Tội Gian Lận Trong Kinh Doanh Bảo Hiểm Là Gì? - Luật Hoàng Anh

1. Căn cứ pháp lý

Điều 213 Chương XVIII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như sau:

Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

2.1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 và năm 2019, Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi gian lận. Gian lận là một thuật ngữ pháp lý rộng dùng để chỉ các hành vi không trung thực cố ý sử dụng sự lừa dối để tước đoạt tiền, tài sản hoặc các quyền hợp pháp của người khác một cách bất hợp pháp. Hành vi gian lận được nhà làm luật miêu tả chi tiết bằng 04 hành vi liệt kê tại Khoản 1 Điều 213 Bộ luật Hình sự:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người.

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

Giả mạo tài liệu là hành vi của người không có nhiệm vụ nhưng đã cố ý tạo ra các giấy tờ giống như thật bằng những phương pháp, thủ đoạn khác nhau để từ chối bồi thường hoặc từ chối nhận tiền bảo hiểm. Các giấy này có thể là giả từng phần (con dấu và chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là thật nhưng nội dung ghi trong đó là giả hoặc chỉ có mẫu biểu là thật còn lại là giả) hoặc có thể là giả toàn bộ.

Làm sai lệch thông tin là hành vi viết thêm, tẩy, xóa,... nhằm làm khác đi thông tin thật để từ chối bồi thường hoặc từ chối nhận tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về căn cứ bồi thường như sau:

“Điều 46. Căn cứ bồi thường

1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.”

Bên bảo hiểm chỉ bồi thường dựa trên những thiệt hại xảy ra trên thực tế khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình không phải sự kiện bảo hiểm. Do đó, người nào tự mình gây ra thiệt hại để được bảo hiểm là trái với quy định pháp luật.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Hậu quả đó là chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng trở lên.

Điều 213 cũng loại trừ một số trường hợp trùng với quy định về tội phạm khác của Bộ luật Hình sự như Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 353.Tội tham ô tài sản và Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Các tội quy định tại Điều 174, 353 và 355 đều giống với Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm ở hành vi gian lận, gian dối, lừa đảo.

Trường hợp hậu quả của tội phạm chưa đạt đến mức quy định tại Khoản 1 Điều 213 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28-8-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số:

“Điều 14. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm

...

3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.”

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai hoặc bất kì pháp nhân thương mại nào tham gia kinh doanh bảo hiểm và đạt các điều kiện luật định như sau:

Trường hợp chủ thể là cá nhân:

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2013, pháp nhân thương mại được hiểu như sau:

“Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại là một quy định hoàn toàn mới, lần đầu được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, điều kiện chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự như sau:

“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Thông thường người phạm tội này đều vì vụ lợi.

3. Hình phạt đối với người phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Điều 213 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối cá nhân phạm tội và 04 Khung hình phạt đối với pháp nhân phạm tội như sau:

3.1. Hình phạt đối với cá nhân phạm tội

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3.2. Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

- Khung hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Tội Gian Lận Trong Kinh Doanh Bảo Hiểm