Tóm Tắt Thương Nhớ Mười Hai - Xúc Cảm Ngày Tết - TopLoigiai

      Nội dung của sách là khoảng thời gian mười hai tháng của một năm với những món đặc sản ‘mùa nào thức nấy’ đặc trưng của vùng đất Bắc, nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Bên cạnh câu chuyện của đồ ngon đồ lạ, là hình ảnh người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó của gia đình, là tấm lòng đau đáu hướng về quê hương khi vẫn còn lưu lạc ở miền Nam, là tình yêu của một người chồng dành cho vợ mình. Đọc Thương nhớ mười hai giống như được xem một bộ phim hay về ẩm thực về cuộc sống của người Bắc Kỳ thời xưa, mỗi hình ảnh đều rất tinh tế, đẹp, và đượm buồn.

Mục lục nội dung Review Thương nhớ mười hai[Bookademy] Review Sách "Thương Nhớ Mười Hai": Tiếng Lòng Cố Hương

Review Thương nhớ mười hai

      Thoạt đầu ai cũng tưởng chẳng làm sao. Cùng là đất nước, đi đâu mà chả thế? Từ Bắc vào Trung, đâu đâu lại không có những con mắt nhìn vào những con mắt mà như gói ghém cả một trời thương; từ Trung vào Nam, chỗ nào mà lại chẳng có những miệng cười, không nói ra lời mà hàm súc biết bao duyên thắm?

      Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đạp vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo.

      Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục.

      Sài Gòn, Phú Lâm, Bình Lợi, Chợ Lớn, Lồ Ồ... vui quá, cứ uống rượu mạnh thế này, nghe con hát đàn vừa múa vũ vừa ca, lại cặp kè với con gái hơ hớ như trăng mới mọc thế này, thì sao lại có thể rầu rĩ được? Ấy vậy mà một buổi chiều trở gió kia, ngồi cúi xuống lòng để hỏi chuyện tim mình, ta cảm như có hàng vạn con mọt nhỏ li ti vừa rung cánh o o vừa đục khoét con tim bệnh tật. Và tự nhiên ta có cảm giác rằng thân thể ta, không biết từ lúc nào, đã bị mối "xông" và đang đi đến một chỗ một ruỗng, rã rời tan nát.

Một nỗi buồn se sắt xâmchiếm đầu óc ta. Buồn thì ngâm thơ :

Biệt li ai kể xiết lời,

Vì hoa cách mặt cho người thương tâm.

Người đưa rượu hỏi thăm Bành Trạch,

Kẻ say trăng tìm khách Đào, Chu;

Nào ai trang điểm mầu thu,

Hoa vàng chén bạc tạc thù với ai?

Miền Hữu Lĩnh tin mai gắn bó,

Đỉnh Cô Sơn mối gió đợi chờ.

Muốn mang chén rượu, câu thơ,

Lạnh lùng trong tuyết, hững hờ dưới trăng...

....

      Ngâm thơ lại càng buồn, mình chán nản không để đâu cho hết. Sự chán nản không tên tuổi, không lý do, ví có muốn nói ra với người ở cạnh cũng không thể được.

Tại sao lại buồn? Tại sao lại chán?

Không biết tại làm sao cả.

      Người bạn mây nước, gặp gỡ ở phương trời hiểu sao được những u uẩn đó nên người xa nhà cũng chẳng buồn nói ra làm gì. Gió về đêm lạnh tê tê, nước đập vào bờ dào dạt và bến nước nào người ta cũng khổ. Thương nhau, muốn an ủi lẫn nhau, mà không dám nói, hay không biết nói ra thế nào. Người đẹp chỉ còn biết cúi đầu xuống thở dài, còn người đàn ông thì im lặng, đưa cặp mắt như mất thần nhìn vào bóng đêm mịt mù có tiếng dế kêu giun khóc. Cái buồn, cái chán cứ như thế mà kéo lê thê ra mãi.

      Cho tới một ngày kia... đang ngồi trong một tiệm ăn hẻo lánh ở trên sông Tân Thuận, trận mưa đầu mùa trút nước xuống phố phường. Những người Bắc Việt ngồi ở những bàn ăn gần đó nhìn mưa mà thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi bầu không khí nặng nề lúc đó, bèn kiếm một câu gì để nói.

      Một người bảo:

      "Ở Bắc, có lẽ bây giờ cũng mưa đầu hè đấy nhỉ."

