“Trên Từng Cây Số” – Bộ Phim Một Thời để Nhớ - Lhs Bulgaria 1976

CÓ CHÚNG TÔI TRÊN TỪNG CÂY SỐ

Chúng tôi sinh ra từ lá cờ đỏ, Cái chết không làm cho chúng tôi sợ. Chúng tôi có mặt trên từng cây số , Có chúng tôi trên từng cây số – Và như thế đến tận cùng thế giới

Người đồng chí ngã xuống trong trận chiến quyết tử, Anh ngã xuống vì bạn, vì tự do. Để toả sáng và trở thành ngôi sao đỏ bé nhỏ. Để toả sáng và trở thành ngôi sao đỏ bé nhỏ, ngôi sao đỏ bé nhỏ.

Ние сме на всеки километър

Нас червеното знаме роди ни, нас не ще ни уплаши смъртта. Ние сме на всеки километър, ние сме на всеки километър – и така до края на света.

Пада другарят в смъртен бой, пада, за теб, свобода. За да изгрее и стане той малка червена звезда. За да изгрее и стане той малка червена звезда, малка червена звезда.

Trên từng cây số (tiếng Bulgaria: На всеки километър – Na vseki kilometar) là một bộ phim truyền hình Bulgaria, kể về cuộc chiến của nhân dân Bulgaria trong Đệ Nhị Thế Chiến, công cuộc tái thiết và chống lại các lực lượng phá hoại. Bộ phim gồm 26 tập chia làm hai phần, quay trong những năm 60 của thế kỷ 20 và bắt đầu trình chiếu từ năm 1969.

Diễn viên thủ vai chính đại úy Deanov lúc trưởng thành là Stefan Danailov (Стефан Ламбов Данаилов, 9/12/1942). Vai đại úy Bômbốp do nghệ sỹ nhân dân Grigor Vachkov (26/5/1932-18/3/1980) đóng.

“Thiếu tá” tài ba Bộ trưởng tâm huyết

Ở buổi rạng đông của vô tuyến truyền hình (đối với nước ta là thập niên 1960, đặc biệt là từ 1975), những bộ phim truyện nhiều tập trên màn ảnh nhỏ để lại trong lòng khán giả Việt Nam những ấn tượng khó quên. Bộ phim truyện tình báo “Trên từng cây số” dài 26 tập của điện ảnh Bulgaria nằm trong số những tác phẩm hiếm hoi đó, mang lại niềm hồi hộp, chờ đón kéo dài hàng mấy tháng trời.

Cuộc phiêu lưu thực thi công vụ của thiếu tá tình báo Deianov đẹp trai, tài ba và vô cùng mưu trí, dũng cảm trong phim “Trên từng cây số” đã lôi cuốn những người hàng xóm láng giềng quây tụ trước màn hình trắng – đen hồi ấy. Khán giả Việt Nam mê Deianov đến mức tìm mua ảnh của anh về dán trên tường, dán vào sổ tay, thậm chí còn gài vào ví như một thứ tùy thân… Hình ảnh Deianov thời đó còn oai phong và có giá trị hơn nhiều so với hình ảnh của điệp viên 007 mãi về sau này mới được ra mắt. Từ bấy đến nay, chàng diễn viên thủ vai Deianov – Stefan Danailov – đã trở thành biểu tượng của sự thành đạt ở xứ sở Hoa Hồng.

Stefan Danailov cất tiếng chào đời ngày 9.12.1942 tại Sofia và từ nhỏ đã nuôi mộng trở thành thủy thủ tàu viễn dương. Ngay khi đang ngồi ghế nhà trường, Stefan đã phát lộ năng khiếu đóng kịch nên cậu diễn viên nghiệp dư này được phân một vai trong bộ phim “Những dấu vết còn lại”. Có lẽ lần đầu xuất hiện trên màn ảnh ấy là hết sức thú vị và đã lái chí hướng của Stefan Danailov vào con đường nghệ thuật. Năm 21 tuổi (1963), chàng thanh niên đẹp trai được nhận vào học lớp đào tạo diễn viên của giáo sư Stefan Syrchadjev thuộc trường Đại học Sân khấu VITIZ mang tên Kr. Sarafov. Tốt nghiệp năm 1966, Stefan Danailov trở thành diễn viên chính của những nhà hát lừng danh ở Bulgaria như Nhà hát Nhân dân Ivan Vazov, Nhà hát Plovdiv (1966-1967), Nhà hát Quân đội Nhân dân, nay là Nhà hát Quân đội Bulgaria (1973-1979). Stefan Danailov đã đóng vai chính trong sáu chục bộ phim điện ảnh và truyền hình, kể từ những vai diễn đầu tiên trong các phim Buổi sáng thứ Hai, Biển, Mùi dầu lạc, đáng kể nhất là Viên thanh tra và đêm tối (1963), Chức vụ đầu tiên (hợp tác Liên Xô – Bulgaria, 1966), Thiên thần đen (1969),Trên từng cây số (truyền hình 26 tập, 1968-1971), Hoàng tử (1970), Ivan Kondarev (1972), Hừng đông trên sông Drava (1974), Yulia Vrevskaya(1977), Hơi ấm, Vũ điệu trắng, Mưa suốt 24 giờ (1982), Boris Đệ Nhất (1984), Cuộc chơi lớn (phim truyền hình, 1988), Vũ hội hóa trang (1990), Chàng Don Quixote trở về (1996), Sau ngày tận thế (1998), Hãy tha thứ cho chúng tôi (2003)… Ngoài ra, Stefan Danailov còn được mời tham gia những bộ phim do Bulgaria hợp tác sản xuất với Liên Xô, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italy… Ở cái thời bộ phim truyện hình sự nhiều tập Italy “Bạch tuộc” nổi đình nổi đám, hãng RAI của Italy đã mời Stefan Danailov sang đóng một số vai, và sự xuất hiện của “cựu sỹ quan tình báo Đỏ” đã hút hồn hàng triệu khán giả. Michel Placido – diễn viên huyền thoại làm nên thành công của chuỗi phim Bạch tuộc – đã nhận xét về người bạn diễn mới mẻ của mình: “Stefan Danailov là một diễn viên vĩ đại”.

Qua các kỳ Liên hoan phim toàn Bulgaria (thường được tổ chức tại thành phố biển Varna), Stefan Danailov đã được tặng giải Đặc biệt (1969) về phim Trên từng cây số, hai giải diễn viên nam xuất sắc nhất (1970) về vai Hoàng tử Sviatoslav Terter trong phim Hoàng tử và vai nam chính trong phim Thiên thần đen. Trên trường quốc tế, nghệ sỹ đã giành được giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Karlovi Vari (Tiệp Khắc) 1970. Tháng 11.2002 Stefan Danailov được tặng giải Paisiy Hilendarski (mang tên một nhà khai sáng thế kỷ XVIII được người Bulgaria phong thánh) về những cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa hiện đại Bulgaria… Mới đây nhất, ngày 9.4.2008, nghệ sỹ được tặng giải thưởng hàng năm của Hiệp hội Viện sĩ hàn lâm 21 vì có công thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và tổ chức củng cố nền văn hóa Bulgaria.

Với một bề dày trong lao động sáng tạo như thế, dễ hiểu vì sao, khi chuyển sang phụ trách những khóa đào tạo diễn viên từ năm 1988, Stefan Danailov lại được học trò tôn làm sư phụ. Năm 1996 ông được phong hàm phó giáo sư và năm 1999 – giáo sư của Học viện Điện ảnh và Sân khấu Sofia.

Cùng với những hoạt động sân khấu và điện ảnh, Stefan Danailov có một đời sống xã hội rất chan hòa và mang tính tiên phong – âu đó cũng là điều cần phải có của một thần tượng, một người của công chúng. Năm 1994, nghệ sỹ sáng lập, rồi nhận làm Phó chủ tịch của Quỹ xã hội Avansena, từ năm 1996 đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia thuộc Viện Quốc tế Sân khấu Địa Trung Hải. Từ năm 2001 đến năm 2005 là đại biểu quốc hội Khóa 39, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thuộc Quốc hội Bulgaria, góp phần xây dựng và thông qua nhiều sắc luật quan trọng đối với nền văn hóa – giáo dục nước nhà: Luật về Điện ảnh, Luật về Quyền tác giả, Luật về Thư viện Công cộng, Luật về Giáo dục Toàn dân, Luật về Giáo dục Đại học… Năm 2005, Stefan tái đắc cử đại biểu quốc hội và ngày 17.8 năm đó được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

Tuy bây giờ, nghệ sỹ ít xuất hiện trong những thước phim nghệ thuật, song có thể gặp lại trên những phương tiện truyền thông một gương mặt thân quen của thiếu tá tình báo Deianov – nay đã ngoại lục tuần, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ tinh anh và đôn hậu.

Ấy là khi Stefan Danailov – Bộ trưởng Bộ Văn hóa đến thăm khu nghỉ dưỡng của những nghệ sỹ lão thành với tình cảm thân tình và ra những quyết định nhằm cải thiện điều kiện sống cho họ.

Ấy là khi Stefan Danailov – Bộ trưởng Bộ Văn hóa đấu tranh quyết liệt với sự thoái thác của vị thị trưởng Sofia để phục chế tượng đài 1.300 năm Bungari (681-1981). Công trình nghệ thuật bề thế này là một trong những điểm nhấn của tổ hợp Cung Văn hóa Quốc gia, được khánh thành năm 1981, nhưng nay đã xuống cấp rất nhiều. Trước đây, để kỷ niệm người đã sinh ra mình, Cung Văn hóa đã mang tên Liudmila Zhivkova (con gái của cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Bulgaria Todor Zhivkov. Bà nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật Bulgaria. Bà chính là người nêu chủ trương và tổ chức việc xây dựng tổ hợp công trình Cung Văn hóa này rồi qua đời năm 1983 bởi những nguyên nhân đến nay vẫn chưa sáng tỏ)…

Quyết tâm của Stefan Danailov biểu thị rõ tâm huyết với nền văn hóa dân tộc, bởi vì Diễn đàn UNESCO tháng 2.2008 đã ra nghị quyết xây dựng Sofia thành trung tâm bảo tồn di sản văn hóa của cả vùng Đông Âu và Nam Âu.

Đăng Bẩy

Share this:

  • Facebook
  • Twitter
  • Email
  • LinkedIn
Like Loading...

Related

Từ khóa » Bôm Bốp đi A Nốp