấn chấn, lạc quan, phóng khoáng: “Ợ… ợ… Ai xui mà con sáo cái nó sang sông cái nó sang sông (ơ). Cho nên cái mà con sáo ợ… ợ… sổ lồng cái kìa bay xa, cái kìa bay xa, cái lý sông mã, cái lý xàng xê. Đôi ta về thiềng thị ơi sáo bay ơi. Đôi ta về thiềng thị ơi sáo bay ơi…” (7).

Trong văn học dân gian nói chung và lý Nam Bộ nói riêng, tính dị bản xuất hiện như một quy luật tất yếu, Lý con sáo Nam Bộ cũng không ngoài quy luật đó. Đó cũng là quy luật sáng tạo trong hàng loạt vấn đề của văn học dân gian và văn học nghệ thuật nói chung. Nó góp phần không nhỏ vào quá trình sáng tạo văn hóa nội sinh nhằm phát triển thực thể phong phú hơn mà vẫn giữ được bản chất.

______________

1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr.22.

2, 4. Đỗ Dũng, Âm nhạc cải lương tính năng, giai điệu và nhạc cụ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2007.

3, 6, 7. Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Dân ca Nam Bộ, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1981.

5. Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Lê Anh Trung, Lý trong dân ca người Việt, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 2006.

Nguồn : Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 391, tháng 1-2017

fShare Tweet Bạn có thể quan tâm:
  • Tưởng niệm Trịnh Công Sơn - 2011-04-01 - 07:00:00
  • Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học - 2008-09-13 - 11:45:20
  • Sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ đạt giải nhất ... - 2008-09-17 - 10:46:00
  • Giới thiệu Khoa - 2012-04-07 - 07:00:00
  • Bộ môn Văn học Việt Nam - 2008-12-28 - 02:54:30
  • Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học - 2008-12-28 - 02:54:57
  • Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh - 2008-12-28 - 02:55:44
  • Bộ môn Nghệ thuật học - 2008-12-28 - 02:56:18
  • Bộ môn Hán Nôm - 2008-12-28 - 02:56:32
  • Nhẫn - 2008-09-17 - 10:53:15
  • Về một người bạn đã đi xa - 2009-01-16 - 08:42:39

Từ khóa » Hiện Tượng Dị Bản Là Gì