[ToMo] Đừng Bao Giờ Nói 9 Điều Sau Với Sếp Của Bạn! - YBOX

Tôi đã phạm phải sai lầm.

Tôi đã than thở với sếp trong cuộc họp công ty rằng: “Em nghĩ mình cần một thử thách… Em cảm thấy công việc hiện tại đang kiềm hãm tài năng của em."

Ooops.

Một số cấp trên tâm lý có thể khuyến khích sự trung thực ở nhân viên nhưng những người khác lại coi đó là một vấn đề. Sếp của tôi thuộc loại thứ hai.

Bạn cũng phải sắp xếp thời gian và địa điểm phù hợp để đề cập đến vấn đề này với sếp, chứ không phải than thở như tôi đã làm.

Trong công việc sale, thành công không hề có giới hạn, vậy nên lời than thở của tôi đã truyền đạt 2 điều với sếp. Đầu tiên, tôi đã không tự thử thách bản thân. Và thứ hai, cần phải có một người thách thức tôi thì tôi mới có thể đem lại kết quả tốt nhất trong công việc.

Và đúng là sếp đã hiểu lời than vãn của tôi theo 2 nghĩa đó.

“Vậy thì cậu hãy thử thách bản thân để bán được nhiều hơn nhé? Tôi sẽ đưa ra một mục tiêu cho cậu vào tuần tới,” sếp tôi nói với một giọng khó chịu và bỏ đi.

Có những thứ bạn không nên nói với sếp của mình. Nếu nhất thiết phải nói ra thì hãy đặt chúng trong bối cảnh phù hợp. Bằng không, sếp sẽ hiểu sai điều bạn muốn truyền đạt.

Tôi không có ý tự cao ở đây - tôi đã tự mình mắc phải tất cả những sai lầm này. Tôi viết bài này để nhắc nhở bạn không nên làm như vậy!

#1. “Em cần được tăng lương.”

Bạn đã thương lượng mức lương của mình. Hoặc bạn đã chấp nhận mức lương đã được đưa ra.

Khi bạn nói “Em cần tăng lương vì….” thì sếp sẽ nghĩ rằng bạn đã hoạch định tài chính kém. Nếu quỹ tiền của chính mình còn không quản nổi thì bạn sẽ làm thế nào ở nơi làm việc?

Đặc biệt nếu lý do là “…con em cần mua giày mới” hoặc “…em đang phải chi trả nhiều thứ hơn.”

Nói ra thì thật khắc nghiệt, nhưng sếp bạn không phải đại diện của một tổ chức từ thiện. Họ đại diện cho một doanh nghiệp có mục tiêu là giảm thiểu chi phí, bao gồm cả chi phí lao động của bạn.

Đừng bao giờ dùng những lý do cá nhân để biện minh cho lý do bạn cần tăng lương.

Thay vào đó, vào thời điểm thích hợp, hãy đưa ra lý do tại sao bạn xứng đáng được tăng lương. Hoặc làm thế nào để bạn có thể kiếm thêm được một khoản lương - cho thấy bạn đang cống hiến nhiều tiền hơn vào công ty hoặc gia tăng giá trị của bạn.

Giải thích lý do tại sao bạn đáng giá hơn đối với công ty của mình, không phải lý do tại sao công ty của bạn phải đáng giá hơn đối với bạn.

#2. “Bla, Bla, Bla (Câu trả lời không liên quan)”

Hãy nói “Em không rõ, nhưng em sẽ tìm hiểu sau” khi được hỏi một câu hỏi mà bạn không biết câu trả lời trong các cuộc trò chuyện quan trọng.

Điều này áp dụng cho khách hàng, sếp của bạn và bất kì ai.

Nếu bạn nói nhiều nhưng ít nội dung thì sẽ khiến người nghe khó chịu. Họ biết rằng họ không thể nhận được câu trả lời rõ ràng và chính xác từ bạn.

Tuy nhiên, một câu trả lời không liên quan không hoàn toàn là điều xấu trong các cuộc trò chuyện ít quan trọng. Bạn không cần phải ngừng làm việc đó. Chỉ cần chọn đúng thời điểm để làm điều đó.

