TOP 14 Bài Thuyết Minh Về Lễ Hội ở địa Phương Em - Văn 10
Có thể bạn quan tâm
Thuyết minh về lễ hội truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại là một trong những đề tài rất hay để viết văn thuyết minh. Thuyết minh về một lễ hội là dạng đề mở rộng các em học sinh thoải mái giới thiệu về bất kì lễ hội nào mà mình yêu thích như: lễ hội chọi trâu, Hội Gióng, lễ hội Lồng Tồng.
TOP 21 bài thuyết minh về lễ hội cực chất dưới đây được viết rất rõ ràng dễ hiểu. Qua bài văn mẫu này các em có thêm nhiều nguồn tư liệu học tập hữu ích, củng cố nắm vững kiến thức để biết cách viết bài văn thuyết minh về một lễ hội hay.
Thuyết minh lễ hội truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại
- 1. Dàn ý thuyết minh lễ hội truyền thống
- 2. Thuyết minh về lễ hội ngắn gọn nhất (6 Mẫu)
- 3. Thuyết minh về lễ hội hay nhất (4 Mẫu)
- 4. Thuyết minh về một lễ hội truyền thống (11 Mẫu)
1. Dàn ý thuyết minh lễ hội truyền thống
I. Mở bài
Giới thiệu lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.
II. Thân bài:
Giới thiệu những đặc điểm của lễ hội theo kết cấu thời gian kết hợp với kết cấu logic.
– Trình bày thời gian tổ chức lễ hội, địa điểm, nguồn gốc lễ hội:
- Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào).
- Địa điểm tổ chức lễ hội.
- Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội (tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống hay thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại).
– Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:
- Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.
- Chuẩn bị trang trí, tiến trình lễ hội (nếu là lễ hội truyền thống thì chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…).
- Chuẩn bị về địa điểm…
– Giới thiệu diễn biến của lễ hội theo trình tự thời gian. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội.
- Nếu là lễ hội tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống thì bao gồm: rước kiệu lễ Phật, dâng hương lễ vật, các hình thức diễn xướng dân gian, các đoàn khách thập phương.
- Nếu là lễ hội thể hiện khí thế của thời đại: tuyên bố lí do; các đại biểu nêu ý nghĩa, cảm tưởng về lễ hội, các hoạt động biểu diễn (như đồng diễn, diễu hành, ca nhạc, các trò vui chơi,…)
– Đánh giá về ý nghĩa lễ hội.
III. Kết bài:
Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội.
Chú ý: bài văn viết đúng với phong cách của văn thuyết minh, có thể kết hợp thêm các yếu tố miêu tả (đặc điểm, tiến trình của lễ hội), biểu cảm (nêu cảm nhận về ý nghĩa của lễ hội); trình bày sạch đẹp, logic.
2. Thuyết minh về lễ hội ngắn gọn nhất (6 Mẫu)
Thuyết minh lễ hội - Mẫu 1
Hội Gióng là một trong những nét đẹp văn hóa, là lễ hội được tổ chức thường niên ở nhiều nơi thuộc khu vực Hà Nội. Đây là ngày mà người dân bày tỏ lòng thành kính, tưởng niệm và ca ngợi đến Thánh Gióng – người anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc.
Hiện nay, có 2 hội Gióng điển hình ở Hà Nội đó chính là hội Gióng được tổ chức ở đền Sóc thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng được tổ chức ở đền Phù Đổng, thuộc huyện Gia Lâm. Đây cũng là lễ hội đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Hội Gióng Phù Đổng được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch hằng năm. Trước ngày diễn ra hội Gióng Phù Đổng, những gia đình vinh dự sẽ được chọn người để đóng vai các nhân vật như Ông Hiệu (Tức Hiệu cờ, Hiệu chiêng, Hiệu trống, Hiệu Trung Quân, Hiệu Tiểu cổ); vai cô Tướng; phường Áo đỏ, phường Áo đen… Những người này sẽ chuẩn bị những điều kiện vật chất cần thiết, đối với những người được chọn vai sinh hoạt kiêng cữ từ nhiều ngày trước thời điểm diễn ra lễ hội.
Trong ngày chính hội, dân làng sẽ tổ chức nghi lễ tế Thánh, sau đó là lễ rước nước để lau rửa tự khí từ đền Hạ nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, tiếp đến là lễ Duyệt tướng, lễ Khám đường... Toàn bộ lễ hội sẽ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt, thu hút rất đông người dân và du khách tham gia.
Những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được trình diễn một cách độc đáo, mang đậm nét văn hóa của người Việt. Vì vậy đến nay các giá trị của lễ hội Gióng vẫn được bảo tồn vẹn nguyên, là một trong những nét đẹp truyền thống đáng tự hào của dân tộc.
Thuyết minh về lễ hội - Mẫu 2
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Hội Gióng Phù Đổng chính thống được tổ chức hàng năm vào ba ngày mùng 7, mùng 8 và mùng 9 tháng 4 Âm lịch tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương.
Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Ngày chính hội là mùng 6, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh). Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh Gióng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: "Hội Gióng Sóc Sơn vẫn mang rõ tính chất hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ".
Hội Gióng Phù Đổng được đánh giá là một trong những lễ hội lớn nhất tại đồng bằng Bắc Bộ về quy mô đoàn rước và người tham dự.
Thuyết minh về lễ hội - Mẫu 3
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là hội xuống đồng, là một lễ hội truyền thống của dân tộc Tày. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu tháng giêng, kéo dài đến đầu tháng hai âm lịch. Đây là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng giêng. Lồng Tồng theo tiếng Tày – Nùng hay Lồng Tồng theo tiếng Dao có nghĩa là xuống đồng. Đây là một lễ hội mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp từ phần nghi lễ khi hội, các nghi thức, sản vật dân cúng đến các trò chơi trong lễ hội. Lễ hội Lồng Tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc.
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của Bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.
Lễ hội lồng tồng thường có hai phần là phần lễ và phần hội. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành.
