Trẻ Cắn Nhau Không Làm Lây HIV - Tuổi Trẻ Online

QvtPCn0X.jpgPhóng to
Mọi trẻ em đều có quyền đến trường. Ảnh: Hoàng Hà

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, khẳng định: về mặt lý thuyết, HIV có thể lây qua việc tiếp xúc với các dịch sinh học trong cơ thể người bệnh. Do đó, nhiều người sợ rằng việc trẻ cắn nhau có thể làm lây virus này từ nước bọt, nhất là khi làm chảy máu. Tuy nhiên, đến nay, thế giới chưa hề ghi nhận một trường hợp nào lây nhiễm do hôn nhau hay cắn nhau.

"HIV không quá dễ lây như người ta tưởng" - bác sĩ Phạm Nguyên Bằng, Chương trình phòng chống HIV/AIDS thuộc Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nói. Theo ông, khả năng lây nhiễm HIV khi trẻ cắn nhau gần như bằng không. Giả dụ như trẻ cắn nhau đến mức chảy máu thì có hai khả năng xảy ra.

Thứ nhất, trẻ khỏe mạnh cắn trẻ nhiễm HIV: Máu của trẻ nhiễm HIV nếu dây vào miệng em bé khỏe mạnh thì cũng chỉ lượng rất ít, không đủ làm lây bệnh ngay cả khi miệng có xây xát. Mặt khác, virus cũng bị nước bọt tiêu diệt và nếu trẻ nuốt máu đó xuống dạ dày thì đến lượt dịch vị cũng làm chết virus.

Thứ hai, trẻ nhiễm HIV cắn trẻ khỏe mạnh: Trong nước bọt của người nhiễm HIV cũng có virus này nhưng với một lượng rất nhỏ, không thể gây lây nhiễm. "Các nhà khoa học đã tính rằng, để đủ lượng virus HIV để làm lây bệnh thì phải cần đến 2 lít nước bọt" - bác sĩ Nguyên Bằng nói. Nếu em bé bị cắn chảy máu, dòng máu chảy ra cũng có xu hướng đẩy nước bọt có virus và chảy tiếp ra ngoài chứ không hút vào bên trong. Trường hợp em bé nhiễm HIV bị chảy máu chân răng và máu dính vào vết thương của bé kia cũng vậy.

Cũng như ông Huy Nga, bác sĩ Bằng khẳng định trên thế giới chưa từng có người nào lây nhiễm HIV qua việc cắn nhau, dù đây là hành vi thường tình của các em bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở khắp năm châu.

Có nên lập trường riêng cho trẻ nhiễm HIV?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho biết, câu hỏuyjki này cũng được đặt ra khi Luật Phòng chống HIV/AIDS được trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, sau khi nghe các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế trình bày, các đại biểu đã nhất trí thông qua Luật, với nội dung không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cả chuyện học hành.

"Trên thế giới không hề có nước nào lập trường học riêng cho trẻ nhiễm HIV, ngay cả ở châu Phi nơi dịch bệnh hoành hành ghê gớm nhất" - ông Nga nói. Ở các nước phương Tây, nơi y học phát triển và việc bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng rất được coi trọng cũng vậy. Do đó, việc Việt Nam để trẻ HIV học chung trường với trẻ khác không phải duy ý chí, mà dựa trên cơ sở khoa học.

Còn bác sĩ Bằng cho rằng, việc lập trường riêng cho trẻ nhiễm HIV chẳng những không cần thiết mà còn có hại. Nó làm tăng sự kỳ thị với người nhiễm HIV - một trong những nguyên nhân khiến bệnh lan tràn do bệnh nhân giấu giếm, không điều trị và công khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Mặt khác, giải pháp này cũng không khả thi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.500-2.800 trẻ sinh ra nhiễm HIV, nhưng các bé không ở tập trung mà rải rác trên khắp cả nước. Không ngân sách quốc gia nào có thể chi trả cho việc xây dựng cở sở giáo dục riêng cho các cháu.

Theo bác sĩ Bằng, thay vì tách riêng trẻ nhiễm HIV, giáo viên các trường mầm non cần quan tâm theo dõi các cháu và chăm sóc đúng cách. Theo quy tắc y tế, bất kỳ ai bị thương chảy máu thì người xử lý cũng cần đeo găng tay, vì không ai biết máu đó có mầm bệnh hay không, tránh để cháu khác chạm vào. Nếu làm vậy thì các cháu vẫn được an toàn cho dù tình trạng sức khỏe của trẻ nhiễm HIV không được tiết lộ. Còn với những vết thương do trẻ cắn nhau, cần rửa sạch, sát trùng.

Bác sĩ Nguyên Bằng cho rằng, cách thiết thực nhất để giảm lo lắng cho các phụ huynh có con đang học mẫu giáo là giải thích, tuyên truyền cho họ. "Chúng tôi từng giải quyết một vụ "biểu tình" dữ dội của phụ huynh một trường tiểu học ở Tiền Giang, khi họ biết có một cháu bé nhiễm HIV được nhận vào lớp 1 ở đó" - ông Bằng kể. Các cán bộ chương trình phòng chống HIV/AIDS đã mời đại diện chính quyền, các sở giáo dục, y tế đến gặp mặt phụ huynh, và mời chuyên gia nói chuyện. Kết quả là họ đã đồng ý để con mình học cùng với em bé đó.

Tiến sĩ Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, cũng từng dàn xếp nhiều vụ phản đối tương tự của phụ huynh. Ông cho biết trong hầu hết các trường hợp, khi nghe giải thích rõ về cơ chế lây truyền của virus gây bệnh AIDS, các phụ huynh đều an tâm và không phản đối việc cho con mình học cùng với những em bé nhiễm bệnh nữa.

Từ khóa » Hiv Có Dễ Lây Cho Trẻ Em Không