      Một người khác:

      "Thế nhưng mưa ở Bắc, nó khác kia, bà ạ"

      Một người khác nữa:

      "Cái gì cũng khác hết. Thôi đừng nói nữa, tôi muốn khóc đây."

      Người bạn phương trời liếc nhìn ông bạn trai đứng cạnh: hai người im lặng chẳng nói, vì nói chẳng ra lời, nhưng càng cảm thấy như có một thứ điện kì lạ truyền cảm đi khắp người.

      Thì ra không cần nhiều: chỉ một câu nói tầm thường vào một buổi chiều mưa gió dìu hiu cũng gợi lên được những ấn tượng rầu rĩ trong một tấm lòng đã có mối xông.

      Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm ngát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng.

      Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống.     

      Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn-xuân-la trồng ở bên giậu trúc; nhớ mưa bụi, vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống một lý rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thổ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo...

      Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!

      Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch nương ở Nghi Tàm có còn chưa phong quanh như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng đi với người vợ bé nhỏ, bồng con ở trên tay đi đến thăm người bạn sống cô chích ở trong vườn "Bình Bịp" bây giờ ra thế nào? Trên con đường Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ và các cô gái ngăm ngăm da dâu có còn nắm lấy tay các du khách mà ví von ca hát không cho về? Ở trước cửa chợ Đồng Xuân, có còn chăng những hàng nước chè tươi; ở chợ Hôm, những hàng phở gánh bán cho khách ăn đêm; và ở trên khắp nẻo đường, những người đội thúng, cầm một chiếc đèn dầu ở tay, lặng lẽ đi trong đêm rao "giò, dầy"?

      Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể chàng trai nhớ gái; bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết.

      Ai bảo kẻ vắng mặt chịu thiệt thòi? Tôi thấy càng vắng mặt bao nhiêu thì lại càng thương gấp bội; chỉ có kỉ niệm là đẹp thôi, chớ hiện tại bao giờ cũng kém phần tươi tốt.     

      Nhưng thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được đâu? Tại sao không chịu yên vui với hiện tại, tiếc nuối làm gì vô ích? Lịch sử không đứng yên một chỗ bao giờ.     

      Cái đã đi là cái đã mất. Đành vậy. Lấy hiện tại so sánh với quá khứ, e bị chủ quan mà có sự bất công.

      Tôi cũng biết có sự bất công, khó tránh. Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi. Có lẽ đó là một sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà lại chẳng bất công như thế?

      Tôi yêu mến luôn cả sự bất công như thế? Mười hai tháng của mười hai cuộc đổi thay tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năng tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tính tứ, tôi cảm ơn sự bất công đã cho tôi nhìn rõ lòng tôi yêu thương Hà Nội đến chừng nào, Hà Nội ạ!

      Ngày xưa, con gái thừa tướng, ngồi ở trên lầu cao nghe tiếng hát anh lái đò mà mê mẩn nhưng vì không duyên kiếp nên hai người không lấy được nhau. Anh lái đò dong con đò ra khơi, đánh đắm đò mà chết rồi nhập hồn vào một cây bạch đàn. Quan thừa tướng thấy cây đẹp, sai đẵn về tiện thành một bộ trà tuyệt đẹp. Mỗi lần cô gái cầm chén trà lên uống thì lại thấy bóng hình anh lái đò hiện lên trong chén trà:

Không cầm lấy chén thì thôi

Hồ cầm lấy chén lại thấy người hò khoan.

      Bây giờ, người xa cách Bắc Việt lâu ngày cũng vậy: ăn một tô hủ tíu thì nhớ đến phở Bắc "chính cống" ăn vào một buổi sáng rét căm căm; trông thấy cua bể thì nhớ đến bát canh cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ; gặp một ngày bão rớt thì lòng lại buồn rười rượi, nhớ đến thu sơ với gió may, hoa vàng. Trời tháng ba, nhớ hội hè đình đám, con gái hát ví nghe thật là hay, đàn ông đánh vật xem mà sướng mắt; tháng bảy, nhớ mưa Ngâu rả rích buồn như lòng người khuê phụ nhớ chồng; tháng tám, cũng thưởng bánh Trung thu, cũng cộ đèn, nhưng lại nhớ trăng Cổ NGư và thèm cái cảnh tưng bừng nhộn nhịp ở Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Mã...; tháng một nhớ đến gió ở Đọi Điệp lúc tản cư, mặc áo trấn thủ ngoài khoác va-rơ đi như muốn bay lên trời mà miệng vẫn không ngớt ngâm bài "Tây tiến"; tháng chạp nhớ những con đường ẩm ướt, nhớ mưa phùn rét căm căm, hai vợ chồng lên Đông Hưng Yên ăn một bát "tam xà đại hội" khói bốc lên nghi ngút.

