Tội Xúi Giục Hoặc Giúp Người Khác Tự Sát Theo Bộ Luật Hình Sự 2015

Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát là một tội danh theo quy định của BLHS. Theo đó, các hành vi xúi giục, giúp đỡ được người phạm tội thực hiện. Đương nhiên trong trường hợp này, người phạm tội hoàn toàn xác định được hậu quả xấu nhất sẽ xảy ra. Các động cơ thực hiện tội phạm có thể khác nhau tùy vào nhận thức của người phạm tội. Tuy nhiên hành vi này đã thúc đẩy cướp đi tính mạng, quyền được sống của con người mà pháp luật bảo vệ. Do đó, cùng tìm hiểu các cấu thành của tội phạm cũng như hiểu rõ về các hành vi được người phạm tội tiến hành.

Căn cứ pháp lý: 

– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

Mục lục bài viết

  • 1 1. Hành vi xúi giục, giúp người khác tự sát là gì?
    • 1.1 1.1. Hành vi xúi giục người  khác tự sát:
      • 1.1.1 – Kích động người tự sát.
      • 1.1.2 – Dụ dỗ người khác tự sát.
    • 1.2 1.2. Hành vi giúp người khác tự sát:
    • 1.3 1.3. Người bị hại phải tự mình thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng:
      • 1.3.1 Kết quả: Nạn nhân tự sát:
      • 1.3.2 Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi:
      • 1.3.3 Thực hiện xúi giục, giúp đỡ phải dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát:
  • 2 2. Thuật ngữ tiếng Anh:
  • 3 3. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát theo BLHS?
      • 3.0.1 Quy định pháp luật:
      • 3.0.2 Khung hình phạt tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát:
  • 4 4. Cấu thành tội phạm:
      • 4.0.1 Mặt khách quan: 
      • 4.0.2 – Lưu ý:
      • 4.0.3 Khách thể:
      • 4.0.4 Mặt chủ quan:
      • 4.0.5 Chủ thể:

1. Hành vi xúi giục, giúp người khác tự sát là gì?

Xúi giục người khác tự sát là hành vi của một người đã có những lời lẽ kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.

Giúp người khác tự sát là hành vi của một người tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ. Khi đó, người phạm tội giúp đỡ để tạo ra điều kiện thuận lợi nhất. Họ hoàn toàn lường trước được kết quả xấu nhất có thể tước đoạt một tính mạng con người. 

Đây là điều luật quy định hai hành vi phạm tội. Chữ “hoặc” để thể hiện cấu thành tội phạm của một trong hai hoặc cả hai hành vi. 

Nếu người phạm tội có cả hai hành vi xúi giục và giúp người khác tự sát thì tội danh mà họ bị truy cứu là tội “xúi giục và giúp người khác tự sát” chứ không có từ “hoặc”. Và nếu người phạm tội chỉ có hành vi xúi giục thì định tội là “xúi giục người khác tự sát”, nếu chỉ có hành vi giúp thì định tội là “Giúp người khác tự sát”. Người nghiên cứu cần hiểu rõ các quy định pháp luật để xác định tội danh thực tế cho người thực hiện hành vi phạm tội. 

1.1. Hành vi xúi giục người  khác tự sát:

Hành vi xúi dục người khác tự sát bao gồm:

– Kích động người tự sát.

Kích động người khác tự sát là có những lời lẽ nhằm thúc đẩy bằng cách tác động tâm lý làm cho người bị kích động tự ái tới mức cao độ nên đã tự sát. Nếu không có những lời lẽ kích động đó thì nạn nhân dù có chán  đời, có những uẩn khúc trong cuộc sống cũng chưa tới mức tự sát.

– Dụ dỗ người khác tự sát.

Là người phạm tội đã có những lời lẽ khuyên bảo một cách khéo léo để làm cho người khác tự sát theo ý muốn của mình.

Những lời nói kích động, dụ dỗ của người phạm tội là nhằm thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tự sát. Vì vậy, ý thức của người phạm tội là mong muốn làm sao cho nạn nhân tự sát. Nếu chỉ vì một vài lời nói có tính chất kích động mà nạn nhân sẵn có ý muốn tự sát, còn người có lời nói đó hoàn toàn không mong muốn cho nạn nhân tự sát thì cũng không phạm tội xúi giục người khác tự sát.

1.2. Hành vi giúp người khác tự sát:

Hành vi giúp người khác tự sát là hành vi tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất để người khác tự sát, như: tìm kiếm, cung cấp phương tiện để nạn nhân tự sát hoặc hứa hẹn trước với nạn nhân giữ kín việc tự sát của họ.

Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát thì mới là phạm tội giúp người khác tự sát. Nếu họ không biết và không thể biết hành động của mình tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát thì không phạm tội này.

1.3. Người bị hại phải tự mình thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng:

Kết quả: Nạn nhân tự sát:

Cũng tương tự như trường hợp bức tử, nạn nhân bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã tự mình thực hiện việc tước đoạt tính mạng của chính mình như: thắt cổ, uống thuốc độc, nhảy xuống sông, đâm vào bụng, bắn vào đầu v.v…

Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng lại không thực hiện hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình mà nhờ người khác giúp thì không phải là giúp người khác tự sát mà người có hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi:

Cả hai trường hợp phạm tội trên, người phạm tội thực hiện hành vi của mình đều do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, thấy trước được hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát nhất định hoặc có thể dẫn đến nạn nhân tự sát và mong muốn hoặc bỏ mặc cho việc tự sát xảy ra.