Hội được tổ chức trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia súc, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm... Chủ trì hội là ông Thoại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng: đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Mâm lễ thường có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu select, bánh khảo, bánh dày, chè lam...Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ, bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên (hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng …
Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát Then, hát Cọi...Trong phần hội còn có nhiều hoạt động thể thao dân tộc và trò chơi dân gian khác như: Ném còn, leo cột, bịt mắt đánh trống, kéo co, đẩy gậy, thi cày ruộng... tất cả đều tạo cho người xem vui vẻ, háo hức chuẩn bị cho một năm mới với những vụ mùa mới năng suất, hiệu quả cao.
Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa giàu giá trị nhân văn. Với ý nghĩa cùng nét đặc sắc của mình, những ngày lễ hội diễn ra luôn thu hút đông đảo sự tham quan của du khách bốn phương.
Thuyết minh lễ hội - Mẫu 4
"Dù ai buôn đâu bán đâu, Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về, Dù ai buôn bán trăm nghề, Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”
Lễ hội chọi trâu có từ bao giờ và bắt đầu từ đâu thì không ai biết, nhưng những truyền thuyết về lễ hội này thì có rất nhiều, mỗi truyền thuyết đều gắn với một sự tích kỳ bí khác nhau nhưng tất cả đều khẳng định: Hội chọi trâu là mỹ tục hào hùng mang đậm tính thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm rất độc đáo của người Đồ Sơn.
Để có những ngày hội náo nức, người dân Đồ Sơn phải chuẩn bị rất công phu trong khoảng 8 tháng trời. Theo người dân Đồ sơn thì điều quan trọng bậc nhất là việc tìm và nuôi dưỡng trâu. thông thường, sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, thậm chí lên tận tuyên Quang, Bắc Kạn mới tìm được con trâu vừa ý.
Qua nhiều năm lặn lội tìm mua trâu, người Đồ Sơn nhận thấy rằng, những con trâu mua được ở chợ Gồi (Nam Định), Thủy Nguyên(Hải Phòng), Thanh Hà (Hải Dương) thường “giật” giải nhiều hơn. bởi thế, cứ sau Tết âm lịch hằng năm, người Đồ Sơn lại đổ xô đến những địa phương trên các bản khác mua trâu.
Một chủ trâu có nhiều năm kinh nghiệm cho biết: “chọn trâu là một công việc cầu kỳ và tỉ mỉ, trâu đủ tiêu chuẩn phải là những con trâu đực khỏe mạnh, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương (nghĩa là phải gan lỳ). Thông thường, những chú trâu da đồng, lông móc,một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng)… là trâu gan. Trâu phải có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng càng tốt. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ. mặt trâu giống mặt ngựa là trâu chọi hay…”.
Việc chọn mua trâu đã khó khăn, việc chăm sóc, huấn luyện trâu càng khó khăn gấp bội. Những người được giao nhiệm vụ chăm sóc huấn luyện trâu thường là những người có nhiều kinh nghiệm. trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, tách biệt và kín đáo. Điều đặc biệt là không được để cho trâu chọi trông thấy trâu nhà cốt để trâu chọi khôi phục bản năng hoang dã, đơn độc của nó. Trường huấn luyện trâu thường là những bãi đất rộng, có nhiều người đứng xung quanh gõ chiêng trống và hò hét.
Khi huấn luyện, người ta còn phủ cờ đỏ lên đầu trâu,mình trâu để cho trâu quen dần với không khí của ngày hội. Người huấn luyện còn dạy cho trâu có những miếng đánh hay, đòn hiểm và độc đáo.Sau khi huấn luyện, trâu nào được chọn làm trâu chọi sẽ được gọi một cách tôn kính là “ông trâu”. Trâu nào đoạt giải nhất, được tôn lên thành “cụ trâu”.
Ở Đồ Sơn, phường nào cũng có người mê trâu chọi, có kinh nghiệm tìm mua trâu, chăm sóc, huấn luyện trâu chọi, những người này được coi là nghệ nhân. Trong ngày lễ hội, tên của họ được nhắc đến với tư cách là chủ của “ông trâu”.
Mở đầu hội chọi trâu là lễ tế thần Điểm Tước (vị thuỷ thần, và cũng là Thành hoàng làng của cả vùng Đồ Sơn). Lễ tế thần ngày hội chọi trâu là lễ lớn nhất trong năm của người Đồ Sơn. Thời gian gần đây, những thủ tục của phần lễ ngày càng bị xem nhẹ, đơn giản hóa. Tuy nhiên, phần hội chọi trâu luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ thu hút đông đảo du khách bốn phương đến cổ vũ.
Vào hội, ai cũng náo nức, hồi hộp, chờ đợi. Từ hai phía của sới chọi, “ông trâu” được dẫn ra có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút”sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát. Cứ thế, hai trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả.
Kết thúc hội chọi trâu là một cuộc rước giải trâu nhất về đình làm lễ tế thần. Cuộc rước này phải có tất cả mọi người dân đồ Sơn (cả chủ trâu thua cuộc) biểu thị sự đoàn kết, vô tư, cùng đồng lòng mừng ngày vui chung. Trâu nhất hàng tổng được phần thưởng là một lá cờ vóc hồng thêu hai chữ “Thượng Đẳng” bằng kim tuyến, một bát hương bằng đá xanh đem theo đám rước trở về.
Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia chọi,dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt, dân Đồ Sơn lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần. Du khách đến dự lễ hội có thể mua thịt trâu về ăn để cầu may và chúc phúc.
Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo vốn có, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương đến với Hải Phòng. Năm 2000, Lễ hội chọi trâu đồ sơn được Nhà nước công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước.
Thuyết minh về lễ hội - Mẫu 5
Lễ hội Gióng là một trong những lễ hội lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng dân gian Việt Nam về Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử”. Tục truyền rằng khi biết đất nước sắp lâm nguy, Thánh Gióng đã đầu thai xuống phàm trần thành cậu bé làng Phù Đổng, đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra vào tháng giêng hằng năm chính là để tưởng nhớ công lao to lớn của người.
