Tịnh độ: Ý Nghĩa Và Các Cảnh Giới (tt) | Huệ Minh
Có thể bạn quan tâm
* Ý nghĩa Tịnh độ
Chữ Tịnh tiếng Hán là淨, tiếng Phạn (Sanskrit) là śuddhi, hay viśuddhi, hoặc pariśuddha, tiếng Anh là pure: tất cả đều có nghĩa là trong sạch, sạch sẽ, thanh khiết.
Nếu chiết tự chữ Tịnh° 淨 có thể thấy hình ảnh của người cầm nhánh cây đánh đuổi các con vật không cho chúng dẫm chân xuống nước, sợ làm nước bị bẩn, để nước trở nên trong trẻo, và sạch sẽ[1]. Ở một cách nhìn khác ta sẽ thấy chữ thuỷ° 水: nước; kết hợp với chữ tránh° 爭: ngăn cản; thành ra chữ tịnh. Tức chỉ hành động cản ngăn không cho nước bị nhiễm ô.
Vậy, phàm cái gì tinh nguyên không lẫn lộn tạp nhạp đều gọi là tịnh. Theo nhà Phật, tịnh là thanh tịnh, không nhiễm ô, không tạp nhiễm lỗi lầm phiền não; hoặc không còn sanh khởi vọng tưởng[i].
Độ 土 , còn gọi là Thổ, Land (tiếng Anh) tức là đất ở, vùng, xứ, địa phương.
Tịnh độ° 淨 土 (Hán); buddhakṣetra (Phạn); pure land hay buddhisland (Anh) nghĩa là cõi thanh tịnh, cõi nước tinh khiết, cõi Phật. Hiểu theo Đại thừa thì Tịnh độ là cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, là nơi mà tâm địa chúng sanh không nhiễm ô, không phiền não, luôn an vui tu tập để tiến đến cứu cánh giải thoát viên mãn. Tịnh là mục tiêu, là đặc điểm của Phật pháp. Theo quan niệm Đại thừa, Tịnh phải gồm đủ hai phương diện: chúng sanh tịnh và thế giới tịnh, tức là ngoài sự tịnh hóa thân tâm còn phải phát Bồ-đề tâm cứu độ chúng sanh, chuyển Ta-bà thành Tịnh độ[ii].
Một cõi được xem là Tịnh độ phải thoả mãn điều kiện về y báo và chánh báo cũng trang nghiêm thanh tịnh. Chánh báo chỉ cho người dân trong cõi nước đó, tức là họ phải được thân trang nghiêm, thọ mạng và tướng hảo như Phật, không có khổ não, tâm tánh bình đẳng, đạo đức kiên cố, trí tuệ, thần thông và nhất là không còn luân hồi trong lục đạo,… Còn Y báo chỉ cho cảnh vật trong cõi nước ấy, như đất đai bằng phẳng không có núi, khe, sông ngòi lỏm chỏm; chẳng có ngày và đêm, khí hậu mát mẻ quanh năm, chẳng có thiên tai như lũ lụt, hạn hán, phong cảnh tươi đẹp, thành quách đều bằng bảy báu[iii],…
Vậy cõi Tịnh độ phải là cõi trang nghiêm thanh tịnh gồm cả Phật và nhân dân. Nếu thiếu một trong hai thì không còn là cõi Tịnh độ nữa.
* Các cảnh giới Tịnh độ
Từ ý nghĩa của Tịnh độ có thể phân Tịnh độ ra thành 2 cảnh giới. Cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh quốc độ; và cảnh giới tịnh hoá tâm thức.