Điều đặc biệt quan trọng là đừng trả lời những câu không liên quan khi người nghe cần một câu trả lời trung thực với độ chính xác cao.

#3. “Nhưng trước giờ chúng ta vẫn làm như thế này mà!” hoặc “Ở công ty cũ,…”

Bạn có thể nghĩ rằng câu nói “Trước giờ chúng ta vẫn làm thế này” thể hiện sự tôn trọng truyền thống của công ty, song sự thực lại không phải như vậy. Câu nói ấy là minh chứng của một tư duy trì trệ và cách làm việc bị động.

Mọi thứ luôn luôn thay đổi. Làm điều gì đó đơn giản vì bạn luôn làm như thế không phải là một điều đáng để ngưỡng mộ.

Thứ hai, đừng nói “Ở công ty cũ,…”. Không ai quan tâm đến công việc cũ của bạn, đặc biệt là sếp của bạn. Trừ khi bạn làm việc cho một đối thủ cạnh tranh trực tiếp và họ có thể thu thập một số thông tin từ đó, còn lại họ không quan tâm.

Câu nói này giống như việc nói rằng: "Công việc trước đây của tôi tốt hơn chỗ này gấp nhiều lần"

Dù bạn không có ý đó, nhưng người khác sẽ hiểu như vậy.

#4. “Em nghĩ mình cần một thử thách!”

Như đã nói ở trên, đừng nói điều này trừ khi bạn có một người sếp tuyệt vời, người hoan nghênh sự trung thực này.

Những ông chủ tốt coi trọng ý kiến ​​đóng góp của bạn như thế này, trong khi những ông chủ không quá tâm lý lại chọn cách xử lý nó theo cách khiến bạn tổn thương chứ không giúp bạn.

Đối với nhiều ông chủ, điều này giống như nói rằng "Tôi không có sáng kiến ​​hay sự thúc đẩy nào, vì vậy hãy quản lý cặn kẽ đối với tôi."

Vì vậy, hãy cẩn thận khi bạn nói điều này với ai.

Hãy thử thách bản thân nếu sếp của bạn không muốn nghe điều đó.

Những nhân viên không thử thách bản thân dưới mức trung bình hoặc những người sếp dưới trung bình sẽ bị quản lý chặt chẽ.

#5. “Nhiệm vụ này không có trong phần mô tả công việc của em.”

Mô tả công việc là những bản phác thảo sơ bộ về các nhiệm vụ - và chúng không phải là lời hứa về giới hạn những công việc mà bạn sẽ được yêu cầu làm.

Câu nói “không có trong mô tả công việc của tôi” ngay lập tức cho rằng bạn là một kẻ chuyên gây rắc rối. Một gánh nặng. Một nhân viên kém giá trị và năng lực hạn chế.

Tất nhiên, bạn có thể nói điều này nếu sếp yêu cầu bạn làm điều gì đó không công bằng do thái độ phân biệt giới tính hoặc phân biệt chủng tộc. Nhưng nếu họ chỉ yêu cầu bạn làm điều gì đó ngoài tiêu chuẩn thì hãy làm điều đó!

Thái độ “làm được” ở nhân viên được các nhà lãnh đạo đánh giá cao nhất.

Ngay cả khi những gì họ yêu cầu bạn làm là không đúng chuẩn mực, hãy làm theo nó. Làm chủ công việc đó. Những thời điểm này là cơ hội để bạn thể hiện sự linh hoạt, khả năng thích ứng và thái độ làm được, khiến sếp thấy bạn có giá trị hơn.

#6. “Em thấy…”

Bỏ câu “Tôi thấy” và chỉ nói những gì bạn muốn nói. Tương tự với “Tôi không biết nhưng…”

Bạn ngay lập tức loại bỏ những gì bạn sắp nói khi bạn nói những điều này đầu tiên. Những câu nói kiểu này gây ra sự nghi ngờ trong đầu mọi người.

