Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Là Gì? - Luật Hoàng Anh
Có thể bạn quan tâm
Ngoài các hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác thì sử dụng trái phép tài sản của người khác cũng xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị xâm phạm. Pháp luật hình sự quy định người sử dụng trái phép tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự.
1. Căn cứ pháp lý
Điều 177 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội sử dụng trái phép tài sản như sau:
“Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Dấu hiệu pháp lý tội sử dụng trái phép tài sản
2.1. Khách thể của tội phạm
Sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản do đang chiếm giữ. Tội phạm xâm phạm chủ yếu đến quyền sử dụng tài sản, người phạm tội còn phải chiếm hữu tài sản, do đó tội phạm cũng xâm phạm đến quyền chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, muốn sử dụng được tài sản.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Hành vi sử dụng trái phép tài sản là hành vi tự ý khai thác giá trị sử dụng của tài sản, mặc dù người phạm tội không có quyền sử dụng đối với tài sản đó. Hành vi này không làm cho chủ tài sản mất quyền sở hữu đối với tài sản đó. Ví dụ, anh A đang vội đi làm, thấy chiếc xe đạp dựng trên vỉa hè đã lấy đi, chiều đi làm về anh A lại trả chiếc xe về vị trí cũ.
Cần phân biệt hành vi sử dụng trái phép tài sản với hành vi chiếm đoạt tài sản. Chỉ coi là sử dụng trái phép, nếu hành vi chỉ nhằm khai thác giá trị sử dụng của tài sản trong một thời gian nhất định chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian này chủ tài sản sẽ có lại tài sản của mình.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Điều luật chỉ quy định gía trị tài sản bị sử dụng trái phép mà không quy định giá trị sử dụng (hoa lợi) của tài sản bị sử dụng trái phép, do đó không cần phải xác định giá trị sử dụng mà người phạm tội đã khai thác lợi ích của tài sản mà chỉ cần xác định giá trị tài sản bị sử dụng trái phép. Khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự đưa ra 02 loại hậu quả như sau:
- Giá trị tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản, người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính cũng về hành vi sử dụng trái phép tài sản bằng một trong các hình thức được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc theo Điều lệ của cơ quan, tổ chức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp; nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác ( không phải là hành vi sử dụng trái phép) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 177 Bộ luật hình sự.
Đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản, người phạm tội đã bị Toà án kết án về tội sử dụng trái phép tài sản nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là tội sử dụng trái phép tài sản) thì cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 177 Bộ luật hình sự.
- Giá trị tài sản dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật Hình sự.
Theo Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
Đặc biệt, tất cả tài sản bị sử dụng trái phép không phải là vốn đầu tư công của nhà nước. Trường hợp tài sản bị chiếm hữu là vốn đầu tư công thì người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 220 Bộ luật Hình sự.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Tội phạm có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cũng có thế do nhiều người cùng thực hiện.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhân thức rõ hậu quả xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra. Mục đích của người phạm tội là mong muốn khai thác giá trị sử dụng của tài sản. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Động cơ của người phạm tội là vì vụ lợi, tức là đem lại lợi ích vật chất tinh thần cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Động cơ cũng là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nếu không chứng minh được người phạm tội có động cơ vì vụ lợi thì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
3. Hình phạt đối với người phạm tội sử dụng trái phép tài sản
Điều 177 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
- Khung hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này.
- Khung hình phạt phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
Tải sản ở đây có thể là tiền hoặc tài sản khác có giá trị quy đổi từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng.
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
Đây là trường hợp phạm tội mà trước đó pháp nhân thương mại phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị xét xử.
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm chỗ ở của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện tội phạm; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Như vậy sử dụng trái phép tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã sử dụng trái phép tài sản của người khác hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục sử dụng trái phép tài sản của người khác.
- Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Vụ án cụ thể xét xử về tội sử dụng trái phép tài sản
Bản án số 165/2019/HSPT ngày 25/6/2019 “V/v xét xử Đoàn Thanh M phạm tội sử dụng trái phép tài sản” của Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Đà Nẵng.[1]
Khoảng tháng 03/2017, ông Hồ Đắc T, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải và du lịch C (viết tắt Công ty C) điều động Đoàn Thị Thanh M là nhân viên của Công ty vào làm kế toán kiêm thủ quỹ Phòng bán vé của Công ty C tại Bến xe Miền Đông, thành phố Hồ Chí Minh. M có nhiệm vụ quản lý tiền phát sinh trong hoạt động kinh doanh và làm dịch vụ chuyển tiền cho khách hàng của Công ty C tại Bến xe Miền Đông. Trong thời gian này, Đinh Thị D thường đến Phòng bán vé của Công ty C chuyển tiền về thành phố T5 nên biết được nhiệm vụ của M. D nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Công ty C nên chủ động làm quen với M. Để tạo lòng tin, D thường xuyên mua trái cây đến Phòng bán vé cho M và các nhân viên ở đây; thường xuyên chuyển tiền về cho người thân ở thành phố T5. Sau khi đã tạo được lòng tin, D nhiều lần điện thoại, nhắn tin mượn tiền của M để chuyển cho người thân ở thành phố T5 và sau đó D trả tiền đầy đủ, đúng hẹn.
Ngày 25/01/2018, D điện thoại nhờ M chuyển 13.800.000 đồng cho Lưu Mạnh D (ở số 24 đường T6, phường Z, thành phố T5) và hứa sẽ trả cho M vào chiều cùng ngày, nhưng sau đó D không trả mà tiếp tục nhờ M chuyển tiền nhiều lần cho nhiều người ở thành phố T5. Khi số tiền lên đến khoảng hơn 60.000.000 đồng, M đòi thì D nói số tiền mượn đã hùn vốn đóng tàu với một người đàn ông ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hiện còn đang thiếu vốn nên bảo M tiếp tục lấy tiền đưa cho D mượn đầu tư đóng xong tàu, xuất hóa đơn bán sẽ có tiền trả lại cho M. Để M tin tưởng, D nhiều lần đưa cho M từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và nói là tiền của ông đóng tàu cho M, tổng cộng D đã đưa cho M 40.000.000 đồng. Đoàn Thị Thanh M không được chủ sở hữu tài sản là 04 thành viên góp vốn của Công ty C cho phép, nhưng do tin tưởng và được D cho 40.000.000 đồng nên đã tự ý lấy 1.430.000.000 đồng của Công ty C đưa cho D. M lấy tiên của Công ty C đưa cho D bằng hai hình thức:
Một là, lợi dụng nhiệm vụ được giao làm dịch vụ chuyển tiền, M đã chuyển tiền về cho 09 người thân của D ở thành phố T5 để đưa lại hoặc trả nợ cho D, tổng cộng 658.600.000 đồng.
Hai là, M nhiều lần lấy tiền mặt của Công ty C do M đang quản lý đưa cho D, tổng cộng 771.400.000 đồng.
Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ ngày 25/01/2018 đến ngày 06/03/2018, Đinh Thị D đã chiếm đoạt của Công ty C 1.430.000.000 đồng để trả nợ và tiêu xài.
Hành vi của Đoàn Thanh M là hành vi nguy hiểm cho xã hội, khi thực hiện tội phạm Đinh Thị D đã đủ tuổi theo quy định của pháp luật và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định tuyên bố bị cáo Đoàn Thị Thanh M phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản”, xử phạt bị cáo Đoàn Thị Thanh M 02 (hai) năm tù, thời hạn tính từ ngày bắt thi hành án.
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta312649t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 20/7/2021.
Từ khóa » Ví Dụ Về Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản
-
Về Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản - Tạp Chí Tòa án
-
Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Của Người Khác Bị Xử Lý Thế Nào? - LSVN
-
Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản - Những Quy định Cần Biết! - PhapTri
-
Phân Tích Dấu Hiệu Của Tội Sử Dụng Trái Phép Tài ... - Luật Minh Khuê
-
Mức Phạt Mới Nhất Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Thế Nào?
-
Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Theo Quy định Của Bộ Luật Hình Sự
-
Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Trong Bộ Luật Hình Sự Năm 2015
-
Quy định Về Tội Chiếm Giữ Trái Phép Tài Sản
-
Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Của Người Khác Bị Xử Lý Như Nào?
-
Bình Luận Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản - LuậtBìnhTâm
-
Quy định Về Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Theo Pháp Luật Hình Sự
-
I. Về Một Số Tình Tiết Là Yếu Tố định Tội Hoặc định Khung Hình Phạt
-
Luận Văn: Tội Sử Dụng Trái Phép Tài Sản Theo Luật Hình Sự, HAY
-
Những Dấu Hiệu Của Tội Lạm Dụng Tín Nhiệm Chiếm đoạt Tài Sản