1 Cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh quốc độ.
Theo nghĩa này, Tịnh độ được xem là “hoá thân” của thế giới, là một nơi có vị trí địa lí nhất định, là cõi xứ của người tu hành muốn được tái sinh. Cõi nước trang nghiêm thanh tịnh do công đức tu tập của Phật khi còn là Bồ Tát thiết lập nên và cũng là nơi Phật cùng Bồ Tát hóa hiện để dùng làm chốn đạo tràng độ sanh. Nó khác với cõi uế độ[2], hình thành do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi. Trong mười phương thế giới có vô số cõi Tịnh độ vì có vô số chư Phật, nhưng cũng có vô số cõi uế độ vì có vô số chúng sanh. Tuỳ theo diệu dụng mà chư Phật quyền biến ra các danh nghĩa Tịnh độ khác nhau. Tuy có nhiều cảnh giới Tịnh độ khác nhau, nhưng tạm chia một số cõi Tịnh độ như sau:
Thập phương Tịnh độ. Là cõi Tịnh độ trong mười phương mà Đức Phật thường nhắc tới khi Ngài muốn thực chứng một nghĩa lý vi diệu nào đó. Đây là những cõi giới trang nghiêm thanh tịnh vi diệu do công đức của chư Phật kiến tạo nên. Chẳng hạn phương Ðông là cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư (Phạn: bhaiṣajyaguru-buddha), và cõi Diệu Hỷ (Phạn: abhirati) của Phật Bất Ðộng (Phạn: akṣobhya). Cõi Phật Bất Động cách thế giới Ta Bà “bằng hai mươi lần cát sông Hằng, trụ xứ của đức Phật ấy ngang dọc bằng nhau đầy đủ một vạn hai ngàn do tuần. Ðất nơi ấy bằng bảy thứ báu, không có đất đá, bằng phẳng, mềm mại, không có các ngòi rãnh, hầm hố. Những cây cối của cõi ấy do bốn thứ báu tạo thành là vàng, bạc, lưu ly và pha lê, hoa trái sum suê, không lúc nào chẳng có…. Hai bên bờ sông có nhiều loài hoa, như là hoa A Ðề mục đa dà, hoa Chiêm bà, hoa Ba tra la, hoa Bà sư la, hoa Ma lợi ca, hoa Ðại ma lợi ca, hoa Tân ma lợi ca, hoa Tu ma na, hoa Do đề ca, hoa Ðàn ca lợi, hoa thường… Ðáy sông trải cát vàng, có bốn bực bệ bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê đủ màu. Có nhiều loài chim tập họp dạo trong những dòng sông ấy. Lại có vô lượng cọp, sói, sư tử…. những loài chim, thú ác mà lòng chúng xem nhau giống như con đỏ. Trong thế giới đó, tất cả không có kẻ phạm trọng cấm, bài báng chánh pháp và Nhất xiển đề, tội nghũ nghịch.v.v… Cõi ấy điều hòa thích hợp, không có lạnh nóng, đói khát, khổ não, không có tham dục, sân nhuế, phóng dật, tật đố (ganh ghét) không có mặt trời, mặt trăng, ngày, đêm, thời tiết giống như trên trời thứ hai Ðao Lợi. Nhân dân cõi ấy đều có ánh sáng, mỗi mỗi đều không có lòng kiêu mạn, tất cả đều là bậc Ðại Sĩ Bồ tát, đều được thần thông, đầy đủ công đức lớn[iv]”. Ngoài ra phương Đông còn có các vị Phật như Phật Tu-di Tướng, Phật Đại Tu-di, Phật Tu-di Quang, Phật Diệu Âm, và vô số các vị Phật cũng đều như vậy.
Các thế giới về phương tây có chư Phật như: Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang…, và vô số chư Phật như vậy. Riêng cõi Cực Lạc (Phạn: sukhāvatī) của Đức Phật A Di Đà (Phạn: amitābha) là một trong cõi Tịnh độ được các chư Phật tán thán nhiều nhất. Theo Kinh A Di Đà thì “Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Ðà hiện nay đương nói pháp…trong cõi Cực Lạc có bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng… có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức[3], đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất… Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não… trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la…Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì là có thật[v].”
Phía Nam là cõi của Phật Bảo Sinh, Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu-di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn,…
Phía Bắc là cõi của Phật Cổ Âm, Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sanh, Phật Võng Minh…,
Phương dưới có chư Phật như: Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt- ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp…,
Phương trên có chư Phật như: Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta-la Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu-di Sơn[vi]…,
Cứ như vậy, mỗi Đức Phật đều an trú trong một cõi Tịnh độ trang nghiêm thanh tịnh không còn trần cấu nhiễm ô.
