Tình Hình Tích Tụ đất Nông Nghiệp Trên địa Bàn Tỉnh An Giang

Về cơ cấu, theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019, đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ vượt trội so với đất phi nông nghiệp, cụ thể: đất nông nghiệp 296.720ha (chiếm 83,89%), đất phi nông nghiệp 55.839ha (chiếm 15,79%), đất chưa sử dụng còn 1.124ha (chiếm 0,32%). TP. Long Xuyên là địa phương đạt mức đô thị hóa khá cao với tỷ lệ đất nông nghiệp dưới 70% so với diện tích tự nhiên; 3 địa phương có tỷ lệ đất nông nghiệp trong khoảng 70-80% là huyện Chợ Mới, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu; các huyện còn lại có tỷ lệ đất nông nghiệp trên 80% so với diện tích tự nhiên.

Trong nhóm đất nông nghiệp, đất trồng lúa chiếm đa số với diện tích 242.337ha (81,67%), đất trồng cây lâu năm xếp vị trí thứ 2 với diện tích 25.343ha (8,54%), đất trồng rừng diện tích 11.643ha (3,92%), đất nuôi trồng thủy sản 5.530ha (chiếm 1,86 %), còn lại là các loại đất nông nghiệp khác có diện tích, tỷ lệ không nhiều.

TP. Long Xuyên là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi Luật Đất đai năm 1987 ra đời, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Từ năm 1987-1995, UBND các huyện, thị xã (trực tiếp là các hội đồng kiểm tra ruộng đất cấp xã) đã triển khai cho người dân đăng ký kê khai, xét duyệt hồ sơ cấp giấy và đã tiến hành cấp được 334.622 giấy chứng nhận với diện tích 256.966ha…

Từ năm 1999-2005, triển khai đo vẽ bản đồ địa chính bằng công nghệ số, có hệ tọa độ thuộc khu vực dân cư của các địa phương: Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Thoại Sơn, An Phú. Sau đó từ thời điểm năm 2007 đến nay, triển khai dự án đo đạc cấp đổi kết hợp với cấp mới giấy chứng nhận đất nông nghiệp, nâng tổng số giấy chứng nhận được cấp là 431.160 giấy với diện tích 283.646ha, đạt tỷ lệ 97,5% diện tích đất nông nghiệp đã có giấy chứng nhận (bao gồm cấp cho hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp).

Theo dữ liệu hồ sơ địa chính, toàn tỉnh An Giang có 1.187.878 thửa (mảnh) đất, trong đó có 924.693 thửa đất nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp đã cấp giấy chứng nhận là 244.993ha cho 358.176 người (hộ gia đình, cá nhân). Tính trung bình mỗi người sản xuất nông nghiệp đang quản lý 2,6 thửa đất với diện tích 0,68ha. Mức độ tích tụ đất nông nghiệp thấp nhất tại địa bàn TP. Long Xuyên (0,28ha/người) và cao nhất tại huyện Tri Tôn (1,16ha/người).

Tình hình tích tụ đất nông nghiệp chia theo các mức tích tụ (nhỏ hơn 0,3ha; từ 0,3 đến dưới 1ha; từ 1 đến dưới 3ha; từ 3 đến dưới 10ha; từ 10ha trở lên) trên địa bàn tỉnh. So sánh với tình hình tích tụ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2008 (số liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì khảo sát) cho thấy, xu hướng tích tụ đất trồng lúa hơn 12 năm qua như sau: về số lượng người có đất trồng lúa đã giảm 105.589 người (tương đương 32%), từ 329.661 người xuống còn 224.072 người, về mức tích tụ đã tăng từ 0,74ha/người lên 0,99ha/người.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, xu hướng trên cho thấy, số lượng người sử dụng đất trồng lúa tại các mốc dưới 0,3ha, từ 0,3 đến dưới 1ha, từ 1 đến dưới 3ha đều giảm; riêng số người có từ 3 ha trở lên tăng hơn 2,3 lần từ 4.790 người năm 2008 lên 11.195 người năm 2021.

Việc tích tụ đất đai ngày càng tập trung hơn là xu hướng tự nhiên, tất yếu trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ; phù hợp với các quy định pháp luật đất đai hiện hành, cho phép người sử dụng đất có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, góp vốn và thế chấp quyền sử dụng đất nhằm khai thác đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Từ khóa » Diện Tích Trồng Lúa Tỉnh An Giang