Tinh Thần Nhân Văn Của Thời đại Phục Hưng Qua Truyện Ngắn “ Mười ...

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Tinh thần nhân văn của thời đại Phục hưng qua truyện ngắn “ Mười ngày” của Boccaccio

HỌC PHẦN: CÁC THỂ LOẠI VÀ TÁC GIA TIÊU BIỂU VĂN HỌC TÂY ÂU- MĨ GV: Nguyễn Linh Chi Đề tài: Tinh thần nhân văn của thời đại Phục hưng qua truyện ngắn “ Mười ngày” của Boccaccio. Nhóm thực hiện: SV lớp C-K64 -Khoa Ngữ Văn - ĐHSPHN1 1, Hoàng Thị Hồng Ngọc 2, Nguyễn Thị Phượng 3, Nguyễn Thị Thu Quỳnh 4, Hoàng Thị Minh Tâm Mục lục: I, Khái quát chung 1, Tác giả. 2, Tác phẩm. 3, Tóm tắt truyện “Mười ngày”. II, Khái niệm tinh thần nhân văn 1, Tinh thần nhân văn là gì? 2, Tinh thần nhân văn của Boccaccio. III, Tinh thần nhân văn trong thời đại Phục hưng qua tác phẩm “Mười ngày”. 1, Phê phán chế độ phong kiến và giáo hội. 2, Ca ngợi con người. 3, Ca ngợi tình yêu. IV, Nghệ thuật. V, Mở rộng. VI. Tổng kết. I.KHÁI QUÁT CHUNG. 1.Tác giả. Boccaccio tên đầy đủ là Giovanni Boccaccio.Sinh ngày 16 tháng 6 năm 1313, mất ngày 21 tháng 12 năm 1375. Ngay khi văn học Ý ra đời, đã xuất hiện ba thiên tài: Đantê (1265- 1321), người sáng tạo ra hùng ca, thơ tự sự và giáo huấn Ý. Pêt'raca (1304-1374), người canh tân thơ trữ tình Ý và Giôvanni Boccaccio (1313- 1375), người đặt nền tảng cho văn xuôi nghệ thuật Ý. Ba người là gạch nối giữa thời Trung cổ và thời Phục Hưng văn nghệ châuÂu. Năm mười lăm tuổi, ông được cha cho đi Naplơ để học nghề buôn và học luật. Những năm tuổi thanh niên này ở Naplơ có một đời sống văn hóa sôi nổi đã quyết định bước đi của ông, ông học tiếng La Tinh, nghiên cứu văn học cổ La Mã, say mê nhà thơ Vecgiliut. ông tham gia sinh hoạt cung đình vua Rôbe, giao thiệp với những nhà văn, nghệ sĩ, bác học, quý tộc và kinh doanh có tên tuổi. Năm 1340, Boccaccio 27 tuổi, thấy ông bỏ học theo con đường văn chương bất trắc, cha ông không gửi tiền trợ cấp cho ông nữa. Ông đành bỏ Naplơ về Flôrăngx với cha. Cuộc đời của Boccaccio gắn với thành phố này, nơi ông ở lâu nhất. Ông đi vào lĩnh vực truyện văn xuôi còn chưa ai khai thác một cách nghệ thuật. Sau trận dịch hạch khủng khiếp năm l343, ông sưu tầm tài liệu chuẩn bị viết tập truyện Mười Ngày, xuất bản năm 1353. Những tác phẩm tiếng Ý mang lại vinh quang cho Boccaccio như: Nữ Thần ở Fixôlơ (Ninfale Fiesolano, 1345- l346); Con quạ (Corbaxiô, 1355 );tập thơ Rime; Người say mê tình ái (II Filocolo); Flor và Blăngsơflor (Flor et Blancheflor); Tiểu thuyết Hoa Hồng nổi tiếng thời Trung Cổ. Ngoài những sáng tác nổi tiếng bằng tiếng Ý ông còn sáng tác nhiều tác phẩm bằng tiếng La tinh nhưng những sáng tác này không mang lại nhiều tiếng vang đáng kể như : “Nỗi gian truân của những nhân vật nói riêng” (De Casbus virorumillustrium, 1355), “Tập tiểu sử Về những phụ nữ nổi tiếng” (Declaris mulieribus, l374), tiểu sử của 104 phụ nữ đạo đức hoặc xấu xa. Năm 1362 khi Boccaccio 49 tuổi qua một cơn khủng hoảng tâm hồn vì những lý do tôn giáo, ông định thiêu hủy tất cả các sách viết bằng tiếng Ý của ông, cho là quá phóng túng và tội lỗi. Nhưng Pêtraca đã kịp thời ngăn chặn ý định đó. Boccaccio đi Naplơ và Vơnidơ để kiếm một địa vị. Thất vọng, ông về sống chục năm cuối đời ở Xectanđô. Ông sống những năm tháng cô đơn và lặng lẽ, chuyên nghiên cứu văn học cổ La Mã - Hy Lạp cho đến khi chết, năm 62 tuổi. 2. Tác phẩm “Mười Ngày” Đây là tác phẩm lớn nhất của Boccaccio viết năm ông 37 tuổi khi ông đã có hai chục năm trong nghề văn, lấy tên là Décaméron, tiếng Hy Lạp nghĩa là Mười Ngày vì tập sách gồm một trăm truyện kể trong Mười Ngày, mỗi ngày mười truyện. Theo tác giả giới thiệu năm 1348, trong khi bệnh dịch hạch hoành hành ở Flôrăngx, mười thanh niên thượng lưu (bảy nữ và ba nam) rời bỏ thành thị để lánh nạn ở một biệt thự nông thôn. Để tiêu khiển, họ quyết định mỗi ngày mỗi người kể một truyện. Như vậy là sách chia làm mười chương, mỗi chương gồm truyện của mỗi ngày. Mỗi ngày lần lượt một người được bầu làm Hoàng Hậu hay vua để điều khiển tổ chức, đề ra một chủ đề chung cho các truyện kể ngày hôm đó. Mặc dù phụ thuộc vào chủ đề, mỗi truyện đều độc lập về nội dung, tính chất, bố cục. Sinh hoạt hàng ngày của nhóm ít thay đổi, dạo chơi, đàm luận kể chuyện, kết thúc là một bài ca (canzone) để múa hát nhân đó Boccaccio có dịp giới thiệu một số thơ trữ tình hay của mình. 3.Tóm tắt tác phẩm Mở đầu tác phẩm là lời đề tặng của tác giả, tặng cuốn sách cho những chàng tình nhân xấu số và đặc biệt dành tặng cho những người phụ nữ.Tiếp theo tác giả trind bày lí do khởi đầu câu chuyện.Đó là nạn dịch hạch khủng khiếp năm 1347 tàn phá thành phố Florangx.Trong hiểm họa này có bảy cô gái và ba chàng trai họ quyết định họp lại , quyết định trở về vùng nông thôn để nánh nạn.Tại đó họ sống một cuộc sống tự do tự tại.