Tỳ Lô Giá Na Tịnh độ. Nói đến Tỳ Lô Giá Na thường liên quan đến thế giới Hoa Tạng và Phật Tỳ Lô Giá Na. Tỳ Lô Giá Na có nghĩa là Biến Nhất Thiết Xứ, cũng tức là Pháp Thân của chư Phật. Trong Kinh nói “Hoa tạng thế giới sở hữu trần, Nhất nhất trần trung kiến pháp giới“. Tức là trong thế giới Hoa Tạng chứa đầy bụi trần. Trong mỗi hạt bụi thấy hiện ra pháp giới. Bất luận ở cảnh giới nào thì cõi Tỳ Lô Giá Na Tịnh Ðộ cũng hóa hiện được, vì ở đâu cũng có vô lượng hóa Phật. Như trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật bảo với Ngài Ương Quật rằng: “Ngươi không biết rằng ta đã an trú trong thực tại vô sanh. Nếu ngươi không tin, cứ qua Đông phương hỏi đức Phật ở đấy tên gì thì sẽ nghe Ngài tự giới thiệu: “Thích Ca là ta”! Điều này có thể khó tin, nhưng Pháp Thân Phật đã an trú trung thực tại vô sinh thì dù ở phương nào cũng chỉ là phân thân của một đức Phật mà thôi[vii].
Quyền Biến Tịnh độ. Là do oai lực của chư Phật biến hiện ra nhằm làm pháp phương tiện hoá độ chúng sanh. Chẳng hạn như trên hội Linh Sơn, Đức Phật vì muốn hướng dẫn hàng tam thừa quyền giáo Bồ Tát, Ngài cho họ thấy cõi Ta Bà cũng chính là cõi thanh tịnh. Lúc đó Đức Phật lấy ngón chân ấn xuống đất, cảnh uế độ liền biến thành trang nghiêm thanh tịnh. Cũng vào một dịp khác đức Phật dùng thần lực biến thế giới nầy thành một thế giới như ngọc lưu ly có bảy báu trang nghiêm và hoa sen rải khắp mặt đất để cho chúng ta thấy rằng bản lai diện mục của uế độ cũng tức là Tịnh Ðộ.
Ký Báo Tịnh độ. Là cõi Tịnh độ mà các Bồ Tát ký thác báo thân nơi đó để chờ bổ xứ thành Phật. Chẳng hạn như cõi trời Đâu-Suất có Bồ Tát Di Lặc hiện đang cư trú để chờ thành Phật ở cõi Ta Bà tiếp nối theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hay cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà cũng có các vị Bồ Tát chờ tu tập dứt hết lậu nghiệp thì bổ xứ làm Phật để thực hiện hạnh nguyện cứu độ chúng sanh. Theo Đại Thừa khởi Tín Luận thì: “Bồ Tát tu hành, khi công đức được thành tựu viên mãn, đến phút tối hậu, phá sạch vô minh vi tế, nhứt niệm hiệp với Bát Nhã huệ, thì được “Nhứt thế chủng trí[4]” gọi là “Chánh biến giác”. Lúc bấy giờ Bồ Tát hiện thân Tự thọ dụng (Báo thân) cao lớn ngàn trượng, ở cõi Tự thọ dụng (tự thọ dụng độ), trên đảnh trời sắc giới, chờ đến thời kỳ, sẽ đi bổ xứ làm Phật, như đức Di lặc hiện nay ở cõi trời Đâu suất. Vị Bồ Tát này tự nhiên có diệu dụng, thị hiện mười phương thế giới, làm lợi ích cho các chúng sanh không thể nghĩ bàn[viii]”
Bất Khả Tư Nghị Tịnh Độ. Đây là cảnh giới Tịnh độ mà chư Phật dùng để thâu nhiếp, tiếp nhận chúng sanh trong mười phương thế giới. Sức thâu nhiếp ấy không thể nghĩ bàn, vì ngoài sức suy tưởng và luận bàn của chúng sanh. Chẳng hạn như cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà có công năng thu nhiếp tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới và công đức thu nhiếp cứu độ của Phật và Bồ Tát ở cõi ấy thì không thể nghĩ bàn.
