Triển Vọng Từ Mô Hình Trồng Sả Lấy Tinh Dầu ở Ea Lai

Triển vọng từ mô hình trồng sả lấy tinh dầu ở Ea Lai 06:55, 28/10/2020

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, mô hình trồng sả Java lấy tinh dầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Ea Lai (huyện M’Drắk) với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng mía, tiêu, sắn…

Năm 2018, được cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân xã Ea Lai giới thiệu mô hình trồng sả Java để chưng cất lấy tinh dầu, có 5 hộ tham gia thực hiện mô hình với quy mô 2,5 ha. Sau 3 tháng trồng, cây sả Java sinh trưởng tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Đợt đầu người dân thu hoạch 7,5 tấn lá sả, chưng cất được hơn 75 kg tinh dầu, đem lại thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Sau 2 năm triển khai mô hình, đến nay trên địa bàn xã Ea Lai hiện có khoảng 30 hộ trồng sả với tổng diện tích hơn 20 ha tập trung tại các thôn 1, 9 và 11... Mỗi năm, sả cho thu hoạch từ 5 - 6 đợt lá, năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha; với giá thành ổn định ở mức 320.000 đồng/lít tinh dầu như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư người dân lãi từ 60 - 90 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, lá sả sau khi đã tách tinh dầu được bà con dùng đun thay củi và dùng làm phân hữu cơ bón cho vườn tiêu, ngô, lúa…

Người dân thôn 9 thu hoạch sả.
Người dân thôn 9 thu hoạch sả.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Thịnh (thôn 11) là một trong những hộ trồng nhiều sả Java tại địa phương. Trước đây, gia đình anh Thịnh trồng mía, tiêu, sắn, cà phê… song do đất xấu nên hiệu quả kinh tế không cao. Cuối năm 2018, sau khi được Hội Nông dân xã Ea Lai giới thiệu về hiệu quả của cây sả, anh Thịnh đã quyết định mua giống về trồng thử trên 4 sào đất của gia đình. Đợt đầu tiên anh thu hoạch được 4 tấn lá, chưng cất được 40 lít tinh dầu sả. Với giá bán 320.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí anh Thịnh lãi hơn 10 triệu đồng. Thấy cây sả phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư lại ít nên anh quyết định mở rộng quy mô trồng sả lên 1,5 ha. Anh Thịnh chia sẻ: “Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi héc-ta sả cho lãi hơn 60 triệu đồng. So với trồng cây tiêu, mía, sắn, lợi nhuận thu được từ cây sả cao hơn gấp 2- 3 lần".

Tương tự, chị Hoàng Thị Thương (thôn 1) cũng đã chuyển đổi 5 sào đất kém hiệu quả sang trồng sả. Đến nay, sả đã thu hoạch được 2 đợt, mỗi đợt chưng cất được 20 lít tinh dầu, chị Thương lãi gần 6 triệu đồng. Chị Thương cho hay: “Ưu điểm của cây sả là dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, nhất là không tốn nhiều công chăm sóc. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất 3 tháng, mỗi lứa sả cho thu hoạch cách nhau khoảng 40 - 50 ngày nên tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm”. Chị Thương dự định đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 5 sào cây kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng sả.

Từ năm 2019 đến nay, các hộ dân trên địa bàn xã Ea Lai bán ra thị trường hơn 1.000 kg tinh dầu, thu về trên 500 triệu đồng, nhiều hộ lãi trên 60 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Trịnh Đình Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã, mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, phù hợp với chủ trương của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích; đồng thời xúc tiến thành lập Tổ hợp tác chế biến tinh dầu sả nhằm tạo thuận lợi hơn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đức Khá

Từ khóa » Trồng Sả Kinh Doanh