Xem Chớp Bóng…liệt Truyện - Hiệu Minh Blog

Máy chiếu phim đầu tiên của VN. Ảnh: Wiki

Thời bên Bulgaria, mình đọc cuốn “Học tiếng Anh” qua tiếng Bulgaria, thấy kể bên Mỹ có drive in movie. Người xem ngồi trong xe hơi, ai sang có mui trần và ngắm lên màn ảnh.

Sang Mỹ mới biết đó là họ dùng cái phông to tướng 500-600 inches, dùng máy chiếu LCD đưa  lên. Thế mà cứ tưởng là gì ghê lắm. Đúng là cao bồi lừa đảo.

Ngồi trên xe hơi, có ôm eo người đẹp cũng không sướng bằng xem chớp bóng ở quê. Bà con gọi là chớp bóng vì có chớp và có bóng người, hầu hết là phim đen trắng.

Bãi chiếu bóng quê mình là cái chợ Trường Yên, nơi có thầy giáo Huấn dạy lớp 3 của Cua, cậu Kiểm, em mẹ Cua, bố anh Lập hiện là phó Giám đốc Học viện BCVT.

Cậu Kiểm làm thợ may, có cái máy Xanhde (Singer) chạy êm ru. Mợ Kiểm bán hàng xén. Mợ ghét chớp bóng vì mỗi lần họ về, mợ phải dọn hàng chỗ khác. Nhưng bán lại được nhiều kẹo bánh hơn. Thế mà nhà ấy giầu nhất huyện, mua cái xe Phavorite bằng mấy tấn lúa.  Xe Camry bây giờ chưa chắc đã sang bằng.

Bãi toàn gạch đá lổn nhổn do các bà đi chợ xí chỗ, lều quán bằng chiếu rách, trông như một bãi chiến trường. Thế mà đoàn chiếu bóng về là cả làng xua nhau ra dọn sạch bách.

Thích nhất là các anh chị thanh niên. Họ bảo tối nay có “Tiễu phỉ trên sa mạc” hay vô cùng. Tối sau có phim Truy Ngư, có tiên đẹp tắm truồng. Tháng sau có Hầm bí mật trên sông Elber, Chung một dòng sông.

Cả mấy làng kháo nhau từ vài tháng trước. Có cả áp phích nhưng thật ra truyền thông miệng nhanh hơn cả internet bây giờ.

Đoàn chiếu phim được đón như vua. Chắc là có ăn nhậu mà mình không biết. Dân biết làm chớp bóng oai hơn cả cán bộ trung ương.

Các cụ trong làng đồn, thằng Chén, con nhà ông cả Vại, biết điều khiển cái máy gì mà có hai vòng tròn, cứ bật lên là người từ trong đó chạy lên màn ảnh. Có múa hát, có ngoi sông, có cảnh thuyền bè, có người tắm, có ngựa phi và cả bắn nhau mà màn ảnh không thủng. Lạ lắm. Nó chả học hành gì mà lên cán bộ giỏi thế.

Rồi các cụ bảo, hôm nào chúng ta chui vào cái máy đó, rồi theo ánh sáng lên màn ảnh, cho cả làng biết tay. Nhưng nói xong lại nghĩ, nhỡ dọc đường nó mất điện thì mình rơi xuống, gãy cẳng, chả dại.

Cảnh "xoa lưng" trong Chung một dòng sông. Ảnh: Wiki

Bọn trẻ như Cua ghé mắt vào trong, xem ở đó người thật không, nhưng toàn bị tạt tai. Chỉ có chị nào xinh xinh thì được các anh trong đoàn ngó thử, rồi tối đó được ngồi cạnh anh quay máy. Anh ấy rỗi thì xoa lưng chị dù chả quen biết gì mà chả hiểu chị ấy có bị đau lưng không.

Thời đó không có điện nên phải có máy nổ lưu động. Đoàn chớp bóng thường để đồ trên cái xe bò, lăn từ làng này qua làng khác. Mãi sau này mới có ô tô tải, nhưng đó là đoàn chớp bóng quân đội.

Ông già nhà này cực ghét chớp bóng. Chị cả muốn đi xem phải nịnh cả hai ông bà may ra mới được đi. Ông bảo, đi xem bóng bánh, có ngày ễnh bụng cho mà xem

Trai gái rủ nhau đi xem phim, rồi sau ra đồng tâm sự. Tâm sự nhiều, nhi đồng ra đời.

Thôn nữ mê anh văn công hát hay, đàn giỏi, trống phách tung tung và kết thúc là trống của các chị nổi lên lùm lùm. Thời đó ở quê mà chửa hoang chỉ còn cách tự tử.

Chưa chập tối cả làng đã rộn hết cả lên, láo nháo gọi nhau đi xem chớp bóng. Giá vé người lớn 1 hào, trẻ con 5 xu. Bọn này lấy 5 xu mua bánh đa, cái kẹo mút. Thằng này mút vài cái rồi đưa cho đứa khác. Đứa nào mút nhiều là bị đấm.

Hàng rào chỉ là mấy sợ dây chăng lấy lệ. Vài mét có một dân quân đứng trông chừng. Bọn trẻ cứ nhảy đại, nhiều khi bị đánh chảy cả máu mũi nhưng cứ vào được bãi là sướng rồi. Có nhiều đứa còn cởi truồng bơi qua sông để lẻn phía sau, nơi không có ai trông.

Nhát gan như Cua thì ngồi ngoài xem phim ngược. Sau này họ khôn, che luôn cả phía sau bằng một tấm vải xanh.

Đợi phim chiếu được 10 phút thì cánh trông hàng rào cũng hếch mắt lên, thế là tháo khoán. Cả làng được xem, hò reo, trầm trồ.

Thường bắt đầu bằng phim thời sự 20 phút. Có lần chiếu về cảnh sông Hoàng Long chống lụt. Cả làng reo lên, ôi nhà bà Khải ngập nhút mái nhà kia, nhà bà Ba nữa. Ông Noãn mù mà cũng lên phim. Ôi con gà trống nhà tớ này, nó đang gáy. Con trâu nhà Cua kia kìa, rõ ràng mà, tao thấy cái chim nó lủng lẳng.

Phim chiếu trên màn ảnh, ở dưới tha hồ bình phẩm, chậc chậc như thạch sùng . Ối giời, sao mà đẹp thế, xinh thế, đánh võ tởm vậy, ẫm ỹ như cái chợ đêm.

Có phim nói về Hán gian, mọi người không ai bảo ai, đứng lên hô đả đảo, đả đảo. Nghe nói ở dưới huyện, có anh đi bộ đội rút luôn súng bắn lên màn ảnh.

Hán gian bị bắt năm 1979. Ảnh: Wiki

Bọn trẻ như Cua thì chửi bới “Tiên sư thằng Hán gian. Ném bỏ mẹ nó đi”. Thế là gạch đá văng lên màn ảnh rào rào. Có cả guốc dép. Nhưng một lúc phát hiện mình mất dép. Hóa ra thằng bên cạnh không dùng dép của nó mà lấy dép mình ném. Căm thù mà không mất tiền là OK.

Buổi chiếu thường kéo dài gần hai tiếng nên bọn trẻ con ngủ la liệt. Đứa nào đau đái thì cứ thế tương ra bãi. Có người kêu oai oái, tiên sư bà đứa nào đái ra quần ông. Thằng đái có mùi khai, gây cho thằng khác cơn thèm, thế là cả bãi đái, sáng ra cả chợ như cái bathroom ở quê.

Buồn nhất là nhìn thấy chữ Hết Phim. Cả làng tiếc nuối. Nhà Cua cách bãi chiếu bóng tới 4km, đi bộ lần mò trong đêm. Cả bọn vừa đi vừa ngủ. Thỉnh thoảng giẵm phải vũng nước vì ánh trăng trông sang sáng, cứ tưởng là đường, bước vào bãi cứt trâu là thường.

Sau này mới được biết là thanh niên trai tráng đi xem toàn chòng ghẹo chị em. Ngồi đằng sau toàn thò thay bóp vú, xoa lưng, sờ soạng lung tung. Hồi đó chả có ai hôn bao giờ.

Đã thế lại còn khoe chiến công, hôm nay tao bóp được 12 cái. Thanh niên trong xã, ngoài làng tranh nhau gái, toàn đánh nhau.

Có đơn vị bộ đội đóng quân trong làng. Dân phản ánh có mấy bộ đội rất hư, toàn lợi dụng sờ chị em.

Tay chính trị viên tức lắm, không xem phim mà đứng từ xa quan sát. Khi bãi chiếu bóng tan, thì có anh lính chạy ra trước. Bỗng hắn ngoặt lại và hét “quên dép, quên dép” khi đoàn người đang đi ra, hai tay hắn cứ tranh thủ đưa lên ngực các cô thôn nữ, nhưng họ xấu hổ nên không ai nói gì.

Sáng sau, cán bộ gọi tay lính kia lên. Hôm qua tôi đã chứng kiến những việc anh làm trong bãi chiếu bóng rồi, kiểu quên dép của anh như thế nào. Bây giờ có hai hình phạt, anh tự chọn. Một là đi hót phân cho cả làng trong 3 ngày. Hai là đi mua hai cân mỡ lá ngoài chợ về đây cho tôi.

Đương nhiên là chọn mua mỡ lá, dễ nhất. Anh chính trị viên bảo, bây giờ anh ngồi từ sáng đền chiều, hai tay hai cân mỡ lá, cứ thế mà bóp liên tục, ngừng là đi hót phân.

Trường Yên hôm nay. Ảnh: HM

Sau một ngày vật vã, tay kia tưởng chừng đổ gục xuống sân nắng hè nóng nực. Lúc đó cán bộ mới hỏi, thế nào chán chưa? Dạ, em biết rồi, em mà biết thế này thì xin đi hót phân còn hơn.

Đó đó, nó như hai cân mỡ lá mà thôi, có sướng gì đâu. Lần sau tái phạm, sẽ cho 12 kg mỡ lá, bóp 3 ngày liền. Từ đó hết nạn quên dép của bộ đội về làng.

Đi xa lâu rồi, chả biết bây giờ còn chiếu phim lưu động như xưa. Dù thời chân đất mắt toét, chả hiểu nội dung phim nói gì, chỉ thấy bắn nhau đì đoàng là sướng. Mỗi lần có chớp bóng về, cả làng vui như hội.

Bây giờ sang Mỹ, xem phim trong những rạp 3D, nhạc nổi, nhạc số, màn ảnh rộng, nhưng chẳng bao giờ tìm được cảm giác yêu bóng hình như thời nảo, thời nào.

Có thể do Tổng Cua nhớ anh chàng bóp 2 cân mỡ lá, vì lão chưa có cảm giác ấy vào thời xem chớp bóng, nên giờ thấy thiêu thiếu cái gì…là lạ. Quỷ thế.

HM. 3-12-2011

Rate this:

Share this:

  • Facebook
  • Email
  • Print
Like Loading...

Related

Từ khóa » Bôm Bốp đi A Nốp