Để giải trí ,họ luân phiên mỗi ngày một người đống vai làm nhà vua hay bà hoàng, có nhiệm vụ chỉ ra một đề tài để cả mười người cùng kể.Mỗi người một câu chuyện theo đề tài đó.Từ đó cuốn sách được chia làm mười chương,mỗi chương gồm truyện của một ngày. Thông qua tác phẩm Boccaccio đã cất tiếng đòi quyền tự do , nhu cầu,khát vọng của con nười và tác giả cũng lên án phê phán xã hội lúc bấy giờ,những thói hư tật xấu của con người. II.Khái niệm tinh thần nhân văn. 1.Tinh thần nhân văn là gì? Thuật ngữ “Nhân văn” cần được hiểu theo nghĩa của từng từ tố: “nhân” là người ý nói mang các đặc trưng của con người, bản chất con người; “văn” là vẻ đẹp văn hóa văn minh. “Nhân văn” có thể hiểu là những giá trị đẹp đẽ của con người. Một tác phẩm có tinh thần nhân văn là tác phẩm văn học thể hiện con người với những vẻ đẹp của nó đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ, tâm hồn,tình cảm,phẩm cách,…Tác phẩm mang tinh thần nhân văn phải hướng đến khẳng định ,đề cao vẻ đẹp của con người. 2.Khái niệm tinh thần nhân văn của thời đại Phục hưng trong truyện “Mười ngày” của Boccaccio. Làn sóng phục hưng diên ra rất mạnh me ở châu Âu ở thế kỉ XIV-XVI.Trên đất nước Ý làn sóng ấy đã được manh nha từ thời của Dante.Đến Boccaccio, ông đã mạnh mẽ viết lên tác phẩm “Mười ngày” và để lại cho kho tàng văn học thế giới dấu ấn đậm nét về thời đại văn học. Tinh thần nhân văn của thời đại Phục hưng trong truyện “Mười ngày” là những câu chuyện thay lời muốn nói của tác giả,là sự phê phán,chống lại lễ giáo phong kiến,khẳng định sự tự do cá nhân,ca ngợi,đề cao vẻ đẹp của con người ở mọi khía cạnh tâm hồn,trí tuệ,tình bạn,tình yêu và bản năng con người…Nhân vật trong truyện của Boccaccio đã đấu tranh để giải phóng chính mình khỏi chế độ ấy,để được sống với chính bản thân mình một cuộc sống có ý nghĩa.Ta thấy ở thời đại trước vấn đề này chưa từng được đưa vào văn học nhưng đến Boccaccio ông đa chống lại phong kiến và khai thác nhưng nét đẹp trong đời sống con người khiến văn học bước sang một thời đại mới-thời đại Phục hưng. III. Tinh thần nhân văn trong truyện “Mười ngày”. 1, Phê phán chế độ phong kiến và giáo hội. Thời kì La Mã sụp đổ đã kéo theo sự suy yếu của văn học Cổ đại. Tiếp theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của Thiên chúa giáo vào thời kì Trung cổ. Tư tưởng của thiên chúa giáo, cùng các Giáo hội và sự lớn mạnh của tầng lớp phong kiến đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thể xã hội. Cũng chính từ đây, những chuẩn mực mới ra đời: hình ảnh của vua chúa được đề cao và xem trọng; hình ảnh những con người thấp kém không được đề cập và được xếp vào hạng thứ yếu trong xã hội. “ Đêm trường Trung cổ” kéo dài cho đến thế kỉ XV thì mới xuất hiện một xu hướng sáng tác mới. Đến thời kì Phục hưng lúc này các nhà văn đi theo con đường sáng tác được học tập từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Và Boccaccio cũng không nằm ngoài tinh thần thời đại ấy. Tinh thần nhân văn được coi là một chủ đề xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển. Đầu tiên đó là sự phản kháng với xã hội phong kiến, với Giáo hội, phê phán tầng lớp quý tộc, chế giễu đạo đức giả của những người tu hành. Đầu tiên, Boccaccio phản kháng chế độ phong kiến, lên án Giáo hội và giáo lí hà khắc. Thông qua tác phẩm Mười ngày, ông đã khắc họa bức tranh xã hội phong kiến ở Ý với hệ tư tưởng giáo điều, mà trực tiếp là sự ảnh hưởng của những Giáo hội với những giáo điều mục rỗng. Boccaccio đã lên án xã hội phong kiến lỗi thời khi chỉ tin vào những điều trong Kinh thánh, quên mất đi hiện tại đời thực của cuộc sống, mà trực tiếp chính là con người. Boccaccio đã phản ánh mạnh mẽ Giáo hội đương thời thông qua các hình ảnh nhà thờ, các tu sĩ… Ngay ở phần mở đầu của truyện ngắn này, câu chuyện Tinh thần Gia tô giáo, với sự xuất hiện của nhân vật Xinpenletto- kẻ ăn trộm với những lời nói dối và sau này được mọi người tôn thờ gọi là Thánh. Khởi đầu nhân vật này phản ánh những thuyết lí Kinh thánh đã trở nên sáo rỗng. Nhân vật Xinpenletto là một con người lừa bịp, trước khi hắn chết đã thêu dệt cuộc đời mình bằng những sự kiện hoàn toàn bịa đặt. Nhưng lời nói này đã hoàn toàn lừa gạt được tu sĩ được cho là người chí thánh và uyên bác.Y sẵn sàng phá bỏ mọi sự thề nguyền dù lời nguyền luôn được coi trọng và là một lời hứa danh dự của một con người, nhưng y sẵn sàng phá bỏ lời thề đó. Thay vào đó y cảm thấy vui sướng khi gây ra những đau thương và mất mát cho người khác. Những lời nói dối của y đến nỗi hai kẻ cho vay nặng lại đã phải thốt nên rằng: “Thằng cha ghê thật! Tuổi già, bệnh hoạn, nỗi sợ cái chết đến gần, nỗi sợ Chúa, mặc dù y sẽ ra tòa án của Người trong giây lát, không có gì có thể lay chuyển sự tán ác của y, không thể ngăn y muốn chết như y đã sống”. Đức tin là Chúa và Chúa được tôn sùng mãi mãi, là đấng tối cao. Nhưng điều này khác biệt hoàn toàn khi đến nhân vật Xinpenletto. Đám ma của y được nhiều người dân đưa tiễn với nghi thức long trọng nhất, và không ai biết được những điều xấu xa mà y đã làm. Y là tên ăn cướp tệ hại. Hình ảnh ấy phản ánh một xã hội mà trắng đen lẫn lộn. Con người ta đi dưới một đám mây mù, không thể phân biệt rành mạch, để rồi tên đại bịp ấy được yêu quý gọi là - Thánh Xiappenletto. Thứ hai, Boccaccio chế giễu thói đạo đức giả của những người tuhành. Cuộc sống của Giáo hoàng, các Hồng y giáo chủ, các giáo chủ khác; tất cả họ từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất đều phạm tội nhục dục hết sức vô sỉ. Tất cả bọn họ đều có tính phàm ăn, nát rượu, say sưa chè chén…. Những súc sinh phóng túng ấy là nô lệ cái bụng của họ. Cái được gọi là “ bữa xoàng nhà tu”, “ việc phần đời nhà tu” ấy thật khiến cho người khác cảm thấy ghê sợ. Những người được cho là những sứ giả do Chúa phái đến giờ đây không khác gì những kẻ cặn bã trong xã hội. Những thú ăn vui sa đọa chính là niềm vui của họ. Những tu sĩ, giáo sĩ đã mang trong mình tất cả những đức tính xấu xa nhất của con người. Những thuyết lý về Giáo hội, những giáo lí, luật lệ đã bị sụp đổ hoàn toàn, thay vào đó là “ hang ổ của yêu quái”. Gia tô giáo từng bước bước vào con đường thoái trào, giờ đây đã bị bao phủ những mây đen mù mịt. Đó còn là thầy tu trong dòng thánh Frangxa Đatxi – người đòi lấy Froranh (một đơn vị tiền tệ) đầy tay. Những bát cháo ở tô của ông và các tu sĩ được lấy cho những người dân nghèo, ông không biết suy nghĩ cho người khác mà chỉ thỏa mãn chính bản thân mình.Câu nói “ Cho một thì người sẽ nhận được một trăm” ông thầy tu vẫn có thể ngồi cười một cách sảng khoái. Hay hình ảnh đáng lên án và đầy ghê tởm của anh chàng tu sĩ Rơnô. Khi đã khoác lên mình áo khoác của thầy tu mà vẫn còn quen thói phù phiếm. Rơnô vừa là tình nhân của mẹ đứa bé, vừa là cha đỡ đầu. Lấy lí do những câu niệm thần có thể diệt được giun trong cơ thể của đứa bé. Những thói quen phù phiếm ngày một tăng và hầu hết xảy ra đối với tất cả tu sĩ. Không chỉ có những nam tu sĩ mà những nữ tu hành – những người được xem là cao quý và thánh thiện cũng không khác là bao. Các nữ tu sĩ tha hồ trêu ghẹo người con trai giả câm Maxetto, “các cô cũng chế anh theo cách người ta đối xử với người câm và nghĩ rằng anh ta không nghe thấy được”. Từ bà tu viện trưởng đến các nữ tu sĩ khác đều có những hành vi thỏa mãn những đòi hỏi của bản thân. Ai cũng bầy mưu, nghĩ kế để nắm bắt anh chàng, và họ bắt anh chàng giữ đến cuối đời. Và đặc biệt hơn, họ bịa ra rằng vì họ luôn càu nguyện nên anh chàng có thể nói được. Thật là một lời nói dối trắng trợn! Ta rõ ràng nhìn thấy sự trụy lạc, thối rữa của những tu sĩ. Những con người ăn chay, đọc Kinh thánh nhưng lại mang trong mình tính nhục dục không thể kiểm soát. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để thỏa mãn bản thân dù đó là vấn đề tiền bạc hay tình yêu. Giờ đây những quyển Kinh thánh, những lời sám hối không còn nơi để sử dụng vì người sử dụng và truyền tải nó đã bị tha hóa hết thảy. Thứ ba Boccaccio đả phá giai cấp quý tộc: Đó là những con người giàu có, có chức, có quyền nhưng sống hẹp hòi, ích kỉ, vụ lợi cá nhân. Tiêu biểu như lãnh chúa Ecmeno Griomadi, lãnh chúa Canedenla Xcala hay đó là sự nhu nhược của vua đảo Syprơ. Tầng lớp quý tộc chỉ còn là những con người đểu cáng khoác lên mình bộ áo thanh lịch. “ Họ cố gắng khôi phục sự hòa hiếu, khi xảy ra các cuộc xung đột hay hiềm thù giữa các nhà quý tộc. Họ khuyến khích các cuộc hôn nhân và thắt chặt lại những quan hệ thân thích và bạn hữu. Những lời tế nhị và sắc sảo của họ là niềm an ủi cho những đầu óc bực bội và là điều giải trí cho các triều đình. Sau hết, những lời phê phán cay độc, nhưng rất thân ái của họ, biết chế nhạo những tính xấu của kẻ khác.” “ Thêm vào đó là văng vào mặt nhau mọi tính xấu, mọi ai nhục, mọi tệ tập, có thật hay bịa đặt. Cuối cùng họ dùng những lời cám dỗ đầy lừa dối để dẫn dắt những kẻ ngây thơ phạm những điều xấu xa hèn hạ. Xin nhớ rằng những tên bịp bợm ấy, được các lãnh chúa thảm hại, thô lỗ của ta, coi trọng nhất những kẻ được hưởng ân huệ lớn nhất từ họ, lại là những con người ghê gớm nhất về hành vi và lời nới”. ( Trích truyện “Một bích họa ngụ ý” trong “Mười ngày”). Ngoài ra, Boccaccio còn rất coi trọng giai cấp tư sản. Trong những bước đầu của thời kì Phục hưng thì các phong trào chống phong kiến và cải cách tôn giáo do giai cấp tư sản diễn ra liên tiếp, mạnh mẽ. Các phong trào này chống Cơ đốc, Giáo hội, đưa đến những cuộc cải cách mạnh mẽ.Giai cấp tư sản ra đời đóng một vai trò quan trọng trong việc đấu tranh xóa bỏ chế độ phong kiến. Những giáo lý khắt khe và những luật pháp hà khắc đã trở thành một lực cản lớn; chính vì vậy mà giai cấp tư sản đi tìm cho mình hệ tư tưởng mới. Họ tìm lại những nét văn hóa cổ đại để chống lại ý thức thời Trung cổ, trở thành một trào lưu văn hóa mới. Đây cũng chính là bước mở đầu cho tinh thần nhân văn chống lại sự giáo điều của quân quyền và thần quyền. 2, Ca ngợi con người. a, Vẻ đẹp ngoại hình. Trong truyện ngắn Mười ngày, chúng ta có thể nhận thấy rằng, có khá nhiều nhân vật có sắc, có vẻ đẹp ngoại hình được miêu tả, mặc dù chỉ với vài ba câu, nhắc đến những đường nét sơ sài, nhưng người đọc vẫn có thể hình dung ra vẻ đẹp của các nhân vật trong tác phẩm. Trong chuyện kể “Vương phi báo thù”, có thể thấy dù sống trong cảnh nghèo đói lưu lạc, ăn vận rách rưới, cô gái nhỏ Jannet vẫn được miêu tả là có gương mặt xinh đẹp, toát lên vẻ xinh xắn, diện mạo dễ thương.Hay trong truyện “Con ma”, có nói Gianni có cô vợ rất xinh và có duyên là Tetxa, con gái Mannuyxio đê Quylia, ả thông minh và tinh ranh. Ở truyện “Cô nàng õng ẹo rởm”, Xietca cũng được điểm qua là cô gái xinh xắn, người cân đối, có vẻ khá cao quý. Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy rằng ở đây tác giả, dù chỉ gợi, không đi sâu vào miêu tả ngoại hình của nhân vật, nhưng khi đọc thì chúng ta đã nhận ra vẻ đẹp bên ngoài của các nhân đã được chú ý và đề cao. b, Phẩm chất đáng quý. Thứ nhất: Sống ân tình, có trước có sau: Người giúp đỡ người, chẳng cần trả ơn, là hành động rất đáng trân trọng, nhưng người mang ơn luôn nhớ đến người có ơn với mình, còn đáng quí hơn, nó thể hiện đó là người sống có trước, có sau, không phụ tình, bạc nghĩa, sống đúng với đạo lý, quy luật ở đời, là đức tính tốt đẹp của con người. Trong truyện “Trận bão” có nhắc tới nhân vật Lăngđônfo, ban đầu anh ta giàu có nhưng làm ăn thất bát, phá sản, cuối cùng anh ta thu lại toàn bộ số vốn mình có để mua một chiếc thuyền nhỏ, đến khi ra khơi, cũng bị bão lật thuyền, rơi xuống biển tưởng rằng mình không còn cơ hội sống sót, nhưng may mắn anh được một người đàn bà tốt bụng cứu vớt, chăm sóc. Sau khi bình phục, anh đến Trani, được mọi người giúp đỡ, cho quần áo, ăn uống, đến thành phố, nghĩ mình được yên ổn, Lăngđônfo mới cởi chiếc túi của mình ra xem châu ngọc kĩ lưỡng,vì trước đây anh chưa làm được. Thấy rằng có rất nhiều và phẩm chất quí tới mức, ví thử bán đúng giá, hay kém giá đi nữa anh cũng sẽ giàu gấp đôi trước lúc anh ra đi, tìm cách tiêu thụ châu ngọc. Nóng lòng trả ơn người đã giúp đỡ mình ở Confu, Lăngđônfo gửi một số tiền lớn cho người đàn bà trung hậu đã vớt anh lên khỏi nước khi bị lật thuyền, anh cũng đối xử với những người bạn ở Tranni đã giúp đỡ anh như vậy. Giữ cho mình phần còn lại, từ bỏ việc buôn bán, anh sống sung túc cho đến cuối đời. Việc trả lại ân nghĩa đã giúp đỡ mình, cuối cùng được sống sung túc cả đời, cuộc đời của Lăng đôn fo, đã khái quát lên một điều, mà ở thời kì đó mong muốn và tin tưởng đó là con người sống cần có tình, có ân nghĩa thì sẽ xứng đáng được sốngcuộc sống đầy đủ. Thứ hai: Biết giữ gìn danh dự: Trong truyện “Vương Phi báo thù”, mặc dù bá tước Xixang ve, là một người đàn ông đã góa vợ, ông vẫn rất trung thành với đức vua và thái tử, từ chối tình cảm của vương phi vợ thái tử, khi bị vu oan hãm hiếp vương phi, ông cùng các con bỏ chốn sang nước khác sinh sống chứ nhất quyết không chịu chấp nhận tình cảm của vương phi. Thấy được rằng, ông quyết giữ danh dự, trung thành của mình với nhà vua, và người vợ quá cố của mình, quyết không để danh dự của mình bị vẩn đục. Cũng trong chuyện kể này, chúng ta chú ý đến nhân vật Jannet, là con gái của Xixang ve, đã được một bà bá tước nhận nuôi từ lúc nhỏ, đến khi đã trưởng thành, bà bá tước muốn gả chồng cho nàng, Jannet vẫn ân cần, thông minh đáp lại: “ Thưa bà, bà nhận tay con từ một người cha khốn khổ, để nuôi nấng con như con đẻ, có lẽ ra con phải vâng theo mọi lời của bà. Song về điểm này, con xin lỗi bà, là phải cưỡng lại lời của bà, và con nghĩ con làm đúng. Nếu bà ưng cho con một người chồng con thực chủ tâm yêu anh ta, chứ không phải là một anh khác. Di sản tổ tiên của con chỉ còn lại là danh dự của con, đó là điều mà con định bụng giữ gìn suốt đời” Danh dự là một trong những phẩm đáng quý, con người cần phải gìn giữ trong bất kì hoàn cảnh nào, dù nghèo khó, đói kém, vất vả. Thứ 3: Giữa người với sống sống có tình thương yêu, giúp đỡ che trở: Con người họ sẵn sàng giúp đỡ nhau, không phân biệt đẳng cấp, giới tính,…không tính toán thiệt hơn, bao bọc, san sẻ cùng nhau. Trong truyện “Vương phi báo thù”, sau khi Xiăngve cùng các con mình bỏ chốn sang sống ở nước khác sống nghèo đói, ăn xin. Vợ một ông đô đốc giàu lòng trắc ẩn, thương yêu, trông thấy cảnh nghèo khổ của cha con nhà bá tước đã xin được nuôi Jannet và hứa nuôi dạy khi nào mà trở thành một cô gái ngoan và đến lúc sẽ gả chồng cho Jannet, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Janet được nuôi dạy chu đáo, nàng xinh đẹp được mọi người yêu mến hết sức, vị phu nhân muốn tìm người tử tế gả nàng đi, nhưng sợ gả phải một người quê kệch, cuối cùng vượt qua rào cản lớn nhất là giai cấp, bà để Jannet, kết hôn với con trai mình và sống hạnh phúc cả đời. Thứ 4: Dù mắc phải rất nhiều sai lầm, nhưng con người có lòng sám hối và phục thiện: Truyện “Vương phi báo thù”, vợ thái tử năm xưa đổi oan cho bá tước Xiăngve, giờ đã là hoàng hậu nước Pháp lâm bệnh rất nặng, bà cảm thấy mình sắp qua đời, bà thú nhận về tội lỗi của mình với lòng sùng tín lên tổng giám mục thành Ranhv, mà mọi người đều coi như một tu sĩ, chí thiện chân chính, cùng với những tội lỗi khác, hoàng hậu không chỉ nói ra trước mặt vị giám mục mà còn kể ra rất nhiều chi tiết, viện chứng, nhiều nhân vật đáng tin, và cầu xin họ khẩn thiết tâu trình lên nhà vua, để ông bá tước nếu còn sống hay qua đời, thì những người thừa kế của ông được phục hồi lại chức tước ban đầu của họ. Thứ 5: Lòng thủy chung và gan dạ của con người: Ở trong truyện Những đồ nữ trang không kín đáo, nàng Ginervo mặc dù bị chồng vu oan, có ý giết hại, nhưng nàng vẫn gan dạ đối đầu với tên tay sai của chồng mình, thông minh, dũng cảm dùng lời lẽ có khi cầu xin tha