      Mỗi tháng lại có những cái đẹp não nùng riêng, nõi nhớ nhung riêng. Mỗi cảnh bầy ra trước mắt mình lại nói lên những niềm thương yêu cũ, làm thế nào mà giữ mãi ở trong lòng cho được?

      Tôi ghi lại "Thương nhớ Mười Hai" không nhằm mục địch gì cao rộng, chẳng qua chỉ là đánh giấu những ấn tượng hiện ra trong trí óc những buổi mây chiều gió sớm, "sầu biệt ly vơi sáng đầy chiều" thây nhận được trong khi lạc bước trên những nẻo đường chật ních những người bận rộn bên cạnh những ngoại kiều ăn mặc như phường chèo, nói "líu lô buồn nỗi khó nghe"!

      Ới những người thiên lý tương tư! Nếu bất ngờ những dòng sau đây có lạc vào tay bạn, mà thấy nói được lên một mối cảm hoài của bạn vẫn chất chứa ở bên lòng, thế là kẻ viết bài này lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

      Đời mà có một người vui cái vui của mình, buồn cái buồn của mình chẳng là đủ rồi sao? Có tâm sự trong lòng, lặng nhìn nhau không nói mà cũng cảm biết, thế chẳng đủ rồi sao?

      Thôi bây giờ, mặc cho ngòi bút đưa đi, đến đâu hay đó...

[Bookademy] Review Sách "Thương Nhớ Mười Hai": Tiếng Lòng Cố Hương

Tóm tắt Thương nhớ mười hai - xúc cảm ngày tết

     Cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, sâu lắng. Theo trình tự mười hai tháng, từng câu văn gợi nhớ đến tuổi thơ đáng nhớ. Hẳn ai trong chúng ta cũng tìm thấy bóng hình hồi nhỏ của mình trong đó. Cuốn sách là hoài niệm, là những tháng năm không bao giờ quên.

1. Bậc thầy sành ăn Bắc Việt

     Theo dòng thương nhớ mười hai tháng, Vũ Bằng đã cho người đọc dạo quanh thế giới ẩm thực với tất cả những “đặc sản” ở miền Bắc. Mùa nào thức nấy, mỗi mùa  người đọc lại được “ nếm” những tinh hoa của đất trời hòa quyện với phương thức chế biến dân tộc. Từ cái thú ăn bánh chưng rán với cá kho đến ăn chả cá anh vũ, cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc,.. là những kinh nghiệm quý báu về ẩm thực nói riêng và tinh hoa dân tộc nói chung mà nhà văn đã truyền tải đến bạn đọc.

     Với khí hậu nhiệt đới, miền Bắc được trời phú cho nhiều loại hoa quả hảo hạng. Mỗi loại có một mùi vị riêng, một phong cách riêng. Để cảm nhận được sự khác nhau giữa các loại hoa quả đã là một điều khó vậy mà tác giả còn có những cảm nhận rất sành sỏi về từng giống trong một loại quả. Phải là người rất sâu sắc và am tường mới có thể có những cảm nhận rất độc đáo như vậy được.

     Hồng, thực ra, có ba bốn loại: hồng hạc, bốn múi, trái dài, ít hột, ngon nhất là giống ở Việt Trì; hồng ngâm tức là thứ hồng xanh, có trái ăn hơi chát, muốn kiếm thứ thực ngon phải là giống ở Sơn Tây. Nhưng trong lễ cưới hỏi, nhất định phải tìm cho được hồng mòng, chẳng những trông đã đẹp mắt, mà cốm và hồng ăn vào miệng lại nhuyễn với nhau, vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi, ấy ai đa cảm, mấy mà không nghĩ rằng thịt ướp lấy thịt, da ướp lấy da để hòa làm một cũng chỉ mê li đến thế chớ không thể nào hơn được!