Hội Gióng đền Sóc Sơn có với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ khoảng 2-3 tuần trước ngày khai hội, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu rục rịch các công việc chuẩn bị.
Theo như nội dung được ghi trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt thì sự phân công rước các lễ vật trong lễ hội của các làng được phân bổ theo thứ tự như Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) - rước giò hoa tre; Thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) - rước voi; Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) - rước trầu cau; Thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) - rước ngà voi; Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) - rước cỏ voi; Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) - rước tướng. Ngày nay, trong lễ hội đền Sóc còn có thêm biểu tượng rước ngựa Gióng của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) và rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Hội bắt đầu từ ngày mồng 6/4 đến 12/4 (âm lịch). Trong những ngày 6-8/4 dân làng tổ chức lễ rước cờ tới đền Mẫu, rước cơm chay lên đền Thượng. Ngày chính hội (9/4) có lễ rước kiệu võng từ đền Mẫu lên đền Thượng và tổ chức hội trận (diễn lại trận phá giặc Ân). Ngày mồng 10 làm lễ duyệt quân tạ ơn Gióng. Ngày 11 là lễ rửa khí giới. Ngày 12 lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất. Cuối cùng là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo mừng thắng trận. Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa từ xa xưa để lại. Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và lưu truyền khá nguyên vẹn qua nhiều thế hệ, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010.
Giới thiệu lễ hội truyền thống - Mẫu 6
"Dù ai buôn đâu bán đâu Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về Dù ai buôn bán trăm nghề Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu"
Việt Nam ta là một đất nước có nền văn hiến hơn bốn ngàn năm, với sự phong phú và đa dạng của các thể loại văn hóa, phong tục truyền thống, đặc biệt là các lễ hội dân gian. Mà ở mỗi một địa phương, một vùng miền lại có những kiểu lễ hội khác nhau được tổ chức quanh năm, với nhiều những nét đặc sắc thể hiện những nét tín ngưỡng, ý nghĩa độc đáo. Một trong những lễ hội đáng chú ý phải kể đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Không rõ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là một tập tục, truyền thống có từ rất lâu đời của những người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, tỉnh Hải Phòng được giữ gìn và phát triển cho tới ngày hôm nay. Lễ hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm, thu hút sự tham gia của hàng ngàn du khách từ khắp nơi và được xem là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng nhất của những người dân nơi đây. Vào năm 2013, xét về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và tiêu biểu, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã vinh dự được xếp vào một trong những Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Về nguồn gốc của lễ hội này trong dân gian có lưu truyền kha khá các truyền thuyết, sự tích khác nhau. Trong đó nổi tiếng nhất là thần tích "Tước Điểm Đại Vương" - vị Thủy Thần cai trị vùng biển Đồ Sơn, chuyện kể rằng vào khoảng thế kỷ thứ XIX, có một người dân đi qua đền thờ của vị tôn thần này thì vô tình được chứng kiến cảnh hai con trâu đang húc nhau, tuy nhiên khi nghe thấy tiếng động thì chúng liền bỏ chạy xuống biển. Người ta cho rằng hai con trâu ấy là vật cưỡi dưới trướng vị thủy thần này, chính về vậy hàng năm vào ngày 9.8 âm lịch, người dân nơi đây tiến hành tổ chức lễ chọi trâu để tế thần, nhằm chọn ra những con trâu to khỏe nhất để tham gia hiến tế cho thần linh. Cũng có một tích khác kể về việc một cô thôn nữ được vua Thủy Tề cưới về làm vợ, bãi biển chỗ đám rước nàng đi qua hàng năm tôm cá tập trung về nhiều vô kể. Chính vì vậy để đảm bảo công bằng người dân đã tổ chức lễ chọi trâu, làng nào có trâu chọi thắng thì được quyền đánh bắt ở vùng biển ấy một năm. Cũng có tích kể rằng sở dĩ nơi đây có lễ hội chọi trâu là để làm yên lòng cá Kình dưới biển, hàng năm người dân tổ chức chọi trâu, rồi đem con trâu thắng đi hiến tế để cầu mong cho dân làng đi biển không bị cá kình ăn thịt nữa,..
Ý nghĩa chính của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là để ghi nhớ công ơn của các vị thủy thần, cầu mong cho công việc đánh bắt được thuận lợi, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy ghe, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các làng xã với nhau. Bộc lộ được những nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người dân miền biển, có sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng với văn hóa cư dân miền biển, khi sử dụng trâu chọi - vốn được xem là đầu cơ nghiệp của nhà nông để làm lễ vật hiến tế, nghi thức tế lễ các vị thủy thần, tạo thành một phong tục văn hóa rất riêng.
Về việc chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu hàng năm cũng khá kỳ công, trâu chọi được người dân lựa chọn trước một năm từ những vùng đất nổi tiếng với giống trâu đẹp, khỏe, để đem về nuôi dưỡng chăm sóc và huấn luyện suốt một năm. Con trâu chọi đạt chuẩn là những con trâu đực to khỏe, da hồng, lông móc, ngực nở, tấm lưng dày rộng, háng rộng và thu nhọn về phía sau, sừng phải đen bóng, lông trên đầu cứng, giữa hai sừng có xoáy tròn, mắt đen, trong đỏ,... Nói chung để chọn được một con trâu tốt, đòi hỏi người xem trâu phải dày dặn kinh nghiệm, kiên nhẫn và phải có nhiều thời gian lặn lội tìm trâu về chăm sóc. Có thể nói rằng công cuộc chuẩn bị trâu kỳ công, vất vả và cũng là công việc vô cùng quan trọng, mang tính quyết định trong lễ hội chọi trâu. Về trường đấu hay trường tổ chức chọi trâu thì không cần chuẩn bị nhiều, chỉ cần chuẩn bị một khu đất rộng diện tích khoảng 800m vuông, bên ngoài có hào nước bao quanh, xung quanh bố trí khán đài, chỗ ngồi cho khán giả xem chọi trâu là ổn.
Cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được chia ra làm hai phần là phần lễ và phần hội, tuy nhiên điểm khác biệt là hai phần này được tổ chức đan xen với nhau chứ không phân định rạch ròi như nhiều lễ hội khác. Phần lễ bắt đầu từ ngày mùng 1 đầu tháng khi cách vị cao niên có vai vế trong làng tiến hành làm lễ tế Thủy Thần ở đình tổng, sau đó là lễ rước nước, lọ nước thần sẽ được rước về các đình riêng của mỗi làng. Tiếp theo để chuẩn bị cho hội chọi trâu, thì các nhà có trâu chọi phải đem trâu ra làm lễ tế Thành Hoàng, sau khi hoàn tất lễ trâu được gọi một cách tôn kính là "ông Trâu". Đến ngày 9/8 âm, lễ hội chọi trâu chính thức diễn ra, sau khi xin phép Thành Hoàng cho trâu đi chọi, các "ông trâu" được rước bằng nghi lễ long trọng với lọng, kiệu, cờ ngũ sắc, trống chiêng, long đỉnh,... Người đi rước ăn vận lịch sự với áo dài khăn đóng truyền thống, người khiêng kiệu, vác lọng,... thì mặc quần áo với sắc đỏ và sắc vàng chủ đạo, theo lối may truyền thống, người dẫn loa thì mặc áo lương đen, quần trắng, khăn xếp, thắt lưng đỏ. Đám rước rộn ràng, trang nghiêm với tiếng nhạc bát âm, cờ bay phấp phới cùng với tiếng hò reo cổ vũ rộn rã của người đi xem, không khí thập phần sôi nổi. Khi trâu được đưa vào đấu trường, đứng đúng vị trí, lần lượt tiếng trống, tiếng loa đồng loạt nổi lên, cổ vũ tinh thần mạnh mẽ, kết hợp với nghi thức múa cờ do 24 thanh niên trai tráng trong các làng được tuyển chọn, để gia tăng khí thế và mở màn hội chọi trâu. Kết thúc múa cờ, trâu được dẫn vào vị trí cách nhau 20m, người chủ trâu nhanh chóng rút vật giữ trâu còn gọi là "sẹo" để trâu tự do lao vào nhau chiến đấu trong tiếng hò reo cổ vũ từ bên ngoài. Sau trận đấu sống mái "ông trâu" chiến thắng lại được rước về Đình tổng bằng nghi lễ trang trọng, rồi đợi đến ngày 10/8 toàn bộ trâu đã tham gia thi đấu sẽ được đem đi giết thịt để hiến tế và khao cả làng, nhằm mục đích chia lộc, để mỗi người dân đều được hưởng phước từ thủy thần, mong cho đời sống được khấm khá hơn. Lễ hội kéo dài đến ngày 16/8 âm, thì kết thúc bởi nghi lễ "tống thần" và rã đám, chính thức khép lại một kỳ lễ hội quan trọng trong năm, người dân quay trở về cuộc sống bình thường.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một trong số những lễ hội đặc sắc, có ý nghĩa văn hóa to lớn, thể hiện được những nét đẹp trong phong tục truyền thống của người dân miền biển trong đời sống lao động sản xuất, cũng như mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên bên cạnh những nét đẹp và những giá trị truyền thống đáng trân trọng, thì việc đảm bảo an toàn trong việc chọi trâu cũng cần phải được chú ý và có những chế tài nghiêm ngặt để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của ngày hội này.
3. Thuyết minh về lễ hội hay nhất (4 Mẫu)
Thuyết minh lễ hội - Mẫu 1
Ngày xuân gia đình sum vầy, ngày xuân chim muông khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ngày xuân cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc. Từ xa xưa, những lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu của ngày xuân về trên đất Việt. Nhắc đến lễ hội đặc trưng ngày xuân, không thể không nhắc lễ hội khai ấn đền Trần.
Lễ hội khai ấn đền Trần là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần. Sự ra đời của lễ hội gắn với lịch sử của đền Trần.
Đền Trần ở đường Trần Thừa, thành phố Nam Định là nơi thờ 14 vị vua cùng các quan lại phò tá nhà Trần. Đền Trần được được xây dựng trên nền Thái Miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỉ XV. Dòng họ Trần dựng nghiệp ở vùng đất Tức Mạc. Đó là vùng đất phát tích đế vương. Năm 1239, vua Trần cho dựng cung điện nhà cửa. Năm 1262, vua Trần Thánh Tông mở yến tiệc đổi Tức Mạc thành phủ Thiên Trường, xây thành đô, cung điện nguy nga tráng lệ. Phủ Thiên Trường là kinh đô thứ 2 sau Thăng Long. Sau khi nhà Trần suy vong, đền đài cung điện thành phế tích. Sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, người dân nơi đây luôn tưởng nhớ tới công lao to lớn của vương triều Trần. Nhân dân dựng đền thờ phụng và mở hội để ghi lại những dấu ấn không thể phai mờ, bày tỏ lòng tri ân.
Theo tư liệu ghi lại thì đền Trần lúc đầu gọi là nhà thờ Đại tôn. Đến năm 1695, đền mới được dựng bằng gỗ lim. Năm 1705 chính thức gọi là Trần Miếu (miếu nhà Trần). Năm 1852, đền Thiên Trường được sửa lớn, khi đó đào được tấm bia đá có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” (Nhà của Hưng Đạo vương ở Cố Trạch). Từ đó dân dựng đền Cố Trạch để thờ Hưng Đạo Vương, phụ mẫu ông và vợ của ông là Thiên Thành công chúa.
Đền Trần gồm có 3 công trình kiến trúc gồm: đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, ta phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ là khu đền Thiên Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch. Cả 3 đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa Tiền Đường 5 gian, tòa Trung Đường 5 gian và tòa Chính Tổng 3 gian.