thiết, khi khẳng định để bảo toàn tính mạng, nàng giả trai, đối đầu với kẻ vu oan cho mình, mạnh dạn đòi lại sự trong sạch cho bản thân. Khi mọi chyện đã rõ ràng, mặc dù Becnabô đáng chết, nhưng nàng vẫn tha cho chồng mình, nâng anh dậy, âu yếm và ôm anh trong vòng tay như chính chồng mình của trước kia. Ginervo là người phụ nữ đại diện cho vẻ đẹp phẩm chất đáng quý cho người phụ nữ, mặc dù bị vu oan, đẩy đến cùng cực, nàng vẫn không chấp nhận số phận, một mực vươn lên, đòi lại công lý, sự trong sạch. Đáng trân trọng hơn nữa là tấm lòng thủy chung, son sắt giành cho chồng mình, chính những phẩm chất đó đã giúp nàng có một cuộc sống hạnh phúc, ấm êm, no đủ cả đời. Qua tất cả những ý trên đã phân tích, chúng ta thấy rằng những giá trị nhân văn đã được đề cao. Con người dù bất hạnh, nghèo đói, đau thương đến đâu, nhưng chỉ cần có lòng tin, giữ gìn phẩm chất, danh dự của mình, thì cuối cùng vẫn được hưởng ấm êm hạnh phúc, đó phải chăng là một bài học về đạo đức mà tác giả đã ngầm nhắn nhủ ở đó. c, Những con người có trí tuệ, sắc sảo. Trong truyện nhà hiền triết phái Êpiquyn, Guyđô Cavancăng đi được nhận xét là một thanh niên có trí tuệ lại ham mê khoa học và triết học, tính tình vui vẻ, nói năng hoạt bát, cực kì ngay thực, môn thao luyện nào cũng thạo, việc gì làm cũng có duyên và dễ dàng hơn người khác. Hay cách xử lý đầy khôn khéo, thông minh của mình nàng Ginervo đã thoát chết trong truyện “Những đồ nữ trang không kín đáo”, Ginervo là người phụ nữ xinh đẹp, nàng bị chồng đổi oan và nghi ngờ, sai một tên tùy tùng giết chết, nhưng với những ngôn ngữ đầy sắc xảo của mình, nàng đã thoát chết. Ginervo khóc và nói rằng: “ Đội ơn Chúa, xin anh hãy rủ lòng thương, mong anh chớ vì tuân theo lời một người khác mà giết hại kẻ chưa làm gì đến anh. Chúa thấu hiểu mọi việc, mọi vật, người biết rõ rằng tôi không mắc tội gì khiến chồng tôi đối xử như thế này. Nếu anh muốn anh có thể làm hài lòng cả Chúa, lẫn ông chủ anh và chính tôi. Thế này nhé, anh hãy lấy hết quần áo của tôi chỉ để lại cho tôi cái áo chẽn ngắn với cái mũ của anh thôi, rồi đem hết những thứ ấy về cho chủ của anh, nói rằng giết tồi rồi.Được cứu vớt, tối sẽ lánh ra xa và đi đến một nơi mà không bao giờ Becnabo, hay anh, hay bất cứ ai ở Gie nghe tới tôi”. Với những lời lẽ thấu tình, đạt lý đó, nàng đã thoát chết, không chỉ dừng lại ở đó nàng quyết tìm đến sự thật, giả trai đến 6 năm, cuối cùng nàng cũng biết kẻ vu oan mình là ai. Nàng tìm cách chứng minh mình vô tội, vạch rõ sự dối trá của Ăngbrogiaôlô, chồng mình được thấy sự thật. Cùng với trí tuệ thông minh, tác giả còn đề cập tới trí xảo, ranh mãnh của những người ở tầng lớp dưới, mặc dù phạm tội, nhưng sử dụng trí tuệ, mánh khóe, cuối cùng đều thoát chết. Trong truyện “Anh coi ngựa tưởng bở”, cũng dùng trí xảo của mình mà đã lừa được đức vua mà thoát chết. Anh coi ngựa có tình cảm với vợ của vua Agiluyn, nhưng thân phận anh ta hèn mọn, tình yêu thì lúc nào cũng trỗi dậy. Anh ta nghĩ ra kế sách giả dạng vua để vào phòng Hoàng hậu, sau đó bị phát hiện, anh chăn ngựa bị nhà vua cắt một chỏm tóc là dấu hiệu để sáng hôm sau nhận ra. Với trí thông minh của mình anh ta hiểu rõ hành vi, ý nghĩa và dấu tích kia để dùng để làm gì. Y vùng dậy, vào chuồng ngựa tìm một cái kéo dùng cho việc xén lông ngựa. Rồi rón rén đến gần tất cả những người đang ngủ, phía trên tai mỗi người y đều cắt như vậy. Vua thấy vậy tự nhủ: mặc dù hắn có nguồn gốc thấp hèn, nhưng cái thằng mà ta tìm kiếm khắp nơi kia quả là người có đầu óc hơn người’ Chúng ta thấy rằng bằng trí tuệ thông minh của mình, tất cả mọi người đều có cách giải quyết mọi việc thấu đáo nhất, được người khác yêu quý và kính trọng. Dù là ở tầng lớp, đẳng cấp nào, khi có trí tuệ, cách đối phó, xử lý hiệu quả thì đều đem lại kết quả tốt đẹp và nhận được sự yêu mến. 3.Ca ngợi tình yêu. Ngoài những giá trị thể hiện tinh thần nhân văn như đả kích, chống lại lễ giáo phong kiến, ca ngợi con người từ trí tuệ, ngoại hình lẫn phẩm chất tốt đẹp bên trong thì một giá trị không thể bỏ qua của tinh thần nhân văn trong thời kì Phục hưng trong tác phẩm “Mười ngày” là ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi bản năng tầm thường của con người. Boccaccio thể hiện vấn đề tình yêu là vấn đề xuyên suốt phần lớn các truyện trong “Mười ngày” ,khát vọng tình yêu tự do của đôi lứa dâng lên một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, có tình yêu trong trắng ,có chuyện tình nặng nề về ác thịt, có sự ghen tuông, có tình yêu tế nhị cũng có tình yêu tàn bạo, có sự nhớ nhung, đau đớn cung có sự oán thù.Tất cả các cung bậc, khía cạnh khác nhau của tình yêu đều được thể hiện qua các câu chuyện của tác phẩm. Nhân vật trong các truyện của “Mười ngày” luôn khao khát về một tình yêu tự do, vượt lên cái lễ giáo phong kiến, phá vỡ sự truyền thống ràng buộc, phá vỡ quan niệm họ sống vì ý thức cá nhân, vì bản năng nhiều hơn. Và hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ được ca ngợi ,bênh vực đến như vậy. Đó chính là thể hiện tư tưởng nhân văn trong thời kì Phục hưng, tác giả đã đi khai thác và ca ngợi vẻ đẹp con người