Nếu nạn nhân bị chết thì cái chết của nạn nhân chỉ là hậu quả gián tiếp do hành vi xúi giục hoặc giúp đỡ nạn nhân của người phạm tội chưa không phải là hậu quả trực tiếp. Vì vậy, không nên xét lỗi của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân.

Thực hiện xúi giục, giúp đỡ phải dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát:

Cả hai trường hợp xúi giục và giúp người khác tự sát, chỉ cần người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành. Còn nạn nhân có chết hay không, điều đó chỉ có ý nghĩa khi xem xét đến việc quyết định hình phạt hoặc xem xét đến việc có truy tố người phạm tội này hay không chứ không có ý nghĩa định tội.

Tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi lẽ dù có bị xúi giục hoặc được giúp đỡ đến mức nào đi nữa mà người bị xúi giục, người được giúp đỡ không tự sát thì vẫn chưa phải là tội phạm.

2. Thuật ngữ tiếng Anh:

Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát tiếng Anh là Crime of instigating or helping others commit suicide.

3. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát theo BLHS?

Quy định pháp luật:

Theo quy định tại Điều 131 – Bộ luật hình sự quy định Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát theo Bộ luật hình sự như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;

b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.

2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Khung hình phạt tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát:

Mức hình sự của tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tù từ sáu tháng đến ba năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan. Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tùy thuộc vào hành vi thực hiện để quyết định biện pháp xử phạt đối với tội phạm.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng trong trường hợp làm nhiều người tự sát (có từ hai người trở lên tự sát). Số lượng người tự sát là yếu tố quyết định mức phạt tù tăng đối với người vi phạm. Ở đây không xác định hậu quả là người tự sát có chết hay không. Do đó cần hiểu rằng, khi các hành vi này được thực hiện dẫn đến hành vi làm cho người khác tự sát. Trong khi không cần quan tâm đến kết quả thực hiện của hành vi tự sát.

4. Cấu thành tội phạm:

Mặt khách quan: 

Mặt khách quan của tội này có dấu hiệu sau đây:

+ Về hành vi: Có một trong các hành vi sau:

Có hành vi thúc đẩy người khác tự sát bằng việc xúi giục hoặc giúp đỡ hoặc cả hai: Được thể hiện qua việc kích động, dụ dỗ… tạo động lực về mặt tinh thần để nạn nhân đi đến quyết tâm tự làm chấm dứt cuộc sống của chính mình. Khiến họ càng được thúc đẩy về mặt tinh thần và ý chí để chấm dứt cuộc sống.

Có hành vi tạo các điều kiện cần thiết để giúp người khác tự sát: Được thể hiện qua các việc tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt như cung cấp công cụ, phương tiện hoặc hướng dẫn về cách thức, phương pháp để nạn nhân dễ dàng thực hiện hành vi tự sát.

– Lưu ý:

Các hành vi nêu trên chỉ có tính bổ trợ cho ý định tự sát trước đó của nạn nhân. Bởi nạn nhân đang cần nghe lời khuyên, đang cần được hỗ trợ nhất định. Nhưng có tác dụng giúp cho nạn nhân đi đến quyết định tự sát mà nếu thiếu sự thúc đẩy hoặc sự giúp đỡ đó không hẳn nạn nhân đã tự sát.

Người này có thể khuyên can, có thể thông báo cho các chủ thể khác để ngăn cản hành vi tự sát của nạn nhân. Nhưng họ lựa chọn thực hiện xúi giục, giúp đỡ.

Tội phạm hoàn thành khi người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát. Bởi vì khi đó, họ đã tiến hành các hành vi tự sát, còn kết quả nạn nhân có thể chết hoặc không. Họ không lường trước được, không chết nếu gặp các yếu tố khách quan khác.

Việc nạn nhân chết hay không chết không có ý nghĩa định tội danh mà chỉ có ý nghĩa trong lượng hình hoặc xem xét đến việc có truy tố hay không.

Về hậu quả: Hậu quả của các hành vi nêu trên dẫn đến việc làm cho người khác có hành vi tự sát. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Không cần quan tâm đến kết quả nạn nhân có chết hay không.

Khách thể:

Các hành vi phạm tội nêu trên đã xâm phạm (một cách gián tiếp) đến tính mạng của người khác. Ở đây, họ đang tạo điều kiện thực tế hoặc điều kiện về tư tưởng, nhận thức để người khác tự sát. Họ không trực tiếp tước đoạt tính mạng của người khác.

Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Họ cố ý xúi giục người khác tìm đến cái chết. Hoặc thực hiện các hành vi tạo điều kiện thuận lợi cho người khác, để họ tự sát. Có thể thực hiện cố ý đồng thời cả hai hành vi trên.

Chủ thể:

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Các chủ thể nhận thức được hành vi, có mục đích và động cơ cụ thể. Họ có thể nhận thức hành vi của mình là đúng hay sai theo suy nghĩ, tuy nhiên họ đang xâm phạm đến các quyền được sống của người khác mà pháp luật bảo vệ. Cho nên không căn cứ vào động cơ hay mục đích mà người phạm tội đưa ra.

Từ khóa » Thế Nào Là Xúi Giục Người Khác Phạm Tội