     Rành về các loại trái cây, sự tương thích của từng loại trái cây trong các tình huống trong cuộc sống là vậy, nhà văn lại cũng rất rành về cách chế biến các loại thức ăn vào từng mùa sao cho ngon. Đọc những câu văn miêu tả cách chế biến mà người đọc không khỏi tưởng tượng đến căn bếp nào ngào ngạt hương thơm với bàn tay người nội trợ khéo léo. Thật khó để kiềm lòng trước những áng văn sống động, độc giả tiếp tục đọc mà thấy sao ruột cồn cào như xem chương trình quảng bá ẩm thực vậy.

Tóm tắt Thương nhớ mười hai - xúc cảm ngày tết (ảnh 2)

     … Chỉ một lát thôi, mổ ruột bỏ lòng đi rồi nhồi với hạt sen, ý nhĩ, miến, thịt ba chỉ, mộc nhĩ,nấm hương, cho vào nồi hầm lên,…Đáo để cái giống chim này, sao mà thịt nó thơm, mà lại mềm đến thế, mềm đến cả xương,.. Chết, đem nó làm món gì cũng ngon chết người đi: xáo với măng, lá lốt như kiểu xáo vịt đã hay, thái ra từng miếng nhỏ hấp với rau cải nõn lại càng ngon tệ, nhung ngon vượt bậc là đồ một chõ xôi “ nếp cái mới” rồi úp một hai con chim ngói lên trên để cho mỡ nó nhuyễn vào xôi rồi lấy ra ăn thật nóng, nhất định cả thế giới này không có một món ăn nào sánh nổi.

2. Nỗi lòng của người con xa xứ

     Chiến tranh làm chia cắt hai miền đất nước, chia cắt về mặt địa lý, lìa đôi tình cảm làm hai. Nhà văn nhìn đâu cũng thấy nỗi buồn da diết, nhìn đâu cũng tự mình so sánh Bắc Việt quê ta giờ này đang ra sao. Đặc biệt đến những ngày tháng Bảy, khi mưa ngâu giăng giăng khắp lối nhà văn không tự chủ được mà có nhiều liên tưởng thú vị.

     Theo dòng hồi tưởng những sự tích xưa cũ về Ngưu Lang- Chức Nữ, nhà văn nghĩ đến người con gái đẹp nào đó cũng thấy mưa trong lòng mình vì cho rằng mình là thứ Chức Nữ bị trời đầy cách biệt. Mà Ngưu Lang- Chức Nữ còn có ngày gặp nhau để vui buồn, than khóc với nhau còn chàng Ngưu Lang của nàng thì chưa định rõ ngày gặp lại. Sầu thương, nhớ nhung tất cả chỉ dám thể hiện trong tiềm thức không có ai để dãi bày.

     Ai không vui duyên hương lửa, ai ôm trong lòng vạn lý tình, ai tiễn người đi mãi mãi không về, ai nhìn khói sông mà nghĩ đến người bạt ngàn mây nước, ai nhớ ai cùng xây mộng ước mơ nhưng vì trời chẳng chiều lòng người mà phải gẩy khúc đàn cho người khác nghe,vào những ngày mưa ngâu như thế, hỏi có đau không? Hỏi có sầu không? Ai cũng như ai, không nói ra một lời nhưng đều thấy lòng nặng trĩu một bầu trời thương cảm.

     Thương cho tiết trời tháng Bảy sao mà âm u quá, thương cho vợ chồng chàng Ngưu một năm mới gặp nhau được một lần, thương cho mình, thương cho kiếp người sao dệt toàn bằng những sự nhỡ nhàng ngang trái. Đời là vậy từ ngàn xưa đến giờ vẫn luôn còn đầy những điều trái ngang. Giọt nước mắt hàng năm của Ngưu Lang-Chức Nữ cũng như giọt lệ của chính mình. Chính lòng người vương sầu làm câu chuyện cổ từ xưa cũ đượm nên một màu u buồn, thi vị. Trong đêm mưa sườn sượt trong không gian nghe thấy tiếng van xin của người ăn mày, tiếng guốc lê sền sệt trên đường khuya, tiếng rao buồn của người bán hàng rong chưa được về nhà, người thi sĩ dậy lên trong mình một bầu trời thương cảm về kiếp người. Tại sao có những người khổ quá sức, là khổ thê thì có thể gọi họ là người được không?