ở những khía cạnh khác nhau mà các thời kì trước chưa từng có. Không khó để bắt gặp những câu chuyện tình yêu trong trắng, tốt đẹp và kết thúc có hậu của đôi lứa.Trong chuyện “Lấy lại được chồng” chính tình yêu vô hạn và sự thông minh, lòng kiên trì chịu đựng của mình mà Gilettơ đã lấy lại được thân phận và tình yêu thương của Beetrăng- chồng nàng. Ngoài ra nội dung này còn thể hiện trong chuyện “Người nô lệ tài giỏi” kể về Goxtanza và Marluyxio. Sau khi tưởng Marluyxio đã chết và Goxtanza tuyệt vọng, cô đã trôi dạt đến một hòn đảo sau đó họ tìm thấy nhau, nhận ra nhau và kể cho nhau nghe những chuyện đã xảy ra. Cuối cùng họ đã trở về và sống hạnh phúc yên ổn bên nhau. Boccaccio đã ca ngợi tình yêu trong trắng xuất phát từ đáy lòng của cả hai người, họ yêu thương và khao khát được sống theo tình yêu của mình và cuối cùng họ cung được đền đáp. Trong tình yêu không thể thiếu nỗi đau khổ của các cặp đôi yêu nhau mà không đến được với nhau và Boccaccio cũng không quên thể hiện nội dung này trong các câu chuyện của tác phẩm “Mười ngày”. Sự đau đớn của con người trong khi yêu mà không được bên người mình yêu được khắc họa rõ nét trong câu chuyện “Thắng lợi của cái chết”. Ghixôngđơ là một gái góa bụa, sống với cha là Tăngcređơ vua thành Alecnơ. Vua cha hết mực yêu thương và không muốn con gái tái giá. Tuy nhiên với bản năng và tình yêu của mình Ghixôngđơ qua lại với Ghixca một quan chức trẻ, xuất thân thấp hèn mà chàng đã quan sát bấy lâu nay. Tuy xuất thân thấp hèn nhưng Ghixca lại khác hẳn người khác về phong cách sống và đức tính.Họ đã hẹn hò qua lại, vui thú với nhau. Một ngày vua cha phát hiện, thấy ô nhục nên đã cho giết Ghixca, lấy trái tim chàng đựng vào cốc vàng và sai người đem đến cho con gái ông. Ghixôngđơ thấy vậy bèn rót thuốc độc vào cốc và uống rồi chết. Boccaccio đã cho nhân vật sống với tình yêu mãnh liệt của mình đến hơi thở cuối cùng, cận kề cái chết vẫn nguyện một lòng mong ước được chôn chung dưới một nấm mồ. Đó là sự đau khổ của những người yêu nhau nhưng bị lễ giáo cấm đoán, bị chi phối bởi nguồn gốc xuất thân, chức tước, địa vị. Boccaccio đã để nhân vật của mình nói lên quan điểm về tình yêu và bản năng con người bằng da bằng thịt, để nhân vật được nói lên ý kiến của mình và sự khát vọng về một tình yêu là sự trường tồn, vĩnh cửu ngay cả khi đau đớn nhất. Câu chuyện đã cho ta thấy tác giả ca ngợi tình yêu tự do, thứ tình yêu cao đẹp không phân biệt xuất thân, địa vị. Họ dám sống, dám hành động và dám kết thúc cuộc đời mình để tình yêu ấy được và vĩnh cửu. Họ không còn được cùng nhau hưởng lạc trên cõi đời nhưng cái chết là một sự thắng lợi, thắng lợi về khao khát yêu thương, về khát vọng và quan điểm yêu và được yêu, được hết mình vì tình yêu trong khuôn khổ của phép tắc, của lễ giáo phong kiến. Với họ, chết vì tình yêu, được cùng người mình yêu hơn là sống trong đau khổ. Cung bậc tiếp theo của tình yêu là sự oán thù, tàn bạo. Khi tình yêu trở nên sâu đậm mà không được đáp trả, khi tình cảm dành cho một người là trân quý, là thật lòng nhưng lại bị coi thường, hờ hững thì rất dễ để tình yêu biến thành thù hận. Ranh giới giữa yêu và hận rất mong manh. Bocaccio đã nói lên khía cạnh đó của tình yêu qua một vài chuyện trong tác phẩm của mình. Trong truyện “Không đùa giỡn với tình yêu” tác giả đã vẽ lên một câu chuyện tình của một chàng giáo đồ tên là Rênhiê dành cho một nữ thiếu phụ xinh đẹp, duyên dáng nhưng kênh kiệu tên là Hêlen. Chàng rất mực say đắm và tìm đủ mọi cách để tiếp cận và chinh phục người thiếu phụ ấy. Từ tình yêu say đắm, mãnh liệt trở thành sự hận thù khi một lần Rênhiê bị Hêlen lừa đứng dưới sân trong đêm tuyết rơi lạnh buốt với hi vọng sẽ được bên nàng trong khi trong nhà người thiếu phụ lại gian díu với tình nhân và chàng giáo đồ đã phải rất khổ sở chịu đựng và lấy lại sức trẻ của thân thể mình. Sau đó chàng nung nấu ý định trả thù, đến một ngày chàng cũng có cơ hội khi bày cách cho Hêlen cách để người tình nhân kia quay về bên nàng. Rênhiê đã trả thù bằng cách để Hêlen trần truồng trên một chòi tháp lạnh lẽo một đêm rồi chịu sự bỏng rát của ánh nắng, sự đau điếng của ruồi đốt vào ngày hôm sau. Cô hầu thì bị ngã gẫy chân vì trước đó cũng đã tiếp tay cho Hêlen lừa chàng. Đó là sự trả thù khi tình yêu bị đem ra làm trò đùa, bị coi thường, khinh miệt. Là bài học trân quý cho con người không nên đùa giỡn với tình yêu- một thứ tình cảm rất thiêng liêng. Cái rất mới ở đây là tác giả đã dám lên tiếng bênh vực nhục dục, ái tình và coi đó là bản năng bình thường của con người cũng như bao bản năng khác. Nhục dục ái tình là vấn đề mà lễ giáo phong kiến cho là gay gắt, trái với luân thường đạo lí thì Boccaccio lại lên tiếng bênh vực vấn đề đó, cho đó là nhu cầu, là bản năng hết sức tầm thường của con người. Có thể con người không đến với nhau bởi tâm hồn nhưng họ tìm thấy nhau sự hòa hợp ở thể xác, sự dung tục. Trong truyện “Con ma” kể về Tetxa vợ của Gianni có tư tình với Frêđêri, họ thường xuyên qua lại, hẹn hò với nhau nhờ ám hiệu. Một đêm do xảy ra lỗi từ ám hiệu nên Frêđêri đã đến nhà Tetago cửa, Tetago giả vờ không nghe