Thời chống quân Nguyên Mông nhà Trần thực hiện chính sách vườn không nhà trống nên rút toàn bộ quân về Thiên Trường. Trải qua bao phong ba lịch sử, ấn cũ của triều Trần bị thất lạc. Cho đến những năm 1822, vua Minh Mạng có ghé thăm Thiên Trường và cho khắc lại ấn. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ, dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Lễ hội đền Trần trước khi bắt đầu phải khai ấn.
Lễ khai ấn đầu tiên được bắt đầu vào thời đại nhà Trần vào khoảng thế khỉ thứ XIII, sử sách ghi lại là vào những năm 1239. Đây là nghi lễ tế tổ tiên của dòng họ nhà Trần. Vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những vị quan có công với triều đình tại Phủ Thiên Trường. Đến khi chống giặc Mông lễ hội bị gián đoạn, không được tổ chức. Năm 1269 mới được Trần Thánh Tông mở lễ lại.
Từ đó lễ khai ấn Đền Trần được cố định thường niên vào ngày rằm tháng Giêng lúc 11 giờ đêm ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15. Đây cũng được coi là tín hiệu nhắc nhở kết thúc những ngày tết cổ truyền dân tộc để tiếp tục công cuộc lao động sản xuất.
Khi vào hội, các làng phải rước kiệu về đền Thiên Trường tế các vua Trần. Các lão ông, lão bà mặc áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu tại đền Cố Trạch làm lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trong hòm có 2 con dấu bằng gỗ. Trên mặt ấn nhỏ có khắc hai chữ “Trần Miếu”, còn trên mặt ấn lớn có dòng chữ “Trần triều tự điển” cùng hàng chữ nhỏ “tích phúc vô cương”.
Vào đúng giờ Tý khoảng 23 giờ - 1 giờ, người tế chính làm lễ ở đền Cố Trạch, xin rước ấn lên kiệu sang đền Thiên Trường, dâng hương tế cáo trời đất tại bàn thờ Trung thiên, rồi rước ấn vào nội cung, đặt ấn tại ban công đồng làm lễ xin khai ấn.
Người bồi tế đặt giấy “điệp”- 1 loại giấy dân gian của Việt Nam lên trước tế chính, chiêng trống nổi lên. Chủ tế trịnh trọng đóng ấn mực đỏ vào tờ “giấy điệp”, cạnh dấu son trên tờ điệp phải đề rõ ngày, tháng, năm, viết sao cho đủ chữ để khi tính đến chữ cuối phải là chữ sinh. Người được tờ “điệp” đã được đóng ấn đưa về treo tại đền, phủ, từ đường, hay tại nhà, với hy vọng trừ được ma quỷ và mọi rủi ro, được may mắn trong công việc và đời sống trong năm, được mọi sự tốt lành như ý.
Sáng ngày 15 tháng Giêng, tổ chức rước nước. Trước khi đi, người tế chính vào lễ xin một nén hương ở bát hương tổ và 14 nén hương ở các bát hương Hoàng đế, cắm vào bát nhang công đồng trên kiệu 8 chân. Đoàn rước mặc lễ phục trang nghiêm cùng cờ biển uy nghi, nghênh kiệu ra cổng đền, rồi dừng lại làm lễ tế trời đất. Đám rước tiếp tục ra bến sông Hồng trên bến Hữu Bị cách đền khoảng 3 km.
Kiệu dừng lại, Ban tổ chức đưa bình đựng nước xuống thuyền, thuyền có trang trí cờ hoa rực rỡ, gióng trống chèo ra giữa sông. Người tế chính múc nước trong vào bình, khi bình đầy nước thì đưa vào đặt lên kiệu, và lại theo đường cũ rước nước về đền. Nước trong bình được múc ra các bát để lên bàn thờ tiến hành tế nước. Tế xong, nước này ban cho con cháu họ Trần uống để không quên nguồn gốc tổ tiên.
Thuyết minh lễ hội - Mẫu 2
Dù ai đi ngược về xuôiNhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3Khắp miền truyền mãi câu caNước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Từ nhiều đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, đã luôn hướng tới một điểm tựa của tinh thần văn hóa – đó là lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương, được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Vào những năm chẵn (5 năm một lần), Giỗ Tổ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất chặt chẽ, bao gồm hai phần: lễ và hội.
Lễ hội Rước Kiệu được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc,… được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Từ chiều ngày mùng 9, làng nào được Ban tổ chức lễ hội cho phép rước kiệu dâng lễ đã tập trung tại nhà bảo tàng dưới chân núi, trên kiệu đặt lễ vật. Sáng sớm ngày mùng 10, các đoàn đại biểu tập trung ở một địa điểm tại thành phố Việt Trì, có xe tiêu binh rước vòng hoa dẫn đầu, diễu hành tới chân núi Hùng. Các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau kiệu lễ, lần lượt lên đền theo tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước thềm của “Điện Kính Thiên”, đoàn dừng lại, kính cẩn dâng lễ vào thượng cung đền Thượng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh (năm chẵn là nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu đại diện Bộ Văn hóa), thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước đọc chúc căn lễ Tổ. Toàn bộ nghi thức hành lễ được hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước có thể theo dõi lễ hội. Đồng bào dâng lễ trong các đền, chùa trên núi, ai cũng có tâm nguyện cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ độ trì cho con cháu.