     Tháng bảy buồn đâu chỉ ở chuyện tình đẹp đẽ đứt gánh giữa chừng. Tháng bảy còn là tháng người li hương tiếc nuối không khí chùa chiền miền Bắc vào dịp Tết Trung Nguyên để giải thoát cho các cô hồn chưa được siêu sinh vẫn cứ phải vất vưởng ở bờ ngang bụi doc chỉ còn biết trông vào người có đôi chút từ tâm, ngày rằm mồng một thí bỏ cho bát cháo nắm xôi, hay đốt cho thoi vàng,manh áo để rồi.

Nghe gà gáy kiếm đường lánh ẩn

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra.

Tóm tắt Thương nhớ mười hai - xúc cảm ngày tết (ảnh 3)

     Bao nhiêu sự tích xa xưa được tác giả đưa ra, lý giải rõ ràng thể hiện nỗi niềm mong nhớ về một miền Bắc Việt quê hương mình. Ở quê hương của mình người ta đều như vậy dành cả tháng Bảy để hoài niệm. Hoài niệm về mối tình dang dở, hoài niệm về người đã khuất, hoài niệm về những sự tích dân gian kì bí, còn người con xa quê nay cũng hoài niệm như vậy chỉ khác một điểm nay còn phải thêm hoài niệm về quê hương, về phong tục nơi quê nhà. Hoài niệm về quê hương là nhớ đến những phong tục tập quán ở nơi ấy.

     Vào ngày Tết Trung Nguyên nhà nào cũng phải nấu một nồi cháo trắng múc ra từng chén đặtở trước nhà, và đèn vàng mã, chè đường bỏng bộp bày ra để cho các u hồn phảng phất ở chung quanh tìm lại mà phối hưởng. Lễ xong các vật phẩm ấy người thường không ăn, nhưng để cho người nghèo khó đến giành giật để ăn hoặc cho vào bị đem về nhà.

     Người Bắc Việt xưa là vậy, không chỉ nghĩ cho mình mà còn nghĩ cho những người nghèo. Họ luôn mang trong mình lòng thương cảm với những số phận con người không may mắn. Xót thương thay cho những mảnh đời bất hạnh. Con người nơi đây luôn tinh tế và nhạy cảm như vậy. Có lẽ bởi vì thế mà một ngươi con xa xứ xuất thân từ miền Bắc xa xôi, bao nhiêu năm ròng vẫn không thôi nhớ về.

     Tháng tám, mùa thu- mùa trăng đẹp nhất trong năm. Mọi sự của mùa thu đều diễn ra chầm chậm làm không gian thêm buồn. Cái buồn se sắt, đẹp não nùng của Bắc Việt thân yêu cũng lại biệt mù tăm tích, không biết đến bao giờ mới lại được nghe thấy hơi heo may về với hoa vàng. Cảnh thu khắp nơi nhẹ nhàng, tình tứ như Hằng Nga dịu dàng mà sao nỗi lòng của người xa quê trong thời chuyển mùa lại da diết, xao xuyến đến vậy.

     Quái lạ là cái mùa kì diệu: tự nhiên trời chỉ đổi màu, gió chỉ thay chiều làm rụng một cái lá ngô đồng, thế là bao nhiêu cảnh vật đều nhuộm một màu tê tái, làm cho lòng người đa cảm tự nhiên thấy se sắt, tư lường. Thế là trời đất có cây tự nhiên hiện ra dưới một lăng kính mới: trăng sáng đẹp là thế cũng hóa ra buồn, trời bát ngát yêu thương như thế mà cũng hóa ra tê tái, sông nước đẹp mông mênh như thế mà cũng hóa ra đìu hiu lạnh.

     Nỗi lòng người tha hương được thể hiện tinh tế ở tất cả các mùa. Mùa nào, tháng nào nhà văn cũng không thôi nỗi sầu, nỗi sầu ấy nhuốm màu vào cảnh vật. Đúng như đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bởi trong vẫn còn mang nặng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương chưa biết bao giờ mới được đoàn tụ. Buồn là thế nhưng nhà văn vẫn là một người coi trọng cái đẹp, ông vẫn muốn sống, muốn tận hưởng cái đẹp, cái tinh hoa của đất trời

     Cái buồn mùa thu lê thê, cái buồn mùa thu tê mê, cái buồn mùa thu não nề nhưng không day dứt đến mức làm cho người ta chán sống. Ấy là vì gió thu buồn, nhưng trời thu lại đẹp, đẹp nhất là trăng thu, đẹp đến nỗi làm người ta buồn nhưng vẫn cứ muốn sống, để hưởng cái đẹp bàng bạc trong khắp trời cây mây nước- nếu chết thì uổng quá.

