Về áp Dụng Tình Tiết Tăng Nặng Trách Nhiệm Hình Sự "Xúi Giục Người ...

Vận dụng đúng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn; bảo đảm tính răng đe, trừng trị, cũng như thực hiện tốt nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa về hình phạt đối với người phạm tội. Do vậy, việc quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nêu trên cần phải rõ ràng, chặt chẽ, dễ hiểu mới đảm bảo việc áp dụng được thống nhất.

1. Quy định của luật

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.

Theo từ điển tiếng Việt chúng ta có thể hiểu: "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" là hành vi của một người đã dùng những lời lẽ dễ nghe để kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người chưa đủ 18 tuổi nghe theo và thực hiện tội phạm.

Khi áp dụng tình tiết tăng nặng này cần tiếp cận những nội dung cụ thể sau:

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tộibị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự"Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi vi phạm các tội được quy định tại Điều 12 BLHS. Ví dụ: Nguyễn Văn A là bị cáo đầu vụ trong vụ án trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS, trong quá trình chuẩn bị và thực hiện hành vi phạm tội, A đã có lôi kéo Lê Văn B (dưới 16 tuổi) cùng thực hiện hành vi phạm tội nói trên; ngoài việc áp dụng Điều 173 BLHS thì còn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội". Nếu A (đủ 18 tuổi trở lên) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lôi kéo B tham gia phạm tội, thì A không bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.

Áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" trong vụ án có đồng phạm (người xúi giục, người bị xúi giục cùng cố ý thực hiện tội phạm, có sự bàn bạc, phân công thống nhất về phương thức, thủ đoạn, đối tượng phạm tội…).

2. Những vướng mắc, quan điểm khác nhau

Khi xem xét, giải quyết vụ án hình sự trên thực tế gặp phải một số vấn đề vướng mắc sau:

Một là,quy định của luật chưa đầy đủ, dẫn đến bỏ lọt một số trường hợp cần phải được áp dụng tình tiết tăng nặng nêu trên. Bởi lẽ, theo quy định Điều 12 BLHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác, nhưng đối với quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS thì người phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong giới hạn 28 tội danh với tính chất mức độ của hành vi là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm với tính chất, mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và ngoài 28 tội danh với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng và đặt biệt nghiêm trọng thì hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm. Từ đó, chúng ta có thể thấy, người xúi giục người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội ngoài quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS thì không phải chịu tình tiết tăng nặng này. Trong khi đó, xét về tính chất, mức độ nghiêm trọng thì đối tượng là người dưới 18 tuổi bị xúi giục thực hiện các hành vi phạm tội, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm, sinh lý bình thường của đối tượng này và hệ lụy về sau rất lớn, khó khắc phục.

Hai là, trên thực tế phát sinh trường hợp trong vụ án hủy hoại tài sản, chủ thể thực hiện hành vi hủy hoại tài sản là người dưới 18 tuổi khi nghe theo sự xúi giục của người khác. Khi giải quyết vụ án, ta thấy chủ thể có hành vi xúi giục là đồng phạm với vai trò là người xúi giục, vậy có áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" đối với đồng phạm có vai trò là người xúi giục hay không? Ví dụ: A có mâu thuẫn với B, trong một lần chứng kiến B cải vã với C (dưới 16 tuổi); lợi dụng mâu thuẫn đó, A xúi giục C đốt nhà B và C đã thực hiện hành vi đốt nhà B. Vậy, khi giải quyết vụ án, xem xét vai trò của A là đồng phạm với C, liệu A có được áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" nữa hay không, đây là vấn đề đang còn quan điểm trái chiều.

Bên cạnh những vướng mắc nêu trên, khi áp dụng tình tiết tăng nặng này trên thực tiễncũngcòn có cách hiểu và quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 điều 52 BLHS sẽ được áp dụng cho tất cả các chủ thể phạm tội (kể cả người phạm tội là người dưới 18 tuổi). Bởi, Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX, ngày 01/02/1999 của TANTC giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh kế, lao động, hành chính và tố tụng đối với BLHS năm 1985 có nêu: "Điều 57 Bộ luật Hình sự quy định: "Người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này". Trong Chương VII Phần chung Bộ luật Hình sự "Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội" không có quy định nào loại trừ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự nói chung và tình tiết "Xúi giục người chưa thành niên phạm tội" quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này nói riêng. Tại điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự chỉ quy định "Xúi giục người chưa thành niên phạm tội" là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người thành niên. Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội, thì khi xét xử Toà án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: "Xúi giục người chưa thành niên phạm tội" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Hình sự đối với họ". Tuy công văn này hướng dẫn các quy định của BLHS năm 1985, nhưng đó là hướng dẫn mang tính đường lối và là quan điểm chính thống của ngành Tòa án; hơn nữa, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này được quy định tại Điều 39 BLHS năm 1985, Điều 48 BLHS năm 1999 và Điều 52 BLHS năm 2015 chỉ thay đổi thuật ngữ “Người chưa thành niên” thành “Người dưới 18 tuổi”.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả: Tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" quy định tại điểm o khoản 1 điều 52 BLHS, chỉ áp dụng đối với người phạm tội là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Bởi, xuất phát từ nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo quy định tại Điều 90 BLHS: "Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này". Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 91 BLHS quy định: "1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm". Với quy định trên, thì việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là trái nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; không phù hợp với khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi. Vì vậy mà không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 416 BLTTHS năm 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi quy định: "3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục". Như vậy, với nội hàm quy định này đã thừa nhận việc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ có thể đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Nếu người dưới 18 tuổi có hành vi “Xúi giục” người dưới 18 tuổi khác phạm tội thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, chứ không phải chịu tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.

3. Đề xuất, kiến nghị

Để thống nhất, thiết nghĩ Hội đồng thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về chủ thể phạm tội và điều kiện áp dụng tình tiết tăng nặng "Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội" quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.

Kiến nghị sửa đổi điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS theo hướng chủ thể có hành vi phạm tội xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được quy định trong BLHS, cụ thể:

"Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

… o) Xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm các tội được quy định trong Bộ luật này."

TAND tỉnh Cà Mau xét xử vụ án hiếp dâm - Ảnh: Khánh Phương

VÕ MINH TUẤN (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)

Từ khóa » Thế Nào Là Xúi Giục Người Khác Phạm Tội