thấy, Gianni nghe thấy liền đánh thức vợ và Tetago bảo đó là ma, đọc thần chú để ma đi đi nhưng thực chất là để người tình biết rằng chồng ở nhà và hãy quay về đi. Bocaccio không để cho nhân vật của mình bị bại lộ, ông che giấu và bênh vực cho nhân vật đó. Ngoài ra ái tình còn lộ liêu hơn trong truyện “Trăm sự nhờ cái thùng”.Pêronen tư tình với Gianen khi chồng vừa ra ngoài đi làm.Bất chợt chồng về nên nàng bảo người tình chui vào cái thùng, được cớ chồng bán thùng nên nàng đã bảo Gianen là người mua với giá cao hơn và đang trong thùng để xem xét. Lấy cớ cần cạo rửa nên Pêrônen đã lừa chồng mình vào bên trong thùng,thân trên cô thò vào để che miệng thùng,thân dưới thì Gianen đang cùng nàng thỏa mãn. Tác giả miêu tả rất thường tình: “Hắn ôm lấy bụng người vợ lúc này đang bịt kín mất hắn cái miệng thùng tô nô rồi đưa con dục trai tráng đến nơi đến chốn…”. Vì vậy mà chuyện tư tình không bị bại lộ. Ái tình là một trong những bản năng của con người và hết sức bình thường như bao bản năng khác. Mà bản năng thì cần được đáp ứng. Bocaccio không chỉ gợi ra vấn đề trong giai đoạn trước chưa từng xuất hiện mà còn dám bênh vực, lên tiếng bảo vệ vấn đề đó. Với Bocaccio ái tình,nhục dục là thứ gì đó hết sức bình thường trong đời sống con người, là một nhu cầu, bản năng của thể ác, cũng có vẻ đẹp riêng đáng trân trọng và ca ngợi. Bocaccio đã vẽ lên một bức tranh tình yêu với đầy đủ những màu sắc, những cung bậc khác nhau, cả tâm hồn lẫn thể xác, phản ánh rất chân thực đời sống tình cảm con người. Qua đó nói lên quan điểm rất tiến bộ, rất mới mẻ của ông về tinh thần nhân văn,về cái đẹp. Con người là một chỉnh thể với rất nhiều vẻ đẹp ở nhiều khía cạnh khác nhau, vẻ đẹp ấy hiện lên từ những điều tầm thường, bình bị nhất. Nhân vật trong tác phẩm của Bocaccio đã dám nói lên suy nghĩ của mình về tình yêu, về những nhu cầu trong cuộc sống. Nhất là người phụ nữ. Họ không còn bị bó hẹp trong lễ giáo phong kiến đầy bất hạnh mà họ đã có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng và những hành động quyết liệt, táo bạo cho cuộc sống của bản thân mình. Thể hiện ý thức cá nhân rất mạnh mẽ. IV. Nghệ thuật. Khi đọc truyện ngắn Mười ngày chúng ta khá ấn tượng bởi nội dung cũng như hình thức của tác phẩm này. Không theo một trình tự, kết cấu hay nội dung xuyên suốt nào, toàn bộ truyện ngắn là các câu chuyện, mẩu chuyện ngắn, tản mạn, nhưng mỗi truyện lại truyền tải những nội dung, thông điệp nhất định xung quanh cuộc sống. a, Kết cấu: Đọc truyện ngắn Mười ngày, chúng ta thấy kết cấu khá lỏng lẻo, rời rạc, nhưng không vì thế mà truyện trở nên nhàm chán, khi thì xoay quanh đến tình yêu, ham muốn, trí tuệ của anh chăn ngựa, lúc lại là ca ngợi người phụ nữ thủy chung, trong sáng, khi thì ca ngợi tình yêu tự do… tưởng chừng như tác phẩm không có sự gắn kết, nhưng thành công chính là ở sự lỏng lẻo đó, đó chính là sự cộng lại vốn kiến thức uyên bác, và tâm hồn nhạy cảm, uyên bác đầy tinh thần nhân văn của tác giả. b, Cốt truyện: Cốt truyện khá đơn giản, hầu như chỉ có vài chuỗi chuyện, dung lượng mỗi truyện chỉ chiếm vài trang, vài ba nhân vật, nhưng điều gây ấn tượng với người đọc chính là ở các tình tiết truyện, các xung đột, thắt nút, mở nút, khá kịch tính, các cuộc đối thoại, lời kể của nhân vật,tác động đến nhận thức, tình cảm, tư tưởng của người đọc. Có nhiều truyện được mượn của kho tàng truyện cổ dân gian phương Đông, thời trung cổ,thời thượng cổ, truyện đương thời. c, Bố cục: “ Truyện lồng truyện”, đan xen vừa tạo ra bề rộng, bề sâu cho tác phẩm, tuy không cùng thống nhất về nội dung, nhưng câu chuyện này bổ xung cho câu chuyện kia, cùng nhau tạo nên nội dung, tư tưởng cho tác phẩm. d, Ngôn ngữ: Ngôn ngữ được sử dụng khá linh hoạt, giàu sắc thái, đa dạng của nhiều vùng miền, được viết bằng tiếng Ý, lúc giọng điệu trầm ngâm, suy tư, lúc lại châm biếm, thô lỗ,.. tất cả điều đó hòa quyện trong các câu truyện kể tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Đặc biệt là ngôn ngữ trần thuật, tạo tính chân thực cho câu truyện. e, Nhân vật: Tác giả xây dựng hình tượng nhân vật khá rộng, đủ mọi tầng lớp: nông dân, quý tộc,phụ nữ, trẻ em, công nhân, tri thức…tuy các nhân vật không được khắc họa rõ nét về tính cách nhưng điều đã toát lên tâm tư, tình cảm của họ, mở rộng đối tượng nhân vật ra như vậy, tác giả có cơ hội thể hiện cái nhìn cụ thể, bao quát của mình về cuộc sống. V.Mở rộng. 1) Với “Thần khúc” của Dante “Thần khúc” là tâp thơ kể lại cuộc hành trình của Dante, trong tác phẩm là nhân vật tôi kể lại cuộc hành trình qua ba thế giới bên kia. Nhà thơ La Ma nổi tiếng Virgil dẫn ông đi qua Địa ngục và Luyện ngục, Beatrice người phụ nữ mà Dante đem lòng yêu mến, biểu hiện của một tình yêu thuần khiết dẫn ông qua Thiên đàng. Ở “Thần khúc” vẫn còn mang đậm dấu ấn thời Trung cổ về niềm tin tôn giáo, Chúa Giesu, quan niệm triết học và sự tượng trưng ,ẩn ý như 3 con thú tượng trưng cho 3 tính ấu là: “ghen tỵ-kiêu ngạo-keo kiệt”, số 9 là tuổi sắp tròn của Beatrice và tuổi mới tròn của Dante…Tuy nhiên ở “Thần khúc” cũng đã mang tư tưởng nhân văn của thời kì Phục hưng, đặt nền móng cho