Trên 10 Nghìn Bộ Chữ Nôm Dao được Tin Học Hóa

Bàn Kim Duy bắt đầu thực hiện mã hóa chữ Nôm Dao Tuyên Quang từ năm 2018
Bàn Kim Duy bắt đầu thực hiện mã hóa chữ Nôm Dao Tuyên Quang từ năm 2018

Slay tỉa và trách nhiệm với tổ tông

Cụ Bàn Văn Minh là một “Slay tỉa” (nghĩa là sư thầy hay còn gọi là thầy tào) năm nay gần 90 tuổi. Cụ Minh nói rằng, nhà cụ có nhiều đời làm Slay tỉa. Khi đến tuổi xế chiều, không còn đủ sức đi cúng thì phải làm lễ kế nghiệp để trao lại sách cúng, tranh thờ và các đồ thờ linh thiêng cho người kế cận. Và điều làm cụ vui nhất đó là trọng trách này đều được con cháu họ Bàn trân trọng đón nhận một cách thành kính, chỉn chu nhất. Con trai cụ là Bàn Minh Lâm và cháu là Bàn Kim Duy giờ đây đều là những người am hiểu văn hóa Dao, biết chữ Dao, thuần thục các nghi thức nghi lễ... Và tương lai sẽ trở thành những người nối nghiệp.

Cụ Minh là đời thứ 23 làm thầy Tào của dòng tộc họ Bàn. Cụ Minh tự hào nói rằng, nhiệm vụ của thầy Tào là thực hiện các lễ cúng là để cầu mong những điều tốt đẹp đến gia chủ, cộng đồng, thôn, bản; hướng con người đến những điều tốt đẹp và luôn nhắc nhở con cháu không bao giờ quên tổ tiên, nguồn cội. Bởi vậy, những người làm thầy Tào luôn được người Dao kính trọng vẫn thường gọi là “thầy làm phúc”.

Hiểu được ý nghĩa sâu xa đó, ngay từ khi còn bé, Duy đã theo chân ông nội để tham dự các nghi lễ, học chữ Nôm Dao. Duy chia sẻ, học làm thầy Tào thực sự không hề đơn giản và học để trở thành một thầy Tào cao tay thì càng gian nan hơn. Đó là phải trải qua một quá trình học tập và kiêng kỵ vô cùng nghiêm ngặt; phải am hiểu văn hóa, lễ nghĩa, tu dưỡng đạo đức trong suốt cả cuộc đời. Anh luôn ý thức phấn đấu rèn luyện để đón nhận trọng trách thiêng liêng, nối dõi tông đường là đời thứ 25 làm thầy Tào của dòng họ Bàn.

Bàn Kim Duy miệt mài nghiên cứu chữ Nôm Dao
Bàn Kim Duy miệt mài nghiên cứu chữ Nôm Dao

Miệt mài học chữ

Điều quan trọng của mỗi Slay tỉa là phải biết chữ Nôm Dao. Bởi có biết đọc, biết viết thì mới có thể hiểu lời lẽ, kiến thức trong những cuốn sách cổ của cha ông để lại. Với tình yêu văn hóa, lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, Bàn Kim Duy có hành trình đặc biệt trên con đường học chữ và lưu truyền chữ Nôm Dao.

Từ năm 12 tuổi Duy đã luôn ngồi cạnh để xem ông nội viết chữ Nôm Dao rồi cùng ông lật giở từng cuốn sách cổ. Người Dao quan niệm đây là chữ của thánh hiền nên khi đọc, khi viết phải cung kính, tư thế ngay ngắn. Sách vở bảo quản phải để trong rương, trong hòm như báu vật gia đình, dòng họ .

Đến năm 25 tuổi, anh lại “tay nải” sang Cao Bằng tiếp tục tầm sư học đạo để hiểu hơn về chữ Nôm Dao. Năm 2018, Duy lại xuống Hà Nội theo học khóa học 4 năm tại Nhân Mỹ học đường do Ban Tôn Giáo Trung ương tổ chức tại Chùa Nhân Mỹ.

Duy chia sẻ, với anh, việc học chữ Nôm Dao luôn mang đến một nguồn cảm hứng đặc biệt. Những con chữ như những bức tranh tượng hình thú vị, hấp dẫn. Mỗi thầy dạy chữ đều có kinh nghiệm truyền dạy riêng, càng học càng thấy mình nhỏ bé trước tri thức rộng lớn của cha ông. Và càng đi vào kho tàng ấy càng khiến mình có động lực say mê tìm hiểu, học tập và có khát vọng lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Tin học hóa trên 10.000 bộ chữ Nôm Dao

Bàn Kim Duy hiện là nhân viên y tế của Công ty cổ phần Khoáng sản Kim loại màu Thành Phát Trung Minh (Yên Sơn). Trước đó, Duy cũng từng học khóa học công nghệ thông tin. Là dân IT (công nghệ thông tin) chính hiệu cộng thêm tình yêu văn hóa dân tộc mình, năm 2018, Duy bắt đầu thực hiện mã hóa chữ Nôm Dao Tuyên Quang. Với mong muốn việc làm này sẽ đưa loại văn tự cổ của người Dao lên máy tính phục vụ soạn thảo loại chữ đang có nguy cơ thất truyền này có thể tồn tại bền vững như các loại văn tự khác.

Bàn Kim Duy đã mã hóa trên 10.000 bộ chữ Nôm Dao lên máy tính
Bàn Kim Duy đã mã hóa trên 10.000 bộ chữ Nôm Dao lên máy tính

Ngày ngày sau giờ làm việc, Duy lại miệt mài soạn tài liệu, lấy chữ, lập danh sách, "vẽ" chữ, kiểm tra rồi thực hiện thao tác kỹ thuật mã hóa chữ nôm Dao lên máy tính. Duy say mê sưu tầm, kết nối với các bạn trẻ người Dao tại các tỉnh khác để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm.

Cái khó nhất là mỗi khi gặp từ đồng âm khác nghĩa, mọi người thường hay nhầm lẫn sang nhau, mỗi người một ý nên Duy phải mày mò đủ các nguồn tài liệu. Đó cũng chính là động cơ để Duy xuống Hà Nội tham dự lớp học tại Nhân Mỹ học đường. Duy bật mí, có những bộ chữ phải mất 2 tháng mới soạn thảo được đúng, chuẩn và ưng ý nhất

Duy vừa có dáng dấp hiền lành, nho nhã của một thầy đồ chính hiệu, lại vừa có phong thái của một “Slay tỉa” bản Dao. Và điều làm tôi ấn tượng nhất ở anh đó là một người trẻ năng động, trách nhiệm, cháy bỏng khát vọng cống hiến hết mình để bảo tồn những kho báu truyền đời của cha ông.

Kết quả, sau nhiều năm Duy đã thực hiện tin học hóa trên 10.000 bộ chữ Nôm Dao lên máy tính với trên 100 cuốn sách cổ bao gồm: Truyện thơ, sách thờ cúng, giáo lý, gia phả, văn bản dạy học chữ cơ bản… Một thành quả thực sự đáng trân trọng và ngưỡng mộ!

Không dừng lại đó, Duy là Trưởng nhóm của một Group “Bảo tồn văn hóa và chữ Viết Dao” trên Facebook. Nhóm hội tụ hơn 1.000 thành viên là các bạn trẻ người Dao khắp cả nước và có một số bạn người Dao sinh sống làm việc ở nước ngoài. Trên nhóm, mọi người thường thảo luận về ý nghĩa các bộ chữ, đăng các video dạy cách viết, các thành viên đều sôi nổi hưởng ứng. Duy vui vẻ nói, thế mới biết văn hóa Dao vẫn được các bạn trẻ yêu quý và trân trọng. Điều quan trọng là làm thế nào để thổi bùng lên thôi.

Mấy năm gần đây, thông qua mạng xã hội Duy kết nối được với nhiều tri thức uyên thâm người Dao để biên dịch các cuốn sách cổ như: “Sách về gia phả các dòng họ”, “Văn bản hành trình di cư người Dao”, “Câu chuyện của Bàn Đại Hội và Đặng Thị Hành”… Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ, hiện anh và Duy vừa hoàn thành biên dịch 2 cuốn sách, đang trong quá trình chờ Viện Hán Nôm kiểm định, cấp phép xuất bản.

Trên hành trình gìn giữ và quảng bá văn hóa Dao, phía trước Bàn Kim Duy vẫn còn nhiều dự định.

Học chữ Dao để hiểu thêm nhiều điều hay

Từ khóa » Bộ Chữ Nôm