     Trong những ngày cuối năm, khi thời khắc chuyển giao năm mới cận kề, người con phương Bắc thấy nôn nao cảm xúc về quê hương thân yêu. Nhớ từ những hoạt động mọi năm đầm ấm bên vợ con nhớ đi đến nhớ không khí ngày tết quê nhà nhớ về. Các phong tục tập quán từ xa xưa như in sâu thẳm trong tâm trí tác giả: ngày Tết không được quét nhà, vì sợ đuổi thần tài ra cửa, không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công việc làm ăn vất vả. Những tập tục dân gian hiện lên như một đoạn kí ức đẹp đẽ nhất trong đầu nhà văn. Mộng càng dài càng đẹp,càng đẹp lại càng buồn, càng buồn càng nhớ quê hương.

     Giữa những ngày Tết, trong đám thiên hạ vui xuân, y cứ đi như một người bị chứng thụy du, đầu óc mông lung, nhớ cái Tết Bắc Việt không thể nào chịu được.

3. Một người chồng thương vợ

Tóm tắt Thương nhớ mười hai - xúc cảm ngày tết (ảnh 4) 

     Trong tác phẩm “ Thương nhớ mười hai” còn được ghi dấu ấn bởi tình cảm vợ chồng sâu sắc. Hầu như trong mười hai tháng trong năm, ta đều bắt gặp hình ảnh người vợ lam lũ, chịu thương, chịu khó của tác giả. Có thể nói tình cảm phu thê giữa hai người là rất sâu đậm, nay bị xa cách không khiến tình cảm phai nhạt đi mà càng thêm nồng nàn, thương nhớ.  Chính chiến tranh làm chia cách hai miền đất nước, chia xa đôi vợ chồng , ngay cả ngày người vợ lìa cõi đời tác giả cũng không có cơ hội ở cạnh vuốt mắt.

     Khóc thì yếu thật, nhưng anh ta khóc, khóc âm thầm- rồi khóc nức nở, khóc thảm thiết như chưa khóc thế bao giờ…Người chồng dừng lại, sợ chính bóng mình. Nước mắt anh lại ứa ra, và chảy dài theo lối đi lấp loáng một bông sao rụng.

     Đây chính là hiện thực tàn khốc của chiến tranh, ngay cả những giờ khắc cuối cùng của cuộc đời con người cũng không thể nào đoàn tụ bên người thân yêu nhất mà chỉ có thể lặng mình ngồi khóc một mình với tất cả đau đớn tột cùng. Vì mang trên vai sự nghiệp cách mạng giang dở mà giờ phút thiêng liêng nhất anh cũng không thể san sẻ nỗi đau bên gia đình mà phải một mình cô đơn gặm nhấm nỗi đau cùng cực.

     Ở trong miền Nam giàu có sung sướng, hương phấn thừa thãi, nơi có những tiếng cười tiếng nói đa tình, những bộ đứng, cách đi duyên dáng của các cô bạn mỹ miều anh vẫn không sao nỗi đau thương về người vợ quá cố

     Bao nhiêu ấm cúng, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu an ủi đã chết rồi, bây giờ chỉ còn lại một cái gì trống rỗng mông mênh, một cái gì nhạt nhẽo không làm rung động được khứu giác, một cái gì ghê rợn thoang thoảng mùi bệnh tật và chết chóc.

4. Kết

Tóm tắt Thương nhớ mười hai - xúc cảm ngày tết (ảnh 5)

Cuốn sách là tiếng lòng của người con xa xứ. Đọc xong cuốn sách ta thấy yêu sao mảnh đất quê mình. Mỗi cá nhân thấy tự có ý thức trong việc trân trọng giá trị quê hương. Những điều giản dị mà trước kia ta không chú ý đến giờ đây ta thấy sao mà trân quý vậy. Đặc biệt trong giai đoạn đất nước đổi mới về kinh tế, phát triển du lịch, mở cửa đón du khách quốc tế đến thăm quan đất nước ta thì cuốn sách chính là nhịp cầu giao lưu văn hóa, quảng bá về đất nước- con người Việt Nam.

Từ khóa » Tóm Tắt Mười Ngày