những sáng tác sau này, mở đầu cho thời kì văn học Phục hưng.Tư tưởng nhân văn được thể hiện ở chỗ, trong xã hội của những lễ giáo phong kiến Dante đẫ mạnh dạn cho suy nghĩ, yếu tố cá nhân, ca ngợi trí tuệ và tình yêu giữa con người với con người vào tác phẩm. Đó là trí tuệ của nhà thơ Virgil đã dẫn chàng đi qua Địa ngục và Luyện ngục, là tình yêu của Beatrica đa dẫn chàng đi qua Thiên đàng và tới sự giải thoát….Sự kết hợp giữa lí trí, trí tuệ và trái tim sẽ dẫn con người ta tới những giải thoát mới, hướng đi mới tốt đẹp hơn. 2) Với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du Có thể thấy, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có nhiều nét tương đồng với “Mười ngày” của Boccaccio. Là sự đả kích chế độ phong kiến dẫm đạp lên quyền sống của con người, phê phán thói luân thường đạo lí gò bó, chật hẹp nhất là đối với hình tượng người phụ nữ. Ca ngợi những con người tài giỏi với trí tuệ thông minh, nhạy bén. Ca ngợi tình yêu và con đường đến với tình yêu của nhân vật. Nhân vật trong “Mười ngày” và Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” đều mạnh mẽ, mãnh liệt bước qua rào cản của xã hội phong kiến để đến với tình yêu, đến với bản năng của mình. Cả hai tác phẩm đều hiện lên hình ảnh người phụ nữ với tiếng nói riêng, suy nghĩ riêng cùng những hành động vô cùng táo bạo và quyết liệt. Hơn bao giờ hết, nhân vật trong truyện được tác giả bênh vực, bảo vệ để đi tới con đường tình yêu của mình.Cả hai tác phẩm đã để lại dấu ấn rất mạnh mẽ trong lòng độc giả về một khuynh hướng sáng tác mới ,đi ngược lại với xã hội mà tác giả đang sống, họ ca ngợi những vẻ đẹp mà xã hội đó người ta vùi dập, họ là những con người đi tìm cái đẹp ở những nơi mà xã hội cho là bùn lầy nhất. Ở đây sự so sánh này mang tính chất tương đối vì thời đại mà hai tác phẩm ra đời hoàn toàn khác biệt nhưng điểm chung nổi bật đều là bảo vệ quyền con người, con người khát khao được sống, được thỏa mãn với bản thân, phá vỡ xã hội phong kiến hà khắc, trói buộc con người. V. Tổng kết. Boccaccio cùng với truyên ngắn “ Mười ngày” của mình đã đóng góp một vai trò quan trọng trong nền văn học thời kì Phục hưng. Ông đã sử dụng ngôn ngữ Ý, lấy con người vào vị trí trung tâm, là đối tượng để miêu tả, ngợi ca và đưa tinh thần nhân văn trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ trong thời kì Phục hưng. Tư tưởng nhân văn của Boccaccio đã đóng góp lớn vào nền văn học ở Ý và các quốc gia khác, tuy nhiên thì vẫn tồn tại những điều chưa tiến bộ.Con người là trung tâm tuy nhiên Boccaccio chỉ tập trung vào con người với những bản năng nguyên thủy của mình, mà chưa đi vào những con người của xã hội.Đề cao con người, phản đối xã hội phong kiến cùng những thuyết lí giáo hội chèn ép con người nhưng ông lại không đề cao những con người thuộc tầng lớp nhân dân. Những câu chuyện trong truyện ngắn “Mười ngày” là những dòng văn bình dị, gần gũi với cuộc sống và đã phản ánh một sự tiến bộ mới, tạo nên một thời kì phát triển rực rỡ của thời kì Phục hưng. ===================================================== *Biên bản làm nhóm: 1, Khái quát chung + powerpoint - Hoàng Thị Hồng Ngọc. 2, Phê phán chế độ phong kiến và giáo hội + tổng kết- Nguyễn Thị Phượng. 3, Ca ngợi con người + nghệ thuật- Nguyễn Thị Thu Quỳnh. 4, Ca ngợi tình yêu + mở rộng- Hoàng Thị Minh Tâm. *Tài liệu tham khảo: 1, Giáo trình văn học phương Tây- Lê Huy Bắc (chủ biên) NXB GD Việt Nam. 2, Văn học phương Tây- Nhiều tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Lưu trữ Blog

  • ▼  2017 (27)
    • ▼  tháng 11 (25)
      • Đặc điểm thơ Pushkin qua bài thơ “Tôi yêu em”
      • Thế nào là “nỗi buồn sáng trong” trong thơ A.Pushk...
      • Tính cách Nga thể hiện qua truyện ngắn “Số phận co...
      • TRUYỆN NGẮN “MỘT CON NGƯỜI RA ĐỜI” ...
      • Quan niệm về con người của Maxim Gorky
      • Xung đột kịch trong Chờ Godot của Samuel Beckett
      • Xung đột kịch Trong khi chờ đợi Gôđôcủa Beckett
      • Cái cười trong Lão hà tiện của Moliere
      • Bài thuyết trình: Làm rõ quá trình chuyển biến...
      • Tinh thần nhân văn trong tác phẩm “Người lái buôn ...
      • TINH THẦN NHÂN VĂN  TRONG CHÀNG THƯƠNG NHÂN THÀN...
      • Trình bày nguyên lí Tảng băng trôi Trong tác phẩm ...
      • Trình bày nghệ thuật tiểu thuyết của Honore De Bal...
      • vai trò của tác phẩm “Robinson Crusoe” trong phong...
      • NGHỆ THUẬT LÃNG MẠN QUA HÌNH TƯỢNG JEAN VALIJEAN T...
      • TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI KHOA NGỮ VĂN ———&...
      • Đặc điểm truyện ngắn O. Henry qua tác phẩm “Chiếc ...
      • Tinh thần nhân văn của thời đại Phục hưng qua truy...
      • TINH THẦN NHÂN VĂN CỦA THỜI ĐẠI PHỤC HƯNG QUA TÁC...
      • II. Tư tưởng nhân văn trong truyên “Mười ngày”. ...
      • ĐỀ TÀI: Tính toàn dân tộc trong sử thi Iliat của ...
      • ĐẶC TRƯNG SỬ THI TRONG "ODYSSEY"
      • Chủ đề: Đọc hiểu văn bản truyện ngắn 1945 - 1975
      • Nhà thơ Sergei Aleksandrovich Esenin
      • Lá thư gửi Thầy”

Giới thiệu về tôi

Unknown Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Từ khóa » Tóm Tắt Mười Ngày