Sả là cây trồng truyền thống ở xã Gio An. Trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế vùng gò đồi, UBND xã Gio An đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp phát triển cây sả phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Thuận lợi trong phát triển cây sả ở Gio An đó là người dân có nhiều kinh nghiệm trồng sả, tận dụng cải tạo đất vườn, khai hoang đất gò đồi để trồng sả. Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, sả là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít đầu tư công sức, chịu khô hạn tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, ít bị dịch bệnh như các loại hoa màu, chỉ cần làm cỏ, bón phân đúng quy trình là cho thu hoạch, nên được người dân quan tâm phát triển. Ước tính ở xã Gio An có khoảng 50% số hộ gia đình trồng sả; nhà ít thì có diện tích từ vài chục mét vuông trong mảnh vườn tận dụng để trồng sả, nhà nhiều thì có vài héc ta trong vườn kết hợp trồng ở vùng gò đồi. Ở xã Gio An hiện có 3 giống sả là sả trắng, sả tím lai, sả tím thường. Người dân trồng sả quanh năm, thu hoạch tập trung từ 2 đợt trở lên, thu hoạch xong lại làm đất tiếp tục trồng mới. Theo người dân địa phương, cây sả cho năng suất, chất lượng và được mùa, được giá nhất vào thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán. Bởi thời kỳ cuối năm, thời tiết thuận lợi cho cây sả sinh trưởng; nhu cầu sử dụng sả trên thị trường lớn, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá cả hợp lý nên người dân rất yên tâm. Chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Bình Sơn cho biết, cây sả rất dễ trồng, không kén đất; cây sống khỏe, ít sâu bệnh, có khả năng thích ứng tốt. Kỹ thuật trồng cây sả tương đối đơn giản, nếu trồng đúng kỹ thuật, tích cực chăm sóc, làm cỏ, bón phân theo quy trình, cây sả cho năng suất, chất lượng cao. “Gia đình tôi trồng sả được vài chục năm nay, với diện tích khoảng gần 2 ha. Nhờ có kinh nghiệm trồng sả và áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân đúng cách nên cây sả phát triển tốt. Cây sả có thể thu hoạch vào bất kỳ thời gian nào trong năm. 3 năm liên tục vừa qua, cây sả vừa được mùa vừa được giá, đem lại thu nhập khoảng trên 90 triệu đồng/năm nên gia đình tôi rất phấn khởi”, chị Lan nói. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhu cầu thị trường sử dụng sả khá cao nên chị Lan cũng như nhiều người dân địa phương thu hoạch sả đến đâu, bán hết đến đó. Tùy theo chất đất trồng sả tốt thì cho năng suất cao, đất trồng sả xấu thì cho năng suất trung bình. Năm 2021, ước tính đất trồng sả tốt cho thu hoạch khoảng 12 tấn/ha, đất không tốt thì cho thu hoạch 8 tấn/ha. Hiện nay, giá sả dao động từ 10.000 - 11.000 đồng/kg bán tại vườn cho thương lái. Dù không phải là cây trồng chủ lực nhưng cây sả đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu sả trên thị trường hiện nay khá lớn. Công dụng của cây sả hỗ trợ rất tốt trong đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh việc sử dụng làm gia vị, cây sả còn có nhiều tác dụng khác giúp chữa bệnh, tạo hương thơm dễ chịu, tốt cho sức khỏe, sát khuẩn, đuổi côn trùng… Khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là vào lúc giao mùa làm cho sức đề kháng của người bị suy yếu, dễ mắc bệnh cảm cúm, sổ mũi và một số bệnh thông thường khác, thì sử dụng phương pháp xông sả mang lại hiệu quả cao, giúp cơ thể bình phục trở lại. Nhiều gia đình đã sử dụng phương pháp xông hơi sả kết hợp với một số nguyên liệu khác như chanh, gừng, tía tô… mang lại hiệu quả trong chữa trị khi nhiễm COVID-19, cảm cúm và một số bệnh thông thường khác. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Hạnh, ở thôn Bình Sơn cho biết, gia đình chị hiện trồng gần 1 ha sả , ngoài ra còn thu mua sả để cung ứng cho các chợ đầu mối ở Gio Linh và nhiều địa phương khác ở huyện Vĩnh Linh, TP. Đông Hà... Hiện nay, giá sả ở mức cao nên người trồng sả rất phấn khởi. Giá thu mua hiện nay tại vườn khoảng 10.000 - 11.000 đồng/kg, có thời điểm thu mua với giá trên 13.000 đồng/ kg; giá bán tại các chợ đầu mối khoảng 20.000 đồng/kg. Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, hiệu quả kinh tế mang lại của cây sả đã được khẳng định. Với đặc tính dễ trồng, không đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư, công sức bỏ ra ít nên cây sả được người dân Gio An chú trọng phát triển. Trong 2 năm 2021 và 2022, diện tích trồng sả ngày càng mở rộng ở Gio An với hơn 73 ha; ước tính doanh thu năm 2021 đạt hơn 5,2 tỉ đồng. Chính quyền xã Gio An đã quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sả; chú trọng phát triển cây sả theo hướng tập trung, chuyên canh; khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp để trồng cây sả; chủ động liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm… Thời gian tới, diện tích đất trồng sả ở địa phương không còn nhiều, nên việc giữ vững ổn định diện tích, gắn với nâng cao chất lượng, năng suất cây sả là điều đang được quan tâm. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục giúp người dân duy trì ổn định diện tích, đầu tư khoa học kỹ thuật để góp phần tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cây sả. |