Trật Khớp Hàm, Không Khép được Miệng Do Ngáp Lớn - VnExpress

Bác sĩ Đinh Thị Như Thảo, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi vào viện hai hôm trước, được chẩn đoán trật khớp thái dương - hàm hai bên. Bé được nắn chỉnh đưa hàm dưới về vị trí bình thường và băng cố định cằm đầu, theo dõi trong một giờ.

Sau điều trị, bé có thể ngậm miệng và cười bình thường. Khi đã nắn thành công, bệnh nhi cần băng thun cằm đầu 10-14 ngày để tránh tái phát, hạn chế các tác động quá mức lên ổ khớp.

Theo bác sĩ Thảo, khớp thái dương - hàm nối hàm dưới với hộp sọ. Trật khớp thái dương - hàm nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến cứng khớp, giãn dây chằng không hồi phục. Bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hại như tổn thương khớp thái dương - hàm, làm nhuyễn sụn khớp, thoái hóa và có thể dẫn đến dính khớp thái dương - hàm, thủng đĩa khớp.

Trật khớp thái dương - hàm thường do sang chấn đột ngột, há miệng lớn khi ngáp hoặc điều trị răng. Một số yếu tố thuận lợi là từng có tiền sử chấn thương, dị dạng xương hàm dưới và khớp thái dương rối loạn cắn khớp, giãn dây chằng khớp...

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ không ngậm miệng được sau ngáp, há lớn, khóc... cần đưa đến bệnh viện có chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được khám và điều trị kịp thời. Sau nắn chỉnh trật khớp, cần ăn thức ăn mềm, hạn chế nói chuyện to, cười lớn, há miệng quá mức...

Lê Phương

  • Sự thật thú vị về ngáp
  • Vì sao bạn ngáp liên tục
  • Người phụ nữ trật khớp cổ vì cười và hắt hơi

Từ khóa » Khép Miệng