Tôi đọc Búp Sen Xanh... - Báo Công An Đà Nẵng

(Cadn.com.vn) - Còn nhớ ngày cuối năm học cấp hai, năm 1987, tôi được nhận phần thưởng học sinh giỏi 9 năm liền, trong đó có cuốn sách "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng. Đây là cuốn sách tôi ao ước từ lâu. Năm tháng học trò qua đi, lớp bụi thời gian phủ đầy trong ký ức nhưng "Búp sen xanh" vẫn theo tôi trong suốt hành trình cuộc đời.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc "Búp sen xanh" là lời đề từ ngắn gọn của nhà văn Sơn Tùng: "Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời". Qua tác phẩm, nhà văn đã "minh chứng" hùng hồn cho "bài học" ấy, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc, uyên thâm. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ quyết liệt, tác giả Sơn Tùng là phóng viên chiến trường ở Quân khu 4 và Đông Nam Bộ, đến năm 1971 ông bị thương nặng và được đưa ra miền Bắc chữa trị. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng ông không ngừng sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học và thành công hơn hết vẫn là về đề tài Bác Hồ, mà đỉnh cao là "Búp sen xanh". Thai nghén cho tác phẩm này từ năm 1948, và hoàn thành vào năm 1980. Chừng ấy cũng đã thấy được chữ "TÂM" của nhà văn Sơn Tùng đối với Bác Hồ kính yêu.

Nhà văn Sơn Tùng-tác giả tiểu thuyết "Búp sen xanh".

"Búp sen xanh" là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về thời thơ ấu và trai trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc tác phẩm, tác giả đưa ta về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ XX, nơi ấy là làng Sen-quê nội, làng Hoàng Trù (làng Chùa)-quê ngoại của Bác với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm, với tên suối tên sông... đậm chất Nghệ mặn mà, ân tình. Theo bước chân của Bác, người đọc biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ câu hò trên sông, về với đình Dương Nổ, trường Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc Học từng ghi dấu chân Người đến trường học chữ, học nhân cách làm người. Hay Bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Theo đó, những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói... mỗi vùng đất Bác đi qua cũng được tác giả thể hiện một cách tự nhiên và chân thật.

Với "Búp sen xanh", càng đọc và nghiền ngẫm, người đọc nhận ra chân giá trị sâu sắc của tác phẩm. Đó là trong cuộc đời mỗi con người, giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành là rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách, tâm hồn của mỗi con người. Trong tác phẩm "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng chỉ đề cập từ thời niên thiếu đến ngày Bác ra đi tìm đường nước, tưởng sẽ chỉ thuyết phục bạn đọc nhỏ tuổi song tác phẩm vẫn có sức hút kỳ lạ với độc giả mọi lứa tuổi ngay từ khi tác phẩm ra đời đến nay. Người đọc nhận ra qua từng cử chỉ, lời nói đầy tình thương, kính yêu của cậu bé Côn với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà, với bạn bè cùng trang lứa, cô bác hàng xóm láng giềng. Người đọc "sống" lại từng hoàn cảnh đáng thương của Bác như cảnh mới mười tuổi đầu, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, bế em đi xin sữa...

Hình ảnh lay động lòng người đọc nhất là cảnh đám tang bà Hoàng Thị Loan giữa đất trời "Kinh thành Huế nghiêng nghiêng dưới gầm trời u ám cuối năm", khi đó cậu bé "Nguyễn Sinh Côn, đầu đội khấu rơm, mặc áo đại tang, chống gậy, chân đất, đi sau quan tài mẹ... Côn gục đầu vào nắp áo quan mẹ... Côn vừa khóc nấc dồn dồn, toàn thân run lên...". Rồi đến cảnh "Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về với ngôi nhà hoang vắng trong thành nội... Côn bế em vào lòng, tựa lưng bên bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm đen quạnh quẽ mịt mù". Vậy đấy, tuổi thơ của Bác trải qua những khổ ải, thiếu thốn trăm bề, và Bác đã vươn lên, vượt qua những giông tố ấy, mãi là bài học về tình thương, nhân cách, nghị lực sống ngay từ thuở ấu thơ của Người...

Với tác phẩm "Búp sen xanh", nhà văn Sơn Tùng khắc họa chân dung Bác qua nhận thức sâu sắc ngay từ nhỏ về hai chữ "độc lập, tự do". Đó là những năm tháng theo cha vào Kinh đô Huế, là cậu học trò thông minh, hiếu học, sáng dạ nơi mái trường Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc học. Rồi trên bước đường "hành phương Nam" làm người thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết)... Trên cuộc hành trình đó người thanh niên Nguyễn Tất Thành chứng kiến biết bao cảnh cơ hàn của người dân vô tội trong hoàn cảnh đất nước lầm than, từ đó nuôi dưỡng ý chí việc ra đi tìm đường cứu nước.

Đọc "Búp sen xanh" sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn của Bác từ trong mái ấm gia đình và hoàn cảnh đất nước lầm than lúc bấy giờ. Với "Búp sen xanh", thông qua những câu chuyện trong cuộc đời thời thơ ấu của Bác để nhà văn "khái quát" sự hình thành nhân cách Bác Hồ, các yếu tố hun đúc nên một con người cả đời đau đáu vì dân, vì nước... Mãi mãi, những trang sách của "Búp sen xanh" là bài học lớn về một nhân cách lớn của một bậc "đại nhân, đại trí, đại dũng" ngay từ thuở thiếu thời đến lứa tuổi hai mươi của Người, đấy là những viên gạch làm nền móng cho "Cả đời người là cả nước non" (Tố Hữu)...

Thảo Nguyên

Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Búp Sen Xanh