Bây giờ, nếu bạn thực sự đang nói về những cảm xúc chẳng hạn như trong marketing hoặc có một sự động não để thiết kế sáng tạo hoặc điều gì đó yêu cầu tuyên bố không cam kết, bạn có thể nói điều này.

#7. "Đó không phải lỗi của em!"

Đôi khi đó thực sự không phải là lỗi của bạn, nhưng nói ra điều đó khiến bạn có vẻ giống như đang nhanh chóng trốn tránh trách nhiệm.

Thay vào đó, hãy bắt đầu đưa ra các giải pháp hoặc bản sửa lỗi hoặc cách có thể được xử lý ngay bây giờ và trong tương lai.

Nếu bạn thực sự đã làm sai, hãy thừa nhận 100% và rút kinh nghiệm. Các nhà lãnh đạo giỏi đánh giá cao những người chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Như một nỗ lực cuối cùng để cứu công việc của bạn, chỉ khi nó đúng, bạn mới nên sử dụng “đó không phải là lỗi của tôi”.

#8. "Không thể nào!"

Ngay cả khi bạn nghĩ là như vậy, câu nói này ngụ ý rằng bạn thiếu khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo, sự tự tin và lạc quan.

Về mặt danh nghĩa, nó cho rằng bạn có tư tưởng không sáng tạo - một nhân viên đa nghi và không an toàn.

Thay vào đó, bạn có thể nói “đây sẽ là một thách thức khá lớn” hoặc “chúng tôi có thể cố gắng hết sức” hoặc “nghe có vẻ gần như không thể, nhưng mọi thứ đều có thể”.

Cách duy nhất để bạn có cơ hội thành công là khi bạn tin rằng dù sao thì bạn cũng có thể làm được, vậy tại sao lại thất bại trước khi bạn bắt đầu với một tuyên bố như thế này?

# 9. "Thật không công bằng!"

Không có gì là công bằng trong cuộc sống. Câu nói đó thường được nói bởi một người vừa mới tốt nghiệp hoặc chưa đến tuổi trưởng thành.

Không có gì là công bằng, mọi lúc, mọi nơi - nhưng đặc biệt là trong kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu họ đối xử bất công với bạn vì bạn là phụ nữ hoặc người da màu hoặc một số lý do thực sự không công bằng khác, thì hãy nên nói "điều đó không công bằng ... và đây là lý do tại sao!"

Nhìn chung, câu nói “điều đó không công bằng” cho thấy sự thiếu chín chắn và kinh nghiệm và ghim trong tâm trí sếp rằng họ sẽ bị mắc kẹt khi dẫn dắt bạn trong hành trình tiến bộ của bạn.

Kết luận

Tôi đã mắc tất cả những sai lầm này.

Hầu hết những câu nói này không khiến tôi bị sa thải, nhưng chúng cũng không có lợi cho sự thành công của tôi.

Một vài trong số những tuyên bố này thậm chí còn dẫn đến sự nghi ngờ, nghi ngờ về quản lý cá nhân của bản thân và khiến ban lãnh đạo suy nghĩ mình chỉ còn là một người lấp cho đầy chỗ trống.

Mặt khác, khi tôi tránh hoàn toàn những tuyên bố này và thay vào đó, dự đoán một sự linh cảm có thể làm, trung thực, có trách nhiệm, tích cực, sáng tạo, trưởng thành, cơ hội nghề nghiệp cũng tăng lên.

Bạn có thể nghĩ rằng vì bạn đã luôn làm theo cách này nên không điều nào trong số này thực sự có vẻ công bằng?

Đúng! Nó không công bằng.

Đó là sự thật!

Sự thật cũng là khi bạn không nói những điều này, công sở sẽ trở thành một nơi tốt hơn nhiều.

----------

Tác giả: Max Klein

Link bài gốc: 9 Things You Should Never Say to Your Boss

Dịch giả: Nguyễn Diệu Linh - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Diệu Linh - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring

Từ khóa » Bài Văn Tả Sếp