Tóm lại mỗi vị Phật có một cõi Tịnh độ, nên có vô số cõi Tịnh độ vì có vô số chư Phật, và cõi Cực Lạc cũng chỉ là một trong vô số cõi trang nghiêm thanh tịnh trong mười phương hư không pháp giới. Tuy nhiên Tịnh độ chỉ được xem là cõi tạm thời tái sinh để rồi tiến đến cõi Niết-bàn[ix].
2 Cảnh giới thanh tịnh tâm thức.
Tịnh độ là một dạng của tâm thức giác ngộ, không bị ô nhiễm và các phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc chỉ có tính chất hình tượng[x]. Đây cũng chính là lộ trình cuối cùng của một hành giả trên con đường tu tập, và tuỳ theo tâm thức giác ngộ mà có các cảnh giới Tịnh độ khác nhau. Cảnh giới Tịnh độ của tâm thức còn được gọi là Duy Tâm Tịnh độ. Nếu như cảnh trang nghiêm thanh tịnh quốc độ được xem là sự Tịnh độ, thì cảnh giới tịnh hoá tâm thức được xem như lý Tịnh độ.
Xét về lý thì tuỳ tâm mà biến hiện ra các cảnh giới. Tâm uế thì quốc độ uế, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Trong kinh Duy Ma Cật dạy: “Trực Tâm là Tịnh độ của Bồ Tát, … Thâm Tâm là Tịnh độ của Bồ Tát,… cho đến Bồ Ðề Tâm, Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh, Trí Huệ, Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Nhiếp Pháp[5], Phương Tiện, Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Ðạo[6], Hồi Hướng Tâm, Giải Thoát Bát Nạn[7], Thập Thiện[8] đều là Tịnh độ của Bồ Tát.“
“Bồ Tát tùy theo TRỰC TÂM mà khởi hạnh, tùy theo sự khởi hạnh thì được THÂM TÂM, tùy sự thâm tâm thì ý được điều phục, tùy sự điều phục thì được nói và hành như một, tùy sự nói hành như một thì hay hồi hướng, tùy sự hồi hướng thì có phương tiện, tùy sự phương tiện được thành tựu chúng sanh, tùy sự thành tựu chúng sanh thì cõi Phật trong sạch.“…“Nếu Bồ Tát muốn đắc Tịnh độ, nên tịnh tâm họ, tùy nơi tâm tịnh thì Phật độ tịnh[xi].”
Tuỳ công phu tu tập cao thấp khác nhau mà có các cõi Tịnh độ không đồng nhau. Sau đây là 4 cõi Tịnh độ[xii] dựa trên 4 bực tu chứng khác nhau như sau:
Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh độ. Thánh phàm cùng ở chung nên gọi là Phàm Thánh đồng cư. Đây là quốc độ mà Phật, Bồ Tát và các vị thượng thiện nhơn (thánh) cùng sống chung với chúng sanh chưa chứng được quả thánh (phàm), do còn mang nghiệp vãng sanh lên cõi này. Tuy có phàm, thánh đồng cư nhưng vẫn được xem là cõi Tịnh độ. Chẳng hạn như cõi Cực Lạc là cõi đồng cư Tịnh độ, ngược lại cõi Ta bà lại là đồng cư uế độ.
Phương Tiện Hữu Dư Tịnh độ. Hữu dư nghĩa là còn sót chưa rốt ráo. Ở đây muốn nói đến việc còn sót lại trần sa hoặc và vô minh hoặc. Hàng Nhị thừa nhờ đoạn kiến hoặc và tư hoặc[9] nên thoát ra khỏi tam giới. Tuy nhiên đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc cũng mới chỉ là phương tiện chứ chưa đạt được giải thoát hoàn toàn vì còn phải đoạn trừ hai loại mê lầm trần sa hoặc và vô minh hoặc nữa. Vì chưa rốt ráo mà mới chỉ đạt được phương tiện nên gọi là Phương tiện hữu dư.
Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh độ. Bồ Tát nương theo pháp chân thật mà tu hành, trải qua ba số kiếp tích công lũy đức do phước báu tu hành nhiều đời dồn chứa lại, đoạn trừ được một phần vô minh, không còn chướng ngại giữa cảnh và tâm, và cảm được quả báo chân thật thù thắng trang nghiêm, nên gọi là Thật Báo Trang Nghiêm. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng: ”Tu-tập chơn-thật”, cảm đặng quả báo tốt đẹp, cho nên gọi là ”Thật báo trang nghiêm”. Đây là cảnh giới an trú các bậc từ Thập địa cho đến Ðẳng giác Bồ Tát.
Thường Tịch[10] Quang Tịnh Ðộ. Đây là cảnh giới đã đoạn tận vô minh, và cũng là cảnh giới đại Niết bàn của chư Phật an trú. Thường là không thay đổi, là lâu dài, không sanh diệt, tức là Pháp thân Phật; Tịch là không lai động, là sự vắng lặng, sự xa lìa các phiền não vọng tưởng, tức là đức giải thoát của Phật; Quang là chiếu sáng, soi rọi khắp mười phương, tức là đại trí huệ của Phật. Như vậy, cõi Tịnh độ này chứa đủ cả ba đức quý báu của Phật là Thường, Tịch, Quang, tức là Pháp Thân, Giải Thoát, Đại Trí Huệ. Đây là cảnh giới bản thể của chơn tâm nên nó thường „vắng lặng, chiếu soi và thanh tịnh“, vì thế gọi là Thường Tịch Quang Tịnh độ[xiii].
Bốn cõi này thật ra cũng thuộc về cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh quốc độ. Tuỳ vào báo độ của Phật mà có hiện tướng một trong bốn cõi ấy, chẳng hạn như cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà chứa đủ bốn cõi như vậy, còn cõi của Phật Bất Động thì không có cõi Đồng Cư và Hữu Dư. Tuy là cảnh giới bên ngoài, nhưng đều tuỳ tâm mà sở hiện nên hai cõi trong ngoài đều là một.
Tóm lại trang nghiêm thanh tịnh tâm thức là khi chúng sanh trở về với bản tánh vốn thanh tịnh của mình. Nó thường hằng bất biến, thanh tịnh, và chiếu sáng, vì vậy thấy tâm tức là thấy Phật, và tâm tịnh cũng chính là độ tịnh.
[1] Chữ Tịnh° 淨 gồm bộ 氵viết đủ 水, tức là thuỷ: nước; 爫 viết đủ 爪, tức là trảo: móng vuốt, chân con vật; ヨ viết đủ 又, tức hựu: tay; và亅có hình giống cây gậy.
[2] Uế ° 濊; dirty (tiếng Anh): dơ bẩn. Cõi Ta bà là một trong những cõi uế độ.
[3] 1. Trừng tịnh: trong sạch; 2. Thanh lãnh: trong trẻo và mát mẻ; 3. Cam mỹ: ngọt ngào; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ dịu; 5. Nhuận trạch: Uy lực rưới mát mọi vật; 6. An hoà: an lạc và êm dịu; 7. Từ cơ bẩn: trừ đói khát, bệnh tật; 8. Trưởng dưỡng: tăng trưởng, bổ khoẻ các căn
[4] Trí tuệ bao trùm tất cả, trí huệ biết được tất cả mọi sự việc
[5] 1. Bố thí; 2. Ái ngữ: dùng lời hay khiến người hoan hỷ; 3. Lợi hành: dùng hành vi cảm hoá người khác; 4. Đồng sự: tuỳ thuận chúng sanh để nhiếp độ
[6] Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Tứ niệm xứ, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, và Bát chánh đạo tổng cộng là 37 phẩm
[7] Tám trường hợp không may có thể xảy ra trên con đường giác ngộ, gồm: 1. Địa ngục; 2. Súc sanh; 3. Ngạ quỷ; 4. Trường thọ thiên: cõi trời sắc giới có thọ mệnh cao; 5. Biên địa; 6. Căn khuyết; 7. Tà kiến; 8. Như Lai bất xuất sinh.
