Trẻ Nói Lắp: Biểu Hiện Và Cách điều Trị Như Thế Nào? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Nói lắp là gì?
  • 2. Nhờ đâu chúng ta phát âm được?
  • 3. Biểu hiện nói lắp như thế nào?
  • 4. Nguyên nhân và những loại nói lắp
  • 5. Khi nào bé cần đi khám?
  • 6. Bé có thể đi khám được ở đâu?
  • 7. Chẩn đoán nói lắp như thế nào?
  • 8. Điều trị nói lắp ra sao?
  • 9. Bố mẹ có thể giúp được gì cho bé?
  • 10. Tương lai của nói lắp

Tất cả chúng ta đều có những giai đoạn nói không trôi chảy, đặc biệt là lúc nhỏ. Chúng ta hay kéo dài một âm, lặp lại một từ nhiều lần hoặc phải ngừng một lúc mới nói được, dù rằng ý nghĩ đã xong, muốn tuôn lời ra mà bị “tắc tị”. Những điều này là khá bình thường, với điều kiện nó chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Nếu nó xảy ra nhiều, ở mọi lúc mọi nơi, đó có thể là nói lắp đấy!

1. Nói lắp là gì?

Nói lắp là một rối loạn ngôn ngữ đặc trưng bởi sự lặp lại của âm thanh, âm tiết hoặc từ. Sự kéo dài âm và gián đoạn lời nói, như bị chặn lại, cũng là nói lắp. Người mắc phải biết chính xác những gì mình muốn nói nhưng gặp khó khăn trong việc tạo ra một lời nói bình thường.

Mất trôi chảy khi nói có thể kèm các bất thường về vận động như chớp mắt hoặc run môi. Nó có thể gây khó khăn khi giao tiếp với người khác. Điều này thường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ với mọi người. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng làm việc, cơ hội thăng tiến. Việc điều trị cũng khá tốn kém.

Nói lắp ở trẻ đang dần trở lên rất phổ biến
Nói lắp ở trẻ đang dần trở lên rất phổ biến

2. Nhờ đâu chúng ta phát âm được?

Đó là nhờ sự phối hợp vận động chính xác của các cơ liên quan đến hơi thở, cơ tạo âm, cùng với những chuyển động của họng, vòm miệng, lưỡi và môi. Những chuyển động này được điều khiển bởi não và được theo dõi qua các giác quan về thính giác và xúc giác.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Các bệnh thường gặp ở trẻ, tải ngay ứng dụng YouMed.

3. Biểu hiện nói lắp như thế nào?

Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể từ ngày này qua ngày khác. Đặc biệt là khi căng thẳng hoặc phấn khích như khi đứng trước một đám đông hoặc nói chuyện điện thoại nặng hơn. Tuy nhiên khi hát, đọc hoặc nói đồng thanh, triệu chứng có thể giảm đi.

Việc nói không trôi chảy làm cơ thể bạn căng thẳng, sợ hãi khi phải nói chuyện với người khác. Bạn muốn che giấu khuyết điểm đó. Vì vậy, bạn có thể tránh một số từ nhất định hoặc từ chối nói chuyện trong một số tình huống. Ví dụ, bạn có thể không muốn nói chuyện điện thoại nếu điều đó khiến bạn nói lắp nhiều hơn.

Nó có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau:

  • Lặp lại một phần từ: “Tôi m-m-m-muốn uống nước”.
  • Lặp lại từ: “Đi-đi-đi học”.
  • Âm thanh kéo dài: “Tôi mmmmmuốn đi học”.
  • Tạm dừng: “Tôi…… không thích”.
Trẻ nói lắp: Biểu hiện và cách điều trị như thế nào ?
Trẻ nói lắp: Biểu hiện và cách điều trị như thế nào ?

Những nét căng thẳng có thể hiện rõ lên gương mặt hoặc những phần khác của cơ thể khi bạn bị nói lắp. Tuy nhiên, có một số trường hợp, người ta nói không trôi chảy nhưng không phải là nói lắp. Đó có thể là do sự cố ý để kéo dài câu, có thêm thời gian để suy nghĩ. Hoặc lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ với mục đích muốn nhấn mạnh. Ví dụ: “Tôi cần ờ…một gói mì tôm”, “Cô ta đang rất rất rất khó chịu”.

