Trẻ Sơ Sinh Hay Vặn Mình, ọc Sữa Thì Có Nguy Hiểm Không?

TS.BS CAM NGỌC PHƯỢNG TS.BS CAM NGỌC PHƯỢNG Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Chào anh chị,

Trẻ nhỏ từ 2 – 4 tháng tuổi dễ bị ọc sữa sau bú, thường do trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này là do cơ vòng tâm vị giữa dạ dày và thực quản của bé còn yếu, chưa trưởng thành nên sữa dễ trào ngược từ dạ dày lên ống thực quản. Nếu trẻ vẫn bú tốt, tăng cân bình thường, không bị khò khè thì tình trạng trào ngược này không đáng lo ngại và thường sẽ giảm hẳn khi bé được 8 – 9 tháng tuổi.

Trong giai đoạn này, mẹ bé có thể giảm lượng sữa mỗi cữ nhưng tăng số cữ bú trong ngày (nhằm vẫn đảm bảo bé tiếp nhận đủ lượng sữa trong 24 giờ/ngày). Mẹ bé có thể cho con nằm đầu và lưng cao khoảng 30 độ khi cho bú. Và sau mỗi cữ bú, bé cần được bồng hơi đứng và vuốt nhẹ lưng cho ợ hơi trong 10 – 15 phút trước khi được đặt xuống cho ngủ. Nếu bé bú bình thì mẹ cần để ý núm vú khi bú phải đầy sữa tránh nuốt hơi. Và khi trẻ ọc sữa, mẹ nhớ để bé nằm nghiêng bên để tránh hít sặc.

Nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn, bé cần được bổ sung vitamin D và mẹ cần uống calci liên tục đến khi ngừng cho bú. Vitamin D có thể được bổ sung qua đường uống 400 UI/ngày. Bé sơ sinh bình thường có thể vặn mình nhiều và giảm hẳn lúc 3 tháng tuổi. Nếu mẹ thấy tình trạng vặn mình của con là bất thường, đáng lo thì mẹ có thể ghi hình bé trong thời gian bé vặn mình. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định chẩn đoán tốt hơn.

Nếu bé vẫn còn ọc sữa khi đã áp dụng những cách trên, mẹ đưa bé đến phòng khám sơ sinh của bệnh viện nhi hoặc Bệnh viện đa khoa Tâm Anh để được khám và hướng dẫn nhé.

Chúc mẹ và bé sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Đánh giá bài viết:

Từ khóa » Em Bé Vặn Mình