Tranh Cãi Quanh Bài Thơ Bảy Bước Thời Tam Quốc - VnExpress Giải Trí

Hồi đầu tháng 11, tỷ phú Elon Musk đăng trên Twitter bài Thất bộ thi (Thơ bảy bước), gây tò mò trên khắp thế giới về dụng ý.

Nấu đậu đốt cành đậu, Đậu ở trong nồi khóc. Vốn sinh cùng một gốc, Sao nỡ đốt thiêu nhau?

(Bản dịch của Phan Kế Bính)

Hàng loạt trang báo Trung Quốc đưa tin về động thái của Elon Musk và chú thích tác giả của Thất bộ thi là Tào Thực (192-232) - con trai thứ ba của Tào Tháo và phu nhân Vũ Tuyên Biện đồng thời là nhà văn trứ danh thời Tam Quốc. Nhưng theo QQ, tác giả và câu chuyện xoay quanh bài thơ còn nhiều điểm nghi vấn, chưa được xác thực.

Câu chuyện lưu truyền phổ biến nhất về Thất bộ thi là năm 220, Tào Tháo chết, Tào Phi (anh của Tào Thực) từ Thái tử lên ngôi Ngụy Vương, sau đó xưng làm Ngụy Văn Đế. Dù sở hữu ngai vàng, Tào Phi vẫn lo sợ Tào Thực mưu đồ lật đổ mình, tìm cách trừ khử em trai. Một lần ở cung điện, Tào Phi lấy cớ Tào Thực mắc lỗi, yêu cầu Tào Thực làm một bài thơ trong bảy bước chân. Nếu không làm được sẽ bị lấy mạng. Tào Thực bèn dùng hình ảnh cành đậu đun hạt đậu để ẩn dụ việc huynh đệ tương tàn vì tranh quyền đoạt vị. Tào Phi cảm động, tha mạng cho Tào Thực.

Tranh vẽ Tào Thực của Cố Khải Chi (348-405) - họa sĩ, chính trị gia cổ đại Trung Quốc. Ảnh: QQ

Tranh vẽ Tào Thực của Cố Khải Chi (348-405) - họa sĩ, chính trị gia cổ đại Trung Quốc. Ảnh: QQ

Bài thơ xuất hiện sớm nhất trong bút ký Thế thuyết tân ngữ của văn nhân Lưu Nghĩa Khánh ở triều đại Lưu Tống (420-479). Khi cuốn sách ra đời, Tào Thực đã chết hơn 200 năm. Đây cũng là nguồn gốc duy nhất của bài Thất bộ thi, những ghi chép sau này đều dẫn lại từ cuốn sách. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nội dung trong Thế thuyết tân ngữ có căn cứ vì Lưu Nghĩa Khánh thông minh, tài năng xuất chúng, nhiều thông tin khác của Thế thuyết tân ngữ đáng tin cậy.

Tuy nhiên, Thất bộ thi không được ghi chép trong cả hai bộ Tuyển tập Tào Thực, một bộ do chính tay Tào Thực biên soạn, một bộ do Tào Duệ (con trai Tào Phi) sai người tổng hợp. Có ý kiến cho rằng có thể Tào Duệ không cho ghi chép bài Thất bộ thi nhằm bảo vệ hình tượng cho cha.

Vì vậy, tính thật giả của Thất bộ thi gây nhiều tranh cãi. Nhà văn, học giả Dư Thu Vũ cho rằng với trí thông minh của Tào Phi, nếu muốn giết Tào Thực, ông không thể bày ra thử thách vừa tàn bạo vừa như trò chơi trẻ nhỏ ở cung điện. Hơn nữa, Tào Phi hiểu rõ Tào Thực thông minh, xuất khẩu thành thơ, ông sẽ không làm khó em trai bằng cách này. Vì thế, Dư Thu Vũ cho rằng câu chuyện Tào Phi cảm động tha mạng cho em trai nhờ bài thơ là ấu trĩ.

Theo Dư Thu Vũ, Thất bộ thi so sánh độc đáo, mang âm hưởng Nhạc phủ (cơ quan âm nhạc đời Hán), có khả năng chính xác do Tào Thực viết. Nhưng bối cảnh tác phẩm có thể do người đời sau hư cấu mà thành. Diệp Gia Doanh - chuyên gia nghiên cứu văn học cổ điển - cũng nói câu chuyện về bối cảnh bài thơ không đáng tin cậy.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Thất bộ thi không phải tác phẩm của Tào Thực mà là kết quả của quá trình Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Yếu tố "bảy bước chân" có nét tương đồng câu chuyện đức Phật sinh ra đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen. Chi tiết "nấu đậu trong nồi vạc" cũng thường thấy trong sách về Phật giáo, nói về những đau khổ, kiếp nạn trong đời người.

Nhà nghiên cứu Trần Dần Khác cho rằng sau khi du nhập vào Trung Quốc, các câu chuyện về Phật giáo dần dần mang bản sắc vùng miền hơn để gần gũi lối sống, con người sở tại. Nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng được dân gian truyền miệng thành nhân vật chính trong Phật giáo, câu chuyện về bài thơ Thất bộ thi cũng như vậy, bởi sau khi Tào Thực qua đời hàng trăm năm, tác phẩm mới được lưu truyền.

Tranh cãi quanh 'Thất bộ thi' thời Tam Quốc Tranh cãi quanh 'Thất bộ thi' thời Tam Quốc

Giai thoại Tào Thực làm thơ sau bảy bước chân từng nhiều lần được cải biên trong các phim điện ảnh, truyền hình. Ở "Tam Quốc" 2010, Lý Vũ Hiên đóng Tào Thực. Video: Bilibili

Nghinh Xuân (theo QQ)

  • Hai lần Dương Quý Phi bị vua đuổi khỏi cung

Từ khóa » Bài Thơ Bảy Bước Của Tào Thực