Trách Nhiệm Dân Sự Do Vi Phạm Nghĩa Vụ Là Gì? - Luật Hoàng Anh

Khi vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:

Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ 1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. 2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”

Trách nhiệm dân sự có thể hiểu là hậu quả bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình. Căn cứ vào quy định trên, pháp luật quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là:

1.Bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự

Nghĩa vụ là việc mà bên có nghĩa vụ phải chuyển giao tài sản, thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì sẽ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích của bên có quyền, do đó, họ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đó. Bên có nghĩa vụ có thể vi phạm về thời hạn thực hiện, địa điểm thực hiện, đối tượng, phương thức, nội dung nghĩa vụ,…thì đều phải chịu trách nhiệm dân sự. Như vậy, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ những thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật thì đều bị coi là vi phạm và gánh chịu trách nhiệm dân sự. Theo đó, bên vi phạm có thể sẽ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc bồi thường thiệt hại, tùy vào từng trường hợp cụ thể và thỏa thuận của các bên.

2.Trường hợp không phải chịu trách nhiệm dân sự

2.1.Do sự kiện bất khả kháng

Trên thực tế, có nhiều trường hợp nghĩa vụ không được thực hiện không phải do lỗi cố ý của bên vi phạm, mà do một sự kiện bất khả kháng mà không thể lường trước hoặc kiểm soát được. Thiệt hại xảy ra nằm ngoài dự tính, ý chí của các bên, vì vậy, pháp luật quy định trong trường hợp này, bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đã xảy ra. Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ví dụ: bão, lũ, động đất,… Tuy nhiên, trên hết pháp luật vẫn tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, tự do thỏa thuận và định đoạt của các bên khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Bên cạnh đó pháp luật cũng không thể lường trước được hết các trường hợp có thể xảy ra. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của các bên trong những trường hợp đặc biệt, pháp luật quy định bên vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp bất khả kháng vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Ví dụ: trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa quốc tế, nếu trên đường vận chuyển mà gặp bão khiến cho hàng hóa bị hư hỏng một phần, phần còn lại nếu tiếp tục vận chuyển thì sẽ có nguy cơ hư hỏng toàn bộ. Lúc này, để bảo vệ lợi ích của cả bên nhận và cả bên bảo hiểm, công ty bảo hiểm có thể thỏa thuận với bên nhận hàng cho mình được xử lý phần hàng chưa hỏng, sau đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ cho bên nhận.

2.2.Thiệt hại xảy ra do lỗi của bên có quyền

Theo nguyên tắc chung, chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra do lỗi của mình. Do đó, trong giao dịch dân sự nếu việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại cho bên kia, những việc không thể thực hiện đó hoàn toàn do lỗi của bên có quyền, thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự về thiệt hại đó. Xuất phát từ lẽ công bằng, không ai phải chịu trách nhiệm về lỗi của người khác. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mang nghĩa vụ, tránh trường hợp bên có quyền lợi dụng cơ hội cố ý gây thiệt hại để nhận bồi thường. Ví dụ: A nhận gia công sản phẩm cho B, nguyên vật liệu do B cung cấp, thời hạn là 03 tháng. Tuy nhiên, B đã giao nguyên vật liệu chậm cho A, khiến A không thể hoàn thành nghĩa vụ đúng hạn. Trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm do lỗi thuộc về B.

3.Vụ án thực tế xét xử về chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

Bản án số 08/2020/DS-ST ngày 05/06/2020 V/v tranh chấp “hợp đồng gửi giữ tài sản” [1]

3.1.Nội dung vụ việc

Vào khoảng cuối năm 2018, ông có bán căn nhà của ông được hơn 300.000000đ, sau khi cho anh em và điều trị bệnh, còn lại 100.000.000đ. Do thời điểm đó ông bị bệnh, tâm trí bất an nhưng ông không có vợ con nên ông đưa 100.000.000đ cho em rể của ông là L giữ giùm. Sau đó, ông L đưa cho ông 20.000.000đ tiêu xài, còn lại 80.000.000đ ông gửi cho bà Nguyễn Thị B là em ruột của ông giữ giùm. Nay ông muốn lấy lại số tiền này để sinh hoạt và làm vốn làm ăn nhưng bà B không đồng ý giao trả lại nên ông khởi kiện đòi bà B phải trả số tiền 80.000.000đ. Quá trình giải quyết vụ án, ông thừa nhận do trước đây, có thời gian ông sống với bà B dưới ghe nên bà B có dùng một phần số tiền này để chi tiêu nên nay ông chỉ yêu cầu bà B trả lại ông số tiền 67.000.000đ (Sáu mươi bảy triệu đồng), rút một phần yêu cầu buộc bà B phải giao trả số tiền 13.000.000đ (Mười ba triệu đồng).

3.2.Quyết định của Tòa án

Căn cứ vào: -Khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 92; Điều 227; khoản 2 Điều 244, Điều 235, 266, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự. -Điều 206, 554, 556, 557; Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. -Điều 12, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bà Nguyễn Thị B phải trả cho ông Nguyễn Văn T số tiền 67.000.000đ (Sáu mươi bảy triệu đồng). Kể từ khi ông Nguyễn Văn T có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bà B còn phải chịu khoản tiền lãi tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự. 2. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bà Nguyễn Thị B phải trả số tiền 13.000.000đ. Quy định trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ nhằm ràng buộc nghĩa vụ các bên trong giao dịch dân sự, thông qua đó, các bên sẽ chủ động hơn trong việc hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Luật Hoàng Anh

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta509329t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 22/07/2020

Từ khóa » Ví Dụ Về Trách Nhiệm Dân Sự