4. Nguyên nhân và những loại nói lắp

Trẻ từ 2 đến 6 tuổi có thể bị nói lắp. Đây là một giai đoạn bình thường mà nhiều trẻ phải trải qua, nhưng thường kéo dài không quá 6 tháng. Khoảng 75% trẻ em phục hồi, 25% còn lại tiếp tục nói lắp. Nếu mắc trên 6 tháng có thể là một bệnh lý. HIện tại, chưa biết nguyên nhân cụ thể nào gây ra. Người ta thấy rằng, trong gia đình nếu có bố, hoặc mẹ hoặc các anh chị mắc phải, thì nguy cơ của bé tăng lên gấp 3 lần. 

Ngoài ra, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ cho nói lắp:

  • Giới tính. Con trai có nhiều khả năng nói lắp gấp 2 – 3 lần so với con gái.
  • Cảm xúc và tính cách. Thất vọng, căng thẳng, bị kích động, bị thúc giục có thể khiến bạn nói lắp nhiều hơn. Ai đó trêu chọc bạn, hoặc chú ý đến câu nói của bạn, làm tăng tình trạng nói lắp. Nó khiến bạn bối rối và lo lắng nhiều khi nói chuyện.

5. Khi nào bé cần đi khám?

  • Kéo dài 6 – 12 tháng trở lên.
  • Con bạn bắt đầu nói muộn. Có thể kéo dài hơn nếu bé bắt đầu nói lắp sau 3 tuổi rưỡi.
  • Nói lắp nhiều hơn.
  • Gia đình có người từng như vậy.
  • Bé bị kèm thêm một rối loạn ngôn ngữ khác.
  • Con bạn phải “đấu tranh” khi nói chuyện. Bé đang gặp khó khăn, rất căng thẳng khi phải nói chuyện.

6. Bé có thể đi khám được ở đâu?

Nói lắp thường được chẩn đoán bởi một nhà bệnh học ngôn ngữ lời nói (speech language pathology), thường được biết đến nhiều hơn với cái tên nhà trị liệu âm ngữ. Họ là những chuyên gia y tế được đào tạo để kiểm tra và điều trị các cá nhân bị rối loạn giọng nói, lời nói và ngôn ngữ. Các địa điểm mà phụ huynh có thể đưa bé đến khám như sau:

  • Đơn vị Âm ngữ trị liệu – Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. HCM. Địa chỉ: 1A Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận Tân Bình, TP. HCM.
  • Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng – Bệnh viện Nhi đồng 1. Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP. HCM.
  • Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng – Bệnh viện Nhi đồng 2. Địa chỉ: 14 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM.
  • Khoa Phục hồi Chức năng – Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố. Địa chỉ: 15 Võ Trần Chí, Phường Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, TP. HCM.
  • Khoa Tâm Lý – Tâm thần Trẻ em – Bệnh viện Tâm thần TP. HCM. Địa chỉ: 165B Phan Đăng Lưu, Phường 1, Quận Phú Nhuận, TP. HCM.
  • Trung tâm Phục hồi Chức năng và Trợ giúp Trẻ tàn tật. Địa chỉ: 38 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP. HCM.

7. Chẩn đoán nói lắp như thế nào?

Để chẩn đoán rối loạn này, cần xem xét nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Quá trình nói lắp của trẻ (chẳng hạn như lần đầu phát hiện nói lắp và hoàn cảnh khi đó).
  • Phân tích hành vi nói lắp.
  • Đánh giá khả năng nói của trẻ.
  • Tác động của nói lắp vào cuộc sống của bé.

Sau đó, các chuyên gia này sẽ cố gắng xác định xem đứa trẻ có khả năng tiếp tục hành vi nói lắp của mình hay vượt qua nói lắp hay không. Để xác định sự khác biệt này, nhà trị liệu âm ngữ sẽ xem xét các yếu tố như tiền sử nói lắp của gia đình, liệu đứa trẻ nói lắp có kéo dài 6 tháng hay lâu hơn và liệu đứa trẻ có biểu hiện các vấn đề về ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ khác hay không.

Các bác sĩ bệnh học ngôn ngữ lời nói cũng sẽ kiểm tra lời nói và ngôn ngữ của con bạn. Điều này bao gồm:

  • Lắng nghe cách con bạn nói các âm và các từ.
  • Kiểm tra bé hiểu những gì người khác nói hay không.
  • Mức độ bé sử dụng từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ của mình như thế nào.

8. Điều trị nói lắp ra sao?

Có nhiều cách khác nhau để giúp đỡ người bị nói lắp. Bản chất của việc điều trị sẽ khác nhau, dựa trên độ tuổi, mục tiêu giao tiếp. Việc dùng thuốc là không được chấp nhận. Nếu có thì đó có thể là thuốc để điều trị các vấn đề sức khỏe khác đi kèm. Ví dụ như lo âu, trầm cảm, động kinh… Nếu bạn hoặc con bạn nói lắp, điều quan trọng là gặp nhà trị liệu ngôn ngữ để xác định các lựa chọn điều trị tốt nhất.

Đối với trẻ nhỏ, việc điều trị sớm có thể ngăn ngừa chứng nói lắp suốt đời. Một số biện pháp có thể giúp trẻ học cách cải thiện khả năng nói trôi chảy, đồng thời phát triển thái độ tích cực đối với giao tiếp. Một số nhà nghiên cứu khuyên rằng một đứa trẻ nên được đánh giá 3 tháng một lần để xác định xem nói lắp tăng hay giảm. Điều trị thường liên quan đến việc hướng dẫn cha mẹ về các cách để hỗ trợ cho bé.

9. Bố mẹ có thể giúp được gì cho bé?

Là bố mẹ, bạn chắc hẳn sẽ rất lo lắng khi bé nhà mình không thể nói trôi chảy như những bé khác. Hãy bình tĩnh, vì chỉ có sự bình tĩnh và kiên nhẫn của cha mẹ mới giúp được trẻ. Cùng với những điều trị từ nhà trị liệu âm ngữ, bạn cũng nên thực hiện những điều sau để giúp bé:

  • Đừng yêu cầu con bạn nói chính xác mọi lúc. Cho phép con nói chuyện một cách vui vẻ và thú vị.
  • Dùng bữa ăn gia đình như là một buổi trò chuyện. Hãy tắt ti vi, điện thoại để không làm phiền không khí gia đình.
  • Tránh sửa chữa hoặc chỉ trích bé.
  • Tránh cho trẻ nói hoặc đọc to khi không thoải mái hoặc khi nói lắp tăng. Thay vào đó, trong những thời điểm này, bạn cần khuyến khích các hoạt động không đòi hỏi phải nói nhiều.
  • Đừng ngắt lời con bạn hoặc bảo con bắt đầu lại.
  • Đừng bảo con bạn suy nghĩ trước khi nói.
  • Tạo cho bé một bầu không khí bình tĩnh khi ở nhà. Hãy cố gắng làm chậm nhịp sống của gia đình.
  • Nói chậm và rõ ràng khi nói chuyện với con bạn hoặc người khác khi bé có mặt ở đó.
  • Duy trì giao tiếp bằng mắt với con. Cố gắng không nhìn đi chỗ khác hoặc có dấu hiệu buồn bã.
  • Hãy để con bạn tự nói và hoàn thành những suy nghĩ và câu nói. Có một khoảng dừng ngắn trước khi trả lời câu hỏi của con.
  • Nói chậm với bé. Điều này cần thực hành nhiều. Tạo một mẫu hình nói chậm sẽ giúp ích cho trẻ nói trôi chảy.

10. Tương lai của nói lắp

Bé nói lắp lớn lên với sự trêu chọc, sự tự ti, mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực cải thiện việc xác định nguyên nhân và điều trị sớm bệnh nói lắpó.

Một số thành tựu đã đạt được. Ví dụ, tìm được các gen có thể gây ra nói lắp trong gia đình. Họ cũng đang phối hợp với các nhà trị liệu âm ngữ. Xác định trẻ em nào có khả năng mắc chứng nói lắp nhiều nhất và trẻ nào có nguy cơ tiếp tục nói lắp vào tuổi trưởng thành. Ngoài ra, họ cũng đang kiểm tra các cách để xác định những bé nào có kiểu nói lắp và các hành vi tương tự nhau, liệu có thể có một nguyên nhân chung hay không.

Các công cụ hình ảnh học được sử dụng để xem cấu trúc và hoạt động não của người bị nói lắp. Họ ghi nhận những khác biệt giữa những trẻ tiếp tục nói lắp và hết nói lắp. Trong tương lai, hình ảnh học não có thể giúp hỗ trợ điều trị nói lắp.

Nói lắp là một quá trình bình thường xảy ra ở phần lớn trẻ em. Đa phần trẻ sẽ tự hết mà không cần được can thiệp. Tuy nhiên, có một số trường hợp, trẻ cần được trợ giúp sớm. Bố mẹ nên nhận biết sớm những tình huống này để đưa trẻ đến nơi khám phù hợp. Hãy gặp nhà trị liệu âm ngữ, cùng lựa chọn cách tốt nhất để giúp bé tự tin nói những điều mình muốn.

Từ khóa » Nói Nhanh Nói Lắp