Lễ Dâng Hương sẽ được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa hơn xưa. Các hình thức văn hóa truyền thống và hiện đại được đan xen nhau. Trong khu vực của hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, các khu văn thể,… được tổ chức và duy trì một cách trật tự, quy củ. Tại khu văn thể, các trò chơi văn hóa dân gian được bảo lưu có chọn lọc như: đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, rước kiệu, kéo lửa nấu cơm thi, đánh cờ tướng (cờ người)…. Có năm còn diễn trò “Bách nghệ khôi hài”, “Rước chúa gái”, “Rước lúa thần” và trò “Trám” tại khu vực hội. Cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Hội ngày nay chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hóa giữa các vùng. các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời đóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hòa, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Những làn điệu Xoan – Ghẹo với lời ca tinh tế, mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hóa vùng Trung du Đất Tổ. Một điểm quan trọng nằm ở giữa trung tâm lễ hội là nhà bảo tàng Hùng Vương, ở đây lưu giữ vô số những cổ vật đích thực của thời đại các Vua Hùng.
Thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sự cao đẹp của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Hàng năm, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần tín ngưỡng của người Việt Nam. Không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo…. Tất cả những người con đang sống trên mọi miền Tổ quốc, những người con xa xứ đều bình đẳng về mộ Tổ, thăm đền và dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.
Thuyết minh lễ hội - Mẫu 3
Lễ hội là tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc. Hầu như làng, xã nào cũng có lễ hội được tổ chức vào đầu xuân. Mọi người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:
Dù ai buôn đâu, bán đâuHễ trông thấy tháp chùa Dâu thì vềDù ai buôn bán trăm nghềNhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Câu ca dao như một lời nhắc nhở các tín đồ phật giáo hãy nhớ về hội Dâu được tổ chức vào đầu xuân hàng năm.
Hội Dâu được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XV. Mặc dù vậy chùa Dâu vẫn giữ được những nét nguyên bản từ khi được xây dựng tới nay. Hàng năm, chùa Dâu thu hút rất nhiều tín đồ đến thắp hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân háo hức tổ chức sửa sang chùa chiền. Ngay từ chiều mùng 7 đã có lễ rước các bà Dâu, bà Đậu, bà Đàn, bà Keo mà theo truyền thuyết bốn bà được tạc từ một cây dâu, chị cả là bà Dâu nên chùa Dâu được xây dựng lớn nhất. Đặc biệt vào ngày mồng 7, các vãi đến để cúng, quét dọn và làm lễ rửa chùa. Ngày hội chính diễn ra rất sôi động, náo nhiệt. Mọi người đến đây với lòng thành kính, kính mong đức phật ban cho sự an lành, ấm no. Chùa có rất nhiều gian, điện, đặc biệt có pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ đạt đến chuẩn mực nghệ thuật cao với các tỉ lệ của người thật. Hành lang hai bên có những pho tượng với nhiều tư thế, nét mặt khác nhau. Người ta đến lỗ hội không chỉ để thắp hương, cầu an mà còn để vui chơi, đón không khí ngày xuân. Có rất nhiều trò chơi được tổ chức trong lễ hội như: đu quay, hát quan họ đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị dưới thuyền rồng với những trang phục mớ ba, mớ bảy cổ truyền. Khắp sân chùa là những hàng bán đồ cúng, những nén hương trầm, hay những đồ chơi dân gian cho trẻ em như sáo, trống... hoặc chỉ là những bông lan thơm ngát. Tất cả tạo ra một không khí cộng đồng ấm cúng. Mọi người quên đi sự bận rộn, quên đi sự bon chen, thách thức để nhớ tới đức phật cùng sự thánh thiện, nhớ tới cõi bình an của tâm hồn. Khoảng 7 giờ sáng ngày 8/4, người ta đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng cúng tế dâng sớ cầu mong bình an, lạy tạ các vị thánh thần, phật pháp của đội tế lễ tứ sắc chùa lập ra. Đặc biệt, ở lễ hội Dâu thờ Tứ Pháp là Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.
Sau khi các cụ làm lễ xong, đoàn rước từ chùa Tổ bắt đầu quay về, hàng đoàn người kéo nhau đi theo hộ tống. Người đi đầu cầm bình nước, người thứ hai dâng hương, tiếp đó là đoàn kiệu được những trai tráng của lồng khiêng. Họ mặc những trang phục như quân tốt đỏ thời xưa, theo sau là các bà mặc áo nâu đội sớ. Người cầm nước vừa đi vừa cầm cành trúc vẩy nước vào những người xung quanh như ban sự may mắn cho mọi người. Người ta quan niệm rằng ai được vẩy nước vào sẽ may mắn, được Phật ban phước quanh năm và được Phật phù hộ, bảo vệ. Khi hội tan, mọi người về rồi thắp hương ở ngoài sân thờ nhớ lời hẹn gặp năm sau. Nhưng lạ lùng hơn hầu như năm nào sau hội trời cũng mưa và người dân cho đấy là lễ tẩy chùa, ở một khía cạnh nào đó thì đây được coi như một điều linh nghiệm huyền bí.
Lễ hội thể hiện trình độ tổ chức cao, sự kết hợp giữa làng xã và ý thức cộng đồng, cuốn hút khách thập phương với những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, phong phú. Đối với Bắc Ninh, cái nôi của Phật giáo thì đây là dịp thể hiện sự tài hoa, tinh tế, lịch lãm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Là một người con của Bắc Ninh, em cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương mình và em sẽ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa ấy, đặc biệt là những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc vào những ngày đầu xuân.
Thuyết minh lễ hội - Mẫu 4
Tây Nguyên một vùng đất hùng vĩ với những cao nguyên đất đỏ xếp tầng, được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những mảnh đất bazan màu mỡ, khí hậu quanh năm ôn hòa. Nơi đây quy tụ nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, những con người thật thà chất phác mang đậm bản sắc của núi rừng cao nguyên. Có thể nói Tây Nguyên là cái nôi của những sử thi huyền thoại, là vùng đất giàu có với những truyền thống văn hóa độc đáo, đậm chất núi rừng linh thiêng. Đua voi là một trong những lễ hội cuốn hút, độc đáo nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Lễ hội được tổ chức vào tháng ba âm lịch, cứ hai năm lại có một lần lễ hội như vậy. Người ta chọn mùa xuân là mùa tổ chức lễ hội đua voi nhằm thể hiện mong muốn một khởi đầu năm mới, tốt đẹp, ấm no hạnh phúc cho người dân khắp các thôn bản, tạo nên một không khí tưng bừng, nhộn nhịp, làm say đắm bất kỳ những ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Voi là con vật biểu tượng cho núi rừng Tây Nguyên, từ lâu đã được thuần hoá là vật nuôi rất có ích và chung sống thân thiện với con người. Chúng giúp người dân kéo gỗ, chở đồ, vận chuyển hàng hoá, và đặc biệt chúng còn được huấn luyện để biểu diễn trong các lễ hội, trong các sở thú. Voi là loài động vật to lớn nhưng hiền lành, thông minh và có khả năng ghi nhớ rất nhanh, chính vì lẽ đó mà chúng từ lâu trở thành người bạn thân tình, gắn bó với người dân Tây Nguyên cả trong chiến tranh và trong đời sống hàng ngày. Đây được coi là loài động vật linh thiêng và được nhân dân yêu quý, tôn kính như một biểu tượng mạnh mẽ của mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió.
Quả thật Tây Nguyên là một vùng đất có không khí thích hợp để tổ chức các lễ hội vui tươi.Lễ hội Đua Voi được tổ chức tại Đăk-Lăk nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá, tinh thần thượng võ và tài nghệ cưỡi voi của đồng bào Tây Nguyên. Hội Đua Voi được tổ chức cùng với các lễ hội khác như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi, Lễ Ăn Trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), Lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), Văn hóa cồng chiêng... Đồng bào tin vào một năm mới tràn đầy niềm vui, mùa màng bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.
Hội Đua Voi được tổ chức rất hoành tráng nhộn nhịp nhưng chỉ kéo dài trong vòng một ngày duy nhất. Tuy nhiên công việc chuẩn bị đã diễn ra từ trước đó vài tháng, những con voi dự thi sẽ được chủ của chúng đưa tới những bãi cỏ xanh ngát, được ăn uống no nê đủ các loại trái cây, rau cỏ như: Đu đủ, mía,...Chúng không phải làm việc mà nghỉ ngơi để dưỡng sức thi đấu thế nên chú voi nào cũng béo tốt, tràn đầy năng lượng. Tới ngày hội, đàn voi nô nức tập trung về một bãi đất trống rộng lớn để thi tài, tại những bãi đất bằng phẳng các chú voi phải trải qua ba phần thi gay cấn: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sê-rê-pôk., Voi đá bóng. Người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên kéo đến để thưởng thức lễ hội, các bộ y phục sặc sỡ màu sắc, tiếng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt, khiến cho lễ hội thêm phần náo nhiệt, rộn rã. Ngoài ra khi du khách đến tham quan được hoà vào không khí hội, còn được thưởng thức những món ăn đặc sản đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Hội Đua Voi bắt đầu bằng khi vị trọng tài thổi một tiếng tù vang vọng báo hiệu trận đua sắp bắt đầu, những chú voi thông minh, mạnh mẽ, dưới sự chỉ huy dẫn dắt của các chàng trai dũng cảm, khỏe mạnh bậc nhất từng buôn làng lần lượt tiến vào vạch xuất phát, từ từ quỳ bốn chân xuống, như một lời chào thân thiện dành cho những người cổ vũ. Thông thường một đội đua gồm hai chàng trai gọi là các Man-gát, mang trên mình những bộ quần áo thổ cẩm có màu sắc sặc sỡ, có thể cột thêm một dải vải màu để phân biệt các đội. Sau khi xong thủ tục chào hỏi, trọng tài lại thổi tiếp một hồi tù khác, hồi tù này dứt khoát và mạnh mẽ hơn nhiều, để bắt đầu cuộc đua, những chú voi tiến lên phía trước trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, tiếng gõ chiêng, tiếng reo hò vang dội như tăng thêm nhuệ khí cho từng vận động viên. Đàn voi cứ thế lao đi, chàng trai ngồi đầu dẫn voi, luôn cúi rạp mình áp sát vào lưng voi để ổn định cơ thể, tránh sức cản của không khí góp phần khiến voi chạy nhanh hơn. Đôi mắt lúc nào cũng thận trọng quan sát tứ phía và điều khiển chú voi bằng một thanh sắt nhọn dài khoảng 1 mét, mỗi khi voi chạy chậm lại họ lại dùng cây sắt đâm vào mông khiến voi đau, nó liền lồng lên và chạy nhanh hơn nữa. Nhưng không chỉ chạy nhanh là được, voi còn phải chạy đúng đường của mình, đây là nhiệm vụ của người ngồi phía sau, họ sẽ dùng một cái búa gọi là búa Kốc, nện vào mông voi để voi chạy thẳng hướng, tránh lấn sang làn của đội khác, theo đúng lộ trình đã vạch ra. Càng về gần đích, tiếng hò reo cổ vũ cùng tiếng chiêng, trống hòa nhịp gõ vang, rộn ràng náo nhiệt cả một vùng lại càng to, voi thấy thế lại càng hăng, cố sức phóng về đích. Hội đua kết thúc, các chú voi trở về buôn làng trong sự tự hào, kính trọng khôn xiết của người dân nơi đây.
Hội Đua Voi kết thúc buôn làng kéo nhau quây quần cùng nhau ăn uống, vui chơi. Tiếng cồng chiêng vang lên nồng cháy, những chàng trai cô gái nắm tay nhau nhảy múa quanh quanh đống lửa sáng rực. Những cụ già say sưa trò chuyện vui vẻ. Lễ hội dường như gắn kết con người lại với nhau, khiến họ trở nên gần gũi thân tình, mang một màu sắc tươi mới phủ lên vùng đất cao nguyên hùng vĩ.
Lễ hội Đua Voi từ lâu đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên vùng đất Tây nguyên đầy nắng và gió, chứa đựng màu sắc anh hùng thượng võ, lối sống mạnh mẽ của đồng bào nơi đây từ thuở xa xưa. Đến với Bản Đôn du khách sẽ được thỏa sức thả hồn vào thiên nhiên núi rừng thơ mộng, được khám phá những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, được thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Ngày nay lễ hội Đua Voi không còn chỉ gói gọn trong văn hoá buôn làng Bản Đôn mà đã được phát triển thành một lễ hội du lịch thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.
4. Thuyết minh về một lễ hội truyền thống (11 Mẫu)
Thuyết minh về lễ hội - Mẫu 1
“Làng quan họ quê tôiTháng giêng múa hát hộiNhững đêm trăng hát gọiCon sông Cầu làng bao xanhNgang lưng làng quan họ xanh xanh”
Chỉ bằng ngần ấy câu ca thôi đã hiện lên trong ta bao nhiêu cảm xúc xốn xang về một lễ hội truyền thống được rất nhiều người dân chờ đón - Hội Lim. Nơi mà những câu ca quan họ đã ăn sâu thấm nhuần vào từng mạch máu thớ thịt của người dân Kinh Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Nhắc đến vùng Kinh Bắc là nhắc đến một mảnh đất đã in đậm những dấu ấn đặc sắc của văn hóa và lịch sử dân tộc. Mỗi bước đi trên mảnh đất này, mỗi công trình kiến trúc đều in đậm dấu ấn của thời gian, của những thăng trầm mà dân tộc ta đã trải qua. Và Hội Lim chính là một dấu ấn khó phai ở đó.
Hội Lim là một lễ hội truyền thống thường được tổ chức thường niên mỗi năm vào ngày 13 tháng giêng âm lịch tại huyện Tiên Du. Đây được coi là một trong những đặc trưng văn hóa của vùng Kinh Bắc. Dù cho thời gian chuyển động không ngừng thì những giá trị đó vẫn không hề bị mai một và mất đi. Đến ngày nay Hội Lim không chỉ còn là một đặc trưng văn hóa trong vùng nữa mà nó đã vượt lên trên cả không gian trở thành một điểm dừng chân lí tưởng cho du khách buổi đầu năm.
Theo như truyền thuyết kể lại rằng lễ hội Lim được bắt nguồn từ hội chùa liên quan đến tiếng hát của chàng Trương ở làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ dựa trên chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất của Hội Lim cũng nghiêng về lễ hôi sinh hoạt văn hóa và hát quan họ.
Nói về tuổi thọ thì có lẽ hội Lim có lịch sử vô cùng lâu đời và phát triển từ quy mô hội hàng tổng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp hội Lim tạm ngưng hoạt động phải đến sau đổi mới nó mới bắt đầu quay trở lại với đời sống tinh thần người dân trong vùng.
Ngoài ra, hội Lim còn có một ý nghĩa đó là thể hiện sự kính trọng tưởng nhớ đến ông Hiếu Trung Hầu người sáng lập ra những làn quan họ ngọt ngào. Hội Lim diễn ra ở 3 xã chủ yếu là Nội Duệ, Liên Bảo và thị trấn Lim. Thời gian diễn ra lễ hội thường là 3- 4 ngày trong đó ngày 13 âm lịch là lễ chính bao gồm có nhiều hoạt động nhất như thi nấu cơm, hát quan họ, đấu vật....
Hội Lim mở đầu là màn rước kiệu với rất nhiều các thành viên mặc trang phục cổ trang, sau đó các liền anh liền chị sẽ đứng quanh lăng hát đối với nhau. Hội Quan họ được xem là phần hấp dẫn nhất của lễ hội Lim các liền anh liền chị sẽ ngồi trên thuyền thúng giữa ao sau đó hát đối những câu hát ngọt ngào. Đây cũng là dịp các bạn trẻ nam thanh nữ tú tụ họp để tìm ý trung nhân cho mình.
Hội Lim đã làm say lòng biết bao nhiêu du khách thập phương. Bằng những câu hát trao duyên ngọt ngào, trữ tình, những cử chỉ dịu dàng e ấp của các liền anh liền chị.... Nó không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống mà hơn thế còn thể hiện truyền thống yêu nước nhớ nguồn đáng quý của dân tộc.
................
Tải file tài liệu để xem thêm bài văn thuyết minh về lễ hội truyền thống
Từ khóa » Thuyết Minh Lễ Hội đền Gióng Sóc Sơn
-
Thuyết Minh Về đền Gióng Sóc Sơn
-
Thuyết Minh Về Một Nét đẹp Văn Hóa Truyền Thống Của Việt Nam (Lễ ...
-
Thuyết Minh Về Đền Gióng Sóc Sơn, Đền Sóc Và Hội Gióng Đền Sóc
-
Giúp Mk Vs '' Viết Bài Văn Thuyết Minh Về Lễ Hội đền Sóc Của Sóc Sơn ...
-
Hội Gióng đền Sóc – Lưu Giữ Nhiều Nét đẹp Văn Hóa Truyền Thống
-
Top 10 Thuyết Minh Về Lễ Hội đền Gióng Lớp 6 2022 - Học Tốt
-
TRUYỀN THUYẾT THÁNH GIÓNG VÀ LỄ HỘI ĐỀN GIÓNG SÓC SƠN
-
HỘI GIÓNG ĐỀN SÓC – VẾT TÍCH MỘT HUYỀN THOẠI
-
Tư Liệu Về Lễ Hội đền Gióng - Tài Liệu - 123doc
-
Bài Văn Thuyết Minh Về Lễ Hội Đền Gióng, Di Sản Văn Hóa Hội ...
-
Tiểu Luận Lễ Hội Đền Gióng, Khai Thác Các Giá Trị Văn Hóa Của ...
-
Hội Gióng ở đền Phù Đổng Và đền Sóc - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Viết Bài Thuyết Minh Về Lễ Hội Gióng - Ngữ Văn Lớp 6
-
Hội Gióng - Lễ Hội Tưởng Nhớ Vị Anh Hùng đánh Thắng Giặc Ân