[8] 1. Không sát sanh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không nói lời thêu dệt; 6. Không ác ngôn; 7. Không nói hai lưỡi; 8. Không tham dục; 9. Không Sân nhuế; 10. Không tà kiến
[9] Kiến hoặc là sự mê lầm về kiến thức; Tư hoặc là sự mê lầm về tư tưởng; Trần sa hoặc sự mê lầm nhỏ như cát bụi; và Vô minh hoặc sự mê lầm căn bản do vô minh gây ra.
[10] “Thường° 常” giả: Hằng chi cực dã: Thường là sự dài lâu cùng cực. “Tịch° 寂” giả: bất diêu: Tịch là không lay động.
[i] Đọc trong Thiều Chửu. Từ Điển Hán Việt; Chân Nguyên-Nguyễn Tường Bách. Từ Điển Đạo Uyển; Ns Như Thanh. Thiền Tịnh Song Tu.
[ii] Đọc trong Ns Như Thanh. Thiền Tịnh Song Tu
[iii] Đọc trong HT Trí Thủ. Pháp Môn Tịnh độ
[iv] Đoàn Trung Còn & Nguyễn Mạnh Tiến. Kinh Đại Bát Niết Bàn. Phẩm Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương
[v] HT Thích Trí Tịnh. Kinh A Di Đà
[vi] HT Thích Trí Tịnh. Kinh A Di Đà; Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách. Từ Điển Đạo Uyển
[vii] Đọc trong Đoàn Trung Còn & Nguyễn Mạnh Tiến. Kinh Đại Bát Niết Bàn. HT Thích Duy Lực. Yếu Chỉ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
[viii] HT Thích Thiện Hoa. Đại Thừa Khởi Tín Luận
[ix] Đọc trong HT Trí Thủ. Pháp Môn Tịnh độ
[x] Chân Nguyên-Nguyễn Tường Bách. Từ Điển Đạo Uyển
[xi] Thích Duy Lực. Kinh Duy Ma Cật
[xii] Đọc trong HT Trí Thủ. Pháp Môn Tịnh độ
[xiii] Đọc trong Thích Thiện Hoa. Phật Học Phổ Thông. Tập 5, Tịnh độ tông, bốn cõi Tịnh độ
Đánh giá:
Chia sẻ:
- Túi
Có liên quan
Từ khóa » Tịnh độ Nghĩa Là Gì
-
Tịnh độ Là Gì, Cõi Tĩnh độ Là Cõi Nào? - .vn
-
Chương 1 - Ý Nghĩa Tịnh Độ - Thư Viện Hoa Sen
-
Ý Nghĩa Tịnh độ - Vườn Hoa Phật Giáo
-
"tịnh độ" Là Gì? Nghĩa Của Từ Tịnh độ Trong Tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt
-
Những điều Căn Bản Về Pháp Môn Tịnh Độ & Trợ Niệm Lúc Lâm Chung
-
Pháp Môn Tịnh Độ Là Gì ? Nghĩa Của Từ Tịnh Độ Trong Tiếng Việt
-
Pháp Môn Tịnh Độ Là Gì
-
Tịnh độ Trong Trái Tim Ta | Giác Ngộ Online
-
Cõi Tịnh độ Là Gì? Tìm Hiểu Phật Giáo Tịnh độ Tông | Hoa Sen Phật
-
SIÊU SINH TỊNH ĐỘ - Từ điển Phật Học :: HOA LINH THOAI ::
-
Pháp Môn Tịnh độ Là Gì - Làm Thế Nào để Ra Khỏi Sanh Tử Luân Hồi?!
-
Tu Tịnh Độ Là Gì ? Nghĩa Của Từ Tịnh Độ Trong Tiếng Việt Nghĩa ...
-
Siêu Sinh Tịnh độ Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt