Triển Vọng Trồng Sâm Ngọc Linh ở Hòn Bà
Có thể bạn quan tâm
Cây sâm Ngọc Linh được di thực về trồng thử nghiệm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà từ năm 2019. Đến nay, cây sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam. Thành công này mở ra cơ hội phát triển nghề trồng sâm Ngọc Linh tại Khánh Hòa trong thời gian tới.
Cây sâm Ngọc Linh được di thực về trồng thử nghiệm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà từ năm 2019. Đến nay, cây sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam. Thành công này mở ra cơ hội phát triển nghề trồng sâm Ngọc Linh tại Khánh Hòa trong thời gian tới.
Thích nghi tốt ở Hòn Bà
Được phát hiện từ những năm 1970, sâm Ngọc Linh (danh pháp Panax vietnamensis Ha et Grushv) còn gọi sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, thuốc dấu của người Xơ Đăng… là loại sâm quý mọc tập trung ở dãy núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)… trên độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại sâm quý, có hàm lượng saponin (dưỡng chất chính trong các loại sâm) cao nhất trên thế giới với 52 loại, đặc biệt có 24 loại saponin không tìm thấy ở những loại sâm khác. Để bảo tồn và phát huy giá trị cây sâm Ngọc Linh, nhiều địa phương trong cả nước như: Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lạc Dương (Lâm Đồng), Konplong (Kon Tum) đã tiến hành nghiên cứu, di thực loại sâm quý này về trồng thử nghiệm.
Tại Khánh Hòa, tháng 11-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh tại KBTTN Hòn Bà”, do ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khi ấy là Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Hòn Bà) làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu của đề tài nghiên cứu là đánh giá cụ thể điều kiện sinh thái, sự phù hợp của cây sâm Ngọc Linh tại các vị trí trồng khác nhau; khả năng sinh trưởng, phát triển và chất lượng của cây sâm Ngọc Linh trồng tại KBTTN Hòn Bà. Trong khuôn khổ đề tài, năm 2019, mô hình trồng sâm Ngọc Linh được thực hiện trên diện tích 1.000m2, chia thành 3 khu vực, với tổng cộng 19 luống trồng 834 cây sâm.
Theo ông Đỗ Anh Thy, đến nay, cây sâm Ngọc Linh được xác định thích nghi tốt với điều kiện tại đây; cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống gần 90%, cao hơn so với các khu vực đã từng di thực khác (chỉ đạt khoảng 50%). Kết quả đánh giá của Trung tâm Sâm và dược liệu TP. Hồ Chí Minh về cây sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm tại KBTTN Hòn Bà đều cho củ tươi trọng lượng từ 2,8 đến 3,6g. Từ phân tích bằng phương pháp hóa học và phương pháp sắc ký lớp mỏng, các mẫu sâm được xác định có sự hiện diện của hợp chất saponin toàn phần và hàm lượng saponin chính đều tăng, chỉ thấp hơn 1,5-2% so với sâm Ngọc Linh trồng nguyên vị tại Quảng Nam và Kon Tum.
Triển vọng nhân rộng mô hình
KBTTN Hòn Bà có tổng diện tích hơn 19.285ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 9.519ha, là nơi có đa dạng sinh học rất cao, nhiều nơi rừng vẫn còn nguyên vẹn. Khu vực đỉnh Hòn Bà có độ cao 1.578m so với mực nước biển được các nhà khoa học xác định có điều kiện sinh thái, thành phần thực vật, điều kiện thổ nhưỡng khá tương đồng với núi Ngọc Linh - nơi phân bố của loại sâm Ngọc Linh. Việc cây sâm Ngọc Linh được trồng thử nghiệm và thích nghi tốt tại Hòn Bà đã mở ra cơ hội để phát triển loại sâm quý này tại vùng đất Khánh Hòa.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Minh Thu - Viện Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nha Trang), sâm Ngọc Linh không chỉ có giá trị cao về khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Việc cây sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm thành công tại KBTTN Hòn Bà tạo ra cơ hội nhân rộng mô hình trồng loại sâm quý này ở những khu vực khác trong tỉnh có điều kiện tương đồng; giúp địa phương có thêm 1 loại cây trồng đặc sản, thay thế nguồn sâm đang cạn kiệt ngoài tự nhiên. Không chỉ vậy, người trồng cây sâm Ngọc Linh sẽ có thu nhập cao bởi giá loại sâm này tăng liên tục trong những năm qua. Cụ thể như ở Nam Trà My, trong các phiên chợ sâm gần đây, 1kg sâm có giá từ 100 đến 200 triệu đồng tùy loại; bình quân 1ha sâm trồng sau 5 năm có thể cho thu nhập vài chục tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Thy cho biết, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và các tỉnh có nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh (trong đó có Khánh Hòa) tổng kết, đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển sâm Ngọc Linh thời gian qua; xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-9. Từ kết quả đề tài nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh tại KBTTN Hòn Bà cho thấy, có thể di thực loại sâm này đến trồng tại KBTTN Hòn Bà. Tuy nhiên, để củng cố thêm số liệu, luận cứ khoa học về sinh trưởng, phát triển, chất lượng sâm Ngọc Linh trồng tại Hòn Bà cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn; đồng thời thành lập mô hình trồng sâm Ngọc Linh với quy mô lớn hơn tại Hòn Bà.
HẢI LĂNG
Từ khóa » Trồng Cây Nhân Sâm Ngọc Linh
-
Vườn Trồng Sâm Ngọc Linh MHG: Đi Chậm Mà An Toàn để Bảo Vệ ...
-
Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Sâm Ngọc Linh
-
Tiến Sĩ Trẻ Và Giấc Mơ Phổ Biến Sâm Ngọc Linh
-
Trồng Sâm Ngọc Linh & Kỹ Thuật Canh Tác "năng Suất Nhất"
-
Kỹ Thuật Trồng Sâm Ngọc Linh Cho Chất Lượng Tốt Nhất
-
Tự Trồng Tại Nhà Sâm Ngọc Linh Giống Sâm Quý Nhất Thế Giới
-
Trồng Nghìn Gốc Sâm Ngọc Linh, Nông Dân Thành Tỷ Phú - Vietnamnet
-
Báu Vật Sâm Ngọc Linh - TTXVN
-
Bất Ngờ Với Quy Trình Trồng Sâm Ngọc Linh Tự Nhiên ở Việt Nam
-
Mùa Sâm Ngọc Linh “ngủ đông” - Huyện Nam Trà My
-
Mùa Trồng Sâm Trên đỉnh Ngọc Linh - Báo Thanh Niên
-
Quy Trình Trồng Và Chăm Sóc Sâm Ngọc Linh
-
Trồng Hơn 1 Triệu Cây Sâm Ngọc Linh Trên Núi - Báo Lao động
-
Ly Kỳ Sâm Ngọc Linh: Vườn Sâm 'bí Mật' ở Lâm Đồng | Khoa Dược